Vốn hóa thị trường cổ phiếu thời điểm cuối năm 2015 tương đương 34,5% GDP

Vốn hóa thị trường cổ phiếu thời điểm cuối năm 2015 tương đương 34,5% GDP

Nhìn lại thị trường chứng khoán năm Ất Mùi

(ĐTCK) Năm 2015, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng TTCK Việt Nam đã vượt “bão” thành công. “Vốn liếng” tích lũy trong năm qua và các giải pháp sắp được triển khai sẽ giúp TTCK phát triển hiệu quả, bền vững không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới.

Đột phá chính sách

Theo đánh giá của lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), năm qua là năm “bội thu” về chính sách trong lĩnh vực chứng khoán. Trong đó, nổi bật là các văn bản hỗ trợ thị trường phát triển cả trong trước mắt lẫn dài hạn như: Nghị định 60/2015/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Chứng khoán; Nghị định 42/2015/NĐ-CP quy định về chứng khoán phái sinh và TTCK phái sinh.

Nghị định 60 không chỉ tạo ra sự lan tỏa tích cực đối với lĩnh vực chứng khoán, mà còn góp phần cải cách DNNN và nền kinh tế theo hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Nghị định này mở ra cơ chế cho các DN niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK được nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần cho NĐT nước ngoài (nới “room”).

Năm 2015,  TTCK huy động được lượng vốn kỷ lục, đạt xấp xỉ 390.000 tỷ đồng (trong đó khoảng 50.000 tỷ đồng từ huy động vốn cổ phần). Vốn hóa TTCK thời điểm cuối năm 2015 tương đương 57% GDP, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 34,5% GDP.

Thời điểm cuối năm 2015 có 676 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 531.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2014.

Nới “room” không chỉ đơn thuần tạo hiệu ứng thu hút vốn ngoại tham gia TTCK Việt Nam, mà còn góp phần cải cách hoạt động của các DN, mở ra kênh huy động vốn mới cho DN, gia tăng sức hấp dẫn cho TTCK Việt Nam… Tuy quy định về nới “room” đang trong quá trình hướng dẫn triển khai, nhưng theo nhiều dự báo, khi các bộ, ngành cùng hợp sức hướng dẫn, việc nới “room” sẽ được thực thi trong năm 2016.

Còn Nghị định 42 tạo cơ sở pháp lý để xây dựng thị trường của các sản phẩm phục vụ cho hoạt động phòng ngừa rủi ro. Theo Sở GDCK Hà Nội (HNX), đến nay, HNX đã hoàn tất các bước chuẩn bị đầu tư hạ tầng công nghệ cho triển khai TTCK phái sinh cùng với công tác chuẩn bị của Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD).

Dự kiến, trong tháng 3/2016, HNX và VSD sẽ phối hợp công bố tới các thành viên thị trường mô hình hạ tầng công nghệ, để các thành viên có cơ sở chuẩn bị hệ thống, đảm bảo kiểm tra sự ổn định của hệ thống với HNX và VSD trong quý IV/2016…

Đặc biệt, ở cấp độ thông tư, có nhiều văn bản được Bộ Tài chính ban hành trong năm qua và bắt đầu được triển khai, qua đó mang lại nhiều tác động tích cực, hỗ trợ TTCK phát triển, minh bạch và gần hơn với thông lệ quốc tế. Nổi bật là các văn bản: Thông tư 123/2015/TT-BTC hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam; Thông tư 155/2015/TT-BTC về công bố thông tin trên TTCK; Thông tư 162/2015/TT-BTC hướng dẫn chào bán chứng khoán ra công chúng, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu; Thông tư 180/2015/TT-BTC hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết; Thông tư 203/2015/TT-BTC hướng dẫn về giao dịch trên TTCK…

Trong Thông tư 203, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, Bộ Tài chính ban hành cơ chế để mở đường cho triển khai hai nghiệp vụ mới: giao dịch trong ngày (T+0) và bán chứng khoán chờ về. 

Nhiều con số đáng nhớ

Cần có thêm thời gian để các chính sách mới nêu trên phát huy tác động tích cực trên thực tế, nhưng với một số cơ chế mới như: nới “room”, bán vốn theo lô, gắn hoạt động chào bán chứng khoán lần đầu ra công chúng (IPO) với niêm yết, đăng ký giao dịch trên TTCK…, bước đầu đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận.

Cụ thể, TTCK Việt Nam trong năm qua đối mặt với nhiều khó khăn và sức ép lớn, chủ yếu đến từ bên ngoài, như kinh tế và TTCK Trung Quốc lao dốc, Mỹ nâng lãi suất USD, giá dầu giảm sâu..., nhưng so với chỉ số chứng khoán của nhiều thị trường trong ASEAN giảm khá sâu, thì VN-Index tăng 6,1%.

Đặc biệt, TTCK trong năm qua huy động được lượng vốn kỷ lục, đạt xấp xỉ 390.000 tỷ đồng (trong đó khoảng 50.000 tỷ đồng từ huy động vốn cổ phần), trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho ngân sách nhà nước và cho đầu tư phát triển. Vốn hóa TTCK thời điểm cuối năm 2015 tương đương 57% GDP, trong đó vốn hóa thị trường cổ phiếu tương đương 34,5% GDP.

Ngoài sự bùng nổ về số lượng DN lên sàn UPCoM, trên hai sàn HOSE và HNX thời điểm cuối năm 2015 có 676 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết, với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 531.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cuối năm 2014.

Năm 2016, dự báo TTCK tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn. Tuy nhiên, từ “vốn liếng” tích lũy được trong năm qua, ông Vũ Bằng cho biết, ngành chứng khoán sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, để hỗ trợ TTCK phát triển hiệu quả, bền vững không chỉ trong năm nay, mà cả giai đoạn tới.

Trong đó, nỗ lực nâng hạng thị trường; tháo gỡ căn bản các vướng mắc về nới “room”; đẩy mạnh cổ phần hóa gắn với niêm yết và đăng ký giao dịch trên TTCK; đẩy mạnh tái cơ cấu thị trường, trọng tâm là hoàn tất hợp nhất hai Sở GDCK hiện tại để hình thành Sở GDCK Việt Nam; thúc đẩy tái cơ cấu các tổ chức trung gian tài chính nhằm cải thiện chất lượng quản trị, nhân sự, tài chính; hoàn tất các khâu chuẩn bị cho triển khai TTCK phái sinh…   

Tin bài liên quan