6 tháng đầu năm 2017, TCM ước đạt tối thiểu 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

6 tháng đầu năm 2017, TCM ước đạt tối thiểu 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế

Những doanh nghiệp sớm “hé lộ” kết quả 6 tháng

(ĐTCK) Năm 2017 sắp đi qua một nửa chặng đường và đây là thời điểm các doanh nghiệp đang chuẩn bị chốt sổ để thực hiện báo cáo kết quả kinh doanh bán niên. Đã có những doanh nghiệp sớm hé lộ kết quả kinh doanh 6 tháng. 

Giá mủ cao su tăng mạnh từ mức trung bình 30 triệu đồng/tấn lên mức xấp xỉ 50 triệu đồng/tấn vào đầu năm nay và được dự báo sẽ giữ nguyên ở mức trung bình khoảng 40 triệu đồng/tấn trong suốt năm nay. Diễn biến tích cực này đã giúp các doanh nghiệp ngành cao su thiên nhiên cải thiện hiệu quả kinh doanh.

Thông tin từ CTCP Cao su Phước Hòa (PHR) cho biết, 5 tháng đầu năm, Công ty đạt lợi nhuận hơn 110 tỷ đồng, bằng gần 41% kế hoạch cả năm. Trong đó, riêng tháng 5, PHR đạt lợi nhuận trước thuế 20 tỷ đồng.

PHR cũng cho biết, dự kiến, năm nay, Công ty chi 145 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư, trong đó chi 29,4 tỷ đồng góp vốn vào công ty con.

Bên cạnh đó, Công ty đầu tư mở rộng Khu công nghiệp Tân Bình. Hiện dự án đang trong giai đoạn xin chủ trương đầu tư. Giá cho thuê của Khu công nghiệp Tân Bình đang dao động từ 48 - 50 USD/m2.

Tại Campuchia, Công ty sẽ hoàn thành các thủ tục pháp lý của dự án trồng mới khoảng 1.500 ha vườn cao su và tiến tới đầu tư nhà máy chế biến mủ cao su vào năm 2018. Những dự án này sẽ giúp Công ty có nguồn lợi nhuận bền vững trong tương lai.

Nếu như các doanh nghiệp cao su thiên nhiên đang khởi sắc nhờ giá mủ cao su nhích lên thì các doanh nghiệp sản xuất săm lốp lại có kết quả kém khả quan do nguyên liệu đầu vào tăng lên.

Lãnh đạo CTCP Cao su Đà Nẵng (DRC) cho biết, các mảng săm lốp xe đạp, xe máy vẫn tăng trưởng khoảng 10% so với cùng kỳ năm trước, lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 của Công ty ước đạt khoảng 150 tỷ đồng. Cùng kỳ năm ngoái, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế hơn 198 tỷ đồng.

Trong khi đó, CTCP Cao su Miền Nam (CSM) ước tính đạt khoảng 90 tỷ đồng lợi nhuận trong nửa đầu năm. Con số này giảm mạnh so với mức lãi sau thuế 123 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016.

Trong nhóm ngành dệt may, CTCP Dệt may Thành Công (TCM), theo ông Trần Như Tùng, thành viên Hội đồng quản trị TCM, ước tính đạt tối thiểu 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh là nhờ trong kỳ TCM có các nguồn thu khác, cộng với biên lợi nhuận nhà máy mới tăng mạnh.

Tại doanh nghiệp cùng ngành là CTCP Dệt may Sài Gòn (GMC), ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch GMC không cung cấp thông tin cụ thể về con số lợi nhuận 6 tháng, nhưng khẳng định đạt trên 50% kế hoạch lợi nhuận 68 tỷ đồng của cả năm

Ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch CTCP Licogi 16 (LCG) cho biết, Công ty đang bám sát kế hoạch doanh thu 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 70 tỷ đồng trong năm nay và dự kiến sẽ hoàn thành vượt mức so với kế hoạch.

Quý I/2017, Công ty đạt lợi nhuận hợp nhất 13,5 tỷ đồng, tăng trưởng 40% và quý II cũng là một con số khả quan. Trong đó, lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi là xây lắp.

Tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm ước đạt 6,5%, cao hơn mức 5,5% cùng kỳ năm 2016 và mới đây Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm vượt 18%. Với việc đóng góp tới 80 - 90% trong cơ cấu lợi nhuận của các ngân hàng, kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong 6 tháng đầu năm được kỳ vọng sẽ tích cực hơn.

Sự khởi sắc của thị trường chứng khoán trong nửa đầu năm nay được nhìn nhận sẽ giúp nhiều công ty chứng khoán có kết quả kinh doanh khởi sắc. Những công ty chứng khoán trong Top đầu thị trường như Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC) đều được dự báo sẽ có nguồn thu tăng trưởng 30 - 40% so với cùng kỳ năm 2016. Mới đây, Công ty Chứng khoán VietinBank cho biết, lợi nhuận trước thuế 6 tháng ước đạt 70 tỷ đồng, hoàn thành trên 50% kế hoạch cả năm.

Theo nhận định của ông Ngô Thế Hiển, Trưởng phòng Phân tích, CTCK Sài Gòn Hà Nội (SHS), nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán có triển vọng rất tốt trong nửa cuối năm.

Trong khi đó, theo phân tích của CTCK Maritime (MSI), nhóm ngành có triển vọng kinh doanh tốt giai đoạn nửa cuối năm 2017 vẫn là các nhóm ngành thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, phân phối và bán lẻ, bảo hiểm và tài chính chứng khoán và thực phẩm, đồ uống. Đây là những ngành có triển vọng tốt nhất những quý cuối năm 2017.   

Thị trường chứng khoán trong nước đã liên tiếp xác lập đỉnh mới. Triển vọng tích cực hoạt động kinh doanh của khối doanh nghiệp trong 6 tháng đầu năm cũng như triển vọng nửa cuối năm nay sẽ là bệ đỡ cho đà tăng bền vững của thị trường. 

Tin bài liên quan