Niêm yết sẽ sôi động trong quý IV

Niêm yết sẽ sôi động trong quý IV

(ĐTCK) Không đặt ra định lượng cụ thể nhưng theo lãnh đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE), số lượng doanh nghiệp niêm yết mới sẽ tăng mạnh hơn vào quý IV/2017. Chuyển động niêm yết mới và đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM ghi nhận những tín hiệu tích cực.

Tin lên sàn khiến cổ phiếu ngân hàng sôi động

Sau sự kiện VPBank lên sàn, nhà đầu tư đang chờ đợi thêm nhiều cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ lên niêm yết để tăng tính cạnh tranh trong khối, cũng như gia tăng thêm chất lượng hàng hóa đối với cổ phiếu lên sàn.

Sự chờ đợi này là có cơ sở khi việc “ép” các ngân hàng lần lượt lên sàn đã nằm trong kế hoạch của nhà quản lý. Tuy nhiên, khác với VPBank, nhiều ngân hàng lựa chon việc đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM một thời gian nhất định, như một bước đệm trước khi đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết.

Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) sau nhiều lần trì hoãn kế hoạch lên sàn, cũng như băn khoăn lựa chọn giữa việc đưa cổ phiếu lên sàn niêm yết hay đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM, đã quyết định sẽ đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM ngay cuối tháng 9/2017. Ngân hàng này cũng vừa có văn bản xin ý kiến các cổ đông về việc giữ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa ở mức 5%.

Niêm yết sẽ sôi động trong quý IV ảnh 1

 Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sắp lên sàn đang được giao dịch sôi động không kém các doanh nghiệp trên sàn.

Lý giải cho việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần chỉ ở mức 5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tự do, trong khi quy định tối đa 30%, LienVietPostBank cho biết, Ngân hàng muốn khóa room để dành cho những chiến lược kinh doanh lớn hơn.

Nếu dành hết tỷ lệ 30% cho nhà đầu tư nước ngoài, nhiều nhà đầu tư nước ngoài (cá nhân) có thể sẽ mua cổ phiếu, trong khi HĐQT đang chuẩn bị đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh.

Trên thị trường OTC, nhiều cổ phiếu ngân hàng có kế hoạch lên sàn từ nay đến cuối năm đã được săn đón với mức giá khá cao, ngang ngửa với các cổ phiếu Top đầu ngành trên sàn niêm yết.

Môi giới của các công ty chứng khoán ngoài việc đặt lệnh hộ các nhà đầu tư trên sàn cũng có thêm việc là “săn” các mã cổ phiếu “hot” phục vụ nhu cầu mua trước, đón giá.

Chẳng hạn, chỉ với thông tin dự kiến lên sàn trong quý IV/2017, cổ phiếu của Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank - TCB) đã có giao dịch trên thị trường OTC với giá dao động từ 37.000 đồng/cổ phần đến 39.000 đồng/cổ phần, tăng gần 3 lần so với thời điểm đầu năm.

Dù đến thời điểm hiện tại, Techcombank vẫn chưa nộp hồ sơ, một phần vì kiêng tháng Ngâu và cũng còn những băn khoăn về việc chọn sàn nào để niêm yết, nhưng thông tin quý IV lên sàn đã khiến giao dịch TCB sôi động hẳn. Không ít nhà đầu tư “kiếm được” từ món hàng này trong khi không ít người khác đang nuôi kỳ vọng sẽ có lãi khi TCB lên giá cao hơn 37.000 đồng/cổ phiếu.

Trong khi nhiều nhà đầu tư “khoái" TCB ở giá 37.000 đồng/cổ phiếu thì cổ phiếu của một số ngân hàng khác đã có kế hoạch lên sàn nhưng chưa có thời gian cụ thể, lại đang được giao dịch xung quanh mệnh giá. Giá giao dịch cao nhất cũng chỉ đạt 15.000 đồng/cổ phần đến 17.000 đồng/cổ phần.

… Đến chuyện lên sàn của nhiều doanh Nghiệp khác

Ở nhóm ngành khác, Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP (VEAM) đang hoàn tất các thủ tục để nộp hồ sơ niêm yết trên HOSE trong quý IV/2017.

Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước và bắt đầu hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ ngày 24/1/2017 với vốn điều lệ là 13.288 tỷ đồng, VEAM nắm giữ 20% cổ phần trong liên doanh với Toyota Motor Vietnam và 30% tại Honda Việt Nam, sở hữu 25% vốn của Ford Motor Việt Nam (thông qua công ty con 100% vốn sở hữu là DISOCO).

Nếu VEAM lên sàn như kế hoạch, cổ phiếu của doanh nghiệp này sẽ nằm trong Top doanh nghiệp có vốn hóa lớn trên thị trường. Hiện tại VEAM đang được giao dịch trên thị trường OTC với giá khoảng 22.000 đồng/cổ phiếu.

Là đơn vị tư vấn cho nhiều doanh nghiệp niêm yết, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn tại Hà Nội cho biết, giá cổ phiếu của các doanh nghiệp sắp lên sàn đang được giao dịch sôi động không kém các doanh nghiệp trên sàn.

Thậm chí, có nhiều cổ phiếu đang được “thổi” lên mức cao hơn so với cả các doanh nghiệp cùng ngành đã niêm yết, vì kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư là thể nào doanh nghiệp hoặc nhóm cổ đông lớn cũng sẽ có động thái “đỡ giá” giai đoạn đầu.

Ngày 18/1, VEAM tổ chức đại hội cổ đông lần đầu

Điều này có thể lợi trước mắt, nhưng sẽ là rủi ro khi giá cổ phiếu thực tế khi niêm yết thấp hơn, hoặc khi cổ phiếu của doanh nghiệp giảm sau khi niêm yết.

Theo dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có khoảng 10 tổng công ty nhà nước đã cổ phần hoá và khoảng 15 công ty có vốn Nhà nước chi phối, thực hiện niêm yết/đăng ký giao dịch cổ phiếu với tổng số lượng hàng hóa ước tính khoảng 1,5 tỷ cổ phiếu.

Trong đó, ngoài  Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam - CTCP đã nêu trên, còn có một số doanh nghiệp vốn nghìn tỷ như Tổng công ty máy và thiết bị công nghiệp - CTCP (có vốn điều lệ 1.420 tỷ đồng), Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam - CTCP (có vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng).

Thông báo của Bộ Tài chính cho biết, hiện có 747 doanh nghiệp đại chúng chưa lên sàn và phải thực hiện việc này trong năm 2017 hoặc sớm nhất có thể (nếu không sẽ bị phạt).

Giả sử từ nay đến cuối năm có 1/10 số doanh nghiệp loại trên thực hiện theo đúng quy định thì thị trường sẽ đón thêm 70 hàng hóa mới, “tha hồ” lựa chọn. Tuy nhiên, giả sử cũng chỉ là giả sử, bởi nhiều doanh nghiệp trong số 747 doanh nghiệp được “bêu tên” đã cho biết, họ còn vướng nhiều chuyện, chưa thể đủ điều kiện lên sàn.

Niêm yết sẽ sôi động hơn trong quý IV

Trong tháng 8/2017, HOSE nhận được một số hồ sơ xin niêm yết mới và chuyển niêm yết từ sàn UPCoM lên HOSE như Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại Xuất nhập khẩu Việt Phát với mức vốn điều lệ 200 tỷ đồng, tương đương số cổ phiếu niêm yết 20 triệu cổ phiếu, Công ty cổ phần CMC xin niêm yết hơn 28 triệu cổ phần; Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn xin niêm yết 39,6 triệu cổ phần... Những doanh nghiệp này cũng dự kiến sẽ niêm yết trong quý IV/2017.

Thực tế, với tâm lý “kiêng tháng Ngâu”, không nhiều doanh nghiệp lựa chọn nộp hồ sơ và niêm yết trong nửa đầu tháng 9 và bản thân lãnh đạo các Sở cũng hiểu tâm lý của doanh nghiệp nên những hồ sơ chấp thuận niêm yết sẽ được “giải quyết” trước và sau “tháng Cô hồn”. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp lên sàn dự kiến sẽ tăng mạnh hơn từ nửa sau tháng 9.

Bà Trần Thị Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE cho biết, số lượng doanh nghiệp niêm yết thường gia tăng ở giai đoạn cuối năm, đặc biệt là khi ý thức tuân thủ quy định pháp lý ngấm hơn vào lãnh đạo doanh nghiệp. Điều thuận lợi là diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay khá sôi động, mang lại lợi ích thiết thực cho lãnh đạo nhiều doanh nghiệp niêm yết mới. Đây là yếu tố “kích thích” các doanh nghiệp đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn.

Tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), nửa đầu năm 2017, Sở đã chấp thuận đăng ký giao dịch mới cho 161 doanh nghiệp trên thị trường UPCoM, tức tăng 242% so với cùng kỳ và đạt gần 90% kế hoạch năm 2017. Theo HNX, số lượng doanh nghiệp đăng ký giao dịch  dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm và đặc biệt là quý cuối của năm vì nhà quản lý đã và sẽ thúc ép mạnh.

Chuyển động thực tế tại các doanh nghiệp trực thuộc các bộ, tổng công ty cũng cho thấy, quyết tâm đưa cổ phiếu lên sàn của các đơn vị đủ điều kiện là có thật.

Đơn cử, tại Bộ Xây dựng, tính đến thời điểm cuối tháng 8/2017 có 5 doanh nghiệp đang hoàn tất thủ tục, chờ niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên sàn trong quý IV/2017 gồm Tổng công ty Xây dựng Bạch Đằng - CTCP,  Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP (COMA), Tổng Công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (FiCO) – CTCP; Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) – CTCP và  Tổng công ty Đầu tư Nước và Môi trường Việt Nam – CTCP (VIWASEEN)

Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước từng chia sẻ, chủ trương của cơ quan quản lý là luôn khuyến khích, vận động để các doanh nghiệp tự giác đăng ký niêm yết, giao dịch trên thị trường chứng khoán. Sau khi triển khai các bước này, nếu doanh nghiệp cố tình chậm trễ đưa cổ phiếu lên sàn thì UBCK mới buộc phải xử phạt.   

Tin bài liên quan