Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)

Ông Dương Ngọc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD)

Những kỷ niệm không thể nào quên…

(ĐTCK) Năm 1998, chúng tôi thuộc số cán bộ đầu tiên được tuyển dụng cho Trung tâm GDCK Hà Nội (HaSTC - HNX ngày nay).

Do công tác chuẩn bị cho việc mở sàn giao dịch chưa hoàn tất, cho nên toàn bộ số cán bộ tạm thời được phân công về các vụ chức năng của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) để công tác. Cá nhân tôi được về công tác tại Phòng Lưu ký thuộc Vụ Quản lý Kinh doanh và “cái nghiệp lưu ký” đã gắn bó với tôi từ thời gian đó đến tận bây giờ.

Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội bắt đầu như thế nào?

Giai đoạn 1998 - 2000 được xem là rất quan trọng khi UBCK dồn lực cho việc khai trương Trung tâm GDCK đầu tiên của Việt Nam. Hồi đó, anh Vũ Bằng - Vụ trưởng Vụ Quản lý Kinh doanh (hiện là Chủ tịch UBCK) được biệt phái kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc Trung tâm GDCK TP. HCM (HOSE ngày nay).

Một thời gian ngắn sau khi HOSE chính thức khai trương, tháng 10/2000, anh Bằng ra Hà Nội báo cáo với lãnh đạo UBCK về những vấn đề phát sinh liên quan đến công tác quản lý, vận hành HOSE. Một trong những trở ngại của thị trường lúc đó được nêu ra là khâu lưu ký chứng chỉ chứng khoán của NĐT vào HOSE để giao dịch.

Ở giai đoạn đầu, hầu hết các tổ chức phát hành đều phát hành chứng khoán dưới dạng chứng chỉ vật chất, chứ không phải chứng khoán ghi sổ như bây giờ. Khi muốn giao dịch, NĐT phải mang chứng chỉ đó đến CTCK nơi mở tài khoản để lưu ký, CTCK sau đó tái lưu ký vào HOSE.

Vấn đề nảy sinh ở đây là có rất nhiều NĐT không ở tại TP. HCM, mà ở tại khu vực phía Bắc và để lưu ký chứng khoán cho NĐT, các CTCK tại đầu Hà Nội phải tập hợp chứng khoán với số lượng đủ lớn, hoặc đợi đến cuối tuần mới cử cán bộ xách vali chứng chỉ chứng khoán bay vào TP. HCM để thực hiện tái lưu ký. Việc này thực sự đã gây tốn kém cho các công ty thời kỳ đầu mới thành lập và làm chậm trễ quá trình giao dịch của NĐT.

Để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, lãnh đạo Vụ Quản lý Kinh doanh đã đề xuất phương án cho phép thành lập một bộ phận tại Hà Nội nhận lưu giữ chứng chỉ chứng khoán của CTCK tại Hà Nội, sau đó gửi thông tin cho Phòng Lưu ký thuộc HOSE để hạch toán. Theo phương án này, quá trình tái lưu ký chứng khoán tại Hà Nội vào HOSE để giao dịch của NĐT được rút ngắn đáng kể, từ hàng tuần xuống còn 1 - 2 ngày.

Đề xuất này ngay sau đó được lãnh đạo UBCK thông qua với việc quyết định thành lập Phòng Lưu ký thuộc HNX.

Tháng 10/2000, tôi cùng một số cán bộ trẻ, chủ yếu từ Vụ Quản lý Kinh doanh được biên chế về Phòng Lưu ký thuộc HNX. Cùng với đó, bộ khung nhân sự cho HNX được kiện toàn bước đầu với thế hệ lãnh đạo, cán bộ đầu tiên của HNX là các anh, chị lãnh đạo được điều động từ các Vụ của UBCK và số cán bộ thuộc biên chế của HNX phân công về các Vụ chức năng của UBCK trước đó.

Giai đoạn đầu thành lập, do chưa có trụ sở làm việc nên tất cả các cán bộ của HNX đều được bố trí ngồi tại UBCK. Phòng Lưu ký chứng khoán với biên chế ban đầu là 5 cán bộ được bố trí riêng một phòng làm việc cùng với rất nhiều sự quan tâm và đầu tư từ lãnh đạo UBCK cũng như HNX về phương tiện làm việc, để thực hiện nhiệm vụ lúc bấy giờ là phối hợp với Phòng Lưu ký thuộc HOSE nhận lưu ký chứng khoán chứng chỉ cho các NĐT tại khu vực phía Bắc.

Phía sau sự sôi động, nhảy múa của thị trường là những con người cần mẫn như đàn ong ngày đêm xây tổ 

Chuyện vui về những chiếc két sắt...

Khi nhận nhiệm vụ Phó phòng Lưu ký, chịu trách nhiệm tổ chức việc tiếp nhận chứng khoán chứng chỉ của NĐT trong khi chưa biết mặt mũi chứng khoán như thế nào, tôi và các anh em trong phòng khá lo lắng, vì chứng chỉ gửi vào là tài sản của người ta, mình mà nhầm lẫn hay nhận phải chứng khoán giả mạo thì sẽ gây ra thiệt hại cho NĐT và ảnh hưởng đến cả Trung tâm.

Vì lý do đó nên thời gian đầu, mọi người phải tìm hiểu rất kỹ về các nguyên tắc, quy định của Bộ Tài chính về việc in ấn, lưu hành chứng chỉ chứng khoán, cũng như quy định của công ty phát hành để có thể nhận diện được chứng chỉ đó là thật hay giả, thuộc tổ chức nào.

Để thuận tiện cho công việc, chúng tôi đã đề xuất ban hành các quy định và quy trình tiếp nhận chứng khoán để có căn cứ xử lý. Cách thức thông báo thông tin số lượng chứng khoán cho Phòng Lưu ký của HOSE cũng được hai bên sáng tạo bằng cách thống nhất “quy ước về mật mã riêng” dựa trên thông tin về ngày nhận trong tuần để ghi trên Bảng kê được fax vào HOSE. Trường hợp nếu bản fax nhận được không có mã số đánh trùng với quy ước thống nhất sẽ bị từ chối và có xác nhận lại giữa hai phòng.

Thời gian đầu, việc tiếp nhận chứng khoán chứng chỉ khá vất vả do khối lượng chứng chỉ thì nhiều, trong khi cổ đông chưa quen với việc lưu giữ chứng chỉ nên nhiều người làm rách nát, ố vàng, công việc kiểm đếm gặp khó khăn. Trên thực tế, có những trường hợp vì quá cẩn thận còn ép plastic chứng chỉ đã bị trả lại chứng chỉ để khôi phục trạng thái ban đầu của chứng khoán trước khi tái lưu ký.

Việc kiểm đếm chứng chỉ cũng là công việc độc hại và tốn nhiều thời gian, nhất là giai đoạn TTCK bùng nổ 2001 - 2003, ai có chứng khoán đều đưa hết vào giao dịch, khối lượng chứng khoán chứng chỉ đưa vào lưu ký rất nhiều. Đến khi số lượng chứng chỉ đưa vào lưu ký ngày càng nhiều, Phòng đề xuất lãnh đạo Trung tâm cho trang bị máy đếm góc để giúp kiểm đếm nhanh và chính xác. Qua khảo giá trên thị trường, anh em nhận thấy có loại máy chuyên dụng có thể đếm nhanh chứng chỉ chứng khoán, mà không làm rách, nát chứng chỉ, nhưng do giá thành cao (gần 100 triệu đồng) nên lo đề xuất không được duyệt. Nhưng thật bất ngờ khi nghe báo cáo, lãnh đạo HNX lúc bấy giờ đã đồng ý và đây được xem là một trong những phương tiện làm việc đáng giá nhất của Trung tâm được đầu tư thời điểm đó.

Về việc lưu giữ chứng chỉ, ngoài việc được trang bị két sắt đặt tại phòng để lưu giữ chứng chỉ nhận được trong ngày, cuối mỗi ngày, toàn bộ số chứng chỉ này được chuyển sang lưu giữ trong kho giữ tiền của Chi nhánh Ngân hàng Công thương tại số 10 Lê Lai, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (bây giờ là địa điểm của Sở Ngoại vụ TP. Hà Nội), mà không được lưu giữ tại phòng vì lý do an toàn, bảo mật.

Anh Trung Minh - người “cơ bắp” nhất phòng (bây giờ là Trưởng phòng Đăng ký chứng khoán của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam) được chọn mặt gửi vàng và hàng ngày có hẳn một chuyến “ô tô riêng” của UBCK, nhiều khi là xe riêng của Chủ tịch UBCK, tháp tùng sang gửi tại két của Ngân hàng Công thương.

Tuy nhiên, mọi việc không phải lúc nào cũng thuận lợi và có một sơ suất mà tôi còn nhớ mãi…

Một hôm, sau khi nhận số lượng chứng chỉ rất lớn, cuối ngày như thường lệ, thực hiện việc kiểm đếm xong xuôi, anh em hoàn thành ký gửi tại Ngân hàng. Trước khi ra về, sắp xếp lại hồ sơ, chúng tôi giật mình phát hiện ra còn 2 tập chứng chỉ sót lại trên bàn chưa đưa sang gửi tại kho của Ngân hàng theo đúng quy định. Lúc ấy, tôi và anh Minh rất lo lắng, vì bên ngân hàng đã hết giờ làm việc từ lâu, chứng chỉ thì đã lưu vào kho, phía ngân hàng đã vào sổ giao nhận. Không còn cách nào khác, hai anh em đành thống nhất giữ kín chuyện này và đưa vào két sắt của phòng để bảo quản tạm thời, đến ngày hôm sau chuyển vào kho. Mặc dù vậy, phương án này cũng không thực sự làm cho tôi yên tâm do lo ngại liệu việc bảo quản tại két qua đêm như vậy có an toàn không và quan trọng hơn, đây là lỗi sai quy trình lần đầu mình phạm phải. Những lo lắng đó khiến tôi thấp thỏm cả đêm, chỉ đến hôm sau, khi mọi chuyện được giải quyết ổn thỏa, tôi mới “hoàn hồn”. Đây có thể coi là bài học về tính cẩn thận đầu tiên trong nghiệp lưu ký của mình.

Dẫu TTCK có nhiều thăng trầm, nhưng cơ hội đầu tư luôn hiện hữu, ngày càng thu hút nhiều NĐT cả trong và ngoài nước tham gia 

Câu chuyện về địa điểm trụ sở Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Ngày hôm nay, nếu ai đến tham quan trụ sở khang trang của Sở GDCK Hà Nội, chắc hẳn khó có thể hình dung hết những thiếu thốn và bề bộn về địa điểm làm việc của Sở những ngày đầu thành lập.

Giai đoạn đầu, toàn bộ cán bộ của HNX được bố trí ngồi tại UBCK, thường là ghép chung giữa các phòng, ngoại trừ Phòng Lưu ký. Sau đó, với sự quan tâm của lãnh đạo UBCK, trụ sở của HNX đã được định hình ở số 2 Phan Chu Trinh bây giờ.

Khi được lãnh đạo thông báo là đã lo xong trụ sở, anh em cán bộ của HNX rất háo hức. Sau đó, lãnh đạo HNX bố trí hẳn một chuyến khảo sát thực địa cho các cán bộ cấp phòng tại địa điểm số 2 Phan Chu Trinh. Tâm trạng khi ấy ai cũng vui, mặc dù các hộ dân sinh sống trên tầng mái, một số cơ quan đang kinh doanh tại địa điểm khi đó vẫn chưa di dời hết và không gian làm việc khá phân tán giữa các khối nhà, chất lượng tòa nhà nhiều chỗ xuống cấp, dột nát, không đủ điều kiện làm việc ngay.

Phải mất một thời gian cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, đến năm 2002, HNX mới được chuyển về nhà mới. Mặc dù còn nhiều khó khăn bước đầu, nhưng lãnh đạo và cán bộ các phòng đều tìm mọi cách khắc phục.

Trong mọi điều kiện, tôi nhớ, Phòng Lưu ký bao giờ cũng được ưu tiên nhất về phương tiện, chỗ ngồi làm việc do là phòng duy nhất có hoạt động thực tiễn giai đoạn đó. Sau đợt cải tạo, nâng cấp sàn năm 2004, Phòng Lưu ký được đầu tư mới toàn bộ về phương tiện làm việc và là phòng duy nhất được bố trí cạnh quầy đấu giá chứng khoán tại sảnh tầng 1 - một vị trí rất đắc địa - thuận lợi cho việc giao dịch với các thành viên. Nhưng hơn tất cả, phòng đã được trang bị hệ thống kho lưu ký tại chỗ, đủ điều kiện lưu giữ an toàn, mà không phải thuê kho lưu giữ tại ngân hàng như trước kia.               

Hệ thống phần mềm của HNX đã được xây dựng như thế nào?

Sau khi ổn định cơ sở vật chất, HNX bắt tay vào nhiệm vụ quan trọng mới, đó là chuẩn bị các điều kiện để khai trương sàn sơ cấp phục vụ cho hoạt động đấu giá cổ phần và sàn giao dịch thứ cấp. Giai đoạn này, HNX có sự thay đổi và bổ sung lãnh đạo. Anh Trần Văn Dũng (Dũng Trần) được cử về làm Giám đốc, cùng với đó là anh Nguyễn Văn Dũng (Dũng Thái). Ấn tượng chung đối với anh em Hà Nội lúc đó về bác Dũng Trần đó là sự trẻ trung, năng động và rất quyết liệt công việc.

Trong các công việc triển khai, ưu tiên hàng đầu được anh Dũng Trần đề ra là công tác xây dựng hệ thống phần mềm với phương châm “tự lực cánh sinh” là chính. Thế là, quyết định thành lập tổ xây dựng phần mềm cho hoạt động của HNX được ban hành với chủ lực là các cán bộ được coi là “ngon nhất” như bác Dũng nói, trong đó có anh Nguyễn Anh Phong phụ trách hệ thống giao dịch, anh Nguyễn Thanh Tùng phụ trách hệ thống giám sát, anh Mạnh Tuấn phụ trách hệ thống công bố thông tin, anh Đỗ Văn Tâm phụ trách hệ thống đấu giá, chú Quốc (già IT) tổ trưởng, tôi (vinh dự) làm tổ phó, đồng thời phụ trách hệ thống đăng ký, lưu ký và bù trừ thanh toán.

Mong muốn tự lực là thế, nhưng làm thế nào để xây hệ thống thì quả thực rất khó khăn, trong khi anh em toàn lý thuyết suông, về phần mình có tí “thực tiễn”, nhưng thực chất chỉ là nhận chứng chỉ chứng khoán xong rồi báo vào TP. HCM để hạch toán, chứ có gì ghê gớm đâu!

Bên cạnh đó, chưa ai từng có ý niệm đáng kể nào về việc xây dựng một sản phẩm phần mềm thông thường, chứ nói gì đến chứng khoán (sản phẩm tài chính bậc cao cơ mà!). Hiểu được cái khó này, bác Dũng Trần và bác Dũng Thái đã dẫn đầu một đoàn công tác làm chuyến “study tour” vào HOSE để học hỏi. Tuy nhiên, lúc đó nghiệp vụ của HOSE cũng đơn giản, hơn nữa hệ thống giao dịch cần xem nhất thì cũng không tham khảo được nhiều, vì đây là hệ thống do Sở GDCK Thái Lan cung cấp.

Kết quả đáng nhớ nhất của chuyến khảo sát đó là một “trận giao hữu quên hết mình” tại một hội quán gần sông Sài Gòn giữa đoàn công tác và các anh em thân thiết tại HOSE.

Để xây dựng hệ thống phần mềm, không còn cách nào khác là phải tự mình cứu lấy mình. Xác định rõ như vậy, anh em trong tổ phần mềm không còn lấn cấn gì nhiều và với tinh thần không còn gì để bấu víu, tất cả đã nỗ lực vận dụng hết vốn tự có ra để “chiến”.

Giai đoạn 2004 - 2005 là cao điểm của “trận chiến” đó, tất cả nguồn lực của HNX đổ dồn cho yêu cầu bài toán, phân tích thiết kế quy trình, “coding” và kiểm thử. Đã có không ít buổi đi làm vào ngày nghỉ của lãnh đạo và cán bộ để đảm bảo tiến độ, không ít cuộc tranh luận nảy lửa giữa các nhóm để tìm ra giải pháp chung và không ít lần nặng lời giữa “phe Hà Nội” và “phe FPT - nhà thầu xây dựng hệ thống”, khiến các bạn phát khóc do yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm.

Tháng 3/2005, sàn đấu giá được khai trương. Việc ứng dụng thành công hệ thống đấu giá vào hoạt động này đã khiến cho anh em bớt lo lắng phần nào và độ tự tin được củng cố. Nhưng khai trương thành công sàn giao dịch thứ cấp mới là thách thức lớn nhất và là mục tiêu cuối cùng.

Những tháng trước khi khai trương, mặc dù công việc của HNX hết sức bề bộn với rất nhiều việc phải hoàn thành cùng lúc, từ xây dựng quy định, quy trình, vận động doanh nghiệp lên sàn, họp hội đồng thẩm định niêm yết cho đến khâu tổ chức, đào tạo cán bộ…, nhưng việc kiểm thử chức năng để hoàn thiện hệ thống luôn là công việc ưu tiên hàng đầu, vì lúc này, cả thị trường đang nhìn vào kết quả của quá trình 5 năm chuẩn bị của HNX ra sao, trong khi sàn giao dịch tại HOSE đang vận hành ổn định.

Về phía UBCK, các lãnh đạo rất quan tâm đến công tác chuẩn bị của Hà Nội. Mặc dù thường xuyên nghe báo cáo, nhưng có hôm đích thân Phó chủ tịch UBCK Vũ Bằng khi đó dành thời gian xuống tận nơi xem từng hệ thống.

Đối với hệ thống lưu ký, chúng tôi báo cáo với Phó chủ tịch về cách thiết kế hệ thống với ưu điểm là có kết nối thông suốt giữa các chức năng hệ thống đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ. Sau khi thực hành xong, Phó chủ tịch đã dành cho chúng tôi những lời ngợi khen, khiến anh em ai cũng phấn chấn và tự hào.

Sau đó, khoảng một tuần trước ngày chính thức khai trương, trong một buổi họp để báo cáo lãnh đạo UBCK về công tác chuẩn bị, Chủ tịch UBCK Trần Xuân Hà có hỏi kỹ về tình hình đăng ký và nhận lưu ký chứng khoán thế nào để sẵn sàng cho phiên giao dịch đầu tiên. Dù đã có chuẩn bị, nhưng không ngờ sếp lại quan tâm đến những vấn đề cụ thể như thế, khiến tôi vẫn có phần bất ngờ. Tuy trả lời mọi việc ổn cả, nhưng ngay sau đó, tôi đã ra khỏi phòng họp để gọi điện về kiểm tra cụ thể với anh em ở nhà.

Ngày 14/7/2005 mãi là ngày đáng nhớ đối với các thế hệ cán bộ của HNX. Buổi sáng hôm đó, sau những nghi lễ quan trọng với sự tham dự của các cấp lãnh đạo, hầu hết cán bộ các phòng tham gia xây dựng hệ thống phần mềm đều hồi hộp, nhất là sản phẩm giao dịch do được “thử lửa” đầu tiên. Khi kết thúc phiên giao dịch với kết quả cụ thể, chính xác được hiển thị, khó có thể diễn tả hết cảm xúc vui mừng của anh chị em lúc đó, nhất là anh Nguyễn Anh Phong (chắc chắn rồi), mọi người không ai bảo ai, với vẻ mặt hớn hở, thư giãn hết cỡ đi từng phòng bắt tay chúc mừng nhau.

Các ngày tiếp sau, các chức năng của hệ thống thanh toán bù trừ, lưu ký cũng được vận hành trơn tru; các tính năng cơ bản bước đầu của hệ thống giám sát, công bố thông tin được kích hoạt đã đem lại niềm vui trọn vẹn cho cả HNX sau những nỗ lực không mệt mỏi của tập thể ban lãnh đạo và cán bộ thời kỳ đầu.

Đến nay, sau nhiều đợt nâng cấp, mở rộng và đầu tư mới, Sở GDCK Hà Nội đã có được hệ thống giao dịch, giám sát, công bố thông tin hiện đại, xứng tầm với chức năng và nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, những kinh nghiệm ban đầu trong việc triển khai hệ thống phần mềm giai đoạn đó luôn có giá trị đối với đội ngũ cán bộ trẻ chúng tôi, đó là bài học bổ ích về sự tự tin, quyết tâm vào khả năng phát triển và làm chủ hệ thống của mình, cùng với đó là sự quan tâm, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo các cấp sẽ đem lại thành công.

Đến tháng 5/2006, thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) chính thức đi vào hoạt động sau một thời gian chuẩn bị trên cơ sở hợp nhất hoạt động đăng ký, lưu ký và thanh toán bù trừ từ hai Trung tâm GDCK ở hai đầu đất nước. Tôi cùng với các cán bộ công tác tại Phòng Lưu ký của HNX đã chuyển về công tác tại VSD, nhưng những kỷ niệm đẹp về giai đoạn ban đầu với HNX, với các anh chị lãnh đạo và các bạn đồng nghiệp đầy tâm huyết luôn được chúng tôi lưu giữ nguyên vẹn!

Tin bài liên quan