Kết quả phiên đấu giá cổ phần BSR sáng 17/1/2018 khiến phần lớn nhà đầu tư cá nhân “trượt vỏ chuối”, bởi giá trúng bình quân lên tới 23.043 đồng/cổ phiếu. Mức giá này vượt khá xa so với tính toán của nhiều công ty chứng khoán lớn, bởi thế dễ hiểu khi nhà đầu tư cá nhân bỏ giá dưới sự tư vấn của những công ty này không thành công.
Nhà đầu tư trúng đấu giá chủ yếu là các quỹ đầu tư nước ngoài, thậm chí những nhà đầu tư tổ chức mạnh tay đặt giá 24.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn rất nhiều so với giá khởi điểm 14.600 đồng/cổ phiếu.
Cũng đã rất lâu thị trường mới chứng kiến một phiên đấu giá thu hút tới hơn 4.000 nhà đầu tư tham gia, với số lượng cổ phiếu đăng ký mua gấp 2,7 lần lượng chào bán.
Khi số lượng lớn nhà đầu tư cá nhân thất bại trong việc săn cổ phiếu BSR, có thể họ sẽ chuyển hướng sang các đợt IPO tới đây như PV Oil, PV Power, Genco 3 hay Tập đoàn Cao su…
Tâm lý thị trường đang rất hưng phấn, có thể nhìn nhận khá rõ chuyển biến này tại buổi roadshow của PV Power với hơn 300 nhà đầu tư tham gia, vượt khá xa so với ước tính của doanh nghiệp. Trong số các nhà đầu tư tham dự, có khá đông gương mặt của nhà đầu tư nước ngoài, một vài trong số họ cho biết lần đầu tiên đến Việt Nam.
Như vậy, có thể thấy, diễn biến trên thị trường sơ cấp đang rất thuận lợi cho các đợt IPO, mặc dù trước đó có không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về tình trạng dội cung cổ phiếu đấu giá từ nay cho đến trước Tết Nguyên đán.
Có thể giải thích cho thực tế này bằng nhiều lý do, tuy nhiên, một yếu tố thu hút các nhà đầu tư đến với những phiên IPO được họ lý giải là hàng hóa đưa ra kỳ này rất tốt. BSR, PV Oil, PV Power hay Genco 3, Tập đoàn Cao su Việt Nam… đều là những doanh nghiệp có vị thế đầu ngành, có tiềm năng tăng trưởng trong tương lai.
Nếu xét về các chỉ số tài chính, không hẳn doanh nghiệp nào cũng có chỉ số đẹp. Chẳng hạn, ở mức giá khởi điểm là 13.400 đồng/cổ phiếu, P/E của PV Oil tính trên vốn điều lệ 10.342 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế năm 2017 vào khoảng trên 300 tỷ đồng lên tới vài chục lần, cao hơn mức P/E trung bình của toàn thị trường vài lần. Tuy nhiên, thực tế hiện nay trên HOSE, những cổ phiếu nóng và liên tục tăng giá cũng rơi vào nhóm có P/E rất cao. Do vậy, đây chỉ là một căn cứ mà nhiều nhà đầu tư không quá chú trọng.
Rất tự tin về đợt IPO diễn ra ngày 31/1 tới, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch PV Power nhận định, phiên IPO của Tổng công ty diễn ra trong bối cảnh nhiều tập đoàn, doanh nghiệp "họ" dầu khí IPO, "nhưng đừng nghĩ hàng ra ồ ạt thì sức mua sẽ kém, vì tuỳ từng lĩnh vực mà nhà đầu tư có chiến lược, mục tiêu riêng".
Là tổng công ty phát điện lớn thứ 2 cả nước chỉ sau EVN, trực tiếp quản lý - vận hành 8 công ty/nhà máy điện với tổng công suất lắp đặt 4.208,2 MW, sản lượng phát điện khoảng 21 tỷ kWh/năm, chiếm 12% thị phần toàn hệ thống, lợi thế ngành của PVP là rất rõ ràng. Vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm là khả năng thiếu khí đảm bảo cho hoạt động của các nhà máy (Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2).
Theo ông Trần Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power, nguyên tắc vận hành của các nhà máy ngay từ khâu triển khai đầu tư dự án đã quy định rõ, nguồn khí cung cấp cho các nhà máy điện được ưu tiên, để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Năm 2018, PV Power đã làm việc với PVN và Tập đoàn cam kết cung cấp lượng khí tương đương với nguồn năm 2017.
Ông Hòa cho biết, PV Power đã có kế hoạch quản trị nguồn lực hiệu quả, đơn cử như phân bổ thấp vào mùa tiêu thụ thấp điểm. Bên cạnh đó, nguồn khí từ vùng chồng lấn với Maylaysia, Tổng công ty cũng đã phối hợp với PVN đàm phán với Petronas theo hướng ưu tiên cho bên Việt Nam mua được tối đa lượng khí này, chờ thời điểm khí của Lô B Ô Môn chính thức được cung cấp.
Trên nền tảng hoạt động cơ bản ổn định, ông Hòa cho biết, dư địa để Tổng công ty gia tăng hiệu quả còn rất lớn, đặc biệt khi có thêm các nguồn lực mới, các nhà đầu tư chiến lược với kinh nghiệm nhiều năm trong cùng ngành nghề hoạt động.
Sản xuất điện không nằm trong những ngành nghề hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, bởi vậy room của PVP là 100%, đây là sự hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư có tiềm lực và có chiến lược thâu tóm. Trong thời gian chờ phê duyệt phương án cổ phần hóa, PVP đã phối hợp với các đơn vị tư vấn thực hiện các đợt roadshow tại Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhận được sự quan tâm, thư đề nghị tìm hiểu cơ hội đầu tư chiến lược của hơn 100 nhà đầu tư.
Theo chia sẻ của lãnh đạo Tổng công ty, các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu rơi vào 2 nhóm gồm các đơn vị phát điện và các chủ mỏ khí đến từ Indonesia, Úc, Trung Đông. Cho đến thời điểm này, còn khoảng 30 nhà đầu tư tiếp tục cuộc đua trở thành đối tác chiến lược của PV Power.
Sự mặn mà của các nhà đầu tư ngoại đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp quy mô lớn của Việt Nam cũng thể hiện rất rõ tại Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đại diện của Tập đoàn SNT (Mỹ) cho biết, họ muốn mua toàn bộ 49% cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược tại đây. Ngoài lý do lợi nhuận của BSR hấp dẫn, yếu tố thúc đẩy nhà đầu tư bỏ vốn còn nằm ở chỗ họ có thể cung cấp nguyên liệu cho BSR và có nhà máy lọc dầu sẽ hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín đối với ngành nghề hoạt động chính của họ.
Cũng không thể không nhắc đến một yếu tố tạo ra sức hút của các đợt IPO. Đó là việc định giá được tiến hành và cơ bản chốt từ cuối năm 2015, trong khi từ đó đến nay, thị trường tài sản thế giới đã thay đổi theo hướng tích cực hơn rất nhiều. Chênh lệch từ định giá lại tài sản có thể là một khoản đáng kể, theo nhận định của đại diện Công ty Quản lý quỹ Vietcombank.
Sức nóng còn gia tăng khi dường như đang có một cuộc chạy đua giữa các doanh nghiệp có kế hoạch IPO nhằm thu hút nhà đầu tư với mục tiêu sẽ bán thành công toàn bộ số cổ phần tung ra thị trường với giá càng cao càng chứng tỏ “đẳng cấp” của doanh nghiệp.