Nới room, bóng trong chân ông chủ lớn

Nới room, bóng trong chân ông chủ lớn

(ĐTCK) Nếu nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất tại doanh nghiệp có ý chí mạnh mẽ ủng hộ việc nới room thì đây không hẳn là nhiệm vụ bất khả thi với doanh nghiệp, dù đây đó còn có nhiều ý kiến về quy định pháp lý chưa rõ ràng.

Chuyện của những ông chủ

Nghị quyết ĐHĐCĐ năm 2014  của CTCP Tập đoàn Hoa Sen niên độ tài chính 2013-2014 được thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản ngày 16/5/2014 quyết nghị sẽ tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài lên tối đa 60% vốn điều lệ của Tập đoàn (trong trường hợp pháp luật cho phép).

ĐHĐCĐ ủy quyền cho HĐQT tiến hành các thủ tục cần thiết với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan để thực hiện theo đúng quy định; giao nhiệm vụ cho HĐQT chỉ đạo, tổ chức thực hiện nội dung Nghị quyết đã được Đại hội đồng cổ đông nhất trí thông qua và báo cáo cho Đại hội đồng cổ đông trong kỳ hội nghị sau.

Thống nhất việc nới room trước cả năm so với khi Nghị định 60/2015/NĐ – NĐ được ban hành, nhưng kể từ đó đến nay, Hoa Sen chưa có động thái gì về việc nới room. Một nguồn tin thân cận với ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn cho biết, ý chí nới room được đưa ra ở thời điểm ông Vũ có ý định đi tu và muốn buông bớt việc kinh doanh, tuy nhiên sau đó, doanh nhân này đã đổi ý, việc nới room do đó không được “mặn mà” nữa. Đã có những lời thúc giục từ nhóm cổ đông lớn yêu cầu vị Chủ tịch thực hiện nghị quyết đã được ĐHĐCĐ thông qua, song từ đó đến nay, mọi sự vẫn y nguyên.

Một trường hợp đã được nhắc đến như một điển hình khó khăn trong việc thực hiện nới room là CTCP FPT khi doanh nghiệp kinh doanh, đầu tư đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Trong một số cuộc gặp gỡ gần đây với các cổ đông lớn, vấn đề nới room đã được đề cập như một mong muốn thiết tha của các cổ đông nước ngoài về một động thái mới mẻ của FPT. Tuy nhiên, kết quả là doanh nghiệp vẫn đang chờ hướng dẫn từ cơ quan nhà nước.

Gần đây, thị trường cũng xôn xao trước động thái của Vinamilk khi HĐQT xin ý kiến cổ đông về việc rút bớt ngành nghề kinh doanh. Nhiều ý kiến phỏng đoán rằng, đây là biện pháp dọn đường cho việc nới room của doanh nghiệp, tạo tiền đề cho Nhà nước thoái vốn tại Vinamilk, bởi trong số những ngành nghề xin rút kinh doanh có những ngành không thuộc lĩnh vực kinh doanh chính của Công ty và thuộc nhóm ngành có điều kiện.

Dẫu vậy, một số quỹ đã đặt ra câu hỏi rằng, tại sao tháng 4 (thông thường cuối tháng - PV), Vinamilk sẽ tổ chức ĐHĐCĐ, nghĩa là thời điểm có thể đưa nội dung này ra xin ý kiến cổ đông gần kề, mà Công ty lại phải thực hiện động thái phiền phức là xin ý kiến bằng văn bản?

Phải chăng, nới room sẽ là nội dung “tạo sóng lớn” và khó tạo đồng thuận giữa các nhóm cổ đông tại đại hội nên HĐQT Công ty sử dụng biện pháp bớt ồn ào và đi trước một bước? Lưu ý là để các nội dung mà HĐQT Vinamilk đề xuất được thông qua, cần 75% cổ phiếu có quyền biểu quyết của Công ty đồng ý (nới room là loại quyết định quan trọng tại Vinamilk). Điều này chỉ được thực hiện nếu có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ đông lớn, trong đó có SCIC.

Hiện tại, quy trình thực hiện việc nới room được các DN áp dụng theo Điều 13, Thông tư số 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam.    

Trong khi nhiều ông lớn còn đang lưỡng lự với bài toán nới room, một số DN như Vĩnh Hoàn, Everpia hay Hoàng Huy đã có những động thái khẩn trương về vấn đề này và được nhận định tạo ra hiệu ứng tích cực với giá cổ phiếu trên sàn, dù giới thạo tin cho rằng nguyên nhân sâu xa đẩy giá những cổ phiếu này tăng mạnh thời gian qua không hẳn từ liều thuốc“nới room”. 

Nới room: Không quá khó?

Lãnh đạo của một doanh nghiệp đã thực hiện thủ tục nới room lên 100% đã nêu ra quy trình thực hiện tại DN này. Đầu tiên sẽ rà soát đối chiếu các ngành nghề của Công ty và các ngành có điều kiện hay giới hạn theo Luật Đầu tư.

Sau đó, Công ty sẽ phải loại bỏ những ngành mà Công ty thực sự không kinh doanh hoặc không phát sinh hoạt động kinh doanh mà bị giới hạn.  Các ngành Công ty có kinh doanh thì phải xử lý hoặc là thoái vốn khỏi mảng đó, hoặc là chuyển hoạt động về các công ty con/liên kết.

Các quy định hiện tại chưa thông thoáng hoàn toàn, nếu doanh nghiệp quyết tâm mở room sẽ phải vừa làm vừa hỏi ý kiến tư vấn, đồng thời nghiên cứu các quy định để hoàn thiện. DN vừa “nới room” vừa phải thực hiện song song cấu trúc hoạt động công ty cho tuân thủ các quy định hiện tại.

Giải pháp được nhiều doanh nghiệp thực hiện, theo nhận xét của phó tổng giám đốc một công ty lớn, là tách bớt các mảng kinh doanh có điều kiện sang một công ty mới để việc mở room công ty mẹ được thuận lợi.

Rõ ràng là với nhiều “người trong cuộc”, nhất là với nhân vật có tầm quan trọng nhất trong doanh nghiệp, nếu việc này chẳng đem lại lợi lộc gì, trái lại còn gây phiền hà cho bản thân họ như đứng trước khả năng doanh nghiệp bị thâu tóm, gia tăng sức ép từ các cổ đông lớn nước ngoài, giảm quyền lực tại doanh nghiệp... thì sẽ rất khó để họ đồng thuận. 

Tin bài liên quan