Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhất là khi thị trường đang khởi sắc

Việc trả cổ tức bằng cổ phiếu cũng đang được nhiều doanh nghiệp lựa chọn, nhất là khi thị trường đang khởi sắc

Những doanh nghiệp trả cổ tức cao ngất

(ĐTCK) Dù có rất nhiều quan điểm khác nhau về cổ tức của doanh nghiệp, nhưng không phủ nhận, thông tin chia cổ tức cao vẫn là một yếu tố hấp dẫn đối với nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư dài hạn.

Cổ tức “khủng”

Tính đến thời điểm hiện tại, 70% vẫn là mức cổ tức năm 2013 cao nhất đối với khối doanh nghiệp niêm yết. Mức cổ tức này thuộc về CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM). Kế hoạch cổ tức năm 2014 cũng đã được ĐHCĐ HGM thông qua với mức tối thiểu 50%.

Cùng với HGM, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) và CTCP Thủy sản Bến Tre (ABT) cũng là những đơn vị duy trì mức cổ tức khá cao và đều đặn qua các năm (dao động từ 30 - 70%). Năm 2013, DSN quyết định trả cổ tức 60% và được chia làm 3 đợt, còn với ABT, doanh nghiệp này quyết định trả cổ tức bằng tiền mặt ở mức 45%.

CTCP Nhựa - Bao bì Vinh (VBC) cũng vừa công bố thông tin chốt quyền trả cổ tức năm 2013 bằng tiền. Cụ thể, ngày 11/4 tới đây là ngày đăng ký cuối cùng nhận cổ tức năm 2013 bằng tiền với tỷ lệ 50%, mức cổ tức năm 2014 dự kiến là 30%. Tâm lý chung của các doanh nghiệp là thường không đưa ra mức cổ tức cao ngay từ ban đầu, mà chờ kết quả kinh doanh vượt trội so với kế hoạch đề ra mới điều chỉnh tăng mức cổ tức. Nhiều doanh nghiệp cân nhắc đặt kế hoạch cổ tức trong khoảng dự báo, như CTCP Container Việt Nam (VSC) vừa thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với doanh thu 785 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 187,5 tỷ đồng, cổ tức từ 20 - 30%.

Tiền mặt hay cổ phiếu

Bên cạnh lựa chọn hình thức trả cổ tức bằng tiền, trong kỳ đại hội cổ đông năm nay, nhiều doanh nghiệp cũng đưa ra phương án trình cổ đông thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Không như các năm trước trả cổ tức bằng tiền mặt, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) vừa lên kế hoạch chia cổ tức 2013 với tỷ lệ 12% bằng cổ phiếu.

Ngoài ra, cũng có khá nhiều doanh nghiệp lựa chọn phương án trả cổ tức vừa bằng cổ phiếu, vừa tiền mặt. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai tỉnh An Giang (ASM) vừa thông qua kế hoạch trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 5% và phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%. Nguồn thực hiện là lợi nhuận chưa phân phối và thặng dư vốn cổ phần. CTCP Tập đoàn FPT cũng đã thông qua phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho cả năm 2013 là 30% (3.000 đồng/cổ phiếu) và bằng cổ phiếu 25%, dự kiến thực hiện trong quý II/2014. FPT cũng dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2014 với tỷ lệ 20%. Hay CTCP Tập đoàn Hòa Phát thống nhất mức chi trả cổ tức năm 2013 là 30%. Trong đó, 15% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu.

Trên thực tế, cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu là do doanh nghiệp quyết định. Về phần cổ đông, thông thường, trong giai đoạn thị trường khó khăn, tâm lý chung là mong được nhận cổ tức bằng tiền mặt thay vì bằng cổ phiếu. Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, nhà đầu tư lại có xu hướng ngược lại. Và một trong những lý do được đưa ra là, khi nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu sẽ không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (thuế suất với khoản thu nhập từ cổ tức theo quy định hiện hành là 5%). Ngoài ra, tại ngày doanh nghiệp trả cổ tức, giá cổ phiếu trên sàn lại bị điều chỉnh, nên nhà đầu tư không mấy hào hứng. Trong khi đó, việc nhận cổ phiếu trong xu hướng thị trường tăng sẽ có lợi ích kép. Cổ đông được hưởng lợi vì giá cổ phiếu tăng, còn doanh nghiệp thay vì phải trích ra một khoản tiền không nhỏ để trả cổ tức, thì có thể giữ lại để phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tin bài liên quan