Nới room, không nên trao 100% quyền tự quyết cho doanh nghiệp

Nới room, không nên trao 100% quyền tự quyết cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Để tháo gỡ vướng mắc cho việc triển khai quy định nới room tại Nghị định 60/2015, có ý kiến cho rằng, cần có cách tiếp cận mới thay vì loay hoay như hiện tại.

Nhìn nhận một cách công bằng, Nghị định 60/2015 đã cụ thể hóa một tư duy mới về nới room cho nhà đầu tư nước ngoài khi trao 100% quyền tự quyết cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiếm có văn bản nào mà ngay khi đưa vào thực thi lại gặp nhiều vướng mắc như Nghị định 60/2015 và tình trạng này tiếp diễn cho đến nay, sau gần 9 tháng áp dụng.

Kể từ khi triển khai Nghị định 60/2015, ngoài vướng mắc liên quan đến hệ thống ngành nghề kinh doanh có điều kiện phức tạp và còn tồn tại những điểm chưa rõ theo góc nhìn của doanh nghiệp, thì có một thực tế cho thấy, ngay cả khi các vướng mắc này được tháo gỡ, nếu doanh nghiệp không đưa ra quyết định nới room, thì quy định nới room tại Nghị định 60/2015 của nhà quản lý bị... “vô hiệu hóa”.

Thực tế trên cho thấy, ở một khía cạnh nào đó, mục tiêu mà nhà quản lý đề ra là nới room để cải thiện khả năng huy động vốn ngoại cho TTCK đang khó hiện thực hóa. Hệ quả như nhìn nhận của một lãnh đạo công ty quản lý quỹ là số lượng doanh nghiệp nới room đến thời điểm này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

"Nên tính tới sửa đổi quy định nới room theo hướng bổ sung tính áp đặt với liều lượng hợp lý đối với doanh nghiệp khi thực hiện quy định nới room, không nên trao 100% quyền nới room cho doanh nghiệp tự quyết như hiện tại".

Các cổ phiếu mà nhà đầu tư nước ngoài trông chờ nới room từ nhiều năm nay, thì doanh nghiệp chưa nới, còn những doanh nghiệp “thừa” room thì lại hăng hái thực hiện. Bởi vậy, thực tế là dù Chính phủ đã nới room, dòng vốn ngoại vẫn trong tình trạng chờ đợi. Như vậy, tuy chủ trương nới room đã thông, nhưng thực tế triển khai đang tắc vì bên nới room (doanh nghiệp) và bên chờ nới room (nhà đầu tư chưa gặp nhau.

Từ thực tế trên, một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính cho rằng, trao quyền cho doanh nghiệp quyết định có nới room hay không là một hướng đi nhằm cải thiện khả năng thu hút dòng vốn ngoại cho thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với hiệu quả triển khai quy định này hiện còn nhiều hạn chế, đồng thời đang bộc lộ vướng mắc, tới đây cần tổng kết, đánh giá thật kỹ lưỡng xem hướng này có tính khả thi và phát huy hiệu quả trên thực tế hay không để có hướng điều chỉnh.

Có một đặc điểm cần lưu ý trong thực thi chính sách ở Việt Nam, mà khi hoạch định chính sách nhà quản lý phải tính tới là ngay cả với những quy định mang tính cưỡng chế thực thi, chưa nói tới mang tính khuyến khích như quy định nới room, nếu không có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ, thì khó được thực thi nghiêm túc.

“Do đó, để tránh cho quy định nới room bị ‘vô hiệu hóa’, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kỹ thực tiễn triển khai nội dung này tại Nghị định 60/2015, nên tính tới sửa đổi quy định nới room theo hướng bổ sung tính áp đặt với liều lượng hợp lý đối với doanh nghiệp khi thực hiện quy định nới room, không nên trao 100% quyền nới room cho doanh nghiệp tự quyết như hiện tại...”, vị chuyên gia trên nói và phân tích thêm, kinh nghiệm chính sách quyết luôn việc nới room 49% như trước đây đã mang lại hiệu quả tốt.

Cách làm này cần kế thừa hợp lý theo hướng trên cơ sở các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, nên cập nhật rõ hơn các ngành, nghề Nhà nước cần nắm cổ phần chi phối tại doanh nghiệp, hoặc các lĩnh vực, thậm chí cụ thể đến một số doanh nghiệp mà cổ đông Việt Nam cần nắm cổ phần chi phối, còn lại những ngành mà các đối tượng này không cần nắm, thì nhà quản lý nên tính toán áp đặt một tỷ lệ room cho nhà đầu tư nước ngoài cao hơn 49% để quy định nới room được thực thi rộng rãi trên thực tế.

Mở room theo hướng mới trên, trách nhiệm giảm thiểu tác động không tích cực khi dòng vốn ngoại đảo chiều đặt nặng lên vai của nhà quản lý. Do đó, vấn đề quan trọng là để đưa ra quy định áp đặt một tỷ lệ nới room lên trên mức 49% hiện tại với những ngành, lĩnh vực mà nhà nước khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần cập nhật, bổ sung vào hệ thống giải pháp ứng phó với dòng vốn ngoại đảo chiều khi thị trường biến động, nhằm đảm bảo tính khả thi và an toàn cao.

Chừng nào hệ thống này chưa được tối ưu hóa với nhiều lớp bảo vệ khi có rủi ro, thì chưa nên vội nới room mạnh mẽ cho nhà đầu tư nước ngoài. Dòng vốn ngoại luôn là “con dao hai lưỡi”, vào nhanh, nhưng ra cũng rất nhanh nếu thị trường đối mặt với những biến cố lớn.

Nghị định 60 đã mang lại kỳ vọng rất lớn cho nhà đầu tư trong và ngoài nước vào sức bật của các doanh nghiệp, của thị trường chứng khoán Việt Nam khi room mở. Vì thế, dù khó, câu chuyện này vẫn cần phải có giải pháp để hiện thực hóa những cam kết của Chính phủ, cũng như đáp ứng mong đợi của nhà đầu tư. 

Tin bài liên quan