Cổ phiếu HVN hiện dao động dưới 25.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá tham chiếu phiên đầu tiên

Cổ phiếu HVN hiện dao động dưới 25.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá tham chiếu phiên đầu tiên

Những cổ phiếu chào sàn gây bất ngờ

(ĐTCK) Trong những cổ phiếu chào sàn từ đầu năm đến nay, có mã đạt mức giá cao, vượt xa kỳ vọng trong thời gian ngắn, nhưng cũng có mã khiến nhà đầu tư ngậm ngùi chịu lỗ.

Kể từ cuối năm 2016, thị trường chứng khoán có xu hướng tăng điểm, nhiều cổ phiếu lên sàn là tăng giá. Thực tế này khiến không ít nhà đầu tư lùng mua cổ phiếu trên thị trường OTC khi doanh nghiệp có kế hoạch sớm niêm yết/đăng ký giao dịch.

Một số mã ghi nhận diễn biến tăng giá trần liên tục sau khi chào sàn như CTF của Công ty cổ phần Auto City. Cổ phiếu này đã tăng giá trần 16 phiên liên tiếp, từ mức giá tham chiếu trong phiên giao dịch đầu tiên là 12.000 đồng/cổ phiếu ngày 30/5/2017 lên mức 39.350 đồng/cổ phiếu ngày 20/6.

Sau đợt tăng chóng mặt, giá cổ phiếu CTF bắt đầu lao dốc, nhưng chạm mức 24.000 đồng/cổ phiếu thì bật lên trên ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu. Kể từ đầu tháng 7 đến nay, cổ phiếu CTF được giao dịch phổ biến trong khoảng 27.000 - 30.000 đồng/cổ phiếu.

“CTF là một trong những khoản đầu tư lãi nhất của tôi. Dù không bán được ở vùng đỉnh, nhưng lãi vượt kỳ vọng ban đầu”, một nhà đầu tư mua cổ phiếu CTF trước khi lên sàn nói và cho biết, “hiệu ứng” chào sàn hiện không còn mạnh, nhưng anh tiếp tục thực hiện chiến lược đầu tư này.

Cổ phiếu LEC của Công ty cổ phần Bất động sản điện lực Miền Trung có 13 phiên tăng giá trần liên tiếp, từ mức giá tham chiếu 11.000 đồng/cổ phiếu ngày 14/6/2017 lên trên 30.000 đồng/cổ phiếu. Hiện cổ phiếu LEC được giao dịch trên ngưỡng 20.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu HII của Công ty cổ phần An Phát Yên Bái được nhiều nhà đầu tư quan tâm, giá tăng cao sau khi chào sàn. HII là công ty con của Công ty cổ phần Nhựa và Môi trường xanh An Phát (AAA), sở hữu những lợi thế khá riêng trong ngành.

Chào sàn ngày 22/6/2017 với giá tham chiếu 13.500 đồng/cổ phiếu, HII có 9 phiên tăng trần liên tiếp, lên hơn 24.000 đồng/cổ phiếu. Sau đó, giá cổ phiếu này điều chỉnh 2 phiên rồi tiếp tục có diễn biến khả quan, gần đây dao động trên ngưỡng 30.000 đồng/cổ phiếu.

Cổ phiếu VCI của Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt không tăng giá trần sau khi chào sàn, nhưng cũng mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư. Trước khi niêm yết trên HOSE, VCI tạo được sức hút đáng kể với nhà đầu tư, đặc biệt đợt phát hành riêng lẻ với giá 48.000 đồng/cổ phiếu có lượng đặt mua gấp 8 lần lượng chào bán.

Nhiều nhà đầu tư đã săn mua cổ phiếu VCI trước khi Công ty niêm yết. Công ty chào sàn ngày 7/7/2017, với giá tham chiếu 48.000 đồng/cổ phiếu, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ở mức 57.600 đồng/cổ phiếu. Sau đó, VCI được giao dịch phổ biến trong khoảng 58.000 - 61.000 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Tổng công ty Hàng không Việt Nam-CTCP (HVN) đăng ký giao dịch trên UPCoM đầu năm 2017, giá tăng trần vài phiên đầu tiên, nhưng sau đó là chuỗi ngày “đỏ sàn”, khiến nhiều nhà đầu tư “mắc kẹt”.

Diễn biến giảm giá của cổ phiếu này được lý giải bởi lo ngại về thị phần của HVN sẽ giảm, cộng thêm động thái thoái vốn của Techcombank, khiến mức giá từ 4x giảm về 3x, hiện dao động dưới 25.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn mức giá tham chiếu phiên đầu tiên là 28.000 đồng/cổ phiếu.

Một trong những cổ phiếu mới đáng chú ý gần đây là VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng. Trước khi chào sàn ngày 17/8/2017, cổ phiếu VPB rất “nóng”, được giao dịch trên thị trường OTC với giá 35.000 đồng/cổ phiếu. Nhiều nhà đầu tư khi đó tự tin nắm giữ cổ phiếu VPB, bởi đây là ngân hàng được đánh giá có hiệu quả kinh doanh cao.

Tuy nhiên, ngay trong phiên chào sàn, VPB gây bất ngờ khi kịch bản dư mua giá trần không xảy ra, thay vào đó, khối lượng khớp lệnh lên đến 46 triệu đơn vị trong phiên xác định giá đóng cửa (ATO), với giá 39.000 đồng/CP (bằng mức giá tham chiếu). Trong phiên khớp lệnh liên tục trước đó, thị giá có lúc rơi về 33.000 đồng/cổ phiếu. Hai phiên sau đó, giá cổ phiếu VPB giảm, xuống dưới 36.000 đồng/cổ phiếu, rồi đi ngang quanh ngưỡng này.

Chuyên viên phân tích của một số công ty chứng khoán cho rằng, nhiều nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu VPB ở mức giá khá thấp trước đó, nên khi niêm yết, họ chốt lời ngay. Đây là những nhà đầu tư ngắn hạn và chủ yếu là nhà đầu tư cá nhân trong nước. Nhìn ở chiều ngược lại, lực mua của nhà đầu tư nước ngoài rất mạnh. Ngay sau phiên giao dịch đầu tiên, “room” ngoại của VPB đã nhanh chóng được lấp đầy.

“Trước khi lên sàn, nhiều doanh nghiệp liên tục công bố thông tin tích cực, mặt khác lựa chọn mức giá tham chiếu phù hợp để cổ phiếu có dư địa tăng giá, nhằm “lấy may”. Những trường hợp giá cổ phiếu tăng không mạnh, hoặc chỉ tăng một hai phiên rồi giảm, thanh khoản thấp…, có thể do bản thân hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kém hấp dẫn, thiếu triển vọng tăng trưởng, hoặc thời điểm chào sàn không thuận lợi, mức giá chào sàn cao”, một chuyên viên phân tích nói.

Tin bài liên quan