Lễ ký kết hỗ trợ kỹ thuật cho Cuộc bình chọn giữa HOSE, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA)

Lễ ký kết hỗ trợ kỹ thuật cho Cuộc bình chọn giữa HOSE, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh (ACCA)

Những thông tin cần biết về Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018

(ĐTCK) Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (Vietnam Listed Company Awards - VCA) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên (Vietnam Annual Report Awards) - sự kiện đã đồng hành cùng thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết trong suốt 10 năm qua. 

Cuộc bình chọn năm 2018 có 3 điểm mới nổi bật. Thứ nhất, bên cạnh nội dung đánh giá Báo cáo thường niên (BCTN) và Báo cáo Phát triển bền vững của doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, Cuộc bình chọn năm nay thực hiện đánh giá sâu hơn tình hình thực thi quản trị công ty (QTCT) của doanh nghiệp với một bộ tiêu chí riêng, qua đó khuyến khích áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế về QTCT nhằm hướng doanh nghiệp xây dựng môi trường kinh doanh dựa trên nền tảng phát triển bền vững.

Bộ tiêu chí đánh giá QTCT được Ban tổ chức xây dựng dựa trên nguyên tắc QTCT của OECD, các câu hỏi có điều chỉnh cho phù hợp với các quy định hiện hành về QTCT và tình hình thực tế của doanh nghiệp Việt Nam. Bên thứ ba độc lập được mời thực hiện đánh giá sơ khảo nội dung QTCT.

 Cuộc bình chọn năm nay thực hiện đánh giá sâu hơn tình hình thực thi quản trị công ty của doanh nghiệp

Tiêu chí chấm điểm QTCT năm nay không chỉ là BCTN mà còn mở rộng sang những nguồn khác. Do đó, không ít câu hỏi đặt ra rằng, liệu việc chấm điểm có bao quát hết các thông tin công bố của doanh nghiệp? Có công bằng khi soát thông tin của doanh nghiệp này mà không soát thông tin của doanh nghiệp kia?

Giải đáp thắc mắc này, Ban tổ chức VCA cho biết, bên cạnh BCTN, việc đánh giá các nội dung liên quan QTCT còn dựa trên các thông tin tin cậy mà công ty cung cấp rộng rãi ra thị trường trong khoảng thời gian từ 1/7/2017 đến 30/4/2018 qua các nguồn chính sau đây: website của doanh nghiệp niêm yết thuộc đối tượng được bình chọn và website của các cơ quan quản lý (hai Sở Giao dịch chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Trung tâm Lưu ký chứng khoán). Việc giới hạn nguồn thông tin này nhằm đảm bảo việc có thể kiểm chứng được nguồn thông tin cũng như độ tin cậy của các thông tin rộng rãi đó. 

Về vấn đề này, ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập Báo Đầu tư, đồng Trưởng Ban Tổ chức nhấn mạnh: “Việc thực hiện một số điểm mới, trong đó có tập trung đánh giá chuyên sâu hơn nội dung quản trị công ty, đã thể hiện quyết tâm của Ban Tổ chức trong việc đổi mới Cuộc bình chọn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế để nâng cao tính cạnh tranh và có nhiều cơ hội tiếp cận với thị trường vốn khu vực và quốc tế”.

Thứ hai, đối tượng bình chọn năm nay là các doanh nghiệp niêm yết trên hai Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Hà Nội thuộc rổ chỉ số VNX Allshare và được chia thành 3 nhóm theo quy mô vốn hóa thị trường (lớn, vừa và nhỏ), thay vì chấm toàn bộ tất cả các doanh nghiệp niêm yết đủ điều kiện xét chọn trên 2 sàn như mọi năm.

Thứ ba, về cơ cấu bình chọn, thay vì chọn Top 50 doanh nghiệp có BCTN tốt nhất để vinh danh, năm nay, Ban tổ chức sẽ chọn các báo cáo tốt nhất của mỗi nhóm vốn hóa (lớn, vừa và nhỏ) để trao giải nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp có quy mô vốn vừa và nhỏ tham gia cạnh tranh giải và có cơ hội được tôn vinh. Tương tự, đối với Giải QTCT, Ban Tổ chức cũng sẽ lựa chọn 5 doanh nghiệp tốt nhất của mỗi nhóm vốn hóa để trao giải thay vì chỉ trao Giải Nhất, Nhì, Ba như năm ngoái. 

Sở dĩ Ban tổ chức dự kiến cơ cấu này vì theo thống kê đến cuối tháng 3/2018, nhóm vốn hóa lớn (Large Cap) chỉ có 50 doanh nghiệp trong khi các nhóm còn lại rất đông, như nhóm vốn hóa vừa (Mid Cap) có 150 doanh nghiệp, nhóm vốn hóa nhỏ (Small Cap) có tới 279 doanh nghiệp. Vì vậy, việc lựa chọn Top 5 cho nhóm Large Cap và Top 10 cho nhóm Mid Cap và Small Cap nhằm đảm bảo tỷ lệ của nhóm Large Cap không quá lớn so với các nhóm còn lại. 

Có thể thấy, việc thực hiện những thay đổi kể trên đã thể hiện quyết tâm thay đổi để phù hợp hơn với quy mô, cũng như những yêu cầu ngày càng khắt khe về chuẩn mực minh bạch và quản trị tiên tiến trên thị trường của VCA.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Hải Trà, thành viên phụ trách HĐQT Sở GDCK TP.HCM, Trưởng Ban Tổ chức kiêm Chủ tịch Hội đồng bình chọn cho biết: “Bước sang năm thứ 11, chúng tôi càng ý thức sâu sắc về ý nghĩa, vị thế của Cuộc bình chọn cũng như sức ảnh hưởng của nó đối với doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư và thị trường nói chung. Vì vậy, chúng tôi càng quyết tâm nâng tầm uy tín và chất lượng của Cuộc bình chọn”. 

Tin bài liên quan