Những mô hình IR cần tham khảo

Những mô hình IR cần tham khảo

(ĐTCK) Doanh nghiệp của tôi chuẩn bị niêm yết và đang tìm hiểu về quan hệ nhà đầu tư (IR), xin hỏi với một doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng, nhà nước vẫn sở hữu cổ phần chi phối, có thể tham khảo những mô hình IR nào (nên lập một bộ phận riêng hay thuê ngoài)?

Ông Đinh Ngọc Sơn, Giám đốc Tư vấn quản trị doanh nghiệp CTCP Chứng khoán FPT:

Quan hệ nhà đầu tư (IR) là công tác quản trị chiến lược kết hợp giữa tài chính, truyền thông, marketing trên cơ sở tuân thủ pháp luật, tạo nên mối quan hệ hai chiều hiệu quả giữa một doanh nghiệp với cộng đồng tài chính và những bên có quyền lợi liên quan, nhằm góp phần định giá đúng giá trị chứng khoán của doanh nghiệp (theo Học viện Quan hệ nhà đầu tư quốc gia Hoa Kỳ - NIRI).

Trọng tâm của IR là hoạt động trao đổi thông tin hai chiều giữa doanh nghiệp với cổ đông, nhà đầu tư, các nhà phân tích…, nhằm thỏa mãn cung - cầu về thông tin, mang lại lợi ích cho cả hai bên. Về phần cung, đảm bảo cung cấp thông tin thường xuyên, có giá trị, thông tin đúng mục đích, đúng đối tượng thông qua các thông báo, trang thông tin điện tử, báo cáo, tổ chức các buổi họp (đại hội đồng cổ đông, họp báo, hội thảo, gặp gỡ nhà đầu tư…). Về phần cầu, đảm bảo doanh nghiệp hiểu được nhu cầu thông tin của cộng đồng đầu tư, hiểu được thị trường đang định giá công ty thế nào, dựa trên những thông tin gì và tại sao lại định giá như vậy.

Hiện nay, hoạt động IR được doanh nghiệp tổ chức dưới các hình thức:

- Kiêm nhiệm (đặt bộ phận IR được phụ trách kiêm nhiệm bởi một phòng ban hoặc 1 cá nhân trong công ty như: phòng kế toán, tổ chức hành chính, phòng marketing…

- Lập bộ phận riêng độc lập

- Thuê ngoài: thuê các tổ chức tư vấn, công ty chứng khoán chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ này.

Theo quy định của pháp luật hiện hành, công ty cổ phần đại chúng không bắt buộc phải có bộ phận quan hệ nhà đầu tư, tuy nhiên, theo thông lệ quản trị công ty tốt, doanh nghiệp cần lập một bộ phận chuyên trách, độc lập phụ trách hoạt động IR. Bộ phận này chịu sự quản lý trực tiếp của CEO (giám đốc điều hành) hoặc CFO (giám đốc tài chính). Các thành viên trong bộ phận này phải có kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, thị trường vốn; hiểu biết thấu đáo về hoạt động của công ty, có mối liên hệ chặt chẽ với các vị trí quản lý, điều hành cấp cao của công ty…

Ở trường hợp cụ thể này, doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn (vốn điều lệ trên 2.000 tỷ đồng), mức độ đại chúng khá cao do đáp ứng đủ điều kiện niêm yết mặc dù nhà nước vẫn sở hữu chi phối. Do đó, doanh nghiệp cần có nhân viên chuyên trách hoặc bộ phận IR độc lập để hỗ trợ ban lãnh đạo trong công tác quan hệ nhà đầu tư đảm bảo công khai, minh bạch, bình đẳng giữa các cổ đông (cổ đông nhà nước và các cổ đông khác).

Việc lựa chọn giữa việc có nhân viên chuyên trách hay bộ phận IR độc lập, phụ thuộc vào mức độ phức tạp trong hoạt động của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề, trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có nhiều bên có quyền lợi liên quan, nhiều thông tin công bố… thì nên lập bộ phận IR độc lập để chuyên nghiệp hóa hoạt động IR, hỗ trợ nhà đầu tư tốt hơn.

Ngoài ra, do doanh nghiệp chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác IR, để hoàn thiện công tác này (quy trình, chiến lược, tạo lập quan hệ với cộng đồng nhà đầu tư, đảm bảo cung cấp thông tin đúng mục đích, đúng đối tượng, chính xác, kịp thời, xử lý tình huống phát sinh…), doanh nghiệp nên thuê ngoài các công ty chuyên nghiệp (tổ chức tư vấn, công ty chứng khoán) hỗ trợ thêm hoạt động IR.

Tin bài liên quan