Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ÐHCĐ thường niên

Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ÐHCĐ thường niên

Nợ cổ tức trước năm 2015, luật mới cũng… chịu

(ĐTCK) Sau loạt bài về chủ đề xử lý DN chây ì trả cổ tức, được ĐTCK đăng tải gần đây, trong số nhiều ý kiến phản hồi về Tòa soạn, có NĐT đặt câu hỏi: với các DN nợ cổ tức trước năm 2015, thì khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, cổ đông có thể kiện DN hay không?

S74 chây ì trả cổ tức, kiện được không?

Đại diện cho một nhóm NĐT nhỏ, anh Nguyễn Ngọc Minh (TP. HCM) đặt câu hỏi như vậy khi phản hồi thông tin cho ĐTCK.

Anh Minh đặt vấn đề, Điều 132 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định, cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ÐHCĐ thường niên. HĐQT lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức… Vậy khi Luật có hiệu lực từ ngày 1/7 tới, NĐT có khởi kiện CTCP Sông Đà 7.04 (S74) được không nếu S74 không thanh toán cổ tức đúng thời hạn như công bố (cổ tức năm 2012 dự kiến trả vào tháng 9/2015, cổ tức năm 2013 dự kiến trả vào tháng 11/2015)?

Giải đáp thắc mắc trên, luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết, trường hợp quyết định trả cổ tức năm 2012, 2013 được ĐHCĐ của S74 thông qua trước ngày 1/7/2015 - thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, nhưng đến tháng 9 và tháng 11/2015 nếu S74 không thực hiện, thì các cổ đông không thể khởi kiện S74, vì Luật Doanh nghiệp và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không áp dụng nguyên tắc hồi tố. Theo đó, sẽ không xử lý các trường hợp DN chây ì trả cổ tức trước khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực. Nếu quyết định trả cổ tức được ĐHCĐ của S74 thông qua sau thời điểm Luật này có hiệu lực, mà Công ty không tuân thủ quy định: cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày kết thúc họp ÐHCĐ thường niên, thì các cổ đông có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc S74 thanh toán cổ tức đúng thời hạn.

Theo quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành, ÐHCĐ phải họp thường niên trong thời hạn 4 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính. Trường hợp HĐQT của DN có đề nghị, thì cơ quan đăng ký kinh doanh có thể gia hạn, nhưng không quá 6 tháng, kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

Do vậy, ở góc độ thực tiễn, do mùa ĐHCĐ thường niên năm 2015 kết thúc muộn nhất vào ngày 30/6/2015, một ngày trước thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, nên chắc chắn các quyết định về thanh toán cổ tức từ năm 2014 trở về trước, đều được ĐHCĐ của các DN thông qua trước thời điểm Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực. Do đó, các cổ đông chưa thể sử dụng các quy định mới của Luật để bảo vệ quyền lợi của mình nếu DN chây ì trả cổ tức, mà phải đợi sau thời điểm Luật có hiệu lực.

Trên thực tế, vẫn có một số DN vi phạm quy định về thời hạn tổ chức họp ĐHCĐ. Với những trường hợp này, nếu ĐHCĐ thường niên năm 2015 của DN được tổ chức sau ngày 1/7/2015, trong đó có thông qua nội dung chi trả cổ tức cho năm 2014 trở về trước, nhưng sau đó DN không tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp 2014 về thời hạn trả cổ tức, thì cổ đông có quyền khởi kiện để yêu cầu tòa án buộc DN thanh toán cổ tức và lãi chậm trả cổ tức. 

Đừng để NĐT “được vạ thì má đã sưng”

Liên quan đến thủ tục khởi kiện ra tòa, NĐT cá nhân nhỏ lẻ cho rằng, do thủ tục này quá rườm rà và khó khả thi. Theo phản ánh của NĐT, các luật sư đi “chinh chiến” ở tòa không lạ gì thực tế, với tòa án, hỏi ý kiến là một chuyện, xử lại là chuyện khác. Giữa quy định pháp lý và đoạn trường cổ đông đi kiện rất khác nhau. Khi đi kiện, các cổ đông thấm thía câu: "được vạ thì má đã sưng". Bởi vậy, với những DN chây ì trả cổ tức, thượng sách với các cổ đông là tẩy chay DN bằng cách tìm cơ hội rút vốn.

Ý kiến từ giới đầu tư cho rằng, để bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, chỉ Luật Doanh nghiệp 2014 cải cách thôi chưa đủ, mà điều quan trọng là phải có những bước cải cách của hệ thống tư pháp về tố tụng dân sự, cơ quan tòa án, bởi đây đang là “điểm nghẽn” chính khiến cổ đông nhỏ lẻ gần như “bó tay” trong sử dụng công cụ khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi xảy ra tranh chấp với các DN.  

Tin bài liên quan