Khi khối ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, CTCK có bị coi là NĐT nước ngoài hay không?

Khi khối ngoại sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, CTCK có bị coi là NĐT nước ngoài hay không?

Nới room cho CTCK, nhiều câu hỏi “nóng”

(ĐTCK) Không phải đợi các văn bản hướng dẫn, quy định về nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho NĐT nước ngoài tại Nghị định 60/2015/NĐ-CP có hiệu lực ngay với khối CTCK kể từ thời điểm văn bản này có hiệu lực (ngày 1/9). Tuy nhiên, thực tế áp dụng đang khiến các CTCK đặt ra nhiều câu hỏi “nóng”.

Trường hợp đầu tiên áp dụng quy định nới room với NĐT nước ngoài của CTCK Sài Gòn (SSI) cho thấy, việc thực hiện quy định mới này với khối CTCK diễn ra thuận lợi, vì thủ tục đơn giản. Tuy nhiên, nhiều CTCK chưa có ý định nới room vì băn khoăn với tình huống: NĐT nước ngoài sẽ mua cổ phiếu và sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, khi đó công ty có bị coi là NĐT nước ngoài và phải tuân thủ các quy định dành cho NĐT nước ngoài hay không?

Bởi lẽ, khoản 8, Điều 3 Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 60 quy định: ngoại trừ quỹ mở, tổ chức kinh tế có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, bao gồm cả sở hữu gián tiếp thông qua ủy quyền, ủy thác đầu tư, phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán và tuân thủ quy định pháp luật về tỷ lệ sở hữu nước ngoài khi tham gia đầu tư trên TTCK Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra là quy định về cấp mã số giao dịch chứng khoán chỉ áp dụng đối với NĐT nước ngoài, vậy khi CTCK có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên, họ phải đăng ký mã số giao dịch chứng khoán, thì CTCK có bị coi là NĐT nước ngoài hay không? Nếu là NĐT nước ngoài, thì nhiều hệ lụy không mong muốn liên quan đến hoạt động: thanh toán, vay và cho vay vốn để kinh doanh chứng khoán, tự doanh, tuân thủ quy định về thuế… sẽ xảy đến với CTCK. Nếu đúng như vậy, đại diện một số CTCK cho biết, họ sẽ không nới room vì phải chịu nhiều tác động bất lợi.

Cụ thể những câu hỏi mà các CTCK đang đặt ra là: nếu CTCK có NĐT nước ngoài sở hữu từ 51% vốn điều lệ trở lên bị coi là NĐT nước ngoài, thì họ có phải thực hiện thanh toán qua ngân hàng lưu ký hay không (hiện CTCK trong nước không phải tuân thủ quy định này)? Công ty có bị chi phối bởi các quy định về hạn chế vay và cho vay vốn để kinh doanh chứng khoán hay không?

Mặt khác, trong trường hợp CTCK có NĐT nước ngoài nắm 51% vốn điều lệ được xếp vào loại NĐT nước ngoài, CTCK sẽ gặp khó khăn trong triển khai hoạt động tự doanh, vì trên thị trường (kể cả khi áp dụng quy định nới room) có nhiều cổ phiếu hạn chế tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài, trong khi điều này không đặt ra với NĐT trong nước. Nếu áp dụng theo hướng này, thì vừa làm giảm cơ hội đầu tư vào các cổ phiếu có chất lượng của các CTCK, vừa tác động tiêu cực lên sức cầu của thị trường.

Ngoài ra, quy định của chính sách thuế hiện hành có sự phân biệt giữa NĐT trong nước và NĐT nước ngoài. Nếu là NĐT nước ngoài, CTCK sẽ phải tuân thủ các chính sách thuế có sự khác biệt ra sao so với NĐT trong nước, có làm tăng nghĩa vụ nộp thuế với CTCK hay không?

Theo các CTCK, đến thời điểm này, họ chưa thể tiên lượng hết được tất cả các mặt tác động của thực hiện quy định nới room đến hoạt động của công ty. Đây là một trong những lý do khiến cho việc triển khai quy định nới room tại một số CTCK hoặc là đang rơi vào trạng thái lưỡng lự, hoặc là chưa có ý định.

“Tuy rất muốn nới room và thủ tục để thực hiện việc này không hề khó khăn, nhưng do đến thời điểm này, chúng tôi chưa thể đánh giá được toàn bộ tác động của việc áp dụng quy định nới room, nên chưa triển khai vấn đề này. Chúng tôi đang chờ lời giải đáp từ phía Bộ Tài chính, Ủy ban chứng khoán Nhà nước”, lãnh đạo một CTCK chia sẻ.

Trong bối cảnh còn có nhiều câu hỏi thắc mắc như vậy, nhà quản lý cần sớm có văn bản hướng dẫn, giải thích rõ ràng, để làm cơ sở cho khối CTCK triển khai quy định nới room, qua đó đáp ứng kỳ của cả CTCK, lẫn NĐT ngoại, cũng như mang lại hiệu ứng tích cực cho thị trường.    

Tin bài liên quan