Sàn UPCoM ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, không chỉ vì biên độ cổ phiếu lớn, mà còn vì có nhiều hàng tốt.

Sàn UPCoM ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư, không chỉ vì biên độ cổ phiếu lớn, mà còn vì có nhiều hàng tốt.

Những mảng màu lợi nhuận trên UPCoM

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của các doanh nghiệp đang giao dịch trên UPCoM đang dần được công bố, cho thấy những sắc màu hiệu quả khác biệt của các doanh nghiệp trên sàn này.

Những điểm sáng

Giá thép phục hồi cộng hưởng với quyết định áp thuế tự vệ phôi và thép dài nhập khẩu đã giúp doanh nghiệp ngành thép ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực trong nửa đầu năm nay. Hai “ông lớn” ngành thép trên UPCoM là Tổng công ty Thép Việt Nam – VNSteel (TVN) và CTCP Gang thép Thái Nguyên (TIS) đều đạt mức lãi khủng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, TVN lãi ròng 415,8 tỷ đồng, tăng trưởng xấp xỉ 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn TIS có lãi sau thuế 163,18 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chịu lỗ hơn 24 tỷ đồng. Với số lãi này, TIS đã hoàn thành vượt 9% chỉ tiêu lợi nhuận năm mà ĐHCĐ giao phó, giúp giảm lỗ lũy kế đến cuối quý xuống còn hơn 25 tỷ đồng.

6 tháng, CTCP Đầu tư và Phát triển Đô thị Sài Đồng (SDI) đạt lợi nhuận 374 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ 2015. Kết quả lợi nhuận đột biến này của SDI chủ yếu nhờ khoản lãi sau thuế hơn 357 tỷ đồng trong quý I từ thương vụ chuyển nhượng 10 triệu cổ phiếu của CTCP Đầu tư Đô thị Nam Hà Nội (NHN) cho Tập đoàn Vingroup (Công ty mẹ của SDI).

Với khoản lãi lớn trong 6 tháng đầu năm, Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (GEX), Thép Vicasa (VCA), Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) nằm trong danh sách các doanh nghiệp đã về đích kế hoạch lợi nhuận cả năm. Cụ thể, GEX đạt 3.810 tỷ đồng doanh thu thuần và 351 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt 49% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm (235 tỷ đồng). Còn tại VLC, lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 1.332 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng so với cùng kỳ, vượt 142% kế hoạch doanh thu cả năm (550 tỷ đồng); lợi nhuận trước thuế đạt 139,3 tỷ đồng, vượt 173% kế hoạch năm (51 tỷ đồng).

Tổng công ty May Việt Tiến (VGG), Tổng công ty Viglacera (VGC), CTCP Tài nguyên Masan (MSR) đều duy trì hiệu quả kinh doanh kết quả tích cực. VGG trong 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt mức 3.514 tỷ đồng, tăng trưởng 19%; lợi nhuận sau thuế đạt 168,7 tỷ đồng, tăng gần 8 tỷ đồng. Doanh thu 6 tháng của Công ty là 1.745 tỷ đồng, tăng trưởng 45,4%; lợi nhuận ròng đạt 71,3 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Nửa đầu năm, Tổng công ty Viglacera (VGC) đạt doanh thu thuần 3.765 tỷ đồng và lãi sau thuế gần 260 tỷ đồng, tăng 33,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt 205 tỷ đồng, tăng 50 tỷ đồng so với cùng kỳ 2015. 

… và mảng tối trên bức tranh lợi nhuận 6 tháng

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2016 của khối doanh nghiệp ngành vận tải biển cho thấy, các doanh nghiệp này vẫn tiếp tục chìm trong khó khăn, thua lỗ. Đáng chú ý, CTCP Hàng hải Đông Đô (DDM) lỗ 44,6 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên gần 610 tỷ đồng; CTCP Vận tải và thuê tàu biển Việt Nam (VST) lỗ thêm 78,5 tỷ đồng, lỗ lũy kế 887,6 tỷ đồng; Vận tải Biển Bắc (NOS) lỗ thêm 209 tỷ đồng, dẫn tới âm vốn chủ sở hữu hơn 3.000 tỷ đồng…

Theo giải trình của nhóm này, trong lúc thị trường vận tải biển chưa có dấu hiệu khởi sắc, việc tiếp tục chịu ảnh hưởng từ biến động tỷ giá, đồng thời một số chi phí đầu vào có xu hướng tăng lên như phí bảo hiểm vật chất, phí sửa chữa, tiền lương… khiến các doanh nghiệp vận tải biển tiếp đà thua lỗ.

Ngoài nhóm vận tải biển, một số doanh nghiệp có lỗ khủng trong 6 tháng đầu năm phải kể đến là CTCP Việt An (AVF) lỗ thêm 52 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế đến cuối tháng 6/2016 lên 1.236 tỷ đồng. Hay CTCP Hữu Liên Á Châu (HLA) lỗ 181,74 tỷ đồng trong 6 tháng, nâng lỗ lũy kế lên 1.342 tỷ đồng…

Giữ vị trí “quán quân” về thua lỗ trên UPCoM trong 6 tháng đầu năm là CTCP DAP - VINACHEM (DDV). Với doanh thu chưa bằng một nửa cùng kỳ, trong khi giá vốn tăng cao, Công ty đã lỗ ròng tới 212,23 tỷ đồng. Cùng kỳ 2015, Công ty lãi 16,6 tỷ đồng.

Theo DDV, nửa đầu năm nay, Công ty gặp nhiều khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm, giá bán giảm sâu, chiết khấu cho khách hàng tăng. Ngoài ra, việc lãi suất vay vốn lưu động tăng do không có nguồn trả nợ đúng hạn… đã ảnh hưởng tiêu cực lớn tới doanh thu và lợi nhuận của DDV. 

Tin bài liên quan