Nóng, lạnh chuyện thoái vốn tại Vinamilk

Nóng, lạnh chuyện thoái vốn tại Vinamilk

(ĐTCK) Câu chuyện thoái vốn của Chính phủ tại Vinamilk (VNM) là một trong 9 vấn đề được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, dư luận đang rất quan tâm, nên ông đã chủ động trả lời với báo chí. 

Cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11 diễn ra cuối tuần qua, chuyện của Vinamilk được xếp chung trong nhóm các vấn đề nóng trong xã hội, như dự toán về ngân sách 2016; việc phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế hay chuyện có đáng lo khoản nợ của DNNN (tới 1,57 triệu tỷ đồng) sẽ đe dọa an ninh tài chính quốc gia…

Báo chí được dịp chờ đợi thông điệp từ Chính phủ với các vấn đề kinh tế lớn. Bức tranh chung được Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên chia sẻ là duy nhất chỉ tiêu CPI tháng 11 là thấp ngoài kế hoạch (CPI tháng 11 là 0,07%, trong khi dự báo của Chính phủ là 0,6%), còn lại, các chỉ tiêu khác đều diễn ra như dự kiến. Nếu không có diễn biến bất thường, kinh tế Việt Nam 2015 sẽ về đích với GDP tăng trên 6,5%, tạo đà cho kế hoạch GDP năm 2016 ở mức 6,7%.

Liên quan đến Vinamilk, câu hỏi được đặt ra là quan điểm của Chính phủ như thế nào sau khi Chính phủ tuyên bố thoái vốn tại Vinamilk và chính Vinamilk có công văn kiến nghị việc nới room, cho họ được quyền lựa chọn đối tác…? Câu hỏi này nhắm trúng nhu cầu thông tin của nhà đầu tư chứng khoán, khi giá cổ phiếu VNM trồi sụt khá mạnh trong mỗi ngày giao dịch, xuất phát từ kỳ vọng thoái vốn của Chính phủ.

Tuy nhiên, quan điểm từ người phát ngôn của Chính phủ đối với câu chuyện Vinamilk vẫn nguyên một ý: “Giao SCIC chọn thời gian thích hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc thoái hết vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, nhằm đạt lợi ích cao nhất cho Nhà nước”.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, Chính phủ đã nhận được Công văn kiến nghị của Vinamilk và hiện tại Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã chỉ đạo Bộ Tài chính, SCIC nghiên cứu trả lời theo thẩm quyền. Theo trình tự đó, có thể hiểu, dù thị trường có sốt ruột, nhà đầu tư có hối thúc, Vinamilk có muốn chủ động…, thì việc thoái vốn tại “con bò sữa” ngọt ngào này vẫn phải theo quy trình, vẫn phải chờ SCIC trình lên.

Trong một diễn biến rộng hơn, câu chuyện nới room từng thổi bùng kỳ vọng của nhà đầu tư khi Chính phủ ban hành Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, cho phép khối ngoại được mua không hạn chế cổ phần của DN không thuộc ngành nghề bị hạn chế. Tuy nhiên, sau 3 tháng kể từ ngày Nghị định 60 ra đời, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2015 hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư đã định ra nguyên tắc, mới gỡ dần nút thắt nới room trên TTCK, nhưng để đi đến nới được, còn phải chờ tiếp việc hoàn thiện nhiều văn bản hướng dẫn…

Tổng giám đốc Dragon Capital, ông Dominic Scriven trong cuộc trao đổi với ĐTCK mới đây đã chia sẻ: “Những ai theo dõi về Việt Nam khi tiếp nhận thông điệp đổi mới đều rất mừng, nhưng ai hiểu Việt Nam đều biết rằng, từ công bố một chủ trương đến thực hiện thì thời gian chờ đợi không biết là bao nhiêu”…

Ngày 1/12, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2015 sẽ khai mạc tại Hà Nội. Cuộc đối thoại giữa các cơ quan chính phủ với nhà đầu tư này hy vọng sẽ giải tỏa cảm nhận về một Việt Nam “nóng” về quyết sách, nhưng “lạnh” về triển khai, bấy lâu cứ âm thầm đeo bám nhà đầu tư ngoại.

Tin bài liên quan