Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường tuần qua tiếp tục diễn biến điều chỉnh giằng co trong khoảng hẹp, thanh khoản giảm dần và các nhóm cổ phiếu vẫn phân hóa mạnh. Cùng ĐTCK nhìn lại nhận định thị trường tuần qua của các CTCK.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 13/7, sự phân hóa tiếp tục diễn ra trong buổi giao dịch sáng, tuy nhiên thị trường vẫn khá ổn định khi dòng tiền vẫn chảy dù không còn mạnh như trước. Rung lắc mạnh đã xuất hiện, nhưng nhóm ngân hàng, chứng khoán đã trở lại, bên cạnh đó là sự vững chắc của nhóm bảo hiểm và một số bluechip, nên đà tăng của thị trường vẫn được duy trì.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 5,39 điểm (+0,86%) lên 632,67 điểm, HNX-Index tăng 0,27 điểm (+0,31%) lên 88,51 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 1.500 tỷ đồng.

BVH đã trở thành điểm tựa, dẫn dắt các mã bảo hiểm khác như BIC, BMI, PGI (HOSE) hay PVI tăng trần, PTI cũng tăng gần mức trần. Các mã ngân hàng cũng tăng trở lại, nhưng đáng chú ý nhất là EIB với diễn biến nhận sáp nhập Nam A Bank. Nhóm chứng khoán với SSI, HCM và nhiều mã bluechips như GAS, DPM, FPT, VNM, CII, HAG, KDC, PVD cũng hỗ trợ tốt cho thị trường.

Nhóm cổ phiếu thị trường diễn biến khá lình xình quanh mốc tham chiếu, thanh khoản không cao. OGC giảm sàn khi bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, khớp lệnh mạnh nhất sàn HOSE với 5,95 triệu đơn vị được khớp. JVC cũng lùi xuống gần mức sàn. Còn SHN, ITQ (HNX) có được mức tăng nhẹ.

>> Phiên giao dịch sáng 13/7: Vẫn nhờ “người quen”

Trong buổi giao dịch chiều, việc nhóm ngân hàng, bảo hiểm giữ vững “phong độ”, thì thị trường còn nhận thêm đóng góp từ nhóm dầu khí và một số bluechips khác. VN-Index có lúc đã vượt qua ngưỡng 635 điểm, trước khi hạ nhiệt nhẹ trong đợt ATC.

Đóng cửa, VN-Index tăng 6,78 điểm (+1,08%) lên 634,06 điểm, HNX-Index chỉ tăng 0,34 điểm (+0,38%) lên 88,58 điểm. Tổng giá trị giao dịch trên 2 sàn đạt gần 3.200 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng hơn 3 triệu đơn vị, giá trị hơn 97 tỷ đồng.

Với những thông tin xung quanh về việc sáp nhập, EIB chính là tâm điểm thị trường, kết phiên mã này khớp tới hơn 11 triệu đơn vị mà vẫn còn dư mua trần, đạt kỷ lục về thanh khoản từ trước đến nay. Còn PVD là mã nổi bật nhất trong nhóm dầu khí.

Ngược lại, sàn HNX lại không có điểm nhấn đặc biệt. Giao dịch đáng chú ý vẫn tập trung ở một số mã như SCR, SHB, SHN. SCR dẫn đầu thanh khoản với hơn 6 triệu đơn vị được khớp.

>> Phiên giao dịch chiều 13/7: EIB có biến lớn

Về phần các Dự, MBS, VCSC và IVS đã đưa ra nhận định khá là hợp lý.

“Hai chỉ số đã có phiên hồi phục trở lại sau các phiên điều chỉnh giảm trước đó, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức khá cho thấy trạng thái giao dịch giằng co tại vùng đỉnh vẫn đang diễn ra. Hai chỉ số có xu hướng hồi phục để kiểm nghiệm lại vùng đỉnh cũ 635 điểm với VN-Index và 90 điểm với HNX-Index”, MBS nhận định.

VCSC đánh giá: “Hai chỉ số có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới và áp lực bán chốt lời có thể sẽ gia tăng hơn khi hai chỉ số tiến về gần các vùng kháng cự 645 của chỉ số VN-Index và 91,5 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, hệ thống các chỉ báo xung lượng ngắn hạn chưa xuất xác nhận các tín hiệu đảo chiều ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư ngắn hạn chưa nên có hành động bán tháo ở các nhịp điều chỉnh giảm trong phiên. Tuy nhiên, chúng tôi có phần lo ngại khi chỉ báo dòng tiền đang có chiều hướng suy yếu, đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng”.

Còn IVS cho rằng: “Tại vùng 630 điểm, áp lực bán đang ngày càng lớn dần và thực tế nó cần thêm thời gian tích lũy, kể cả có sự suy giảm nhẹ. Cho dù phiên cuối tuần VN-Index tăng trở lại nhưng chưa thực sự thoát khỏi xu hướng điều chỉnh đang diễn ra. Thị trường chỉ được nhìn nhận đà tăng lại bắt đầu nếu như có cú bứt phá mạnh và đầy sức mạnh qua vùng 640 điểm. Nhưng để có được điều đó, nhóm nào sẽ đủ khả năng hay lại nhóm Ngân hàng? Điều này không khả quan bởi nhóm Ngân hàng + Large Cap (MSN, BVH, VNM...) đang chịu sức ép điều chỉnh lớn. Vì vậy, một tuần tích lũy và điều chỉnh nhiều khả năng cao đang xuất hiện và chờ đón trong tuần giao dịch kế tiếp”.

Ngược lại, nhận định của SHS có phần chưa thật hợp lý: “Về cơ bản các yếu tố trái chiều trong và ngoài nước đang tác động đồng thời lên thị trường trong thời điểm hiện tại. Nhìn một cách tích cực, yếu tố dòng tiền hiện đang duy trì xung lực khá mạnh mẽ giúp thị trường không chịu áp lực điều chỉnh giảm điểm sâu. Tuy vậy, khả năng thị trường tiếp tục bật tăng trong ngắn hạn cũng không được đảm bảo. Sự phân hóa mạnh trong tuần tới sẽ tiếp tục diễn ra”.

Trong khi đó, nhiều Dự khác như FPTS, BVSC, MBKE, VDSC, SSI, KIS, BSC, MSBS chỉ đưa ra nhận định khá chung chung như “tiếp tục rung lắc” hay “xu thế ngắn hạn chưa rõ ràng”...

Sang phiên giao dịch 14/7, nhóm ngân hàng, bảo hiểm tiếp tục là lực đẩy chính giúp VN-Index liên tục thử sức mốc 640 điểm và đều không thành công. Có lúc chỉ số đã xuống dưới mốc 630 điểm, nhưng đây đã là mốc hỗ trợ mới và khá mạnh, nên chỉ số nhanh chóng bật trở lại.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,95 điểm (+0,15%) lên 635,01 điểm, HNX-Index tăng 0,42 điểm (+0,47%) lên 89 điểm. So với phiên trước, hoạt động giao dịch đã cởi mở hơn nhiều, nên thanh khoản tăng mạnh trở lại, đạt trên 2.200 tỷ đồng.

Áp lực bán giá cao gia tăng mạnh khiến VCB, CTG, MBB giảm giá, EIB mất mức trần. Sắc tím ở nhóm bảo hiểm cũng không còn duy trì. Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng quay đầu giảm giá làm ảnh hưởng tới đà tăng của thị trường. CII gây chú ý với thanh khoản tăng vọt, vượt qua cả MBB dẫn đầu HOSE với 6,24 triệu đơn vị được khớp.

Trên HNX, ACB hỗ trợ đắc lực về điểm số, còn SHB là về thanh khoản với lượng khớp lên tới 16,42 triệu đơn vị. PTI và PVI cũng không còn giữ được mức giá trần.

>> Phiên giao dịch sáng 14/7: Chênh vênh

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường tiếp tục nhận được sự hậu thuẫn lớn từ nhóm ngân hàng, bảo hiểm và cùng với một số mã bluechip, VN-Index theo đó duy trì đà tăng vững chắc, không có những đợt rung lắc như phiên sáng. Trong khi HNX-Index may mắn mới giữ được sắc xanh.

Đóng cửa, VN-Index tăng 4,63 điểm (+0,73%) lên 638,69 điểm, HNX-Index có mức tăng nhẹ 0,16 điểm (+0,18%), lên 88,74 điểm. Lực cầu mạnh mẽ giúp thị trường giữ được mức thanh khoản cao hơn hẳn so với phiên trước, đạt gần 3.800 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh mua ròng trên HNX, nâng mức mua ròng cả phiên lên 2,9 triệu đơn vị, giá trị hơn 91 tỷ đồng.

Nhóm bảo hiểm tăng mạnh trở lại với BVH, BMI và PGI tăng trần. Nhóm ngân hàng cũng tăng khá tốt, thanh khoản mạnh, cao nhất nhóm là MBB. Nhóm chứng khoán có phần yếu đà, ngoại trừ SSI. OGC bị kiểm soát đặc biệt do khoản lỗ khủng nên chỉ được giao dịch trong phiên chiều, đóng cửa giảm sàn, khớp 3,46 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 1,67 triệu đơn vị.

Trên HNX, SHB tiếp tục là tâm điểm, tăng mạnh 5,56% và khớp thêm gần 9 triệu đơn vị, nâng tổng khớp lên hơn 20 triệu đơn vị, vượt trội so với tất cả các mã khác như SCR, FIT, VND.

>> Phiên giao dịch chiều 14/7: VN-Index tăng điểm trong sự thất vọng của nhiều nhà đầu tư

Về phần các Dự, BSC đã có nhận định chưa hợp lý cho phiên giao dịch này.

“Càng lên cao, chỉ số càng có ít cơ hội tăng mạnh hơn. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt gồm ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm đã tăng khá, trong khi đà mua ròng của khối ngoại có khả năng suy yếu. Nhịp điều chỉnh sẽ sớm tới gần trong một vài phiên tới”, BSC nhận định.

Còn những VCSC, MSBS, KIS đã có những đánh giá khá hợp lý.

“Các tín hiệu kỹ thuật cho thấy thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn. Phiên ngày 14/7, VN-Index có thể tăng chạm tới vùng 640 điểm và điều chỉnh xuống, cuối phiên chỉ có thể tăng nhẹ 2-3 điểm. Trong thời gian tới, nhóm ngân hàng sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường với các thông tin hỗ trợ tích cực. Ngoài ra, nhóm bảo hiểm, dệt may, dầu khí cũng là những nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền đầu tư”, MSBS nhận định.

VCSC cho rằng: “Hai chỉ số có thể sẽ tiếp tục duy trì đà tăng về gần các mức kháng cự 645 của chỉ số VN-Index và vùng 89.5 – 90.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, áp lực bán chốt lời có thể gia tăng khiến hai chỉ số xuất hiện các nhịp rung lắc trong phiên ở vài phiên tới. Điểm tiêu cực là dòng tiền và chỉ báo tâm lý nhà đầu tư có dấu hiệu suy yếu khi hai chỉ số tiến về các mức cao hơn, điều này sẽ cản trở đà tăng ngắn hạn của hai chỉ số”.

KIS có đánh giá: “Với phiên tăng điểm ngày 13/7, thị trường vẫn đang duy trì xu thế tăng ngắn hạn và VN-Index đang trên đường chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo 640. Nếu khối ngoại vẫn cứ mua ròng như và nhà đầu tư nội duy trì lực mua tốt như hiện nay, chúng tôi tin rằng đà tăng sẽ còn tiếp diễn”.

Các Dự khác như BVSC, MBKE, FPTS, SHS, MBS, IVS, SSI, VDSC tiếp tục đưa ra những đánh giá mang tính trung lập.

Tới phiên giao dịch 15/7, sự hưng phấn vẫn được duy trì trong đầu buổi giao dịch sáng, 2 chỉ số cùng mở cửa trong sắc xanh, thanh khoản khá tốt. Nhưng áp lực chốt lời gia tăng ở nhóm ngân hàng, bảo hiểm và một số mã bluechips nên thị trường nhanh chóng đảo chiều. Chỉ có may mắn mới giúp VN-Index có được sắc xanh nhẹ cuối phiên.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 0,67 điểm (+0,1%) lên 639,36 điểm, còn HXN-Index giảm 0,47 điểm (-0,53%) xuống 88,27 điểm. Áp lực tăng khiến giao dịch thận trọng trở nên thận trọng, kéo thanh khoản sụt giảm mạnh trở lại, đạt chưa đầy 2.000 tỷ đồng.

Áp lực bán gia tăng khiến đa phần các mã ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán... giảm trở lại. VN-Index hồi phục nhẹ chỉ nhờ một vài mã bluechips như MSN, DPM, CTG, REE... trong đó, CTG có thanh khoản tăng vọt nhờ lực cầu ngoại, đạt trên 5 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trên HNX, sàn này vẫn chìm trong sắc đỏ do thiếu vắng những mã trụ, thanh khoản yếu. Nhóm ngân hàng và chứng khoán như SHB, ACB, SHS, BVS, KLS giữ sắc đỏ.

>> Phiên giao dịch sáng 15/7: Thoát hiểm

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường vẫn trong thế giằng co trong nửa đầu phiên, giữ nhịp cho chỉ số vẫn là một số mã bluechips. Những nỗ lực kéo thị trường đi lên đã thất bại, đặc biệt là trong đợt khớp lệnh ATC khi lực xả hàng chốt lời diễn ra ồ ạt những mã buechips này, các chỉ số theo đó đều giảm mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 7,8 điểm (-1,22%) xuống 630,89 điểm, HNX-Index giảm 1,08 điểm (-1,22%) xuống 87,66 điểm. Cầu bắt đáy hoạt động khá tốt nên thanh khoản cải thiện mạnh so với phiên sáng, song vẫn giảm tương đối so với phiên trước, đạt hơn 3.500 tỷ đồng. Khối ngoại đã bán ròng gần 0,8 triệu đơn vị, nhưng về giá trị vẫn là mua ròng hơn 19 tỷ đồng. Đáng chú ý, khối ngoại mua ròng chỉ 3,4 tỷ đồng trên HOSE, chỉ cao hơn phiên thấp kỷ lục này 2/4/2015 với giá trị 2,73 tỷ đồng.

Dưới áp lực bán mạnh, các mã ngân hàng như CB, EIB, STB, BID, SHB, ACB đều giảm, trong đó CTG và MBB có thanh khoản mạnh, đạt lần lượt 8,9 và 7,9 triệu đơn vị. Tương tự, những nhóm dẫn dắt khác chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm ... cũng không nằm ngoài xu hướng. Trong khi đó, dòng tiền nhen nhóm chuyển sang các mã đầu cơ. Điển hình là OGC và JVC đã được kéo lên trần với thanh khoản cao. FIT là mã thanh khoản mạnh nhất HNX khi khớp gần 9 triệu đơn vị và giảm 400 đồng.

>> Phiên giao dịch chiều 15/7: Lại đánh úp ATC

Về phần các Dự, với diễn biến từ 2 phiên đầu tuần, những VCSC, MSBS,  BSC, FPTS, SHS có nhận định đúng về phiên đảo chiều giảm điểm khá mạnh phiên 15/7.

Trong các báo cáo gần đây, chúng tôi đã lưu ý hai điều (1) VN-Index sẽ có nhịp rung lắc khi tiệm cận đỉnh cũ 640 điểm; (2) trong bối cảnh nhà đầu tư đang chờ đợi thị trường giảm điểm, đợt điều chỉnh có thể không diễn ra, hoặc diễn ra với thời gian ngắn. Hiện tại, ngưỡng 640 điểm vẫn chưa bị phá và thị trường đã có nhịp điều chỉnh rất nhanh trong phiên 14/7. Điều này cũng cho thấy thị trường đang trong vùng rủi ro cao và có thể quay đầu giảm điểm nhanh chóng khi các cổ phiếu vốn hóa lớn giảm điểm mạnh”, BSC nhận định.

Tương tự là FPTS: “Trong bối cảnh chỉ số đang đối diện khu vực có kháng cự mạnh và các chỉ báo kỹ thuật đang ở mức rủi ro có thể xảy ra đảo chiều, chiến lược đầu tư phù hợp là tận dụng các phiên tăng giá để hạ tỷ trọng với nhóm cổ phiếu đã tăng nóng vừa qua, đặc biệt là nhóm có sử dụng margin. Các hoạt động giải ngân mới nên tạm dừng khi khu vực hỗ trợ mạnh chưa được thử thách”.

VCSC cũng nhận định: “Hai chỉ số có thể sẽ điều chỉnh giảm trong phiên 15/7 và xác nhận tín hiệu điều chỉnh ngắn hạn trong vài phiên tới. Điểm tiêu cực là chỉ báo tâm lý và chỉ báo dòng tiền đã xác nhận tín hiệu phân kỳ giảm giá với đồ thị giá của chỉ số VN-Index cho nên rủi ro ngắn hạn đã có dấu hiệu gia tăng và thị trường cần có nhịp điều chỉnh ngắn trước khi bứt phá các mức kháng cự trên”.

SHS đánh giá: “Tuy vậy, giống như diễn biến các phiên trước đó, dòng tiền thực sự chỉ hưng phấn tại một số ít nhóm ngành cá biệt và tập trung tại một số mã đầu ngành cùng với sự hỗ trợ của lực cầu khối ngoại. Trong khi đó, đa số các cổ phiếu khác tiếp tục không được hưởng lợi từ xu thế tăng. Vận động intraday của các mã này kém tích cực. Độ rộng thị trường tiếp tục bị co hẹp so với phiên trước đó do dòng tiền thiếu sức lan tỏa đồng đều. Sự tăng điểm phụ thuộc khá nhiều vào một số mã nhất định sẽ khiến rủi ro điều chỉnh tăng cao khi áp lực chốt lời đồng loạt tại nhóm các cổ phiếu này xuất hiện”.

MSBS ngắn gọn: “Mốc 640 điểm sẽ là ngưỡng kháng cự quan trọng ở hiện tại, thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm trong đầu phiên 15/7, tuy nhiên đến cuối phiên có thể điều chỉnh giảm điểm”.

Ngược lại, nhận định của KIS và MBKE là chưa hợp lý.

“Xu hướng chủ đạo hiện nay của thị trường vẫn là tăng. VN-Index hôm nay đã có cơ hội tiếp cận khu vực kháng cự quan trọng 640 điểm. Dù sự rung lắc có thể xuất hiện khi VN-Index tiến hành thử thách kháng cự 640, cần lưu ý xu hướng chủ đạo của chỉ số này vẫn là tăng”, MBKE đánh giá.

KIS cũng cho rằng: “Với phiên tăng điểm ngày hôm nay, thị trường vẫn đang duy trì xu thế tăng ngắn hạn và VN-Index đang trên đường chinh phục ngưỡng kháng cự mạnh tiếp theo 640. Nếu khối ngoại vẫn cứ mua ròng như và nhà đầu tư nội duy trì lực mua tốt như hiện nay, chúng tôi tin rằng đà tăng sẽ còn tiếp diễn”.

Trong khi đó, nhận định trung lập vẫn là phương án lựa chọn của BVSC, IVS, MBS, SSI, VDSC.

Đến phiên giao dịch 16/7, nhịp điều chỉnh vẫn được duy trì trên 2 sàn bởi thiếu sự dẫn dắt từ các bluechip. Nhưng cũng nhờ các mã bluechips này, cùng với sự hỗ trợ đắc lực của nhóm bảo hiểm, nên đà giảm của VN-Index đã được hãm bớt, trong khi HNX-Index lại tăng được trở lại.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index giảm 1,43 điểm (-0,23%) xuống 629,46 điểm, HNX-Index tăng 0,05 điểm (+0,06%) lên 87,71 điểm. Tâm lý thận trọng hơn khiến giao dịch khá nhúc nhắc, thanh khoản giảm mạnh so với phiên sáng hôm trước, chỉ hơn 1.800 tỷ đồng.

Ở nhóm bảo hiểm, BVH tăng mạnh 3,23%, PGI tăng 3,13%, trong khi BIC và BMI cùng tăng trần. Còn đa phần các mã chứng khoán, ngân hàng cũng đã hãm mạnh đà giảm, thanh khoản khá cao. CII bất ngờ có thanh khoản tăng đột biến, khớp lệnh đạt 12,81 triệu đơn vị và tăng 0,77%.

Trên sàn HNX, SHB, VCG, VND, FIT, KLF… là các bluechips giúp thị trường hồi phục, nhưng dòng tiền tham gia khá yếu nên thanh khoản thấp. Dẫn đầu thanh khoản là SHB và FIT cũng chỉ khớp hơn 2 triệu đơn vị, tăng lần lượt 1,1% và 3,42%.

>> Phiên giao dịch sáng 16/7: Kỳ vọng phiên chiều

Trong buổi giao dịch chiều, thị trường không có nhiều biến động trong suốt thời gian giao dịch. Trong khi đó, áp lực bán của nhà đầu tư ngoại tăng cao đã tác động tới tâm lý thị trường, khiến các chỉ số đều giảm khá mạnh.

Đóng cửa, VN-Index giảm 3,99 điểm (-0,63%) xuống 626,9 điểm, HNX-Index giảm 0,07 điểm (-0,08%) xuống 87,59 điểm. Tâm lý e dè khiến thanh khoản tiếp tục giảm khá mạnh, chỉ gần 3.200 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng, nhất là trên HOSE, đạt hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 124,43 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bảo hiểm tiếp tục là điểm nhấn, nhưng đà tăng đã thu hẹp bớt. Nhóm chứng khoán có được sự khởi sắc nhẹ trong phiên chiều. Còn nhóm ngân hàng lại ít có biến chuyển. CTG và MBB vẫn là 2 mã có thanh khoản tốt khi cùng khớp trên 5,2 triệu đơn vị. OGC tiếp tục tăng trần phiên thứ 2, khớp lệnh đạt 3,55 triệu đơn vị và dư mua trần 2,35 triệu đơn vị. CII có phiên giao dịch ấn tượng, khớp thêm gần 5 triệu đơn vị trong phiên chiều, nâng tổng khớp cả phiên lên tới hơn 17 triệu đơn vị và tăng 5,02% lên sát mức trần.

Trên sàn HNX, SCR là mã dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,5 triệu đơn vị được khớp, tăng 3,45%. Còn FIT đã giảm hẳn “nhiệt” so với phiên trước, chỉ khớp 3,55 triệu đơn vị và tăng 2,56%.

>> Phiên giao dịch chiều 16/7: Sức ép cung ngoại

Về phía các Dự, thị trường đã có thêm 1 phiên điều chỉnh nhẹ, đúng như nhận định của MSBS, VCSC, KIS.

“Hai chỉ số có thể sẽ còn điều chỉnh trong phiên 16/7 và nếu khối lượng giao dịch tiếp tục tăng trong phiên kế tiếp thì nhịp điều chỉnh có thể sẽ còn tiếp diễn trong vài phiên tới với mức hỗ trợ 610 của chỉ số VN-Index và 85.0 của chỉ số HNX-Index. Đồng thời, mô hình phân kỳ giảm giá xuất hiện trên chỉ báo tâm lý và các chỉ báo xung lượng ngắn hạn cho thấy xung lực tăng điểm đã suy yếu và thị trường xác nhận tín hiệu điều chỉnh trong vài phiên tới”, VCSC nhận định.

Tương tự là MSBS : “Các chỉ báo kỹ thuật như RSI và Momentum cũng đang có xu hướng đảo chiều giảm xuống, thị trường có thể điều chỉnh xuống mốc 610 – 615 điểm trong các phiên tiếp theo. Trong phiên 16/7, chúng tôi dự báo thị trường sẽ tiếp tục giảm điểm. Nhà đầu tư nên tạm dừng các hoạt động trading T+ trong giai đoạn hiện tại”

KIS thì đánh giá: “Xét về mặt kĩ thuật, ngưỡng 640 đối với VN-Index vẫn là ngưỡng kháng cự mạnh trong ngắn hạn và sẽ cần có thêm vài phiên để kiểm tra ngưỡng tâm lý này. Trong khi đó, thanh khoản thị trường vẫn duy trì tốt. Khối ngoại dù đã giảm mạnh mua ròng 15/7 nhưng chưa phát tín hiệu tiêu cực. Nói chung, chúng tôi lặp lại quan điểm tích cực với xu thế tăng vẫn tiếp tục chi phối trong thời gian tới, nhưng những phiên điều chỉnh như thế này có thể tiếp tục xảy ra. Đây là thời điểm tốt để tích lũy nhóm cơ bản tốt nhưng chưa tăng nhiều”.

Ngược lại, nhận định của MBKE vẫn cho thấy sự chưa hợp lý. “Rõ ràng vùng kháng cự 640 điểm đang phát huy hiệu quả và gia tăng mạnh áp lực chốt lời khi VN-Index tiến về khu vực này. Dù đang có “rung lắc” đáng kể khi VN-Index cố gắng thử kháng cự, chúng tôi lưu ý xu hướng chủ đạo hiện nay tiếp tục là tăng. Có thể sẽ mất một vài phiên trước khi VN-Index chinh phục mốc 640 điểm”.

Đối với FPTS, BVSC, VDSC, SHS, BSC, MBS, IVS, SSI thì nhận định trung lập vẫn là lựa chọn tối ưu với diễn biến thị trường hiện tại.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 17/7, các mã bluechips tiếp tục giúp 2 chỉ số khởi đầu phiên sáng trong sắc xanh. Nhưng cũng chính các mã này sau đó gây sức ép lên thị trường do chịu áp lực chốt lời. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao đã bắt đầu “nhấn ga” để hỗ trợ cho VN-Index, trong khi HNX-Index không có được điều này do sức cầu yếu.

Kết thúc phiên sáng, VN-Index tăng 1,1 điểm (+0,18%) lên 628 điểm, còn HNX-Index giảm 0,31 điểm (-0,35%) xuống 87,28 điểm. Hoạt động giao dịch khá nhàm chán, thanh khoản theo đó tiếp tục suy giảm, chỉ hơn 1.300 tỷ đồng.

Nhiều mã trong nhóm bluechips yếu đà trước sức ép bán ra, nhưng sự tích cực có phần trội hơn nên chỉ số duy trì được sắc xanh, trong đó HPG là mã tăng tích cực nhất. Nhóm bảo hiểm, ngân hàng cũng có được mức tăng nhẹ. Đáng chú ý, dòng tiền đã tập trung khá mạnh vào nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao, giúp nhiều mã trong nhóm này có đà tăng khá tốt, thanh khoản cao, trong đó dẫn đầu nhóm là FLC.

Trên HNX, nhóm dầu khí chủ lực chỉ còn PVS và PVC tăng điểm. Nhóm chứng khoán, ngân hàng cũng đa phần giữ sắc đỏ. Ở các mã đầu cơ, KLF dẫn đầu thanh khoản với 3,24 triệu đơn vị được khớp và tăng 200 đồng.

>> Phiên sáng cuối tuần 17/7: Nhóm đầu cơ bắt đầu “nhấn ga”

Trong phiên giao dịch chiều, sự đảo chiều của nhóm bluechips khiến VN-Index khó khăn trong việc chinh phục lại ngưỡng 630 điểm, dù nhóm đầu cơ vẫn duy trì mức tăng khá tốt. Sắc xanh vẫn chiếm thế áp đảo, nhưng lực cầu không còn mạnh nên thị trường chủ yếu giằng co trong phiên độ hẹp, thanh khoản giảm mạnh.

Đóng cửa, VN-Index tăng 1,73 điểm (+0,28%) lên 628,63 điểm, còn HNX-Index vẫn giảm 0,51 điểm (-0,35%) xuống 87,07 điểm. Tổng giá trị giao dịch chỉ đạt gần 2.400 tỷ đồng. Khối ngoại đã giảm mạnh việc bán ròng, với 1,4 triệu đơn vị, giá trị 24 tỷ đồng.

Các cổ phiếu lớn tiếp tục phân hóa mạnh, nhưng vẫn là trụ đỡ chính của thị trường. Nhóm ngân hàng đã yếu đi, nhưng nhóm bảo hiểm lại tăng khá tốt. Dòng tiền không chỉ duy trì tốt ở nhóm đầu cơ, mà còn tiếp tục luân chuyển sang các nhóm khoáng sản, mía đường.... giúp sắc tím mở rộng trên nhiều mã như KSS, KTB, NHS, SKG, CTD, BMP, TTP, VMD... FLC tăng 400 đồng và khớp 13,4 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE.

Trên sàn HNX, áp lực bán khiến nhóm HNX30 chỉ còn một vài mã tăng. KLF giữ được mức tăng 200 đồng và khớp 4,58 triệu đơn vị, dẫn đầu HNX.

>> Phiên giao dịch chiều 17/7: Hãm phanh

Về phía các Dự, BVSC, FPTS, MSBS và VCSC cùng đưa ra những nhận dịnh đáng chú ý.

“Chỉ số có thể sẽ hồi phục và kiểm định lại vùng kháng cự 640 – 645 của VN-Index và 89.5 – 90.0 của HNX-Index. Tuy nhiên, mức độ rủi ro vẫn còn rất lớn, nghĩa là thị trường sẽ còn chịu áp lực điều chỉnh ngắn hạn và các nhà đầu tư cần tiết chế hưng phấn ở giai đoạn này. Ngoài ra, mức độ hồi phục của các cổ phiếu vẫn còn yếu và kèm thanh khoản thấp cho thấy khả năng hiện tượng “bulltraps” có thể xảy ra trên các cổ phiếu này”, VCSC nhận định.

FPTS cũng có nhận định: “Cần hết sức thận trọng với sự phân hóa của dòng tiền trong các phiên tới do thị trường vẫn đang thiếu vắng nhóm cổ phiếu dẫn dắt. Theo đó, hoạt động giải ngân mới được khuyến nghị  nên tạm dừng để tránh rủi ro mắc các bẫy tăng giá trong một xu hướng giảm”.

BVSC thì đánh giá: “Áp lực bán có phần chững lại trong phiên 16/7 trong khi lực cầu bắt đáy giá thấp hoạt động khá tích cực tạo kỳ vọng về khả năng thị trường sẽ sớm quay lại đà hồi phục trong những phiên tới. Kịch bản này là hiện thực khi xu hướng tăng điểm trung hạn của Vn-Index đang được duy trì với khả năng chinh phục mức đỉnh của năm 2014 nằm tại xấp xỉ 645 điểm. Mặc dù vậy, rủi ro điều chỉnh ngắn hạn vẫn cần được tính đến”.

MSBS cho rằng: “Kết thúc phiên 16/7 đã xuất hiện tín hiệu kỹ thuật nến Dojistar. Phiên 17/7 có thể là phiên tăng điểm, chỉ số VN-Index có thể hồi phục về sát mốc 630 điểm trong phiên, nhưng kết phiên chỉ tăng nhẹ do lực bán cổ phiếu gia tăng. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn giữ quan điểm thị trường sẽ điều chỉnh về vùng hỗ trợ 615 điểm (+/-5 điểm) trong các phiên tuần tới”.

Ngược lại, nhận định MBS có phần chưa được hợp lý. “Về mặt kỹ thuật, thị trường tiếp tục điều chỉnh và tạo đỉnh sau thời gian tăng mạnh vừa qua. Quá trình điều chỉnh này vẫn đang tiếp diễn cùng với thanh khoản sụt giảm. Áp lực bán ra từ các mã cổ phiếu lớn khiến thị trường có thể gặp rủi ro điều chỉnh mạnh hơn, diễn biến giao dịch hiện nay đang ở trạng thái giằng co do sự phân hóa giữa bên mua và bên bán và giá cổ phiếu thường có biến động lớn trong phiên”.

Còn lại các Dự như SHS, SSI, IVS, MBKE, KIS, BSC tiếp tục trung thành với phương án nhận định trung lập.

Tổng kết tuần giao dịch từ 13/7 đến 17/7, cho dù đã tăng trở lại ở phiên cuối tuần, nhưng thị trường nhìn chung vẫn tiếp diễn đà điều chỉnh và thiếu nhóm dẫn dắt. Diễn biến chủ yếu vẫn là phân hóa và giằng co nhẹ, thanh khoản thấp và giảm dần. Khối ngoại giao dịch cũng kém tích cực hơn nhiều so với tuần giao dịch trước, cùng với đó là việc bắt đầu bán ròng nhẹ. Tuy nhiên, điểm tích cực là áp lực bán đã được tiết giảm, dòng tiền vẫn luân chuyển đều ở các nhóm cổ phiếu tạo sự cân bằng cho thị trường.

Về các chỉ số, với 3 phiên tăng và 2 phiên giảm, VN-Index tăng nhẹ 1,35 điểm (+0,24%) lên 628,63 điểm. Còn với 3 phiên giảm và 2 phiên tăng, HNX-Index đã giảm 1,17 điểm (-1,34%) xuống 87,07 điểm.

Đối với các Dự, với một tuần it có biến động như tuần giao dịch này thì đã có khá nhiều Dự trúng.

Trong đó nổi bật nhất chính là VCSC khi đã nhận định trúng cả 5 phiên. MSBS cũng khá tốt khi bám đuổi ngay sau với 4 phiên trúng. Tiếp đến là KIS và FPTS với cùng 2 phiên trúng. Góp mặt trong nhóm này còn có thêm các Dự trúng 1 phiên là IVS, BSC, SHS, BVSC và VDSC.

Ở phía ngược lại, số lượng Dự trật đã giảm đi đáng kể. Trật nhiều nhất là MBKE với chỉ 2 phiên. Còn lại có thêm BSC, SHS, KIS và MBS bị 1 phiên trật.

Danh hiệu “còi vàng” cũng đã bớt nóng hơn khi chỉ còn SSI chiếm giữ với cùng cả 5 phiên nhận định trung lập. IVS và SHS đứng sau với cùng 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/13/7

HOSE(+6,78/1,08%/634,06)

HNX(+0,34/0,38%/88,58)

MBS, VCSC, IVS

FPTS, BVSC, MBKE, VDSC, SSI, KIS, BSC, MSBS

SHS

T3/14/7

HOSE(+4,63/0,73%/638,69)

HNX(+0,16/0,18%/88,74)

VCSC, MSBS, KIS

BVSC, MBKE, FPTS, SHS, MBS, IVS, SSI, VDSC

BSC

T4/15/7

HOSE(-7,8/1,22%/630,89)

HNX(-1,08/1,22%/87,66)

VCSC, MSBS, BSC, FPTS, SHS

BVSC, IVS, MBS, SSI, VDSC

KIS, MBKE

T5/16/7

HOSE(-3,99/0,63%/626,9)

HNX(-0,07/0,08%/87,59)

MSBS, VCSC, KIS

FPTS, BVSC, VDSC, SHS, BSC, MBS, IVS, SSI

MBKE

T6/17/7

HOSE(+1,73/0,28%/628,63)

HNX(-0,52/0,6%/87,07)

BVSC, FPTS,

MSBS, VDSC,

VCSC

SHS, SSI, IVS, MBKE, KIS, BSC

MBS

Tin bài liên quan