Những doanh nhân giàu nhất TTCK Việt Nam

Những doanh nhân giàu nhất TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Năm 2015, TTCK Việt Nam bị tác động mạnh bởi các yếu tố bên ngoài như Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá, giá dầu giảm, giá nguyên vật liệu giảm mạnh, dòng vốn nước ngoài bị thu hẹp… khiến cho tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam có những biến động đáng kể. 

1. Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC)

Tất nhiên, thống kê này mang tính tượng trưng bởi chưa chắc người nắm nhiều cổ phiếu nhất lại là người giàu nhất và sức mạnh tài chính của các ông chủ không chỉ nằm ở lượng cổ phiếu họ nắm giữ. Tuy nhiên, thống kê này có thể mang lại cho độc giả hình dung về một thế hệ doanh nhân thành đạt trên TTCK Việt Nam năm 2015.

Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC)

Sở hữu: 532.428.120 cổ phiếu VIC

Tổng tài sản: 24.225 tỷ đồng (+2.452 tỷ đồng)

2015 là năm thứ 5 liên tiếp, ông Phạm Nhật Vượng giữ vị trí số 1 những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, với tổng giá trị tài sản đạt hơn 24.200 tỷ đồng (vượt 1 tỷ USD), tăng 2.452 tỷ đồng so với năm 2014. Ông Vượng là đại diện duy nhất của Việt Nam có mặt trong danh sách tỷ phú đô la của Forbes. Theo dữ liệu của Forbes thì ông Vượng đang sở hữu 1,8 tỷ USD, xếp thứ 1.092 trên thế giới.

Giá cổ phiếu của VIC trong năm qua tăng hơn 20%, tại thời điểm 29/12 đạt 45.500 đồng/CP. Đà tăng của cổ phiếu VIC không thể hiện được hết đà tăng trưởng thần tốc của các dự án bất động sản của VIC.

Trong năm qua, VIC đã khai trương 10 trung tâm thương mại trên cả nước, mở bán Dự án Times City - Park Hill PREMIUM, ra mắt sản phẩm rau sạch VinEco, khai trương Vinpearl Safari Phú Quốc, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park, hệ thống VinMart+ đã phát triển nhanh chóng và trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất tại Việt Nam, với 200 địa điểm trên toàn quốc.

Dự kiến, đến cuối năm 2015, tổng số cửa hàng đi vào hoạt động sẽ đạt con số 300. Trong năm 2015, Vingroup cũng đã chính thức ra mắt trang thương mại điện tử Adayroi, đánh dấu bước phát triển mới của tập đoàn này trong lĩnh vực thương mại điện tử. Mục tiêu của ông Vượng là “vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người Việt”.

Những dự án ông Vượng tham gia đều có dấu ấn riêng, bởi ông muốn kiến tạo tiêu chuẩn sống mới tại các khu đô thị. Trong lĩnh vực nông nghiệp, tham vọng của Vingroup muốn tạo nên nguồn cung cấp thực phẩm sạch và an toàn cho người dân trong nước, đồng thời đưa nông sản Việt Nam ra thế giới.

2. Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Sở hữu: 184.327.120 cổ phiếu HPG

Tổng tài sản: 5.327 tỷ đồng (+638 tỷ đồng)

Năm 2015, ông Trần Đình Long vươn lên vị trí số 2 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản đạt 5.327 tỷ đồng (tăng 638 tỷ đồng so với năm 2014). Mặc dù năm 2015 là một năm không thuận lợi của cổ phiếu HPG, giá cổ phiếu giảm 16,23% trong năm, cuối năm giao dịch ở mức 28.900 đồng/CP, nhưng tổng tài sản của ông Long vẫn tăng so với năm trước do Hòa Phát trả cổ tức và thưởng cổ phiếu 50%, ông Long cũng mua thêm 10 triệu cổ phiếu HPG trong năm. Năm 2015, khối ngoại bán ròng gần 43,79 triệu cổ phiếu HPG do ngành thép giảm tăng trưởng. Giá thép thế giới giảm khoảng 40%.

Mặc dù ngành thép trong năm qua gặp nhiều khó khăn, đặc biệt chịu sức ép từ thép Trung Quốc, nhưng thị phần của Hòa Phát vẫn tiếp tục tăng trưởng, đạt 21,45% thị phần cả nước. Ống thép Hòa Phát tiếp tục dẫn đầu với thị phần 23%, lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm 2015 đạt 2.938 tỷ đồng, khả năng vượt kế hoạch năm là khả quan.

Năm 2016, Hòa Phát sẽ bắt đầu bán dự án tại 493 Trương Định, đồng thời hoàn thành Dự án Nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Đồng Nai và Hưng Yên vào đầu quý I/2016. Với mảng chăn nuôi, ông Long vẫn đang trong giai đoạn thăm dò.

3. Bà Phạm Thu Hương, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup (VIC)

Sở hữu: 91.811.045 cổ phiếu VIC

Tổng tài sản: 4.177 tỷ đồng (+423 tỷ đồng)

Bà Phạm Thu Hương là vợ ông Phạm Nhật Vượng. Với tư cách là Phó chủ tịch Vingroup, bà Hương đã đóng góp vai trò rất lớn với sự phát triển của tập đoàn này. Trong năm 2015, tài sản của bà Hương tăng 423 tỷ đồng so với năm 2014, đạt 4.177 tỷ đồng.

4. Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG)

Sở hữu: 347.765.533 cổ phiếu HAG

Tổng tài sản: 3.721 tỷ đồng (-3.165 tỷ đồng)

Năm 2015 là một năm không vui vẻ với “bầu” Đức. Giá hàng hóa nguyên liệu giảm mạnh trong các lĩnh vực ông đầu tư đã khiến cổ phiếu HAG giảm rất mạnh, từ mức 22.100 đồng/CP xuống còn 10.700 đồng/CP, tức giảm tới 51% giá trị. Năm nay, “bầu” Đức đã niêm yết CTCP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG), trong đó HAG nắm 79,52% vốn.

Năm nay, “bầu” Đức được nhắc đến nhiều hơn ở mảng chăn nuôi với 10.000 con bò, trong đó một nửa đã cho sữa, sản lượng mỗi ngày 100 tấn. “Bầu” Đức tự tin đầu ra đã có đối tác Nutifood bao tiêu và kỳ vọng trong 1-2 năm tới có thể cạnh tranh với bất cứ đối thủ nào trên thị trường. Sau khi đã trồng mía, cọ dầu, cao su, ông tiếp tục trồng 1.000 ha đậu tương và dự kiến sẽ tăng lên 3.000 ha trong 5 năm tới để làm nguyên liệu sản xuất sữa đậu nành.

Đầu tháng 12/2015, HAG đã khai trương trung tâm tương mại và văn phòng tại Myanmar, “bầu” Đức kỳ vọng sẽ bán 50% phần vốn góp tại HAGL Myanmar cho đối tác khác. Ông còn gây “bão” trên thị trường khi ra quyết định sẽ phát hành cổ phiếu công ty con HNG để trả cổ tức hoặc cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu của Công ty mẹ HAG.

5. Bà Phạm Thúy Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC)

Sở hữu: 91.811.045 cổ phiếu VIC

Tổng tài sản: 2.790 tỷ đồng (+282 tỷ đồng)

Bà Phạm Thúy Hằng là em gái bà Phạm Thu Hương. Trong năm qua, tổng tài sản của bà Hằng đã tăng 282 tỷ đồng, đạt 2.790 tỷ đồng.

6. Bà Nguyễn Hoàng Yến, Thành viên HĐQT Tập đoàn Masan (MSN)
Những doanh nhân giàu nhất TTCK Việt Nam ảnh 4 
Sở hữu: 26.228.483 cổ phiếu MSN và 210.472 cổ phiếu MSF (MSF là công ty con của MSN)

Tổng tài sản: 2.045 tỷ đồng (-67 tỷ đồng)

Bà Nguyễn Hoàng Yến là vợ ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan. Năm qua, bà Yến đã đăng ký bán toàn bộ 6,94 triệu cổ phiếu Techcombank đang nắm giữ để đảm bảo tỷ lệ sở hữu theo quy định của pháp luật tín dụng.

Cổ phiếu MSN đã có một năm giảm giá mạnh khi rơi từ mức đỉnh 96.000 đồng/CP xuống 68.000 đồng/CP. Tuy nhiên, vào cuối năm, nhờ thông tin Masan chấp thuận cho Tập đoàn Shingha (Thái Lan) mua 14,3% vốn điều lệ của Masan Consumer Holding, thì giá cổ phiếu MSN đã tăng vọt 4 phiên liên tiếp. Tính chung cả năm, giá cổ phiếu MSN giảm 8,4%, xuống mức 76.500 đồng/CP, bất chấp lợi nhuận tăng mạnh so với năm trước.

7. Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG)

Ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thế Giới Di động (MWG)
 

Sở hữu: 3.338.707 cổ phiếu MWG

Tổng tài sản: 1.900 tỷ đồng

Đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Đức Tài nằm trong Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Thực chất, số cổ phiếu MWG mà cá nhân ông Tài đang nắm giữ chỉ khoảng 3,34 triệu cổ phiếu MWG, tương đương 270 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty TNHH MTV Tư vấn đầu tư Thế Giới Bán Lẻ do ông Tài làm đại diện vốn lại sở hữu 19.318.163 cổ phiếu MWG, tương đương 13,18% vốn của MWG. Do đó, tổng giá trị cổ phiếu MWG mà ông Tài và công ty riêng nắm giữ có thể lên tới 1.900 tỷ đồng.

Trong năm qua, cổ phiếu MWG đã có thời kỳ giảm giá rất mạnh, khi rơi từ đỉnh 113.600 đồng/CP (giá sau khi chia) xuống đáy 59.000 đồng/CP, tức giảm 48%, nhưng đã tăng trở lại trong 3 tháng cuối năm. Tính chung cả năm, cổ phiếu MWG giảm 22,3%, đứng ở mức 80.000 đồng/CP.

11 tháng đầu năm 2015, Thế Giới Di Động đã khai trương tổng cộng 226 siêu thị mới trên toàn quốc. Trong đó, riêng tháng 11 khai trương 30 siêu thị. Năm 2015, Công ty đã tham gia vào ngành bán lẻ khi mở 3 siêu thị Bách Hóa Xanh tại TP. HCM.

8. Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch PAN Group (PAN) 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Chủ tịch PAN Group (PAN)
 

Sở hữu: 1.789.400 cổ phiếu SSI, công ty riêng NDH Invest nắm giữ 48.194.727 cổ phiếu SSI, 11 triệu cổ phiếu PAN và 703.550 cổ phiếu SSI

Tổng tài sản: 1.618 tỷ đồng (chưa tính 5 triệu cổ phiếu SSI vừa bán vào tháng 12/2015)

Năm 2015, ông Hưng đã đổi thương hiệu Công ty Xuyên Thái Bình thành Pan Group và cho ra mắt thương hiệu gạo mới. Nếu trước đây khi nhắc đến Nguyễn Duy Hưng, người ta nghĩ ngay đến SSI và các câu chuyện về chứng khoán, thì năm nay, câu chuyện hấp dẫn xoay quanh ông chủ yếu là về nông nghiệp. Khát khao được cung cấp thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Việt, ông Hưng thông qua PAN Group thâu tóm các công ty về giống cây trồng, hạt điều, thủy sản… để hoàn thiện chuỗi giá trị trong ngành nông nghiệp và thực phẩm.

Về SSI, hiện CTCK này vẫn duy trì vị trí số 1 về thị phần môi giới trên TTCK và là CTCK đầu tiên mở room 100% cho khối ngoại. Giá cổ phiếu SSI đã tăng 7,69% trong năm 2015. Khác với các lãnh đạo khác, quan điểm của ông Hưng là: “Tôi không ngại SSI bị thâu tóm, tôi cho rằng, các nhà đầu tư nước ngoài khi bỏ tiền vào Công ty sẽ giúp SSI phát triển nhiều hơn, chứ không có hại”.

9. Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR)

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (PDR)
 

Sở hữu:  123.417.825 cổ phiếu PDR

Tổng tài sản: 1.617 tỷ đồng (+603 tỷ đồng)

Giá cổ phiếu PDR trong năm 2015 tăng rất mạnh, nhưng cuối năm thì “đâu lại về đấy”. Có thời điểm tăng từ 13.000 đồng/CP lên tới 20.600 đồng/CP, nhưng cuối năm lại về 13.200 đồng. Năm 2015, PDR trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 20:1 và chào bán ra công chúng theo tỷ lệ 2:1 với giá 10.000 đồng/CP, nên số lượng cổ phiếu của ông Nguyễn Văn Đạt tăng gần gấp đôi, lên hơn 123,4 triệu cổ phiếu.

Đầu năm 2015, PDR đặt mục tiêu kế hoạch kinh doanh đạt 964 tỷ đồng doanh thu và 300 tỷ đồng lãi trước thuế. Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, Phát Đạt đã phải điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch, xuống còn 640 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lãi trước thuế. 9 tháng đầu năm, Phát Đạt mới đạt 350 tỷ đồng doanh thu và 78,8 tỷ đồng lợi nhuận.

10. Bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG)

Sở hữu: 53.392.460 cổ phiếu HPG

Tổng tài sản: 1.564 tỷ đồng.

Tin bài liên quan