Điều tốt nhất là nên để thị trường có thời gian “tiêu hóa” những biến động và chờ đợi

Điều tốt nhất là nên để thị trường có thời gian “tiêu hóa” những biến động và chờ đợi

Những ngày “đỏ lửa” khi nỗi sợ lan truyền

(ĐTCK) Trên các trang tin tài chính vài ngày qua, những cụm từ “ngày thứ Hai đen tối”, “hoảng loạn”, “bể máu”… được nhắc tới với tần suất dày đặc. Người lạc quan đến mấy khi đọc những tin này chắc cũng thấy hoang mang, lo lắng, huống chi là người trong cuộc đang nhìn tài sản của mình mất giá từng ngày. Đó chính là một phần của trạng thái hiện tại của TTCK toàn cầu, chứ không chỉ Việt Nam.

Tin xấu dồn dập

Việc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ của Chính phủ Trung Quốc cách đây vài tuần đã kích dẫn một chuỗi phản ứng tiêu cực khắp toàn cầu: nỗi lo sợ nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng dưới dự kiến khiến nhà đầu tư bán mạnh các loại hàng hóa (bao gồm dầu thô và các kim loại công nghiệp như đồng, sắt, nhôm) lẫn cổ phiếu Trung Quốc và các nước đang phát triển.

Nỗi lo sợ dòng vốn quốc tế sẽ rút ra khỏi các nước đang phát triển khiến đồng tiền một số nước rớt giá mạnh, bất chấp nỗ lực can thiệp của ngân hàng trung ương (như trường hợp Malaysia). Chưa hết, những tin tức này còn diễn ra cùng lúc với những căng thẳng chính trị tăng cao ở Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và việc Quỹ Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ tăng lãi suất đồng USD trở lại vào tháng 9 tới. Trong giới tài chính, đây là một ví dụ của chuyện tin xấu dồn dập đến trong một lần (clustering of bad news).

Giữa bối cảnh đó, nhà đầu tư sẽ nhìn nhận xem điểm mấu chốt của vấn đề nằm ở đâu. Người ta dễ dàng chỉ ra Trung Quốc là “tội đồ”. Tuy nhiên, mấu chốt lại nằm ở kinh tế Trung Quốc, chứ không phải là hành vi điều chỉnh tỷ giá của họ. Một mức điều chỉnh tỷ giá chỉ khoảng 4% của Trung Quốc sẽ chưa có tác động mạnh đến kinh tế thế giới ngay lập tức, nhưng nó khiến người ta cho rằng, Chính phủ Trung Quốc đã phải dùng đến những biện pháp mạnh tay như điều chỉnh tỷ giá ở mức mà họ chưa từng làm trong nhiều năm, có nghĩa là kinh tế nước này không khả quan lắm rồi.

Kinh tế Trung Quốc trục trặc có nghĩa là nhu cầu với các hàng hóa nguyên liệu thô sẽ giảm, tiêu dùng giảm và nguy hơn là “quả bom nổ chậm” nợ vay của doanh nghiệp và chính quyền địa phương của Trung Quốc (gần gấp 3 lần GDP nước này) có thể bị kích nổ.

Kinh tế Trung Quốc đi xuống sẽ kéo theo sự đi xuống của những doanh nghiệp và ngân hàng có nguồn thu quan trọng từ Trung Quốc. Chưa hết, nó còn làm mất luôn hy vọng của các nhà đầu tư là nhóm các nước đang phát triển sẽ vượt qua khó khăn trong năm nay. Dòng vốn quốc tế đã rút ra khỏi khu vực các nước đang phát triển một cách tuần tự kể từ cuối năm ngoái và các tổ chức quốc tế như IMF liên tục hạ dự báo tăng trưởng của các nền kinh tế này.

Thật ra, xu thế giảm của dòng vốn ròng vào các nước đang phát triển đã bắt đầu từ năm 2013, nhưng người ta vẫn hy vọng rằng, đây là sự điều chỉnh có tính chu kỳ và các nước đang phát triển rồi sẽ ổn. Các nền kinh tế như Brazil, Trung Quốc, Nga và Ấn Độ sẽ khập khiễng một chút, nhưng rồi sẽ tăng trưởng cao trở lại.

Thế nhưng, cú sốc tỷ giá của Trung Quốc cho thấy, những người lạc quan có thể đã sai. Họ bắt đầu lo sợ và lật lại những kịch bản bi quan mà trước đây họ không tin; trong đó, có nỗi sợ về khủng hoảng tiền tệ 2.0 ở châu Á.

Khủng hoảng tiền tệ và chiến tranh tiền tệ: còn quá sớm để nói

Một số nhà phân tích bắt đầu dùng đến từ “hoảng loạn”, “sụp đổ”, thậm chí là “khủng hoảng tài chính” khi nói về đợt sụt giảm mạnh của TTCK toàn cầu mấy ngày qua. Khi Trung Quốc phá giá đồng nội tệ, người ta nói đến chiến tranh tiền tệ, nghĩa là các chính phủ chủ động phá giá đồng tiền nước mình để tăng tính cạnh tranh cho hàng xuất khẩu.

Trong diễn biến đó, các chính phủ chủ động hơn và họ nhắm tới vấn đề sức cạnh tranh và họ có thể làm vậy trong bất kỳ lúc nào, không nhất thiết khi kinh tế gặp rắc rối, mà chỉ là hướng tới tăng sức cạnh tranh. Ngược lại, khủng hoảng tiền tệ như những gì diễn ra ở châu Á giai đoạn 1997 - 1998 là chính phủ bị buộc phải để đồng tiền mất giá mạnh (bất kể những nỗ lực ổn định tỷ giá của ngân hàng trung ương) do sức ép về rút vốn và hoảng loạn trên thị trường tài chính do tài sản bị đẩy lên quá cao rồi đột ngột mất giá mạnh, khiến nhà đầu tư nước ngoài bán mạnh các tài sản bằng đồng nội tệ để mua ngoại tệ tháo chạy.  

Trong bối cảnh hiện tại, chưa thể dùng từ “hoảng loạn” để nói về tình trạng hiện nay của TTCK toàn cầu, ít nhất là với tình hình các thị trường phát triển như châu Âu và Mỹ. Các nhà phân tích và môi giới ở các thị trường này cho rằng, hiện tại, họ chỉ mới ở trạng thái các nỗi lo (fear) đối với kinh tế Trung Quốc lan truyền nhanh và lợi nhuận của một số công ty niêm yết ở các thị trường này có thể sụt giảm do doanh thu ở Trung Quốc sụt giảm, nhưng nó chưa chuyển thành hoảng loạn (panic).

Trong khi đó, ở châu Á, những khó khăn trong các năm gần đây đã ít nhiều hạn chế đà tăng giá của các tài sản tài chính và bất động sản, đồng thời việc tái cấu trúc đã giúp làm “sạch” bảng cân đối kế toán của một số ngân hàng (như trường hợp Việt Nam). Do đó, so với tình hình năm 1997 - 1998, hiện tại, các nước châu Á đã ít nhiều vững hơn, ít nhất là trên lý thuyết.

Vẫn có những rủi ro là chính phủ các nước này có thể đang che giấu nhiều vấn đề như chuyển nợ vòng quanh trong các tập đoàn và “làm đẹp” lợi nhuận (rất nhiều chuyên gia tài chính nghi ngờ điều này đang ở mức đáng báo động ở Trung Quốc). Tuy nhiên, ít ra hiện tại không ai đưa ra được những bằng chứng khiến đa số giới đầu tư tin là những điều đó đang ở mức có thể nhấn chìm các nền kinh tế đang phát triển vào khủng hoảng.

Vì vậy, giới đầu tư quốc tế chỉ mới ở trạng thái “lo sợ”, bán bớt vốn, rút vốn ra và chờ đợi, nhưng họ chưa “hoảng loạn” và “tháo chạy”. Tháo chạy vốn sẽ dẫn đến khủng hoảng. Ít ra bây giờ chúng ta chưa thấy.

Hy vọng ở đâu?

Hy vọng nằm chính ở những nguồn gây ra lo sợ. Đó là Trung Quốc và Mỹ. Nếu Mỹ trì hoãn tăng lãi suất, những dòng vốn quốc tế đang rời khỏi khu vực đang phát triển sẽ di chuyển chậm lại. Nếu Trung Quốc lấy lại chút ít đà tăng trưởng (ít ra là không để tốc độ tăng xuất khẩu trượt dài và TTCK ổn định lại một chút) thì những nỗi sợ sẽ không chuyển thành hoảng loạn.

Trong bối cảnh hiện tại, không ai có thể biết chắc điều gì đang xảy ra với nền kinh tế toàn cầu, do đó, giá cổ phiếu và thanh khoản có thể biến động nhiều hơn. Những cam kết mạo hiểm của nhà điều hành lúc này như ổn định tỷ giá hoặc sẽ can thiệp thị trường rất có thể gây tác dụng ngược nếu họ buộc phải phá vỡ cam kết hoặc can thiệp không thành công (như Trung Quốc mấy ngày qua).

Điều tốt nhất là nên để thị trường có thời gian “tiêu hóa” những biến động này và chờ đợi. Nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý cần có chiến lược quản trị rủi ro cho mình, đề phòng trường hợp tin xấu tới mức không thể tin được, hoặc tin tốt bất ngờ đến. 

Tin bài liên quan