Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 ước tăng 6,68%

Tổng cục Thống kê vừa công bố, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2015 ước tăng 6,68%

Những điểm nhà đầu tư cần lưu ý trong năm 2016

(ĐTCK) Năm 2016, dự báo sẽ là một năm bản lề đánh dấu sự quay lại của mô hình tăng trưởng cũ kiểu ở Việt Nam. 

Đó là nền kinh tế lấy lại đà tăng trưởng nhờ sự gia tăng xuất khẩu, đầu tư và tín dụng, cũng như sự hồi phục của thị trường bất động sản và tiêu dùng cá nhân. Đi kèm với mô hình này là hệ quả: lạm phát và thâm hụt thương mại.

Viễn cảnh tăng trưởng tốt hơn

Báo cáo Taking Stock của Ngân hàng Thế giới (WB) phát hành vào đầu tháng 12/2015 đánh giá, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn khá lạc quan và tăng trưởng GDP có thể đạt 6,6% trong năm 2016.

Theo báo cáo này, Việt Nam vượt qua các cú sốc từ bên ngoài khá tốt trong năm 2015 nhờ vào sự cải thiện của nhu cầu tiêu dùng nội địa, tăng trưởng xuất khẩu ổn định, lạm phát ở mức thấp và niềm tin được cải thiện.

"Nếu lạm phát tăng trở lại mức trên 4% mà lãi suất VND không tăng phù hợp, đồng VND sẽ đứng trước sức ép mất giá, nhất là khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác ở châu Á, bao gồm Trung Quốc cũng đang trên đà mất giá".

Người viết tin rằng, nhu cầu nội địa và tăng trưởng xuất khẩu nhiều khả năng sẽ duy trì được xu thế ổn định trong năm 2016. Đây là một tín hiệu tốt vì đó là hai động lực tăng trưởng có tính cốt lõi của nền kinh tế.

Sự ổn định của hai động lực tăng trưởng nêu trên cộng thêm mối quan tâm và nhận định lạc quan của NĐT trong và ngoài nước đối với bất động sản ở Việt Nam thời gian gần đây sẽ giúp kéo dài sự hồi phục của thị trường bất động sản và kéo theo sự gia tăng nhập khẩu hàng tiêu dùng, máy móc, thiết bị.

Đối với các ngân hàng, đây là tin tốt vì những tài sản thế chấp dưới dạng bất động sản sẽ lên giá và do đó các ngân hàng có thể giảm bớt gánh nặng về nợ xấu. Đây cũng là tin tốt cho lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng và các ngành công nghiệp phụ trợ, hạ tầng và hàng tiêu dùng trong nền kinh tế.

Sự trở lại của lạm phát và nhập siêu: rủi ro tỷ giá tăng và lãi suất khó giảm

Sự quay trở lại của mô hình tăng trưởng cũ tất yếu kéo theo một hệ quả khó thể tránh khỏi là lạm phát. Nếu năm 2015 là năm bản lề đánh dấu sự quay lại của nhập siêu (Bộ Công thương ước tính có thể lên đến 4 tỷ USD trong năm 2015) sau 3 năm xuất siêu liên tiếp, thì năm 2016 có thể sẽ đánh dấu sự quay lại của cả “bộ đôi” nhập siêu và lạm phát.

Khi Việt Nam quay trở lại mô hình tăng trưởng “bình thường” vốn có, tiêu dùng và giá cả gia tăng là điều tất yếu. Mức lạm phát thấp kỷ lục của năm 2015 sẽ khó lặp lại và nếu không có chính sách thắt chặt tiền tệ hợp lý, một mức lạm phát trên 4% trong năm 2016 nhiều khả năng sẽ xảy ra.

Nếu lạm phát tăng trở lại mức trên 4% mà lãi suất VND không tăng phù hợp, đồng VND sẽ đứng trước sức ép mất giá, nhất là khi đồng tiền của nhiều nền kinh tế khác ở châu Á, bao gồm Trung Quốc cũng đang trên đà mất giá. Khi đó, rất có thể Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải hạ giá VND trong năm 2016.

Quy mô biến động tỷ giá VND là một ẩn số, tùy thuộc vào quan điểm và độ kiên trì với chính sách giữ tỷ giá ít biến động của NHNN. Dự báo, NHNN sẽ kết hợp chính sách lãi suất cao hơn để kiềm chế lạm phát, đồng thời duy trì tính hấp dẫn của VND so với USD, với chính sách điều chỉnh cho VND hạ giá thêm.

Nếu NHNN thực hiện chính sách tiền tệ như vậy, rủi ro tỷ giá với các doanh nghiệp có các khoản nợ và doanh thu bằng ngoại tệ sẽ tăng lên. Vì vậy, trong năm 2016, các NĐT cần thận trọng với những doanh nghiệp có rủi ro tỷ giá lớn. Những doanh nghiệp ít bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá và ít vay nợ nước ngoài sẽ an toàn hơn và dễ được các chuyên gia và NĐT ưu ái hơn.

Những điểm nhà đầu tư cần lưu ý trong năm 2016 ảnh 1

Ông Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh 

Về dài hạn, sự trở lại của lạm phát và mặt bằng lãi suất cao hơn, đi kèm với sức ép mất giá đồng tiền do nhập siêu tăng trở lại sẽ hạn chế dần sự lạc quan với triển vọng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

Tuy nhiên, những điều này nhiều khả năng chỉ hiện rõ vào thời điểm cuối năm và Chính phủ hoàn toàn có thể kiểm soát để cho các yếu tố đó không gây sốc cho nền kinh tế.

Nói cách khác, trong nửa đầu năm 2016, tăng trưởng sẽ vẫn ổn định, tâm lý lạc quan một cách thận trọng và xu thế mở rộng trong nền kinh tế nhiều khả năng được duy trì. 

Rủi ro với tăng trưởng ở Việt Nam: diễn biến ở Mỹ và Trung Quốc

Biến động tỷ giá và lãi suất ở Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi mặt bằng lãi suất đồng USD và tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực so với đồng USD. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất vào cuối năm 2015 cho thấy, thời kỳ lãi suất USD rẻ đã đi qua. Vấn đề là nếu lãi suất USD tăng quá nhanh, nguy cơ dòng vốn nước ngoài giá rẻ trước đó đổ vào các nền kinh tế mới nổi ở châu Á sẽ chảy ra mạnh.

Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến dòng vốn ngắn hạn đổ vào TTCK của Việt Nam, mà còn tạo ra rủi ro tỷ giá lớn hơn do đồng tiền nhiều nền kinh tế mới nổi sẽ mất giá mạnh hơn so với USD khi dòng vốn tháo chạy ra khỏi nước họ. Khi đó, sức ép mất giá của VND sẽ mạnh hơn, kéo theo đà tăng của lạm phát và suy giảm niềm tin vào sự ổn định vĩ mô của Việt Nam.

Một rủi ro khác đến từ phía nước láng giềng Trung Quốc. Nếu kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy yếu, xuất khẩu hàng hóa sang nước này sẽ khó khăn và ảnh hưởng xấu đến nhiều nền kinh tế trong khu vực.

Năm 2016 sẽ là một năm tốt cho các TTCK mới nổi, trong khi chứng khoán Mỹ có thể phải đối mặt với một giai đoạn điều chỉnh giảm.

Dự kiến Singapore, Hồng Kông, Đài Loan và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng xấu nhất, nhưng những nền kinh tế có nhập khẩu nhiều hàng từ Trung Quốc hoặc gián tiếp liên hệ với Trung Quốc trong chuỗi cung ứng cho Mỹ và châu Âu cũng có thể bị tác động xấu. Việt Nam có thể là một trong số đó. Bên cạnh đó, sự suy yếu của kinh tế Trung Quốc khiến giá hàng nguyên liệu xuất khẩu ở mức thấp (trong đó có dầu thô). Điều này tác động xấu đến một số ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Nhìn ở khía cạnh lạc quan, sự suy yếu của kinh tế châu Âu có tác động không nhỏ đến khu vực đang phát triển ở châu Á trong năm qua. Tuy nhiên, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và một số ngân hàng đầu tư lớn, tăng trưởng kinh tế của châu Âu sẽ cải thiện trong năm 2016. Do đó, triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc có thể không quá ảm đạm. Mặt khác, kinh tế Mỹ dự kiến tăng trưởng chậm lại trong năm 2016, nên nhiều khả năng Fed sẽ không tăng quá mạnh lãi suất.

Nhìn tổng quan, tuy rủi ro đối với tăng trưởng của Việt Nam từ phía Mỹ và Trung Quốc là đáng ngại, nhưng ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư quốc tế đánh giá, xác suất những cú sốc lớn có thể xảy ra trong chính sách và tăng trưởng của hai nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc là không lớn.

Một số nhà quản lý quỹ đầu tư quốc tế vẫn lạc quan rằng, năm 2016 sẽ là một năm tốt cho các TTCK mới nổi, trong khi chứng khoán Mỹ có thể phải đối mặt với một giai đoạn điều chỉnh giảm.

Rủi ro về nợ nước ngoài của nhóm các nước mới nổi ở châu Á có gây lo ngại cho một số NĐT bi quan, tuy nhiên đó có thể là câu chuyện của những năm sau nữa, chứ không phải là năm 2016.

Tin bài liên quan