Ông Nguyễn Sơn

Ông Nguyễn Sơn

Những chính sách định hình nên TTCK Việt Nam

(ĐTCK) Ngày 28/11/1996, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/CP thành lập Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) là cơ quan thuộc Chính phủ quản lý các hoạt động về chứng khoán và TTCK ở Việt Nam. 

Chính thức hoạt động từ tháng 4/1997, UBCK đã khẩn trương phối hợp với các bộ, ngành xây dựng các điều kiện cho sự ra đời của TTCK, đặc biệt là công tác xây dựng cơ chế, chính sách, khuôn khổ pháp lý trong lĩnh vực chứng khoán. 

Năm 1998: Tạo lập khuôn khổ pháp lý ban đầu

Để thiết lập một thị trường với cơ chế vận hành phức tạp và nhạy cảm như TTCK, trên quan điểm xây dựng thị trường với bước đi phù hợp, thận trọng và vững chắc, đặc biệt đây là thời điểm mà các quốc gia trong khu vực vừa chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - tiền tệ châu Á 1997, vấn đề đặt ra là xây dựng TTCK có tổ chức, quản lý chặt chẽ, gắn liền với quá trình cải cách DNNN, không để thị trường hình thành một cách tự phát có thể gây bất ổn kinh tế.

Ngày 11/7/1998, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 48/1998/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK. Đây là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất điều chỉnh trực tiếp cho hoạt động của TTCK Việt Nam lúc đầu với các quy định về phát hành chứng khoán ra công chúng; tổ chức thị trường giao dịch tập trung; tổ chức hoạt động công ty chứng khoán (CTCK), quỹ đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ đầu tư; hoạt động đăng ký, lưu ký, thanh toán bù trừ chứng khoán; tham gia TTCK của bên nước ngoài…

Trên cơ sở nền tảng của Nghị định 48/1998/NĐ-CP, UBCK đã ban hành các thông tư, quyết định để hướng dẫn cụ thể quy định về phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; ban hành quy chế hướng dẫn tổ chức và hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ, quỹ đầu tư chứng khoán.

Với chủ trương ban đầu là tạo lập một thị trường giao dịch chứng khoán có tổ chức, với khung pháp lý điều chỉnh chặt chẽ và gắn liền với việc tạo lập thị trường thứ cấp cho các giao dịch cổ phiếu của DNNN cổ phần hóa và huy động trái phiếu chính phủ, trong điều kiện các nền tảng cho sự vận hành thị trường dưới hình thức Sở giao dịch chứng khoán chưa thực sự hoàn thiện, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 127/1998/QĐ-TTg về việc thành lập hai Trung tâm giao dịch chứng khoán (TTGDCK) TP. HCM và Hà Nội. Đây là giai đoạn thí điểm cần thiết, trước khi xây dựng các Sở GDCK hoạt động theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Sản phẩm mới - đó là điều các nhà đầu tư trong và ngoài nước trên TTCK luôn mong chờ 

Năm 1999: Giai đoạn chuẩn bị cho việc khai trương thị trường

Tiếp tục triển khai xây dựng khuôn khổ pháp lý cho TTCK và hướng dẫn Nghị định 48/1998/NĐ-CP, UBCK đã ban hành các quyết định về Quy chế lưu ký, thanh toán bù trừ và đăng ký chứng khoán, Quy chế giám sát, thanh tra hoạt động chứng khoán và TTCK, Quy chế thành viên giao dịch, Quy chế niêm yết chứng khoán, Quy chế công bố thông tin, Quy chế giao dịch chứng khoán. Các hướng dẫn pháp lý ban đầu phù hợp với những giao dịch đơn giản như chỉ khớp lệnh định kỳ, thời gian giao dịch vào buổi sáng, tổ chức thanh toán bù trừ chứng khoán do TTGDCK đảm nhiệm.

Cũng trong năm 1999, trên cơ sở lựa chọn hệ thống công nghệ thanh toán rộng khắp và tốt nhất, UBCK đã quyết định chấp thuận cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) làm Ngân hàng chỉ định thanh toán phục vụ cho việc thanh toán các giao dịch chứng khoán tại TTGDCK.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành các hướng dẫn về việc thành lập CTCK trực thuộc các ngân hàng thương mại. Đồng thời, Bộ Tài chính ban hành các quy định hướng dẫn về thu phí, lệ phí đối với hoạt động quản lý nhà nước và kinh doanh trên TTCK.

Là một thị trường hình thành muộn, các chính sách mở cửa TTCK cũng được Chính phủ quan tâm để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng có sự kiểm soát, giám sát chặt chẽ. Ngày 10/6/1999, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 139/1999/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam. Theo đó, các tỷ lệ sở hữu nước ngoài được quy định cho các sản phẩm giao dịch cổ phiếu, trái phiếu.

Các tổ chức, cá nhân nước ngoài không được sở hữu quá 20% vốn điều lệ công ty niêm yết, trong đó tổ chức nắm giữ không quá 10%, cá nhân nắm giữ không quá 5%; tổ chức, cá nhân không được sở hữu quá 40% trái phiếu chính phủ, trong đó tổ chức nắm giữ không quá 20% và cá nhân không quá 10%. Ngoài ra, cho phép thành lập CTCK có vốn nước ngoài không quá 30% vốn điều lệ.

Mỗi năm, thị trường trái phiếu huy động được hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế 

Năm 2000: Chính thức vận hành TTGDCK

Với khuôn khổ pháp lý ban đầu tương đối đầy đủ, ngày 20/7/2000, TTGDCK TP. HCM chính thức khai trương đi vào hoạt động, với chức năng chủ yếu là tổ chức giao dịch cổ phiếu, trái phiếu đủ điều kiện niêm yết. 2 cổ phiếu giao dịch ban đầu là REE và SAM của 2 DNNN cổ phần hóa: CTCP Cơ điện lạnh và CTCP Cáp và Vật liệu viễn thông, với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết 270 tỷ đồng.

Nhằm mục đích thu hút các tổ chức kinh doanh dịch vụ chứng khoán tham gia TTCK, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 39/2000/QĐ-TTg ngày 27/3/2000 quy định tạm thời ưu đãi thuế đối với hoạt động kinh doanh chứng khoán, cụ thể: thực hiện miễn thuế 1 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp 2 năm tiếp theo đối với CTCK và công ty quản lý quỹ. Đối với công ty niêm yết, ngoài các ưu đãi về thuế quy định khi cổ phần hóa, còn được giảm 50% trong vòng 2 năm kể từ khi niêm yết. Các nhà đầu tư cá nhân được miễn thuế giao dịch chứng khoán.

Ngoài ra, để đáp ứng tốt hơn thực tiễn hoạt động của TTCK, UBCK đã tiến hành sửa đổi các quy định liên quan tới phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; thành viên, niêm yết, công bố thông tin và giao dịch chứng khoán; lưu ký, thanh toán bù trừ và đăng ký chứng khoán; đồng thời ban hành Quy chế đấu thầu trái phiếu chính phủ trên thị trường giao dịch chứng khoán tập trung. Bên cạnh đó, Nghị định số 22/2000/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đã được Chính phủ ban hành nhằm giảm thiểu các hành vi gây bất ổn thị trường.

Từ một thị trường cổ phiếu buổi ban đầu, HNX ngày nay đã là nơi giao dịch 3 thị trường: niêm yết, UPCoM và thị trường trái phiếu 

Năm 2001-2003: Hoàn thiện khung pháp lý, chiến lược để phát triển thị trường

Sau khi mở cửa thị trường vào giữa năm 2000, TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng đột biến về giá cổ phiếu và chỉ số chứng khoán do cầu chứng khoán vượt quá cung. Vì vậy, để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sử dụng nhiều mức giá lựa chọn, tránh việc neo giá vào mức trần - sàn, UBCK đã sử dụng công cụ điều chỉnh biên độ giao dịch cổ phiếu (thắt chặt, mở rộng) để điều tiết thị trường. Ngoài ra, nới lỏng khối lượng giao dịch trên từng lệnh, kéo dài thời gian giao dịch qua các phiên khớp lệnh định kỳ, liên tục để hỗ trợ thị trường.

Sau một thời gian triển khai vận hành thị trường, những hạn chế, bất cập của Nghị định 48/1998/NĐ-CP bước đầu xuất hiện, đòi hỏi cần thiết có sự sửa đổi, bổ sung kịp thời. Do đó, ngày 28/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2003/NĐ-CP về chứng khoán và TTCK, thay thế Nghị định 48/1998/NĐ-CP.

Nghị định 144/2013/NĐ-CP có phạm vi điều chỉnh tương đối rộng, tạo tiền đề cho việc mở rộng quy mô phát hành và niêm yết, giao dịch chứng khoán trên thị trường tập trung, cho việc thành lập Sở giao dịch chứng khoán và các tổ chức phụ trợ, các định chế tài chính trung gian; nâng cao hiệu quả, chất lượng công bố thông tin trên TTCK, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước thông qua các công cụ luật pháp và điều hành vĩ mô của Nhà nước.

Để phát triển TTCK với lộ trình, bước đi phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2010 (Quyết định 163/2003/QĐ-TTg ngày 5/8/2003) nhằm tạo điều kiện để phát triển TTCK cả về quy mô và chất lượng hoạt động, tạo ra kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển, góp phần phát triển thị trường tài chính Việt Nam; duy trì trật tự, an toàn, mở rộng phạm vi, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát thị trường nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh và chủ động hội nhập thị trường tài chính quốc tế; đưa ra lộ trình phát triển TTCK qua 2 giai đoạn là đến năm 2005 và từ năm 2005 đến năm 2010.

Ngoài ra, nhằm tạo sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào TTCK Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 146/2003/QĐ-TTg ngày 17/7/2003 cho phép nâng mức nắm giữ cổ phiếu của bên nước ngoài trong các công ty cổ phần niêm yết trên thị trường giao dịch tập trung lên 30% vốn cổ phần của công ty; đồng thời cho phép nâng tỷ lệ vốn góp của bên nước ngoài lên tối đa 49% vốn điều lệ trong các CTCK liên doanh, công ty quản lý quỹ liên doanh.

Các văn bản chính sách  ngày càng được hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của thị trường 

Năm 2004: Thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về TTCK

Nhằm tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị định 66/2004/NĐ-CP chuyển UBCK về Bộ Tài chính. Đây là một động thái tích cực, tạo điều kiện phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan quản lý để sớm thúc đẩy thị trường phát triển.

Trong năm 2004, Bộ Tài chính đã ban hành đồng bộ các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định số 144/2003/NĐ-CP về niêm yết cổ phiếu và trái phiếu trên TTCK tập trung; phát hành cổ phiếu, trái phiếu ra công chúng; thành viên và giao dịch chứng khoán; công bố thông tin trên TTCK; quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK; quy chế thành lập và hoạt động của văn phòng đại diện tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam; hệ thống chỉ tiêu giám sát tài chính đối với CTCK và công ty quản lý quỹ; quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; quy chế lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán được chấp thuận trong lĩnh vực chứng khoán.

Sau khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2003 có hiệu lực thi hành, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 100/2004/TT-BTC hướng dẫn riêng về thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực chứng khoán và có Công văn số 11924/TC-CST ngày 20/10/2004 về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các tổ chức niêm yết chứng khoán lần đầu.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định về quản lý ngoại hối đối với giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài trên TTGDCK, đặc biệt là quy định về việc ngân hàng thương mại cổ phần đăng ký niêm yết và phát hành cổ phiếu ra công chúng, vừa giúp tạo hàng cho TTCK, vừa giúp các ngân hàng có điều kiện tốt hơn trong việc huy động vốn trên TTCK phục vụ hoạt động kinh doanh, đồng thời giúp hoạt động của các ngân hàng minh bạch, rõ ràng hơn.

Với những quy định mới tại Nghị định 144/2003/NĐ-CP, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 161/NĐ-CP ngày 7/9/2004 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, thay thế Nghị định số 22/2000/NĐ-CP. Kế đến là ban hành Nghị định 187/2004/NĐ-CP thay thế Nghị định 64/2002/NĐ-CP về cổ phần hóa DNNN với định hướng cổ phần hóa các công ty, tổng công ty lớn làm ăn hiệu quả, gắn với việc niêm yết trên TTCK.

Năm 2005: Khai trương hoạt động TTGDCK Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán

Ngày 8/3/2005, sau một thời gian dài chuẩn bị, TTGDCK Hà Nội dành cho giao dịch cổ phiếu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, với cơ chế giao dịch thoả thuận đã chính thức đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 189/2005/QĐ-TTg thành lập Trung tâm Lưu ký chứng khoán (TTLKCK) với nhiệm vụ thực hiện đăng ký, lưu ký, bù trừ, thanh toán chứng khoán và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ việc giao dịch mua, bán chứng khoán.

Để tăng cường hàng hóa cho TTCK, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005 về việc phê duyệt danh sách các công ty cổ phần hóa thực hiện bán đấu giá cổ phần, niêm yết, đăng ký giao dịch tại các TTGDCK. Đồng thời, theo Quyết định 2592/QĐ-BTC của Bộ Tài chính, DNNN tiến hành cổ phần hoá thông qua cơ chế bán đấu giá cổ phần trên các TTGDCK (theo tinh thần Nghị định 187/2004/NĐ-CP về chuyển công ty nhà nước sang công ty cổ phần), sau đó làm các thủ tục cấp phép niêm yết/đăng ký giao dịch trên các TTGDCK. UBCK cũng đã ban hành Quy chế mẫu về đấu giá cổ phần tại TTGDCK để triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 238/2005/QĐ-TTg thay thế Quyết định số 146/2003/QĐ-TTg về tỷ lệ tham gia của bên nước ngoài vào TTCK Việt Nam nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Theo đó, các tổ chức, cá nhân nước ngoài được nắm giữ tối đa 49% cổ phiếu, chứng chỉ quỹ của tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch trên TTCK Việt Nam (ngoại trừ tổ chức niêm yết/đăng ký giao dịch thuộc khối ngân hàng, tỷ lệ nắm giữ tối đa của nhà đầu tư nước ngoài là 30%) và tối đa 30% cổ phiếu của công ty/tổ chức chưa niêm yết. Tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài được góp vốn, mua cổ phần, góp vốn liên doanh thành lập CTCK hoặc công ty quản lý quỹ liên doanh tối đa là 49% vốn điều lệ.

Năm 2006: Luật Chứng khoán được ban hành

Trong quá trình thực hiện Nghị định 144/2003/NĐ-CP (trước đó là Nghị định 48/1998/NĐ-CP), phạm vi điều chỉnh của Nghị định đã bộc lộ nhiều hạn chế, chưa bao quát và phù hợp với điều kiện thực tế cũng như định hướng chiến lược phát triển TTCK.

Cụ thể: phạm vi điều chỉnh còn hẹp (chưa điều chỉnh việc phát hành chứng khoán ra nước ngoài), chưa điều chỉnh hoạt động giao dịch trên TTCK phi tập trung, giao dịch chứng khoán phái sinh…, do đó chưa tạo ra được môi trường pháp lý đầy đủ, đồng bộ và ổn định để điều chỉnh mọi hoạt động trên TTCK.

Mặt khác, do chưa có Luật nên tính pháp lý của hệ thống pháp luật về TTCK chưa cao, chưa giải quyết được những khác biệt so với những văn bản pháp luật khác như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Doanh nghiệp…

Nhằm đáp ứng nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển đòi hỏi phải phát triển TTCK trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế và yêu cầu bức thiết là phải hoàn chỉnh thể chế về chứng khoán và TTCK, Quốc hội đã thông qua Luật Chứng khoán ngày 29/6/2006, có hiệu lực từ ngày 1/1/2007.

Luật Chứng khoán ra đời góp phần hoàn chỉnh thể chế các quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật về TTCK, tạo nên một bước tiến vượt bậc trong việc nâng cao tính minh bạch của thị trường, mà quan trọng là đưa ra khái niệm về công ty đại chúng và yêu cầu các công ty đại chúng chưa niêm yết phải có nghĩa vụ công bố thông tin (nghĩa vụ này trước đó chỉ áp dụng cho các công ty niêm yết), đồng thời bổ sung nhiều quy định mới về phát hành chứng khoán, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chứng khoán, quy định về nguyên tắc áp dụng điều ước quốc tế...

Các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán được gấp rút hoàn thiện, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành kịp thời.

Cũng trong năm 2006, Bộ Tài chính ban hành Kế hoạch phát triển TTCK giai đoạn 2006 - 2010, với mục tiêu cơ bản là mở rộng TTCK có tổ chức, áp dụng thông lệ tốt nhất về quản trị công ty đại chúng và các tổ chức kinh doanh chứng khoán, nâng cao quy mô và năng lực của các tổ chức kinh doanh, dịch vụ chứng khoán.

Năm 2007: Hoàn thiện văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán và thành lập Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM

Để hướng dẫn Luật Chứng khoán, Chính phủ đã ban hành Nghị định 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 36/2007/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, đi kèm với đó là các văn bản hướng dẫn thi hành: Thông tư hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; Thông tư hướng dẫn mua bán lại cổ phiếu và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng; Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK; Quyết định ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho công ty niêm yết, Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK, Quy chế tổ chức và hoạt động của công ty quản lý quỹ, Quy chế thành lập và quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán.

Với mục tiêu phát triển nhanh, đồng bộ, vững chắc thị trường vốn Việt Nam, trong đó TTCK đóng vai trò chủ đạo, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 128/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến 2020. Trên cơ sở đó, các đề án để thực thi Luật Chứng khoán đã được triển khai nghiên cứu xây dựng như: Đề án thị trường trái phiếu chính phủ chuyên biệt; Đề án tổ chức quản lý và giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết; Đề án phát triển ổn định và bền vững TTCK Việt Nam; Đề án chuyển đổi các TTGDCK, TTLKCK sang mô hình doanh nghiệp theo quy định tại Luật Chứng khoán.

Để từng bước chuẩn hóa tổ chức giao dịch thị trường, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 599/QĐ-TTg về chuyển TTGDCK TP. HCM thành Sở GDCK TP. HCM hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động theo các chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Năm 2008-2009: Thành lập Sở GDCK Hà Nội và xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ, thị trường giao dịch cổ phiếu công ty đại chúng chưa niêm yết

Tiếp tục triển khai đề án chuyển đổi các TTGDCK, TTLKCK sang mô hình doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 171/2008/QĐ-TTg về việc chuyển TTLKCK hoạt động dưới hình thức đơn vị sự nghiệp có thu sang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu của Nhà nước.

Năm 2009, TTGDCK Hà Nội được chuyển đổi thành Sở GDCK Hà Nội theo mô hình công ty TNHH một thành viên thuộc sở hữu Nhà nước. Cùng với quá trình đó, thị trường giao dịch trái phiếu chính phủ chuyên biệt và thị trường giao dịch chứng khoán các công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) chính thức đi vào hoạt động, bước đầu góp phần phân định các khu vực thị trường giữa Sở GDCK Hà Nội và TP. HCM, qua đó góp phần tăng cung hàng hóa và tăng tính thanh khoản cho TTCK, thu hẹp thị trường tự do và phát triển thị trường trái phiếu.

Bên cạnh việc hoàn thiện các khu vực giao dịch chứng khoán, cơ quan quản lý đã chấp thuận cho các Sở GDCK, TTLKCK hoàn thiện và đưa vào vận hành hệ thống giao dịch trực tuyến, giao dịch từ xa, cho phép các CTCK kết nối thẳng với máy chủ giao dịch của hệ thống, qua đó cho phép tăng nhanh doanh số giao dịch, hạn chế được tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, sai sót trong nhập lệnh.

Để tiếp tục thu hút nhà đầu tư nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2009/NĐ-CP về phát hành trái phiếu quốc tế và Quyết định 55/2009/QĐ-TTg cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua 49% vốn cổ phần của công ty đại chúng (trước đây chỉ là công ty niêm yết), ngoại trừ quy định của pháp luật chuyên ngành hoặc/và danh mục ngành nghề cụ thể; không hạn chế sở hữu trái phiếu.

Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2009 quy định, nhà đầu tư cá nhân trong nước và ngoài nước sẽ bị đánh thuế thu nhập đối với cổ tức, trái tức, thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán, thu nhập từ nhận thừa kế là chứng khoán, thu nhập từ nhận quà tặng là chứng khoán.

Năm 2008 xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến TTCK suy giảm mạnh. Được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 160/2009/TT-BTC nhằm hỗ trợ các cá nhân tham gia trên TTCK, cụ thể: miễn thuế thu nhập cá nhân từ ngày 1/1/2009 đến hết ngày 31/12/2009, bao gồm cá nhân cư trú và cá nhân không cư trú có thu nhập từ đầu tư vốn, từ chuyển nhượng vốn (bao gồm cả chuyển nhượng chứng khoán).

Năm 2010-2011: Ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán

Nhằm hoàn thiện khung pháp lý, thể chế chính sách cho phát triển thị trường, trong năm 2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 01/2010/NĐ-CP về chào bán cổ phần riêng lẻ; Nghị định 84/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2007/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán; Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Hàng loạt văn bản hướng dẫn đã được Bộ Tài chính ban hành như: Thông tư hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK; Quy định chỉ tiêu an toàn tài chính và biện pháp xử lý đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán không đáp ứng chỉ tiêu an toàn tài chính; Quy định mức thu, chế độ thu nộp, quản lý và sử dụng phí hoạt động chứng khoán áp dụng tại các Sở GDCK và TTLKCK; sửa đổi, bổ sung Quy chế đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán; sửa đổi, bổ sung Quy chế tổ chức và quản lý giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết tại Sở GDCK Hà Nội.

Ngày 24/11/2010, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011) nhằm khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn hoạt động của TTCK và thực tế thi hành Luật Chứng khoán 2006; đảm bảo định hướng phát triển thị trường theo đúng mục tiêu; đồng thời từng bước tiếp cận với quy định và thông lệ quốc tế, cũng như tăng cường sự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Theo đó, bổ sung nhiều quy định mới như phạm vi điều chỉnh (bổ sung áp dụng đối với cả chào bán chứng khoán riêng lẻ), các quy định liên quan đến quản trị công ty, công bố thông tin, chào bán chứng khoán ra công chúng, chào mua công khai, các tổ chức kinh doanh chứng khoán…

Cũng trong năm 2010, cơ quan quản lý đã chấp thuận cho các Sở GDCK thực hiện thay đổi lớn về cơ chế giao dịch. Sở GDCK TP. HCM thực hiện rút ngắn thời gian khớp lệnh mở cửa, kéo dài thời gian khớp lệnh liên tục và tăng thêm 15 phút cho một phiên giao dịch.

Sở GDCK Hà Nội áp dụng giao dịch trực tuyến trên thị trường giao dịch cổ phiếu niêm yết và mở rộng thời gian giao dịch từ 8h30 đến 15h, thay thế phương thức giao dịch thỏa thuận điện tử bằng phương thức khớp lệnh liên tục trên thị trường UPCoM. TTLKCK đưa vào vận hành hệ thống phần mềm lưu ký mới có khả năng giám sát chi tiết đến từng tài khoản, từ đó có thể phát hiện ngay lập tức hiện tượng bán trước khi chứng khoán về tài khoản.

Năm 2011, cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chính sách và thể chế cho TTCK. Chính phủ đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 85/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK. Cơ quan quản lý cũng tăng cường công tác kiểm soát rủi ro đối với các tổ chức kinh doanh chứng khoán trên cơ sở áp dụng các chỉ tiêu an toàn tài chính theo Thông tư 226/2010/TT-BTC và tăng cường kiểm tra, giám sát các giao dịch trên thị trường, thanh tra các tổ chức vi phạm để có biện pháp xử lý kịp thời.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 74/2011/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán với nhiều quy định mới thuận lợi hơn cho hoạt động giao dịch và tính thanh khoản của thị trường như: cho phép mỗi nhà đầu tư được mở nhiều tài khoản; thực hiện các giao dịch ngược chiều (mua, bán) cùng một loại chứng khoán trong ngày giao dịch; cho phép giao dịch vay mua ký quỹ... Ngoài ra, để tạo khung pháp lý và chuẩn bị cho việc thành lập và quản lý quỹ mở, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 183/2011/TT-BTC.

Năm 2012-2013: Xây dựng Chiến lược phát triển TTCK Việt Nam đến năm 2020 và yêu cầu đặt ra tái cấu trúc TTCK

Trong năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 252/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển TTCK giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số 253/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý vốn đầu tư gián tiếp; Quyết định số 1826/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cấu trúc TTCK và các doanh nghiệp bảo hiểm; Chỉ thị 08/CT-TTg về thúc đẩy hoạt động và tăng cường quản lý TTCK nhằm giúp thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch, hiệu quả.

Để triển khai các quyết định trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 58/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán.

Đây là văn bản quan trọng được xây dựng trên cơ sở gộp 3 Nghị định (Nghị định 14/2007/NĐ-CP, Nghị định 84/2010/NĐ-CP và Nghị định 01/2010/NĐ-CP) để đảm bảo văn bản thống nhất, hoàn chỉnh.

Nhiều vấn đề quan trọng trong Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chứng khoán được chính thức hóa bằng một văn bản pháp lý với những quy định cụ thể, chi tiết về chào bán chứng khoán, niêm yết, giao dịch, kinh doanh, đầu tư chứng khoán, dịch vụ về chứng khoán và TTCK. Tiêu chuẩn phát hành, niêm yết cũng được nâng cao về vốn điều lệ niêm yết tối thiểu, bổ sung yêu cầu không có lỗ lũy kế và chỉ tiêu lãi trên vốn chủ sở hữu (ROE) phải tối thiểu 5%.

Trên cơ sở Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, hàng loạt Thông tư đã được Bộ Tài chính ban hành, hướng dẫn về việc công bố thông tin trên TTCK; hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng; hướng dẫn việc mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và một số trường hợp phát hành thêm cổ phiếu của công ty đại chúng; hướng dẫn quản lý giao dịch trái phiếu chính phủ; hướng dẫn hồ sơ đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng; hướng dẫn hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam; hướng dẫn về thành lập và hoạt động của CTCK, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đóng, quỹ thành viên; sửa đổi, bổ sung Quy chế hành nghề chứng khoán.

Bộ Tài chính cũng ban hành Quyết định số 62/QĐ-BTC phê duyệt Đề án tái cấu trúc các CTCK và bước đầu thực hiện việc sắp xếp, phân loại các CTCK.

Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2013/NĐ-CP thay thế Nghị định số 85/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.

Để răn đe các hành vi vi phạm, Nghị định quy định mức phạt tiền cao gấp nhiều lần so với trước đó và chế tài xử lý đa dạng hơn như đình chỉ hoạt động niêm yết chứng khoán, giao dịch chứng khoán từ 1 - 3 tháng, bị buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Bên cạnh đó, Nghị định quy định chi tiết mức phạt đối với hành vi vi phạm quy định giao dịch bị cấm khác như: hành vi giao dịch nội bộ, hành vi gian lận hoặc tạo dựng, công bố thông tin sai sự thật nhằm lôi kéo, xúi giục việc mua, bán chứng khoán và hành vi giao dịch thao túng TTCK.

Nhằm tái cấu trúc thị trường trái phiếu, trong năm 2013, Bộ Tài chính đã phê duyệt Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đến năm 2020 tại Quyết định số 261/QĐ-BTC, trong đó đề xuất các giải pháp và kế hoạch triển khai cụ thể nhằm thúc đẩy thị trường trái phiếu bao gồm: tiếp tục đẩy mạnh và đa dạng hóa trái phiếu chính phủ có kỳ hạn từ 10 năm trở lên; củng cố hệ thống nhà đầu tư; hoàn thiện cơ chế và hệ thống giao dịch trái phiếu chính phủ; xây dựng và phát triển hệ thống các nhà tạo lập thị trường.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho TTCK, Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK; giám sát giao dịch chứng khoán trên TTCK; hướng dẫn công tác giám sát tuân thủ của UBCK đối với hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán của Sở GDCK, TTLKCK; hướng dẫn về niêm yết chứng khoán sau hợp nhất, sáp nhập nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cấu trúc các công ty niêm yết qua quá trình hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp; hướng dẫn giao dịch điện tử trên TTCK; hướng dẫn đăng ký thành lập, tổ chức và hoạt động văn phòng đại diện của tổ chức kinh doanh chứng khoán nước ngoài, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam...

UBCK ban hành các văn bản quy định, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ như hướng dẫn việc thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro cho CTCK, công ty quản lý quỹ; hướng dẫn xếp loại CTCK theo tiêu chuẩn CAMEL; quy định chào mua, chào bán trên thị trường trái phiếu chính phủ; hướng dẫn quản lý, giám sát, kiểm tra các công ty quản lý quỹ... UBCK cũng đã chấp thuận cho các Sở GDCK kéo dài thời gian giao dịch và triển khai nhiều lệnh mới.

Những chính sách định hình nên TTCK Việt Nam ảnh 5

Sau 15 năm, TTCK  đang chạy đà để dạt tới những tầm vóc mới 

Năm 2014-2015: Chuẩn bị các bước để xây dựng TTCK phái sinh và đẩy nhanh quá trình IPO DNNN gắn với niêm yết

Với quan điểm xây dựng TTCK phái sinh theo mô hình tập trung, hoạt động thống nhất dưới sự quản lý của Nhà nước, không để TTCK phái sinh tự do hình thành và hoạt động tự phát, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 366/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển TTCK phái sinh tại Việt Nam.

Nhằm tạo dựng hành lang pháp lý ban đầu cho vận hành TTCK phái sinh, ngày 5/5/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2015/NĐ-CP về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng mở đường cho TTCK phái sinh tại Việt Nam phát triển trong thời gian tới, góp phần hỗ trợ cho TTCK cơ sở phát triển ổn định, vững chắc, từ đó tăng sức cạnh tranh và thu hẹp dần khoảng cách giữa TTCK Việt Nam với thế giới.

Bên cạnh đó, để đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa 432 DNNN trong giai đoạn 2014 - 2015, Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP và Quyết định 51/2014/QĐ-TTg với những giải pháp cụ thể và đột phá, gắn cổ phần hóa DNNN với đăng ký giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán trong thời hạn 90 ngày. Nhằm triển khai thành công Quyết định 51/QĐ-TTg, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 01/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa niêm yết, tạo hành lang pháp lý bắt buộc các công ty đại chúng hình thành từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước lên đăng ký đại chúng, nhằm nâng cao tính minh bạch, cải thiện thanh khoản cho hàng hóa trên thị trường.

Văn bản hướng dẫn hoạt động đăng ký, lưu ký, bù trừ và thanh toán chứng khoán đã được ban hành nhằm tăng cường quản lý rủi ro cho hoạt động thanh toán giao dịch chứng khoán trên toàn thị trường, đảm bảo an toàn cho hệ thống thanh toán chứng khoán và quyền lợi của các thành viên tham gia hệ thống.

Bộ Tài chính tiếp tục ban hành văn bản hướng dẫn về phí bán đấu giá cổ phần và các loại chứng khoán; về phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; chế độ tài chính đối với tổ chức kinh doanh chứng khoán; hướng dẫn chế độ kế toán áp dụng cho CTCK, tạo hành lang pháp lý để CTCK tiếp cận dần với việc xác định giá trị hợp lý của các khoản đầu tư nhằm phản ánh đúng thực trạng tài chính của công ty. Công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán đã đạt được kết quả tốt, từ 105 CTCK trước đây hiện đã thu hẹp còn 81 công ty.

Bên cạnh đó, UBCK ban hành các quyết định về phương pháp tính khoản thu trái pháp luật từ việc thực hiện hành vi thao túng giá chứng khoán và giao dịch nội bộ; quy chế hợp nhất CTCK; quy trình thẩm định và giám sát công ty kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị có lợi ích công chúng thuộc lĩnh vực chứng khoán; quy chế hướng dẫn công ty đại chúng sử dụng hệ thống công bố thông tin. Đồng thời, chấp thuận ban hành 8 quy chế nghiệp vụ liên quan đến hoạt động tổ chức giao dịch thanh toán bù trừ đối với quỹ ETF của Sở GDCK TP. HCM, Sở GDCK Hà Nội, TTLKCK, tạo ra sản phẩm mới cho TTCK.

Hiện cơ quan quản lý đang tích cực hoàn thiện khung pháp lý thông qua việc sửa đổi, bổ sung Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán; xây dựng văn bản mới hướng dẫn về giao dịch chứng khoán, công bố thông tin, chế độ kế toán áp dụng đối với quỹ ETF, công ty đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư bất động sản; sửa đổi, bổ sung một số văn bản khác và tiếp tục nghiên cứu phát triển các sản phẩm mới như chứng quyền (covered warrant), các sản phẩm trái phiếu mới, bộ chỉ số tổng hợp của thị trường, chỉ số trái phiếu. Bên cạnh đó, UBCK đẩy mạnh việc triển khai tái cấu trúc TTCK trên 4 trụ cột là tái cấu trúc hàng hóa, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các Sở GDCK và cơ sở nhà đầu tư.

Kết luận

Kể từ khi TTCK Việt Nam được xây dựng và đi vào hoạt động đến nay, cơ chế, chính sách phát triển chứng khoán luôn được xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, phù hợp trong từng giai đoạn, từng bước tiếp cận với thông lệ quốc tế. Đó là một trong những nguyên nhân quan trọng giúp TTCK Việt Nam ngày càng phát triển ổn định, vững chắc và trở thành kênh huy động vốn quan trọng đối với nền kinh tế.

Tin bài liên quan