Nỗi khổ cổ đông khi công ty hết đại chúng

Nỗi khổ cổ đông khi công ty hết đại chúng

(ĐTCK) Không ít công ty đại chúng đột nhiên trở thành công ty không đại chúng. Đối tượng chịu thiệt thòi nhất chính là cổ đông nhưng họ không biết phải kêu ai.

Khi tìm kiếm thông tin về CTCP Du lịch Đà Lạt tại website của Công ty, Báo Đầu tư Chứng khoán nhận thấy, tuy có một mục riêng dành cho cổ đông đúng theo quy định nhưng mục này yêu cầu phải đăng nhập, tức là cần có tài khoản riêng mới có thể truy cập và xem tin tức mà Công ty công bố.

Việc làm này là không đúng với tinh thần công khai minh bạch của thị trường chứng khoán, không đúng với các quy định về công bố thông tin và khiến cổ đông bức xúc. Nhưng báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016 của Du lịch Đà Lạt đã nêu rõ, Công ty không còn là công ty đại chúng, cổ đông (không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp) chỉ còn dưới 100 người.

Việc này đã có văn bản thông báo của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Bởi vậy, cổ đông dù ấm ức vì Công ty công bố thông tin không đầy đủ, không đúng hạn, thậm chí không xem được cũng phải chấp nhận.

Một trường hợp khác, CTCP Phát triển nguồn nhân lực LOD vừa qua đã công bố không còn là công ty đại chúng, hay cách đây vài năm, tại Đại hội đồng cổ đông, CTCP Tư vấn dịch vụ công nghệ tài nguyên - môi trường (Tecos) thông báo, Công ty không còn là công ty đại chúng, do đó, những yêu cầu cung cấp thông tin của cổ đông không còn phù hợp.

Thực tế, chuyện các công ty chưa niêm yết không công bố thông tin theo luật định không có gì mới. Phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán đã có lần tham dự một đại hội đồng cổ đông mà tài liệu chỉ duy nhất một tờ chương trình họp và một báo cáo kết quả kinh doanh cả năm rất vắn tắt. Việc các công ty cung cấp thiếu báo cáo kiểm toán, thuyết minh báo cáo tài chính, không công bố thông tin… cũng rất nhiều.

Với kỳ vọng tăng cường sự minh bạch, những năm qua, cơ quan quản lý đã ban hành nhiều văn bản thay thế nhau mà trong đó, yêu cầu công bố thông của công ty đại chúng ngày càng chặt chẽ. Kể từ Thông tư 38/2007/TT-BTC, Thông tư 09/2010/TT-BTC… đến nay là Thông tư 155/TT-BTC, nghĩa vụ công bố thông tin của các công ty đại chúng đã được quy định đầy đủ, rõ ràng hơn.

Nếu như trước đây, nghĩa vụ công bố thông tin định kỳ của công ty đại chúng chỉ gồm công bố báo cáo tài chính năm đã kiểm toán (có thuyết minh báo cáo tài chính), báo cáo thường niên (Thông tư 38/2007/TT-BTC) thì nay, các loại thông tin định kỳ phải công bố đã tăng lên và phân chia theo quy mô của công ty.

Thông tin định kỳ phải công bố bao gồm toàn văn báo cáo tài chính năm (bao gồm cả báo cáo kiểm toán), báo cáo thường niên, đại hội đồng cổ đông, chào bán và sử dụng vốn, tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Các loại thông tin phải công bố trong vòng 24h cũng tăng từ 6 loại (tài khoản bị phong tỏa, tạm ngừng kinh doanh…) lên thành 18 loại, chưa kể một số trường hợp đặc biệt khác như thay đổi kỳ kế toán, chia tách, sáp nhập…

Chưa kể, với các công ty đại chúng quy mô lớn (vốn từ 129 tỷ đồng trở lên) nghĩa vụ công bố thông tin ngang bằng với công ty niêm yết, tức là công bố báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, báo cáo tài chính bán niên được soát xét, báo cáo tài chính quý, giải trình nếu lỗ lãi đột biến, công bố báo cáo tình hình quản trị doanh nghiệp 6 tháng, 1 năm… Nghĩa vụ công bố thông tin tăng lên, một số công ty thường xuyên phải đối mặt với chất vấn của cổ đông yêu cầu công bố thông tin đầy đủ.

Dù vậy, trên thị trường vẫn có một số trường hợp, công ty thoát khỏi nghĩa vụ công bố thông tin nhờ việc không còn là công ty đại chúng.

Điều kiện để trở thành công ty đại chúng gồm có vốn điều lệ ít nhất 10 tỷ đồng và lượng cổ đông ít nhất 100 người, không kể cổ đông là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Với công ty được cổ phần hóa, vốn điều lệ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nên đây là tiêu chí không thể thay đổi. Nhưng số lượng cổ đông lại dễ dàng bị tác động.

Với một số trường hợp công ty không còn là công ty đại chúng, lãnh đạo một công ty từng lý giải là do cổ đông tự do mua bán, dẫn đến số lượng cổ đông thay đổi. Nhưng cũng có ý kiến cổ đông cho rằng, không ngoại trừ trường hợp ban lãnh đạo công ty mua lại cổ phần để giảm số lượng cổ đông, tránh phải làm công ty đại chúng. Với công ty cổ phần hóa, lượng cổ đông là người lao động được mua ưu đãi khá lớn, nhưng số lượng cổ phần của mỗi người lại không lớn. Do đó, việc mua gom cũng dễ thực hiện hơn.

Luật sư Hồ Anh Khoa (Công ty luật BASICO) cho rằng, việc giảm số lượng cổ đông và không còn là công ty đại chúng thì dù là ban lãnh đạo công ty mua lại hay do các cổ đông mua bán đều không trái luật. Vấn đề chỉ là nếu còn là công ty đại chúng, công ty phải chịu sự giám sát của UBCK. Nhưng nếu hết đại chúng, cổ đông không biết kêu ai khi công ty không thực hiện đúng các yêu cầu về quản trị công ty cổ phần. Trong khi đó, Tòa án chỉ giải quyết khi có tranh chấp và có đơn khởi kiện. Đây cũng là cái khó của nhà đầu tư nhỏ.

Tin bài liên quan