Nỗi niềm “công nhân tài chính“

Nỗi niềm “công nhân tài chính“

(ĐTCK) Nhắc đến chứng khoán, hình ảnh quen thuộc nhất vẫn là môi giới, bởi đây là bộ phận tiếp xúc nhiều nhất với thị trường, nhà đầu tư. Tuy nhiên, phía sau hình bóng này là đội ngũ không thể thiếu, đóng vai trò hỗ trợ sát sườn: những người làm nghề phân tích (analyst). Không chỉ là các con số, họ cũng là những người rất thạo viết lách.

“Làm dâu trăm họ”

Đã có nhiều năm làm nghề phân tích, anh B chia sẻ, đây là nghề “làm dâu trăm họ”, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán (CTCK), nhà đầu tư chưa thực sự thừa nhận tầm quan trọng của bộ phận này.

Khi thị trường thuận lợi, bộ phận phân tích được tích cực “sử dụng” cho hoạt động tự doanh, nhưng khi có sóng gió, thị trường “lỗi nhịp”, đây cũng chính là bộ phận gánh chịu nhiều chỉ trích nhất trong chuyện khuyến nghị đầu tư.

Hoạt động ở bất cứ lĩnh vực nào cũng có những gian nan, áp lực đi cùng với vinh quang. Tuy nhiên, làm nghề phân tích, áp lực tăng lên gấp bội, đặc biệt đối với các bạn vừa bước vào nghề chưa lâu. Nam, nhân viên phân tích trẻ của một công ty chứng khoán chia sẻ, ngày nào cũng ngập đầu với con số, tìm kiếm, thu thập thông tin để viết báo cáo.

Chuyện tan sở lúc 8, 9 giờ tối là rất bình thường. Không chỉ chịu sức ép về thời gian, thu nhập, điều gây áp lực nhất đối với các chuyên viên phân tích là sự phản ứng của khách hàng, của lãnh đạo khi có những phân tích chưa chuẩn xác. Chưa kể, việc suốt ngày “làm bạn” với những con số, báo cáo, đặc biệt khi phân tích thiên về kỹ thuật, rất “khô khan”.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường chứng khoán ngày càng phát triển, nhà đầu tư “tinh khôn” hơn, yêu cầu về chất lượng báo cáo cũng tăng lên nhiều lần. Chính vì vậy, các công ty chứng khoán đều nâng tiêu chí tuyển dụng đầu vào đối với nhân viên phân tích.

Để được vào làm việc tại các CTCK có thương hiệu, nằm trong top đầu, các chuyên viên phân tích đều phải trải qua các lớp học phân tích tài chính để có chứng chỉ CFA. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu, thậm chí phải chinh phục CFA Charterholder mới “có cửa” chen chân vào các CTCK lớn.

Anh Nguyễn Hữu Bình, Trưởng phòng Phân tích, CTCK IVS từng chia sẻ, nghề phân tích tạo ra nhiều giá trị, nhưng tính chất thầm lặng của công việc khiến đội ngũ phân tích chưa được nhìn nhận chính xác.

Chưa kể, đội ngũ phân tích luôn phải tự nâng cao năng lực để có thể cập nhật các diễn biến trên thị trường, đánh giá một cách nhanh nhất và truyển tải dễ hiểu nhất cho khách hàng. Có thể nói, đây là những “công nhân tài chính” với công việc vất vả.

Ngày càng chuyên nghiệp

Nếu như nhà môi giới có “số má” thì các chuyên viên phân tích cũng vậy. Tuy nhiên, khác với người làm nghề môi giới, ngoài kinh niệm nhiều năm trong nghề, các nhân viên phân tích thường có học vị cao, đặc biệt, nhiều người từng tu nghiệp tại nước ngoài.

Tại một số CTCK vừa và nhỏ, số lượng nhân sự dành cho bộ phận phân tích rất ít, thậm chí chỉ có 1, 2 người. Con số này tại các CTCK lớn có thể nhiều hơn, tuy nhiên, với lượng nhân sự hạn chế, việc bao quát thông tin toàn bộ thị trường để đưa ra các bản phân tích mang tính cập nhật, có chất lượng không hề dễ.

Cũng bởi lý do này, mô hình phân tích của các CTCK đang ngày càng chuyên nghiệp hơn khi mỗi nhân viên phân tích sẽ được giao phụ trách một mảng riêng và tập trung nhấn mạnh vào mảng này để đưa ra các báo cáo kịp thời đến thị trường. Chưa kể, chất lượng các báo cáo cũng được trau chuốt hơn.

Trong cuộc họp về ngành chứng khoán mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, chất lượng báo cáo phân tích của nhiều CTCK đã được nâng lên tầm cao.

“Tôi đã rất ngạc nhiên với những báo cáo phân tích có chiều sâu. Nó cho thấy sự am hiểu về thị trường chứng khoán của nhiều nhân sự làm nghề phân tích”, ông Nghĩa nhận xét.

Tin bài liên quan