Những cổ phiếu tạo kỷ lục 6 tháng đầu năm

Những cổ phiếu tạo kỷ lục 6 tháng đầu năm

(ĐTCK) Tăng gấp 4 lần trong vòng 6 tháng đầu năm, hay thấp hơn là 3 lần, 2 lần…, nhiều mã đã tạo dấu ấn không nhỏ trong giới đầu tư. Nhưng ngoài nhóm ngân hàng dẫn dắt, các mã đột biến hầu hết là mã thị giá nhỏ, và không ít mã từng đứng trước câu hỏi “tồn tại hay không”?

Kỷ lục đầy… tiếc nuối!

Dẫn đầu danh sách 6 tháng đầu năm nay đương nhiên là SHN, “siêu cổ phiếu” trên sàn HNX ghi nhận mức tăng hơn 400% trong 3 tháng trở lại đây, còn nếu so với thời điểm đầu năm 2015, SHN ghi nhận mức tăng hơn 564%, từ 3.900 đồng/CP tăng lên hơn 22.000 đồng/CP (chốt phiên ngày 18/6). Sự tăng tăng giá SHN lúc đầu gây bất ngờ và sau đó được “hợp thức” bằng thông tin Geleximco và CTCP Đầu tư tài chính An Bình (ABFG) quyết định đi đến hợp tác 3 bên với SHN.

Cụ thể, SHN sẽ tiến hành phát hành riêng lẻ 95 triệu cổ phần, tương ứng 950 tỷ đồng cho các đối tác chiến lược. Trong đó Geleximco cùng các cổ đông có liên quan sẽ tiến hành mua 46,5 triệu cổ phiếu phát hành riêng lẻ từ Hanic với tổng giá trị 465 tỷ đồng.

Sau SHN là cái tên ít được biết tới HTL, mã cổ phiếu của CTCP Kỹ thuật và ô tô Trường Long, ghi nhận mức tăng 216% trong nửa đầu năm 2015 khi tăng từ 26.600 đồng/CP lên 57.400 đồng/CP. Cùng nhóm ngành ô tô là TMT cũng ghi nhận mức tăng phi mã từ 17.000 đồng/CP lên 45.500 đồng/CP (tăng 168%), hay cổ phiếu HHS của Tập đoàn Hoàng Huy cũng tăng 50% trong 6 tháng đầu năm.

Nhóm cổ phiếu ngành ô tô tăng được lý giải là do kỳ vọng của giới đầu tư về sự đột phá doanh số và lợi nhuận khi kinh tế ấm lên, đặc biệt là việc siết tải trọng của Bộ Giao thông Vận tải được làm quyết liệt khiến nhu cầu xe tải đang tăng rất mạnh. Cả 3 doanh nghiệp nói trên đều chủ yếu kinh doanh xe tải, thực tế ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt hơn qua từng quý.

Một trường hợp cũng bất ngờ không kém là SIC, cổ phiếu của CTCP Đầu tư và phát triển Sông Đà, ghi nhận mức tăng ấn tượng hơn 160% trong nửa đầu năm khi tăng từ 6.700 đồng/CP lên 17.700 đồng/CP. Kế hoạch kinh doanh của SIC năm 2015 khá khiêm tốn với doanh thư 174,9 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2,73 tỷ đồng. Nhưng điểm nhấn nằm ở chỗ Công ty sẽ quyết liệt thu hồi công nợ còn tồn đọng từ trước đến nay dứt điểm trong quý II/2015.

Những mã có vốn hóa nhỏ như kể trên, thường chỉ tạo ra sự bất ngờ và… tiếc nuối cho một số nhà đầu tư “thiếu liều lĩnh”. Dẫn dắt thị trường vẫn phải là các mã lớn, và 6 tháng đầu năm nay, nhóm ngân hàng lớn thể hiện bản lĩnh.

Sau khi các kế hoạch sáp nhập hợp nhất được công bố, các ngân hàng lớn như được “rũ gánh nặng”. VCB của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tăng 40% từ 32.900 đông lên 44.500 đồng/CP, cổ phiếu BID của BIDV còn tăng hơn 69% từ  12.700 đồng lên 21.500 đồng/CP…

Tại sàn HNX, hai bluechips lớn nhất sàn là ACB và PVS cũng có những biến động khác nhau trong nửa đầu năm. Trong khi PVS gần như “đứng yên tại chỗ” khi chỉ tăng nhẹ 3% từ đầu năm đến nay thì cổ phiếu ACB lại ghi nhận mức tăng mạnh từ 15.400 đồng/CP lên 21.400 đồng/CP, tương đương với mức tăng 39%.

Những mã giảm giá bất ngờ

Chiều tăng tạo sự sôi động, còn chiều giảm cũng chứa đầy kịch tính. Cổ phiếu ngành khoáng sản gần như là nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trong 6 tháng đầu năm 2015. Trong đó, CTCP Khoáng sản Xi măng Cần Thơ (CMM - sàn HNX) giữ vị trí “quán quân” về sự sụt giảm khi chỉ trong gần 6 tháng đã giảm đến 5 lần giá,, từ 49.600 đồng/CP giảm xuống 9.800 đồng/CP.

Tại sàn HOSE, OGC là cổ phiếu giảm mạnh nhất từ 7.100 đồng/CP xuống còn 2.600 đồng/CP, tương đương với mức gần 3 lần. Nhóm cổ phiếu mang tính đầu cơ như  HAI, QBS, GTN...cũng ghi nhận mức giảm mạnh.

Mặc dù vậy, khi thị trường trở nên tích cực hơn, thì nhóm đầu cơ mới mang đến thị trường nhiều “sinh khí”. Nhiều mã đầu cơ có mức thấp vẫn tạo sức hấp dẫn nhất định đối với nhà đầu tư. Ở  giai đoạn hiện tại, nhà đầu tư nên tính đến việc đầu tư theo chu kỳ kinh doanh của DN, đặc biệt là các DN dự báo kết quả kinh doanh tốt và thường ghi nhận doanh thu lớn trong quý 2 và 6 tháng đầu năm 2015.

Bảng 1: Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tại sàn HOSE 6 tháng đầu năm

Giá ngày 17/6

Giá ngày 2/1

% tăng

HTL*

84.000

26.600

216%

TMT

45.500

17.000

168%

ITD

17.400

9.300

87%

DAG*

24.100

13.100

84%

TNT

7.700

4.300

79%

SHI

13.400

7.500

79%

CMG

15.100

8.900

70%

BID*

21.500

12.700

69%

HBC

24.500

14.800

66%

SCD

38.900

26.000

50%

(*) Nếu không tính các lần chia cổ tức, chia tách, phát hành thêm, thì HTL tăng khoảng 243%, DAG tăng hơn 100%, BID tăng 79,5%, SCD tăng 57%.

Bảng 2: Các cổ phiếu tăng giá mạnh nhất tại sàn HNX 6 tháng đầu năm

Giá ngày 17/6

Giá ngày 2/1

% tăng

SHN

20.300

3.900

421%

SIC

17.700

6.700

164%

TPH*

15.000

7.200

108%

PIV

14.200

7.100

100%

SDY

7.500

3.800

97%

PDC

7.200

3.700

95%

INC

7.600

4.300

77%

VC3

27.300

16.200

69%

WSS

8.800

5.300

66%

SHA

12.200

7.400

65%

(*) Nếu tính chia, tách, mức tăng của TPH khoảng 136%.

Bảng 3: Các cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn HOSE trong 6 tháng đầu năm

Giá ngày 17/6

Giá ngày 2/1

% giảm

OGC

2.600

7.100

-63%

KSS

2.300

5.300

-57%

LCM

2.300

5.200

-56%

VNH

1.800

3.500

-49%

RIC

9.400

17.000

-45%

GTT

2.200

4.000

-45%

VOS

3.800

6.200

-39%

KTB

3.100

5.100

-39%

Bảng 4: Các cổ phiếu giảm mạnh nhất trên sàn HNX trong 6 tháng

Giá ngày 17/6

Giá ngày 2/1

% giảm

CCM

9.800

49.600

-80%

ITQ**

10.400

29.000

-64%

VNN*

1.500

3.600

-58%

LM3

1.300

3.000

-57%

OCH

11.100

25.100

-56%

NDF

7.100

13.800

-49%

V15

1.000

1.900

-47%

PFL*

1.800

3.200

-44%

(*) Các cổ phiếu đã hủy niêm yết và chuyển xuống giao dịch tại sàn UPCoM kể từ cuối tháng 5/2015.

(**) Nếu tính chia, tách, phát hành thêm, ITQ giảm khoảng 62%.

Tin bài liên quan