Những công ty chứng khoán ngấp nghé vào sân chơi phái sinh

Những công ty chứng khoán ngấp nghé vào sân chơi phái sinh

(ĐTCK) Giờ khai trương thị trường chứng khoán phái đang cận kề, bên cạnh những CTCK đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, một số CTCK “ngấp nghé” đạt tiêu chuẩn cũng đang có những bước rốt ráo nhằm đáp ứng điều kiện sớm nhất

Chờ TTCK phái sinh

Theo Nghị định số 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán phái sinh và Thông tư số 11/2016/TT-BTC hướng dẫn một số điều của Nghị định số 42/2015/NĐ-CP quy định, CTCK muốn tham gia thị trường này cần đáp ứng các tiêu chí về năng lực tài chính, hiệu quả hoạt động kinh doanh, tỷ lệ vốn khả dụng.

Theo đó, đối với hoạt động tự doanh chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu từ 600 tỷ đồng trở lên. Để tham gia môi giới chứng khoán phái sinh, CTCK phải có vốn điều lệ và vốn chủ sở hữu từ 800 tỷ đồng.

Bên cạnh đó là yêu cầu không có lỗ lũy kế; không lỗ trong 2 năm gần nhất; không ở trong quá trình hợp nhất, sáp nhập, giải thể, phá sản, kiểm toán, kiểm soát đặc biệt…

Đến thời điểm này, mới có 6 CTCK đủ điều kiện bước vào sân chơi phái sinh, đó là CTCK MB (MBS), CTCK VNDirect (VND), CTCK BIDV (BSI), CTCP VPBank (VPBS), CTCK Sài Gòn (SSI), CTCK Bản Việt (VCSC), CTCK Hồ Chí Minh (HSC). Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, các CTCK này đã hoàn thiện hệ thống giao dịch và đội ngũ nhân sự, sẵn sàng đồng hành cùng nhà đầu tư trên thị trường mới.

Có CTCK đã nhanh chóng triển khai chương trình miễn phí giao dịch chứng khoán phái sinh cho tất cả khách hàng mở tài khoản “buổi ban đầu”.

Chứng khoán phái sinh vốn là một sản phẩm mới phức tạp, để quản trị tốt rủi ro, người tham gia phải có sự hiểu biết cặn kẽ bản chất của sản phẩm.

Bên cạnh các khóa học để lấy chứng chỉ của nhà quản lý, nhiều CTCK như MBS, HSC, VND… đã chủ động tổ chức khóa đào tạo cho nhà đầu tư, thậm chí cả những CTCK chưa đủ điều kiện tham gia phái sinh - cũng tổ chức đào tạo về phái sinh cho các môi giới và khách hàng.

Sản phẩm khó, nhưng mức vốn tham gia ban đầu không lớn, nên nhiều nhà đầu tư cá nhân khá quan tâm tới thị trường mới, đây là cơ hội cho các CTCK mở rộng dịch vụ khi thị trường này đi vào hoạt động.

Những công ty ngấp nghé đủ điều kiện vào sàn phái sinh

Theo thống kê sơ bộ của Đầu tư Chứng khoán, các CTCK Top 10 thị phần môi giới đều đáp ứng được các tiêu chí  về vốn và hiệu quả kinh doanh vào sân chơi phái sinh. Trong đó, KIS Việt Nam là CTCK đã hội đủ điều kiện tham gia các nghiệp vụ trên TTCK phái sinh, nhưng chưa có công bố về việc nhận Giấy chứng nhận từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Trong khi đó, CTCK Mirrae đã tăng vốn lên 2000 tỷ đồng từ mức 700 tỷ đồng. hiện tại Bên cạnh đó, cũng có một số CTCK đã đáp ứng được điều kiện nhưng chưa có ý định tham gia ngay trong giai đoạn đầu vì dự đoán sẽ mất một vài năm, thị trường mới này mới mang lại hiệu quả.

Bên cạnh đó, lớp CTCK mấp mé đạt chuẩn về vốn hoặc đang có kế hoạch tăng vốn như CTCP Chứng khoán Rồng Việt, Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI), Công ty Chứng khoán Thiên Việt (TVSI), Công ty Chứng khoán Phố Wall (WSS)… đều thể hiện mong muốn sớm gia nhập sàn phái sinh.

Theo kế hoạch, VDS sẽ thực hiện tăng vốn lên 910 tỷ đồng trong năm nay, khi đó, VDS có thể sẽ được tham gia đủ các nghiệp vụ trên thị trường mới. Gần đây, thị trường bất ngờ khi CTCK SJC công bố dự kiến tăng vốn từ 53 tỷ đồng lên 800 tỷ đồng và chủ trương hợp nhất/sáp nhập một công ty khác.

Việc tăng vốn sẽ chia làm 2 đợt: đợt 1 từ 53 tỷ đồng lên 300 tỷ đồng; đợt 2 sẽ tăng lên 800 tỷ đồng, cũng có mục tiêu để tham gia TTCK phái sinh.

Ở các CTCK có quy mô nhỏ hơn, việc đáp ứng điều kiện về vốn không quá khó khăn nhưng do thời gian đầu vận hành nên sản phẩm vẫn còn mang tính “thử nghiệm”, trong khi đó, chi phí đầu tư nâng cấp hệ thống là lớn, nên thái độ còn rất dè chừng.

Lãnh đạo nhiều CTCK chia sẻ, tiềm lực tài chính còn mỏng, họ chưa thể đầu tư khoản lớn để gia nhập từ đầu. Tuy nhiên, các lãnh đạo này kỳ vọng khi thị trường chứng khoán phái sinh được công chúng biết đến, các thị trường lân cận cũng sẽ rất sôi động hơn và đây là cơ hội để các CTCK gia tăng thị phần.

Theo dự kiến, TTCK phái sinh Việt Nam sẽ khai mở ngày 10/8/2017 với 1 loại hàng hóa và 6 nhà môi giới. Danh sách hàng mới và nhà môi giới mới cho sàn này có “dài” ra không, phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố rất thực là hiệu quả mà sàn phái sinh có thể mang lại cho các chủ thể tham gia.

Tin bài liên quan