Từ năm 2016 đến nay có 9 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM

Từ năm 2016 đến nay có 9 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch trên UPCoM

Nỗi niềm cổ đông doanh nghiệp bên bờ vực phá sản

(ĐTCK) Cổ đông Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Khai thác công trình giao thông 584 (NTB) đã đặt rất nhiều câu hỏi chất vấn Ban lãnh đạo NTB trước tình trạng nguy cấp của doanh nghiệp. Tuy nhiên, NTB vẫn chưa có giải pháp khả thi để thoát khỏi nguy cơ phá sản, giống như thế khó của một số doanh nghiệp khác gần đây.

NTB lỗ liên tiếp 6 năm

Sau 6 năm lỗ liên tiếp và đứng trước nguy cơ phá sản, cuối tuần qua, NTB tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông thường niên, có 3 phương án được Hội đồng quản trị đưa ra nhằm cứu vãn tình hình. Thứ nhất, tăng vốn điều lệ 200 tỷ đồng để phát triển các tài sản của Công ty.

Thứ hai, đàm phán với các ngân hàng tại tòa án về việc giao tài sản dự án Trịnh Đình Trọng (Tân Phú) cho Sacombank (STB), dự án Nguyễn Oanh (Gò Vấp) và dự án Tân Kiên (Bình Chánh) cho BIDV để các ngân hàng phát mại tài sản trả nợ vay. Thứ ba, tái cấu trúc Công ty theo hướng sáp nhập, bán cho một đối tác khác, hoặc phá sản.

Về phương án tăng vốn, nhiều cổ đông đặt câu hỏi, Công ty thực hiện tăng vốn như thế nào khi giá cổ phiếu hiện chưa tới 1.000 đồng/CP? Giả sử có tăng được vốn thì ngân hàng, cơ quan thuế cũng sẽ thu hồi hết, không giải quyết được gì. Phá sản là phương án cuối cùng, thiệt thòi cho tất cả. Phương án sáp nhập hoặc bán cũng thiếu tính khả thi.

NTB tiền thân là Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 5 (CIENCO 5). Trong giai đoạn thị trường bất động sản sốt nóng, NTB triển khai nhiều dự án, nhưng thị trường đóng băng sau đó khiến Công ty lâm vào tình cảnh nợ nần, nhiều dự án mắc kẹt, vướng vào tranh chấp triền miên. Một số cổ đông NTB cho hay, họ vẫn đang bị chôn vốn mua nhà tại các dự án trên, dù thị trường bất động sản khởi sắc trong 2 năm qua.

Đại hội NTB diễn ra nóng bỏng, nhưng kết cục, cổ đông vẫn phải nối dài niềm hy vọng mong manh khi không có phương án nào được thông qua. Những trao đổi giữa cổ đông và Ban lãnh đạo về việc hồi sinh các dự án cũng đi vào ngõ cụt.

6 tháng đầu năm 2017, NTB lỗ 182,4 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 1.411 tỷ đồng, làm âm vốn chủ sở hữu 855 tỷ đồng. Tổng tài sản cuối kỳ là 2.963 tỷ đồng, giảm 15% so với đầu kỳ. Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ chỉ còn 377 triệu đồng. Tổng nợ phải trả của Công ty tại ngày 30/6/2017 là đến 3.818 tỷ đồng.

Tổng giám đốc NTB Đỗ Biên Thùy chia sẻ, từ năm 2011 đến nay, Công ty không có nguồn thu, cơ quan thuế cưỡng chế hóa đơn, phong tỏa tài khoản, UBND TP.HCM không phát triển các dự án mới. Với tình hình tài chính bế tắc, Công ty không thể hoạt động khi không có nguồn tài chính. Hội đồng quản trị và Ban điều hành cũ đã có nhiều nỗ lực, nếu không, Công ty đã phá sản từ nhiều năm trước.

Những câu chuyện tương tự và số phận cổ đông

Mới đây, Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu khoáng sản Miền Trung (MTM) công bố, 9 tháng đầu năm lỗ 162,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu thời điểm cuối quý III/2017 âm 30,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, MTM thừa nhận, nhiều khoản phải thu của Công ty được kê khai ảo để lừa đảo khi bán chứng khoán.

Hiện MTM không thể thực hiện phá sản, vì thực chất không có tài sản. Sau khi chủ tịch doanh nghiệp bị khởi tố và bắt giữ, một số cổ đông đã tham gia vào Ban lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp, mong vớt vát lại khoản tiền đầu tư.

Một trường hợp khác, cuối năm 2016, Công ty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) thông báo tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông để xin rút khỏi UPCoM, vì Công ty đã dừng hoạt động được 1 năm, dự kiến sẽ phải tiến hành phá sản theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần có phương án giải quyết quyền lợi cổ đông để trình cơ quan quản lý. Tuy nhiên, đến nay, mọi chuyện vẫn chưa được giải quyết khi VSP chưa thể tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông đúng quy định (do không đủ cổ đông tham dự), bởi nhiều cổ đông chẳng còn hy vọng gì ở Công ty.

Năm 2016, trên UPCoM có 7 cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch (BAM, KSS, MTM, KTB, PTK, VSP, FBA), từ đầu năm đến nay có thêm 2 doanh nghiệp bị đưa vào danh sách  này (VKP và BGM). Hầu hết doanh nghiệp đang “vất vưởng”, tương lai vô định, một số doanh nghiệp “bặt vô âm tín”.

Tin bài liên quan