Nới room: sự hối thúc từ thị trường

Nới room: sự hối thúc từ thị trường

(ĐTCK) 88,2% cổ đông Vinamilk đã biểu quyết thông qua việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh để chuẩn bị các điều kiện thủ tục cần thiết cho việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại DN ngành sữa lớn nhất Việt Nam này.

Giá VNM lập tức tăng. Nhà đầu tư và thị trường rõ ràng rất chờ đợi và hào hứng với quyết định nới room, nhưng ở một khía cạnh khác, hoàn thiện khung pháp lý để hỗ trợ DN thực hiện được việc này, vẫn là một câu chuyện đầy trăn trở.

Tháng 6/2015, việc Chính phủ ban hành Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room đến 100% với các DN đại chúng, không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Đầu tháng 7/2015, trong thông điệp gửi tới các nhà đầu tư quốc tế khi thực hiện Hội nghị xúc tiến đầu tư tại New York, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng vui mừng thông báo quan điểm của Chính phủ trong việc nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trong các công ty đại chúng, ngoại trừ những lĩnh vực hạn chế, kinh doanh có điều kiện, các nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế theo cam kết WTO.

Tuy nhiên, sau nửa năm Nghị định 60 có hiệu lực, việc nới room chỉ dừng lại ở một vài DN, chủ yếu trong ngành chứng khoán.

Sau thời gian chờ Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố thống kê danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, DN và thị trường đang chờ đợi một văn bản pháp lý khác, hướng dẫn cụ thể việc nới room và định danh loại hình DN trên sàn (trong nước hay nước ngoài) khi room được nới rộng.

UBCK cho biết, cơ quan này đang phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh chứng khoán, trong đó có dự kiến, với các DN trên sàn, khối ngoại nắm trên 51% vẫn được đối xử như DN trong nước.

Một số chuyên gia pháp lý bình luận, ý tưởng trên không thể thành hiện thực khi Luật Đầu tư đã quy định rõ, DN có trên 51% vốn ngoại sẽ được đối xử như nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cơ quan quản lý ngành chứng khoán đang tìm một giải pháp khi Điều 4, Luật Đầu tư có quy định: "Trường hợp có quy định khác nhau giữa Luật này và luật khác về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh, ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, trình tự, thủ tục đầu tư thì thực hiện theo quy định của Luật này, trừ trình tự, thủ tục đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí".

Trong khi các nhà quản lý đang trăn trở tìm cách định danh việc nới room với các DN đại chúng thì mùa Đại hội đồng cổ đông 2016, không riêng Vinamilk, nhiều DN khác như AAA, HPG, NSC, MBB… các cổ đông đã và sẽ đưa câu chuyện nới room ra bàn thảo. Nới room là quyền của Đại hội và nếu cổ đông quyết nới room, lãnh đạo DN sẽ phải ứng xử tiếp như thế nào?

Nhu cầu từ cổ đông, từ thị trường đang hối thúc các cơ quan liên quan phải ngồi lại, tìm cách giải bài toán pháp lý về nới room. Nới room - một bước đột phá trong tư duy thu hút vốn ngoại của Chính phủ, liệu có thể cụ thể hóa việc thực thi bằng một nghị định, hay phải chờ thế hệ Luật Chứng khoán mới?

Trong lúc chờ đợi, mỗi DN sẽ phải cân nhắc: nới room, khi vượt ngưỡng 51% vốn ngoại, DN sẽ áp dụng điều kiện kinh doanh như một nhà đầu tư nước ngoài.

Tin bài liên quan