Các đại gia hầu như đang có trong tay ít nhất một dự án nông nghiệp

Các đại gia hầu như đang có trong tay ít nhất một dự án nông nghiệp

Nuôi heo, trồng lúa,... "thú vui mới" của các đại gia

(ĐTCK) Khi thương hiệu Gạo Nàng yến của ITA Rice (Thuộc Tập đoàn Tân Tạo) đã trở thành quen thuộc trên thị trường cũng là lúc nhiều “đại gia niêm yết” cũng là doanh nghiệp lớn của Việt Nam công bố sẽ cho ra đời những sản phẩm mang thương hiệu Việt trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mới đây nhất, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ra mắt Công ty TNHH MTV Thương mại và Sản xuất thức ăn chăn nuôi Hòa Phát với vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Mục tiêu HPG đặt ra cụ thể là phấn đấu đạt doanh thu khoảng 3.000 tỷ đồng trong vòng 3 năm tới. Bước đầu, HPG sẽ nhập hàng thương mại về bán, đồng thời xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Phố Nối A, với công suất khoảng 300.000 tấn/năm, đưa ra thị trường sản phẩm đầu tiên vào tháng 1/2016.

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc HPG khẳng định, sản xuất công nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ là chiến lược dài hạn của HPG. Hòa Phát sẽ ưu tiên nguồn lực về nhân sự, tài chính cho ngành nghề kinh doanh mới này. Không chỉ sản xuất thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát đã có kế hoạch nuôi gia súc, trước tiên là con heo ở miền Bắc để thực hiện quy trình sản xuất - kinh doanh khép kín trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi. Chưa có quyết định cụ thể, nhưng nhiều khả năng sản phẩm thức ăn chăn nuôi sẽ mang thương hiệu Hòa Phát.

Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) trong vòng 2 năm nữa cũng sẽ cho ra thị trường dòng sản phẩm thịt bò “Made in Việt Nam” khi thực hiện nhân giống thành công giống bò Úc ở trong nước để phát triển đàn bò, thay vì phải nhập khẩu bò tơ hoặc bò giống từ Úc như hiện nay. Sau này, đàn bò thịt HAG phát triển không chỉ cung cấp cho 1 đầu mối là Công ty Vissan, mà còn cho các doanh nghiệp có nhu cầu, cho tiêu thụ ở thị trường trong nước.

Trong khi đó, theo một số nguồn tin, PAN Pacific Corp, “con cưng” của đại gia Nguyễn Duy Hưng, với mục tiêu trở thành công ty hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm, cũng chuẩn bị giới thiệu ra thị trường sản phẩm nông nghiệp mang thương hiệu riêng, sau khi đã đầu tư vào những công ty con trong lĩnh vực này.

Cũng giống như bất cứ nhà phân phối nào, ngay sau khi bắt tay xây dựng hệ thống siêu thị bán lẻ, Tập đoàn VinGroup đã bắt tay vào sản xuất rau sạch tại Quảng Ninh. Không chỉ rau sạch, bước đi tiếp theo là VinGroup sản xuất các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu khác để đưa vào tiêu thụ trong hệ thống bán lẻ của mình giống như các nhà bán lẻ khác đang làm. Rau sạch là dòng sản phẩm cấp thiết nhất ở phía Bắc, do thiếu các nhà cung cấp quy mô lớn có thương hiệu.

Phải khẳng định rằng, nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm là lĩnh vực tiềm năng đang được các doanh nghiệp khai phá và nhà đầu tư có thể kỳ vọng doanh nghiệp gặt hái lợi nhuận từ những mảng sản xuất - kinh doanh này.

Bình luận về việc Hòa Phát đầu tư nuôi heo, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Kỹ nghệ súc sản Vissan cho biết, tỷ lệ heo nuôi công nghiệp mới chiếm 15% tổng đàn trong nước, còn lại đa số là nuôi nhỏ lẻ trong các hộ gia đình nên giá thịt heo tại Việt Nam đắt hơn các nước trong khu vực 25%. Lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc chịu sự chi phối của doanh nghiệp nước ngoài, nên giá thức ăn chăn nuôi cũng cao hơn mặt bằng giá trong khu vực.

“Trong chăn nuôi, người bán thức ăn được hưởng lợi nhiều hơn người chăn nuôi”, ông Mười cho biết. Vì thế ,theo ông, việc các doanh nghiệp lớn tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, một lĩnh vực tiềm năng là rất cần thiết, dù đã là hơi muộn ở thời điểm này, vì Việt Nam chuẩn bị gia nhập thị trường khu vực, thuế suất nhập khẩu bằng 0%.

Về mục tiêu dài hạn, ông Trần Tuấn Dương chia sẻ, nhu cầu thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam luôn đạt mức tăng khoảng 10%/năm, dự báo đến năm 2015 cần 18-20 triệu tấn thức ăn công nghiệp, doanh số hàng năm lên tới 6 tỷ USD. Ngành thức ăn chăn nuôi mặc dù có tỷ suất lợi nhuận không cao, áp lực cạnh tranh khốc liệt, nhưng quy mô ngành lớn và tiềm năng. Nếu Hòa Phát thành công sau 10 năm nữa, tỷ trọng đóng góp doanh thu, lợi nhuận của thức ăn chăn nuôi sẽ tương đương với thép hiện nay.

Với tiềm lực tài chính hiện tại, trong vòng 5 năm tới, Hòa Phát không gặp khó khăn gì khi đầu tư số vốn 5.000 - 10.000 tỷ đồng. Tập đoàn này dự kiến đầu tư 8.000 - 10.000 tỷ đồng trong 10 năm tới, xây dựng 5 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để đạt mục tiêu 10% thị phần ngành.

“Thực tế là 60% thị phần sản lượng thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam rơi vào tay các doanh nghiệp FDI. Hòa Phát mong muốn sau 10 năm nữa có thể vẽ lại một chút bản đồ thị phần ngành thức ăn chăn nuôi với sự hiện diện rõ nét hơn của doanh nghiệp Việt”, ông Dương chia sẻ.

Tin bài liên quan