CTCK IVS dự kiến sẽ xin cổ đông thông qua phương án nới room lên 100% tại ĐHCĐ thường niên tới đây.

CTCK IVS dự kiến sẽ xin cổ đông thông qua phương án nới room lên 100% tại ĐHCĐ thường niên tới đây.

Nới room, chuyện nóng mùa đại hội

(ĐTCK) Bên cạnh kế hoạch kinh doanh, chính sách cổ tức… thì nới room cho nhà đầu tư ngoại được dự báo sẽ là nội dung được nhiều nhà đầu tư chờ đợi nhất tại mùa ĐHCĐ năm nay. 

Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã dự kiến đưa vào chương trình nghị sự ĐHCĐ thường niên sắp tới kế hoạch nới room cho nhà đầu tư ngoại tại doanh nghiệp. Trong khối CTCK, sau khi SSI được chấp thuận nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 100% theo Nghị định 60/2015,  một số CTCK khác đã rục rịch lên kế hoạch mở room.

Chia sẻ với ĐTCK mới đây, ông Đoàn Ngọc Hoàn, Tổng giám đốc CTCK IVS (IVS) cho biết, trong tháng 3 tới, Công ty sẽ tổ chức ĐHCĐ thường niên để xin cổ đông thông qua các quyết định quan trọng, trong đó có việc điều chỉnh room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100% và tăng vốn điều lệ của Công ty lên 350 tỷ đồng.

IVS kỳ vọng, việc nới room sẽ giúp thu hút nhà đầu tư ngoại quay trở lại thị trường trong thời gian tới. Trước khi có ý định nâng room lên 100%, IVS đã tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược Trung Quốc và với sự hỗ trợ từ các đối tác ngoại, IVS đang dần tiếp cận nhiều hơn với nhà đầu tư từ thị trường này.

CTCK IB (IBSC) cũng đã được ĐHCĐ phê duyệt phương án nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Trước đó, ĐHCĐ bất thường CTCP Đầu tư và phát triển doanh nghiệp Việt Nam (FID) cũng đã thông qua việc nới room lên mức 100% để chào đón nhà đầu tư nước ngoài khi khung pháp lý cơ bản cho việc này được ban hành.

Kế hoạch này trước đây đã được ĐHCĐ bất thường giữa tháng 11/2015 thông qua, nhưng sẽ xin ý kiến cụ thể tại ĐHCĐ dự kiến tổ chức vào tháng 4/2016.

Ngoài ra, FID cũng dự kiến phát hành 11 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 1:1, mức giá 10.000 đồng/CP. HĐQT FID cũng đã thông qua danh sách nhà đầu tư sẽ mua toàn bộ 11 triệu cổ phần trong trường hợp cổ đông hiện hữu từ chối quyền mua. Danh sách gồm có 4 tổ chức và 6 cá nhân, với số lượng cổ phiếu dự kiến mua vào lần lượt từ 1 - 1,5 triệu cổ phần.

Nghị định 60/2015/NĐ-CP đã tạo ra khung pháp lý để doanh nghiệp khơi thông dòng vốn ngoại vào doanh nghiệp. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 123/2015 hướng dẫn trình tự, thủ tục doanh nghiệp thực hiện tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài. Tuy nhiên, vấn đề mở room vướng mắc chính ở những quy định chi tiết về tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài với từng ngành nghề có điều kiện; việc vênh với Luật Đầu tư về các quy định liên quan tới định nghĩa nhà đầu tư nước ngoài và đi kèm đó là các điều kiện khác, khi tỷ lệ sở hữu liên tục thay đổi quanh ngưỡng 51%.

Liên quan tới quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài, lãnh đạo UBCK cho biết, những nội dung thuộc về thẩm quyền của Bộ Tài chính đã được xử lý dứt điểm, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, với tinh thần cải cách triệt để các thủ tục hành chính, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để thu hút tối đa dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Trong khi những nội dung liên quan tới tỷ lệ sở hữu những doanh nghiệp mà không thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, hoặc thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhưng không hạn chế sở hữu thì đã và đang được tháo gỡ. Và thực tế, một số công ty chứng khoán và doanh nghiệp niêm yết đang thực hiện lộ trình tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Ngày 16/2 vừa qua, CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) đã nhận được Công văn số 725/UBCK-PTTT của UBCK phản hồi về hồ sơ báo cáo cáo thay đổi giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Với quyết định này, VHC sẽ chính thức được mở room cho nhà đầu tư ngoại lên 100% kể từ ngày 21/2/2016. Hiện tại, khối ngoại đang nắm giữ 32,5% cổ phần tại VHC. Một doanh nghiệp niêm yết khác cũng thực hiện nới room 100% là CTCP Everpia Việt Nam (EVE), trong khi tỷ lệ sở hữu hiện tại là 58%.

Mùa ĐHCĐ đang bắt đầu, câu chuyện nới room được dự báo sẽ kích thích dòng vốn ngoại không chỉ ở những mã hết room, mà kéo theo nhiều mã cổ phiếu khác của những doanh nghiệp tiềm năng, qua đó, sẽ kích hoạt dòng tiền của khối nội đổ vào thị trường mạnh mẽ hơn.

Tin bài liên quan