Nới room: vẫn vướng từ tư duy chính sách giữa các bộ

Nới room: vẫn vướng từ tư duy chính sách giữa các bộ

(ĐTCK) Vướng mắc trong áp dụng quy định nới tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các doanh nghiệp Việt Nam cho nhà đầu tư nước ngoài (nới room) tồn tại gần hai năm nay, nhưng các cơ quan quản lý vẫn còn những ý kiến trái chiều về hướng tháo gỡ.

Bộ Tài chính muốn thoáng…

Gần hai năm trôi qua kể từ khi cơ chế nới room tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán được đưa vào áp dụng, nhưng thực tiễn cho thấy hiệu quả thu hút vốn ngoại của thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được như kỳ vọng ban đầu. Hiện số doanh nghiệp niêm yết tiến hành mở room đến 100% chỉ đếm trên đầu ngón tay và những doanh nghiệp này cũng không mấy hấp dẫn dòng vốn ngoại.

Nguyên nhân khiến cơ chế nới room khó đi vào cuộc sống chủ yếu do hiện đa số các công ty đại chúng đều đăng ký nhiều ngành nghề kinh doanh, trong đó có những ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Câu chuyện nới room hiện vẫn vướng về tư duy chính sách giữa các bộ

Trong khi đó, với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện, pháp luật chuyên ngành hiện chưa quy định giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, nên cơ sở pháp lý cho việc áp dụng quy định nới room chưa rõ ràng, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp.

Với trường hợp này, chính Bộ Tài chính thừa nhận, pháp luật chứng khoán quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa 49% là chưa thực sự phù hợp, không chính xác.

Để tháo gỡ những vướng mắc trong nới room cho một số doanh nghiệp, các cơ quan quản lý đã nhiều lần ngồi lại để tìm giải pháp.

Chẳng hạn, UBCK và Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế đã có nhiều cuộc họp để tìm hướng xử lý câu chuyện cho Mekophar, doanh nghiệp dược phẩm phát hành cổ phần huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài…

Tuy nhiên, những giải pháp này chỉ mang tính tình thế. Ở vị thế quản lý ngành, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) từng mong rằng, những bất cập trong triển khai quy định nới room chỉ sẽ được khắc phục triệt để khi sửa đổi Luật Chứng khoán.

Trong phương án lấy ý kiến các bộ, ngành về phương án sửa luật này, UBCK, Bộ Tài chính đã đề xuất: đối với những ngành, nghề không quy định tại Biểu cam kết WTO mà nằm trong danh mục kinh doanh có điều kiện, không quy định về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài được xem xét áp dụng là 100%, thay vì mức 49% như hiện tại sau khi có ý kiến của cơ quan quản lý chuyên ngành về việc không hạn chế sở hữu nước ngoài đối với lĩnh vực ngành nghề đó.

… nhưng chưa thuận chiều

Trái với đề xuất của Bộ Tài chính là muốn rộng cửa cho khối ngoại tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam, một số bộ, ngành như Bộ Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công thương... lại thể hiện quan điểm thận trọng với việc nới room cho nhà đầu tư ngoại.

Lý do là bởi, sự thay đổi về tỷ lệ sở hữu nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung, đặc biệt trong bối cảnh các chính sách có liên quan khác của pháp luật chuyên ngành kiểm soát hoạt động đầu tư chưa được hoàn thiện và đồng bộ.

Vì vậy, các bộ, ngành này đề nghị ban soạn thảo cần có đánh giá chi tiết hơn, đồng thời quy định cụ thể về tỷ lệ sở hữu nước ngoài đảm bảo thống nhất, phù hợp với Luật Đầu tư và các quy định pháp luật có liên quan, xem xét mở cửa sở hữu nước ngoài theo hướng thận trọng đối với các ngành nghề có điều kiện.

Theo Bộ Công thương, để đảm bảo phù hợp với cam kết của Việt Nam trong WTO và bao quát các trường hợp phát sinh trên thực tế, đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào những ngành nghề không quy định và không được liệt kê trong Biểu cam kết WTO thì việc quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài đối với những ngành nghề này là 100% cần lưu ý, phần lớn những ngành nghề thuộc trường hợp này là những ngành nghề nhạy cảm, quan trọng đối với Việt Nam.

Nới room lên 100% cho nhà đầu tư nước ngoài có thể dẫn đến gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong quản lý một số mặt hàng mà Việt Nam muốn hạn chế nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, kinh doanh.

Việc nâng tỷ lệ sở hữu theo từng trường hợp cụ thể có thể không phù hợp với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc (MFN) của WTO.

Mặt khác, áp dụng tỷ lệ sở hữu nước ngoài 100% dẫn đến các thành viên WTO và đối tác FTA sẽ đương nhiên được hưởng lợi từ việc Việt Nam mở cửa thị trường.

Do đó, việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% có thể ảnh hưởng đến đàm phán các FTA sau này.

Chia sẻ quan điểm trên của Bộ Công thương, nhưng Bộ Tài chính cho rằng, đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa cam kết về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, hoặc không đưa vào Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác, thì chỉ nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên 100% trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành không hạn chế sở hữu nước ngoài.

Bởi vậy, để tạo thuận lợi cho nới room, cơ quan quản lý chuyên ngành cần rà soát quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của các ngành, nghề, sau khi xem xét tính trọng yếu của ngành, cũng như nhu cầu đàm phán FTA sắp tới...

Câu chuyện nới room hiện vẫn vướng về tư duy chính sách giữa các bộ. Theo kế hoạch, Bộ Tài chính sẽ chốt một  phương  án về việc này trong đề án sửa Luật Chứng khoán trình Quốc hội thông qua trong năm 2018.            

Tin bài liên quan