Nhà đầu tư cá nhân “sống được” cùng thị trường thường phải rất giỏi cả về chuyên môn, luật pháp, lẫn kinh nghiệm thương trường

Nhà đầu tư cá nhân “sống được” cùng thị trường thường phải rất giỏi cả về chuyên môn, luật pháp, lẫn kinh nghiệm thương trường

“Những mảnh ghép” chứng khoán

(ĐTCK) Nhà đầu tư X chia sẻ: ông quyết mua cổ phiếu HTV vì cứ tưởng đó là cổ phiếu của Đài truyền hình Thành phố. Mua xong mới ngỡ ngàng khi biết, cổ phiếu đó là của một DN ngành vận tải, chẳng liên quan đến... truyền hình. 

Chuyện của ông X không lạ lẫm gì trong muôn vàn câu chuyện “ngỡ ngàng” của nhà đầu tư chứng khoán. Lên sàn, nhà đầu tư đặt mục tiêu kiếm tiền là số 1, nhưng ít ai nhớ được, muốn kiếm tiền, đầu tiên phải hiểu “những mảnh ghép” tạo nên thị trường.

“Những mảnh ghép” chứng khoán

Tiếp sau câu chuyện một DN trên sàn UPCoM (MTM) có dấu hiệu lừa đảo khiến Sở GDCK Hà Nội buộc phải ra thông báo ngừng giao dịch, nhà đầu tư đổ dồn sự quan tâm đến câu chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF) - DN niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM, khi DN này lộ ra khoản chênh lệch hàng tồn kho đến gần 1.000 tỷ đồng, được phát hiện từ báo cáo kiểm toán của một công ty uy tín. Cả hai câu chuyện đã và đang gây bão tâm lý trên TTCK, khi hiện trạng cổ phiếu đóng băng hoặc giá rơi sâu trên sàn, còn nhà đầu  tư đồng loạt đặt câu hỏi về trách nhiệm của các bên khi để xảy ra sự việc này.

Sự việc MTM hiện nay được cơ quan công an điều tra để tìm rõ nguyên nhân và trách nhiệm. Sự việc tại TTF, hiện Sở GDCK TP. HCM đã có thông báo đưa TTF vào diện kiểm soát đặc biệt, tức là ở trong vòng giám sát chặt chẽ của cơ quan chức năng.

Với nhà đầu tư, mất tiền là quá rõ nếu trót sở hữu MTM và TTF trước thời điểm tin xấu bung ra công luận. Trước mất mát này, không ít nhà đầu tư đã phát đi đơn kiện, đơn kêu cứu gửi khắp nơi nơi, yêu cầu quy trách nhiệm đến DN, đến Sở, đến cơ quan chức năng... Có nhà đầu tư yêu cầu được đền bù thiệt hại trước cú sốc từ DN với lý do, mua cổ phiếu vì nhà đầu tư tin vào nhà quản lý, tin vào chất lượng hàng hóa trên sàn, nên khi những sai phạm của DN bộc lộ, lỗi là của nhà tổ chức sàn. Để hiểu về phạm vi trách nhiệm trên TTCK, hãy cùng xem các mảnh ghép tạo nên thị trường được thiết kế như thế nào.

TTCK được hình thành từ 4 chủ thể chính: nhà quản lý, DN niêm yết, các tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư. Về phía nhà quản lý, 2 cấp gần gũi nhất là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Sở GDCK. Theo Luật Chứng khoán, UBCK thực hiện chức năng cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hoạt động trên TTCK; thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên TTCK; thống kê, dự báo về hoạt động chứng khoán và TTCK... Về Sở GDCK, Luật Chứng khoán quy định, Sở GDCK có nhiệm vụ ban hành quy chế về niêm yết, công bố thông tin; điều hành hoạt động giao dịch, tạm ngừng hoặc hủy bỏ giao dịch chứng khoán trong trường hợp cần thiết để bảo vệ nhà đầu tư; giám sát hoạt động công bố thông tin và cung cấp thông tin liên quan đến chứng khoán niêm yết ra thị trường...

Về DN niêm yết, Luật Chứng khoán quy định, muốn niêm yết, DN phải đáp ứng các điều kiện về vốn, về khả năng tài chính, số cổ đông hoặc số người sở hữu chứng khoán. Và điều quan trọng là “DN niêm yết phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực và đầy đủ của hồ sơ niêm yết. Tổ chức tư vấn niêm yết, tổ chức kiểm toán được chấp thuận, người ký báo cáo kiểm toán và bất cứ tổ chức, cá nhân nào xác nhận hồ sơ niêm yết phải chịu trách nhiệm trong phạm vi liên quan đến hồ sơ niêm yết” (trích Điều 40, Luật Chứng khoán).

Về các tổ chức tài chính trung gian, yêu cầu quan trọng nhất tại Luật Chứng khoán là phải thiết lập hệ thống kiểm soát, quản trị để ngăn ngừa những xung đột lợi ích giữa công ty với khách hàng; ưu tiên thực hiện lệnh của khách hàng trước lệnh của công ty. Luật cũng quy định các tổ chức tài chính trung gian “không được đưa ra nhận định hoặc bảo đảm với khách hàng về mức thu nhập hoặc lợi nhuận đạt được trên khoản đầu tư của mình hoặc bảo đảm khách hàng không bị thua lỗ, trừ trường hợp đầu tư vào chứng khoán có thu nhập cố định. Không được thực hiện những hành vi làm cho khách hàng và nhà đầu tư hiểu nhầm về giá chứng khoán….” (Điều 71, Luật Chứng khoán).

Về phía nhà đầu tư, ngay từ điểm đầu tiên, Luật Chứng khoán quy định về nguyên tắc hoạt động “tự chịu trách nhiệm về rủi ro” (Điều 4, Luật Chứng khoán). Vai trò của Nhà nước là xây dựng các chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế, các tầng lớp nhân dân tham gia đầu tư và hoạt động trên TTCK; tôn trọng quyền tự do mua, bán, kinh doanh và dịch vụ chứng khoán của tổ chức, cá nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư...

Bên cạnh 4 “mảnh ghép” chính trên, TTCK còn có sự tham gia của nhiều “mảnh ghép” khác, như các ngân hàng (cung cấp dịch vụ về vốn, thanh toán), các công ty kiểm toán (cung cấp dịch vụ về xác thực báo cáo tài chính), các hiệp hội (cung cấp các kiến nghị, phản biện chính sách)... Mỗi “mảnh ghép” có vai trò/chức năng khác nhau và không “mảnh ghép” nào làm lại việc của “mảnh ghép” khác.

TTCK với nhiều “mảnh ghép” như vậy, đòi hỏi người tham gia phải thấu hiểu để có sự tương tác hợp lý và khi cần được bảo vệ, cũng biết kêu đến đâu cho “đúng cửa”, đúng chức năng. Chẳng hạn, với các DN, nếu DN hội đủ các điều kiện lên sàn và thực hiện đủ các thủ tục (nghị quyết đại hội, bản cáo bạch, thuê nhà tư vấn, thuê kiểm toán...), DN có quyền lên sàn. Nếu Sở GDCK không cấp phép là sai phạm. Cùng với đó, nếu DN hội đủ các điều kiện để huy động vốn, DN có quyền được chào bán chứng khoán ra công chúng, nếu UBCK không cấp phép là sai phạm. Tuy nhiên, báo cáo tài chính của DN thì DN phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính cho DN phải chịu trách nhiệm về những tuyên bố của mình trong phạm vi kiểm toán. Nếu phát hiện sai phạm, doanh nghiệp và kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc cố tình gian dối trong hồ sơ.

Nhà đầu tư cũng vậy. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong việc tự do tìm hiểu thông tin, đầu tư, kinh doanh trên TTCK, nhưng nếu nhà đầu tư thông đồng mua, bán chứng khoán nhằm tạo ra cung, cầu giả tạo; giao dịch bằng hình thức cấu kết, lôi kéo người khác để thao túng giá... lại là phạm luật.

TTCK được tạo thành từ những “mảnh ghép” gồm nhiều chủ thể, là thị trường nhạy cảm và rủi ro, nên trong định hướng phát triển, Chính phủ luôn hướng đến mục tiêu hình thành các nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư tổ chức. Nhà đầu tư cá nhân “sống được” cùng thị trường thường phải rất giỏi cả về chuyên môn, luật pháp, lẫn kinh nghiệm thương trường. Còn nếu lơ mơ kiểu chưa biết đọc báo cáo tài chính, chưa hiểu luật chơi, thì nguy cơ mất tiền luôn lớn gấp nhiều lần kiếm được. Trong trường hợp này, có lẽ nhà đầu tư nên tìm nhà tư vấn tốt hoặc đưa tiền vào quỹ đầu tư chuyên nghiệp sẽ đỡ rủi ro mất vốn hơn.

Xây dựng nguyên tắc đầu tư cho riêng mình

16 năm bám thị trường, ông Trần Tiến Dũng, nhà đầu tư cá nhân tại Hà Nội là người rất quen thuộc với giới chứng khoán. Ông được biết đến như một nhà đầu tư cá nhân hiếm hoi thành công trên thương trường. Trải qua tất cả cung bậc thăng trầm, từng mất mát lớn, thắng lớn nhiều lần, ông chia sẻ cách “sống được với nghề”, cũng là những kinh nghiệm đáng tham khảo cho các nhà đầu tư cá nhân.

Thứ nhất, không bao giờ nên chọn quá 5 mã để đầu tư. Dù TTCK có cả nghìn hàng hóa, nhưng chọn quá 5 mã sẽ quá tải với khả năng thấu hiểu DN của nhà đầu tư cá nhân. Quan điểm này được ông Dũng đúc kết dựa trên nguyên tắc đầu tư trước tiên phải thấu hiểu DN. Ông cho biết, ông luôn quan sát các DN mục tiêu trong ít nhất 2 năm, kết hợp với những dự đoán về triển vọng hoạt động theo các yếu tố khách quan của tình hình trong nước và thế giới, để chọn lựa những DN tốt nhất vào danh mục được đầu tư.

Thứ hai, chọn mua cổ phiếu tốt tại giá tốt. Khi đã xác định được các hàng hóa tốt, việc tiếp theo là canh mua tại mức giá tốt. Nếu mua được tại mức giá này, thì dù TTCK có biến động mạnh, nhà đầu tư vẫn có thể yên tâm, không quá “lao tâm khổ tứ” theo đà tăng giảm của thị trường. Trong nguyên tắc này, mỗi nhà đầu tư cần định ra một tiêu chí để cắt lỗ, hiện thực hóa lợi nhuận. Khi chạm vào tiêu chí mình đã đặt ra là kiên quyết hành động, không quá tham sẽ đỡ mất mát.

Thứ ba, chỉ tin vào chính mình. Nguyên tắc này, theo ông Dũng là cốt yếu nhất, bởi thực tế hàng ngày, hàng giờ, có rất nhiều thứ ảnh hưởng đến suy nghĩ, quyết định của nhà đầu tư đến từ môi trường khách quan, kể cả nhà tư vấn. “Để đi được với TTCK đến hôm nay, tôi quán triệt một nguyên tắc với các nhà môi giới là chỉ được báo cho tôi thông tin, không được đưa ra bất cứ lời khuyên mua, hay bán nào. Tôi tự quyết định bằng suy xét của chính mình”, ông Dũng chia sẻ.

Thông báo của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam cho biết, TTCK Việt Nam hiện có 1,6 triệu tài khoản, đồng nghĩa với việc có 1,6 triệu nhà đầu tư cá nhân và tổ chức đã và đang tham gia đầu tư. Tại mỗi thời điểm, đầu tư chứng khoán được ví như cuộc chơi “tất cả bằng 0”, vì có người này thắng thì người khác sẽ thua lỗ. Hiểu luật chơi, hiểu DN định đầu tư và xây dựng cho mình nguyên tắc giao dịch là những yếu tố cần có, để nhà đầu tư bớt chơi vơi trên thị trường của những “mảnh ghép” quyền và trách nhiệm này.

Tin bài liên quan