Nới room, vẫn những câu hỏi rắc rối!

Nới room, vẫn những câu hỏi rắc rối!

(ĐTCK) Đề xuất mới của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến việc nới tỷ lệ sở hữu tối đa cho nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài (room), theo nhìn nhận của các doanh nghiệp và NĐT, là vẫn chưa giải quyết triệt để các vướng mắc phát sinh.

Có ngoại lệ với tỷ lệ 65%

Để giải đáp cho câu hỏi mà nhiều DN đang quan tâm là với các DN niêm yết, bên nước ngoài sở hữu bao nhiêu phần trăm vốn điều lệ, thì DN Việt Nam được coi là NĐT nước ngoài, UBCK đề xuất: NĐT nước ngoài sở hữu từ 65% vốn điều lệ của DN Việt Nam liên tục 1 năm trở lên, thì DN đó được coi là NĐT nước ngoài.

Nội dung này đã được đưa vào dự thảo Thông tư hướng dẫn giao dịch chứng khoán thay thế Thông tư 74/2011/TT-BTC của Bộ Tài chính. Dự thảo này đang được gửi lấy ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự kiến ban hành trong tháng 12/2015.

Nếu đề xuất về tỷ lệ 65% được đưa vào áp dụng, một tình huống sẽ phát sinh là sau khi nắm giữ từ 65% vốn điều lệ của DN Việt Nam liên tục 1 năm trở lên, DN đó trở thành NĐT nước ngoài, nhưng sau đó một vài tháng, cổ đông ngoại bán cổ phần dẫn đến tỷ lệ sở hữu của khối ngoại giảm xuống dưới 65%, thì khi đó DN có còn là NĐT nước ngoài nữa không, nếu không thì DN lại phải làm thủ tục để trở thành NĐT trong nước hay sao?

Từ hướng đề xuất mới trên, điều các DN và nhiều NĐT quan tâm tiếp theo là quy định trên có phải chỉ áp dụng với các DN đang niêm yết và đăng ký giao dịch? Tỷ lệ 65% áp dụng cho tất cả các DN hoạt động trong các ngành nghề khác nhau trên sàn, hay có ngoại lệ?

Trao đổi với ĐTCK, Chủ tịch UBCK Vũ Bằng cho biết, quy định trên dự kiến chỉ áp dụng đối với các công ty đại chúng có cổ phiếu niêm yết, hoặc đăng ký giao dịch trên Sở GDCK và không áp dụng đối với các công ty đại chúng ngoài sàn.

Một vướng mắc khác được cộng đồng NĐT, DN nêu ra tại VBF 2015 là hiện điều kiện đầu tư kinh doanh đối với nhiều ngành nghề kinh doanh có điều kiện chưa được cập nhật. Điều này đang gây khó cho DN, vì không biết mình có trong diện được phép nới room hay không?

Giải đáp thắc mắc trên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết: “Đến ngày 27/12/2015, Bộ KH&ĐT sẽ hoàn chỉnh việc rà soát và hệ thống hóa điều kiện đầu tư đối với NĐT nước ngoài và công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Có những ngành nghề chưa được quy định trong hệ thống pháp luật, nên sẽ còn vướng mắc. Tuy nhiên, số ngành nghề này không nhiều, sẽ được xử lý theo hướng đã được quy định tại Nghị định 118 là Cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ KH&ĐT và bộ quản lý ngành để xem xét, quyết định”.

Mặt khác, 65% là tỷ lệ áp dụng chung, không phải cho toàn bộ các DN trên sàn, mà vẫn có những trường hợp ngoại lệ (tỷ lệ thấp hơn 65% - PV), vì phải tuân theo các quy định của pháp luật chuyên ngành.

Chẳng hạn, theo quy định của pháp luật về ngân hàng, tổng mức sở hữu cổ phần của các NĐT nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.

Theo ý kiến của một số DN và chuyên gia, tỷ lệ 65% là hợp lý, DN thu hút thêm vốn ngoại nhưng vẫn giữ được chủ quyền kinh doanh của một DN trong nước khi NĐT nước ngoài tăng tỷ lệ sở hữu lên trên 51% đến dưới 65% vốn điều lệ.

Những câu hỏi rắc rối

Nếu đề xuất về tỷ lệ 65% nêu trên được đưa vào áp dụng, một tình huống sẽ phát sinh là sau khi nắm giữ từ 65% vốn điều lệ của DN Việt Nam liên tục 1 năm trở lên, DN đó trở thành NĐT nước ngoài, nhưng sau đó một vài tháng, cổ đông ngoại bán cổ phần dẫn đến tỷ lệ sở hữu của khối ngoại giảm xuống dưới 65%, thì khi đó DN có còn là NĐT nước ngoài nữa không, nếu không thì DN lại phải làm thủ tục để trở thành NĐT trong nước hay sao?

Theo lãnh đạo UBCK, đúng là trong thực tế có thể phát sinh tình huống trên. Do đó, cơ quan quản lý đang cân nhắc, tính toán xem sau khi NĐT nước ngoài giảm tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ tại DN Việt Nam xuống dưới 65% trong bao lâu thì được coi là NĐT trong nước cho hợp lý.

Một số ý kiến cho rằng, nếu quy định cứng nhắc mốc 65% có thể khiến DN đối mặt với những rắc rối, phiền phức.

Cụ thể, sau khi nới room dẫn đến DN Việt Nam trở thành NĐT nước ngoài, thì gần như toàn bộ hoạt động, đầu tư kinh doanh của DN sẽ phải tuân thủ các quy định pháp lý về quyền và nghĩa vụ của một NĐT nước ngoài. Điều này rất khác so với khi DN là NĐT trong nước.

Sự khác nhau này, theo lãnh đạo một CTCK, khi DN Việt Nam trở thành NĐT nước ngoài, thì CTCK phải làm thủ tục mở mã số giao dịch chứng khoán, chịu các hạn chế về mở rộng thị trường, về mua và nắm giữ các cổ phiếu bị hạn chế sở hữu đối với NĐT nước ngoài…

Sau khi DN Việt Nam trở thành NĐT nước ngoài, mà bên nước ngoài giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 65%, thì DN lại trở thành NĐT trong nước. Điều này đồng nghĩa với hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN bị xáo trộn do có sự khác biệt của hệ thống pháp lý điều chỉnh hoạt động của NĐT trong nước và NĐT nước ngoài trong không ít lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh.

Để chính sách nới room giúp cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại cho TTCK, đồng thời tạo thêm kênh huy động vốn mới cho DN, các thành viên thị trường kỳ vọng, UBCK sẽ giải được bài toán rắc rối về cách thức nới room. Trong bối cảnh giao dịch trên TTCK sôi động từng ngày, đâu là ranh giới giữa NĐT nước ngoài và NĐT trong nước với các DN nhận thêm vốn ngoại?  

Tin bài liên quan