Nghị định 60 trao quyền tự quyết vấn đề nới room cho ĐHCĐ của doanh nghiệp

Nghị định 60 trao quyền tự quyết vấn đề nới room cho ĐHCĐ của doanh nghiệp

Nới room, bóng trong chân cổ đông lớn

(ĐTCK) Nghị định 60/2015 của Chính phủ được ban hành mới đây, trong đó có quy định nới tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài đang tạo sự hứng khởi trong cộng đồng NĐT trên TTCK nói chung, khối NĐT nước ngoài nói riêng.

Tuy nhiên, với quy định trao quyền quyết định mở room cho ĐHCĐ, nếu cổ đông lớn không muốn thì quy định nới room sẽ không có tác dụng trên thực tế.

Quyết định nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài có thể nói là điều kiện pháp lý rất quan trọng để thúc đẩy hoạt động mua bán và sáp nhập doanh nghiệp (M&A) tại Việt Nam. Việc chuyển quyền kiểm soát thông qua các giao dịch M&A đối với các công ty đại chúng Việt Nam lâu nay bị hạn chế bởi quy định về tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài.

Điều này không những giúp cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam, những người muốn chuyển nhượng công ty của họ cho các NĐT chiến lược khi họ đến tuổi nghỉ hưu, mà còn giúp cho các quỹ đầu tư tư nhân có thể kết hợp với các NĐT trong nước dễ dàng thoái vốn và bán cổ phần kiểm soát công ty cho các NĐT chiến lược cùng ngành nước ngoài.

Thực tế, tại nhiều doanh nghiệp trong nước có yếu tố cơ bản tốt, lợi nhuận ổn định, thuộc các ngành kinh doanh có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển, room cho NĐT nước ngoài đã được lấp đầy và cộng đồng NĐT nước ngoài rất trông đợi chính sách nới trần tỷ lệ sở hữu tại các doanh nghiệp này, để gia tăng cơ hội sở hữu cổ phiếu tốt hay hội đủ tỷ lệ sở hữu để có thể tham gia vào các quản trị, điều hành doanh nghiệp.

Chính vì vậy, quyết định nới room của Chính phủ được nhiều NĐT, đặc biệt là NĐT nước ngoài đang có nhu cầu mua cổ phần kiểm soát tại các công ty trong nước đón nhận một cách đầy hứng khởi.

Theo đó, tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài sẽ không còn là rào cản với họ trong quá trình tìm kiếm cơ hội M&A tại Việt Nam. Đây cũng được coi là thông tin tốt với các NĐT tài chính, những người đang có nhu cầu thoái vốn thông qua hình thức bán cổ phần trực tiếp cho các NĐT chiến lược trong ngành.

Ngoài ra, việc cho phép gia tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài sẽ tạo điều kiện thu hút thêm dòng vốn ngoại vào TTCK, gia tăng tính thanh khoản, giúp TTCK trong nước sôi động, từ đó, tác động tích cực đến tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. 

Để quy định này sớm đi vào thực tiễn, phát huy tác dụng tích cực, tôi cho rằng, Chính phủ cần khẩn trương ban hành các hướng dẫn thực hiện Nghị định 60 trong thời gian sớm nhất. Bởi theo quy định của Nghị định 60, việc thực hiện mở tỷ lệ sở hữu đối với NĐT nước ngoài còn phụ thuộc vào điều lệ công ty, việc phân loại và định nghĩa các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và những cam kết của Việt Nam đối với WTO cũng như điều chỉnh của Luật Đầu tư mới. Tất cả những quy định này khi chưa có hướng dẫn rõ ràng sẽ gây ra sự lúng túng cho cả phía doanh nghiệp và NĐT trong việc thực hiện.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý cho việc nới room của doanh nghiệp mới chỉ là điều kiện cần, nhưng chưa đủ. Nghị định 60 đã trao quyền tự quyết vấn đề nới room cho đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp. Như vậy, trần tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp cho NĐT ngoại phụ thuộc hoàn toàn vào ý chí của các cổ đông lớn, nắm quyền kiểm soát công ty, mà trong nhiều trường hợp chính là ban lãnh đạo công ty.

Dẫu vậy, ngay cả khi cổ đông đa số của doanh nghiệp quyết định mở room cho khối ngoại, thì vẫn có những việc khác cần làm để thu hút được NĐT nước ngoài.

Là một NĐT tài chính tại Việt Nam, trong 7 năm qua, chúng tôi đã phải ứng phó với rất nhiều khó khăn khi đầu tư vào một thị trường cận biên, như sự thiếu minh bạch thông tin, quản trị doanh nghiệp yếu kém, sự đối xử không bình đẳng giữa các cổ đông và đặc biệt là sự hạn chế về các biện pháp bảo vệ NĐT thiểu số trong những trường hợp mâu thuẫn về lợi ích xảy ra.

Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam thúc đẩy mạnh mẽ việc áp dụng các quy tắc quản trị công ty tốt nhất, bảo vệ quyền lợi cổ đông trong các doanh nghiệp, có chế tài xử phạt nghiêm đối với những trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật để đảm bảo việc tuân thủ, bảo vệ cổ đông doanh nghiệp, xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch.

Tin bài liên quan