Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

Nhìn lại “Gia Cát Dự” nhận định chứng khoán tuần qua

(ĐTCK) Thị trường có tuần giảm điểm với áp lực chốt lời gia tăng. Dòng tiền cũng luân chuyển liên tục giữa các nhóm cổ phiếu, giúp thị trường không giảm quá manh. Trong tuần, có công ty chứng khoán đã đưa ra những nhận định chính xác về xu hướng của thị trường trong phiên. Tuy nhiên, cũng có nhiều công ty không dám đưa ra nhận định tăng giảm cho thị trường. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường tuần qua của các công ty chứng khoán.

Tại phiên giao dịch đầu tuần mới 15/9, VN-Index mở cửa trong sắc xanh, hoạt động giao dịch sôi động. Dòng tiền đã không hề do dự chảy mạnh vào thị trường khiến nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh. Nhóm cổ phiếu dầu khí và thủy sản tiếp tục nổi sóng khi đồng loạt tăng trần.

Sóng cũng đã nổi lên ở các mã penny, midcap riêng lẻ như ASP, APC, DCT, DHA, SHN, VC5, SDP… Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng tăng mạnh ngay từ đầu phiên và nhanh chóng có mức tăng hơn 1% chỉ sau 15 phút giao dịch với sự hỗ trợ đắc lực bởi nhóm dầu khí.

Nhận thấy lực bán không mạnh, nên bên mua cũng không còn quá đề phòng, cả 2 sàn duy trì đà tăng khá tốt trong phần lớn thời gian của phiên sáng nay với thanh khoản cao. Tuy nhiên, trong những phút cuối phiên sáng, bên nắm giữ cổ phiếu bắt đầu ra những "đòn" đầu tiên với lệnh xả hàng mạnh, VN-Index bị kéo từ trên 635 điểm xuống dưới tham chiếu và dóng cửa trong sắc đỏ. Trong khi HNX-Index có chút may mắn hơn nhờ sự hỗ trợ của PVS và PVC, nên vẫn duy trì sắc xanh, dù không thể có được mốc 90 điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, hoạt động bán tháo đã không xảy ra như lo ngại của nhà đầu tư. Không những thế, việc xả hàng của bên nắm giữ cổ phiếu còn khá khéo léo. Sau khi VN-Index bị kéo xuống dưới mốc 631 điểm, lực mua đỡ giá đã được tung vào kéo VN-Index đi lên. Diễn biến sau đó là những đợt kéo xả liên tục với mốc điểm xả hàng là 634 điểm, mức điểm mà nhiều nhà đầu tư đã gom được hàng trong phiên 9/9. Để rồi trong đợt khớp lệnh ATC, lực bán được tung ra rất dứt khoát như “dội bom” vào nhóm nắm giữ tiền mặt, đồng thời khép lại màn kịch kéo xả của bên giữ cổ phiếu. VN-Index lại bị kéo lùi trở lại dưới mốc tham chiếu nhưng vẫn còn giữ được mốc 630 điểm, trong khi HNX cũng đóng cửa trong sắc đỏ nhưng không giữ được mốc 90 điểm. Thanh khoản phiên này tăng vọt trở lại đạt gần 5.700 đồng, khối ngoại cũng quay ra mua ròng nhẹ trong phiên.

Đáng chú ý, phiên 15/9 là phiên 154,36 triệu cổ phiếu FLC phát hành thêm chính thức được giao dịch, vì vậy mã này đã có giao dịch đột biến, qua đó chính thức lập kỷ lục mới về thanh khoản. Phiên này, FLC chịu áp lực bán tháo rất mạnh, nhưng cùng với đó là cầu mua vào cũng rất lớn nên có tới hơn 50,5 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó chỉ riêng trong đợt ATC đã có tới hơn 6,4 triệu đơn vị được khớp. Khối ngoại cũng mua vào lượng lớn trên 4,53 triệu đơn vị.

Về phần các Dự, đúng như nhận định của BSC và VCSC, cả 2 chỉ số đóng cửa phiên đầu tuần đã cùng giảm điểm. Tuy nhiên, nhận định của BSC là chi tiết hơn.

BSC cho rằng: “Điều làm chúng tôi lo ngại là một lượng hàng bắt đáy khá lớn hôm 9/9 sẽ về tài khoản trong ngày 15/9, và hầu hết đều có lãi. Với tâm lý được giá là bán như hiện nay, thị trường có thể sẽ phải chịu một lực cung lớn trong phiên ngày 15/9, thậm chí là đầu phiên. Cộng thêm với việc review danh mục của một vài quỹ đầu tư nước ngoài trong tuần tới, thanh khoản chung có thể sẽ gia tăng trong những phiên tới, các nhịp rung lắc sẽ xảy ra nhiều hơn để test các ngưỡng hỗ trợ. Chúng tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng thị trường chưa thoát khỏi một đợt điều chỉnh thông thường. Thời gian này, chúng tôi nhìn nhận là cơ hội để nhà đầu tư tham gia thị trường hoặc cơ cấu danh mục”.

Tương tự, VCSC nhận định: “Hai chỉ số có thể kiểm định lại các mức kháng cự 635 của chỉ số VN-Index và 90.0 của chỉ số HNX-Index. Dựa trên mô hình sóng và hệ thống các chỉ báo xung lượng và dòng tiền ngắn hạn, chúng tôi vẫn đánh giá rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức cao và thị trường vẫn đang trong xu hướng giảm. Đồng thời, hệ thống chỉ báo xu hướng đã chỉ ra sự lệch pha của hai chỉ số cho nên chúng tôi vẫn đánh giá xu hướng ngắn hạn ở mức giảm trên hai chỉ số”.

Ở phía ngược lại, MSBS đã bị mất điểm khi cho rằng 2 chỉ số sẽ tiếp nối đà tăng của phiên cuối tuần trước. MSBS cũng là Dự duy nhất dự đoán trật ở phiên này.

“Thị trường có được sự phục hồi tốt sau phiên giảm điểm mạnh đầu tuần. Dựa vào phân tích các tín hiệu kỹ thuật cùng với việc thanh khoản vẫn duy trì ở mức tốt, chúng tôi cho rằng tuần tới thị trường vẫn nằm trong xu hướng tăng và ngày thứ hai sẽ là một phiên tăng điểm”, MSBS nhận định.

Đối với các Dự còn lại gồm MBKE, BVSC, SHS, IVS, FPTS, KIS, MBS, VDSC, SSI, thì lựa chọn vẫn là những nhận định mang tính trung lập.

Sang phiên giao dịch 16/9, áp lực chốt lời ở nhóm cổ phiếu đầu “P” trong phiên sáng 16/9 đã rõ ràng hơn so với phiên chiều 15/9. Sắc tím không còn xuất hiện ở nhóm này, nhiều mã tăng trần thời gian dài vừa qua như PXI, PXT, PXS đã quay đầu giảm giá. Tương tự, nhóm cổ phiếu thủy sản cũng đã hạ nhiệt.

Ngoài ra, lực chốt lời cũng diễn ra ở nhiều nhóm cổ phiếu khác, khiến VN-Index giảm ngay khi bước vào phiên giao dịch sáng nay.

Tương tự, HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ ngay từ khi mở cửa và lao nhanh xuống 88,8 điểm khi những trụ đỡ chính là nhóm dầu khí lại bị bán ra mạnh. Với áp lực bán lớn, các con sóng dầu khí, chứng khoán hay thủy sản cũng đã lặng xuống trong phiên sáng 16/9.

Kết phiên, VN-Index lùi khá sâu về mốc 625 điểm khi không có được hỗ trợ từ các mã lớn, HNX-Index cũng chìm trong sắc đỏ khi tất cả các chỉ số ngành và nhóm cổ phiếu đều giảm điểm.

Trong buổi giao dịch chiều, lực bán vẫn khá mạnh trong những phút đầu phiên, đẩy VN-Index lùi sâu thêm và xuyên thủng mốc 625 điểm, còn HNX-Index cũng xuống dưới 88,2 điểm. Nhưng ngay sau đó, dòng tiền bắt đáy đã lập tức được khởi động, đẩy cả 2 chỉ số dần hồi phục.

Tưởng chừng nhóm dầu khí sẽ kết thúc con sóng trong phiên này thì dòng tiền lại quay trở lại tranh mua. Điều này giúp không chỉ nhóm dầu khí, mà sức nóng còn lan sang nhiều mã khác, tiêu biểu là nhóm xăm lốp với việc đồng loạt tăng trần của DRC, SRC, CSM…

Mã FLC sau phiên giao dịch đột biến hôm trước cũng đã bình ổn trở lại trong phiên này, tuy nhiên thanh khoản vẫn đạt mức rất cao trên 36 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đóng cửa, VN-Index vẫn chưa thể về đến tham chiếu cho dù có sự hỗ trợ khá tốt của dòng tiền đầu cơ, trong khi HNX-Index tăng khá trên mốc 90 điểm nhờ sự phục hồi mạnh của nhóm dầu khí và chứng khoán.

Thanh khoản toàn thị trường phiên này có giảm mạnh so với phiên trước, nhưng vẫn ở mức rất cao, trên 4.500 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý là khối ngoại bán ròng mạnh trên 300 tỷ đồng ở cả 2 sàn giao dịch.

Về phần các Dự, VCSC, BSC và MSBS đều có chung nhận định rằng thị trường phiên 16/9 sẽ tiếp tục điều chỉnh. Tuy nhiên, việc 2 chỉ số đóng cửa trong tình trạng trái chiều nên nhận định của các Dự này cũng chưa phải hoàn toàn chính xác.

“Thị trường có thể có sự điều chỉnh giảm trong phiên tới và điều này là cần thiết. Chúng tôi nhấn mạnh lại là triển vọng trung và dài hạn của thị trường vẫn tích cực và chúng tôi chưa nhận thấy bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự suy yếu của thị trường. Dầu khí, chứng khoán và xây dựng sẽ là 3 trong số những ngành được chúng tôi đặc biệt lưu ý trong thời điểm hiện tại”, BSC nhận định.

Còn VCSC nhận định: “Chúng tôi cho rằng hai chỉ số có thể tiếp tục giảm điểm và áp lực bán có thể gia tăng trong phiên giao dịch ngày mai (16/9). Điểm tiêu cực chúng tôi nhận thấy là chưa có sự đồng thuận giữa các nhóm cổ phiếu và thị trường sẽ khó có thể xuất hiện xu hướng bền vững. Đồng thời, các chỉ báo xung lượng ngắn hạn đã xuất hiện tín hiệu phân kỳ giảm giá với đồ thị giá của chỉ số HNX-Index cho nên chúng tôi nhận thấy rủi ro ngắn hạn vẫn còn rất lớn”.

Trong khi đó, kết quả giao dịch cũng cho thấy thị trường đã không hoàn toàn “đi lên tiếp” như MBS nhận định hay “có thể giảm sâu” như IVS đánh giá.

MBS cho rằng: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm tích cực nhưng thận trọng trong ngắn hạn. Thị trường cho thấy tâm lý bảo vệ thành quả khá rõ với các đợt chốt lời mạnh tại các vùng giá hợp lý, nhất là đối với các cổ phiếu đã có lãi tốt trong sóng vừa qua. Tuy nhiên, các tín hiệu cảnh bảo vẫn chưa thực sự mạnh và rõ ràng, cùng với tình hình vĩ mô ổn định và nhóm dầu khí vẫn duy trì được sức hút dòng tiền, nên chúng tôi cho rằng ngắn hạn thị trường vẫn còn có thể lên tiếp”.

Còn IVS đánh giá:“Nhìn về phiên 15/9 thì đây là một phiên mang tín hiệu không lấy làm tốt và vì thế nó đang tạo áp lực tâm lý lớn. Trong phiên ngày mai (16/9) chúng tôi cho rằng, áp lực bán sẽ đến ngay từ đầu và nếu như không trụ nổi thì rất có thể một lực bán mạnh sẽ xuất hiện khiến thị trường giảm sâu”.

Đối với các Dự khác, các nhận định không có gì đáng chú ý khi chủ yếu vẫn là những đánh giá chung về thị trường.

Đến phiên giao dịch 17/9, cả 2 chỉ số cùng mở cửa trong xanh khi dòng tiền mạnh tiếp tục được duy trì. Trong khi áp lực bán ở nhóm dầu khí vẫn còn rất lớn thì nhóm chứng khoán lại trở thành điểm nóng mới của thị trường.

Nhiều mã cổ phiếu trong nhóm chứng khoán tăng mạnh giúp 2 chỉ số cùng nới đà tăng, trong đó HNX-Index tỏ ra mạnh hơn.

Trong thời gian cuối phiên sáng, thị trường chịu nhiều rung lắc khi bên bán mạnh tay xả hàng, nhưng song song với đó là lực cầu đỡ giá cũng mạnh không kém. Vì vậy, cả 2 chỉ số cùng khép lại chỉ số trong sắc xanh nhẹ.

Trong buổi giao dịch chiều, sắc xanh nhạt ở cuối phiên sáng nhanh chóng biến mất khi lực bán mạnh được khởi động ngay từ đầu. Nhưng với sự trỗi dậy của nhóm chứng khoán các chỉ số nhanh chóng hồi phục trở lại.

Dòng tiền mạnh chính thức kéo sóng cổ phiếu chứng khoán với hàng loạt mã tăng trần. Không chỉ điểm số, thanh khoản của nhóm này cũng tăng đột biến, ấn tượng nhất là SSI trên HOSE và KLS trên HNX với khối lượng khớp lệnh đạt lần lượt 14,44 triệu và 21,8 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, cũng giống phiên giao dịch chiều 16/9, mặc dù có những đợt sóng từ các nhóm cổ phiếu, nhưng vì thiếu sự hỗ trợ từ những bluechips nên các chỉ số liên tục bị rung lắc.

Đóng cửa, VN-Index bị nhấn chìm trong sắc đỏ bởi hàng loạt lệnh bán được đẩy vào trong đợt ATC, trong khi HNX-Index may mắn giữ lại sắc xanh với mức tăng chỉ 0,01 điểm nhờ ảnh hưởng của các mã chứng khoán lớn.

Thanh khoản toàn thị trường vọt tăng mạnh, đạt trên 5.600 tỷ đồng, trong đó sàn HNX đạt mức thanh khoản lớn nhất kể từ đầu năm đến nay với 2.022,6 tỷ đồng.

Trong phiên phân phối đỉnh hôm 9/9, giá trị giao dịch trên HNX cũng chỉ đạt 1.646 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong phiên này, lên tới 382 tỷ đồng trên cả hai sàn.

Về phần các Dự, 2 chỉ tiếp tục đóng cửa trong tình trạng ngược chiều, điều này chứng tỏ việc các Dự giữ thái độ thận trọng trong việc nhận định là hợp lý. Vì vậy mà hầu hết các Dự đều chỉ đưa ra những nhận định chung như “đang có sự phân hóa rất mạnh mẽ”, “sẽ vẫn chịu áp lực điều chỉnh” hay “chưa qua một đợt điều chỉnh thông thường”…

Trong khi đó, chỉ  IVS và MSBS là đưa dự báo về kết quả của các chỉ số, tuy nhiên những dự báo này cũng có phần sai lệch.

“Về mặt nào đó thì đây là một phiên mang đến nhiều cảm xúc và cuối cùng là nó tạo cho tâm lý của nhà đầu tư trở nên yên tâm hơn. Vì thế, có thể phiên ngày 17/9, cả hai thị trường sẽ tăng nhẹ trở lại và nhóm chứng khoán sẽ có xu hướng hút dòng tiền. Tất nhiên ở nhiều mã khác hiện tượng chốt lời vẫn diễn ra và đó là điểm nhà đầu tư cần lưu ý”, IVS đánh giá.

Tương tự, MSBS cho rằng: “Thị trường chứng khoán có một phiên giao dịch nhiều cảm xúc khi hai chỉ số có mức độ biến động lớn trong ngày giao dịch. Dựa trên diễn biến tích cực cuối phiên 16/9 và các mô hình nến kỹ thuật, chúng tôi cho rằng phiên giao dịch ngày 17/9 thị trường sẽ tăng điểm trở lại. Xu hướng tăng trên sàn HNX là tích cực hơn với sự dẫn dắt tiếp tục của nhóm cổ phiếu dầu khí”.

Tới phiên giao dịch 18/9, VN-Index tiếp tục mở cửa trong sắc xanh nhạt khi thiếu lực đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip, trong khi HNX-Index đỏ lửa ngay từ đầu phiên. Các nhóm cổ phiếu nóng như chứng khoán, dầu khí, thủy sản, săm lốp … chịu áp lực bán rất mạnh, khiến nhiều mã cổ phiếu quay đầu giảm điểm, thậm chí số mã giảm sàn xuất hiện khá dày.

Không chỉ các nhóm cổ phiếu tăng nóng, nhiều mã bluechips cũng chìm trong sắc đỏ. Cho dù cầu mua vào vẫn rất mạnh, nhưng chỉ đủ giúp 2 chỉ số không giảm điểm sâu trong phiên sáng 18/9.

Mọi sự chú ý trong phiên sáng này đều tập trung cả vào HAG. Ngay khi mở cửa, lực mua đã tới tấp dồn vào HAG, giúp mã này tăng mạnh cả về điểm số với thanh khoản. Hết phiên giao dịch sáng, HAG tăng 900 đồng (+3,63%) lên 24.800 đồng/cổ phiếu và khớp tới hơn 8,25 triệu đơn vị.

Đây cũng là phiên HAG có thanh khoản tốt nhất trong 6 tháng nay và nhiều khả năng kỷ lục khớp lệnh 12,28 triệu đơn vị của phiên 17/2 sẽ bị phá vỡ.

Trong buổi giao dịch chiều, điều không mong muốn đã xảy ra  khi áp lực bán tháo đã diễn ra trên diện rộng ở cả 2 sàn giao dịch, đặc biệt là ở các nhóm tăng nóng vừa qua, đẩy 2 chỉ số rơi thẳng đứng.

Chịu rủi ro lớn nhất có lẽ là các nhà đầu tư đã chót mua đuổi nhóm chứng khoán chiều hôm trước, sóng chứng khoán chỉ nổi được đúng 1 phiên giao dịch.

Ngay với HAG với cầu rất mạnh ở phiên sáng cũng đã chững lại trong phiên chiều và kỳ vọng phá vỡ phiên kỷ lục 17/2 đã không thành hiện thực. Cầu mua bắt đáy vẫn rất mạnh nhưng chỉ tích cực về mặt thanh khoản, trong khi các chỉ số không thoát cảnh giảm sâu.

Đóng cửa, VN-Index giảm 9,86 điểm (-1,58%) xuống 615,8 điểm, còn HNX-Index giảm 2,08 điểm (-2,31%) xuống 88,07 điểm, tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt gần 5.300 tỷ đồng. Như thường lệ, khi các nhà đầu tư khác tháo chạy, khối ngoại đã tranh thủ gom cổ phiếu, tuy nhiên mức độ mua ròng phiên này khá thấp.

Về phía các Dự, phiên điều chỉnh giảm mạnh của cả 2 chỉ số trong phiên này đã làm bất ngờ tất cả các Dự. Trong các bản tin nhận định cho phiên giao dịch 18/9 đều cho rằng thị trường vẫn trong pha điều chỉnh và chủ yếu giằng co trong khoảng hẹp, vì thế việc giảm sâu như trên là nằm ngoài dự đoán.

Thêm 1 bất ngờ nữa là nhóm chứng khoán được kỳ vọng thay thế nhóm dầu khí dẫn dắt thị trường cũng đã bị chốt lời chỉ sau 1 phiên tăng mạnh.

Vì vậy mà không có Dự nào dự đoán trúng ở phiên này là dễ hiểu. Mọi nhận định của các Dự cũng chỉ dừng ở mức cảnh báo rủi ro điều chỉnh đang ở mức cao.

Nhưng riêng MSBS lại cho rằng:“Dựa trên đồ thị phân tích kỹ thuật, chúng tôi cho rằng phiên giao dịch ngày 18/9 thị trường sẽ tăng điểm. Dòng tiền chốt lời từ nhóm cổ phiếu dầu khí đang có dấu hiệu chuyển dịch sang nhóm cổ phiếu chứng khoán và bất động sản. Chỉ số VN-Index đang kiểm tra vùng hỗ trợ tại MA20”.

Và dĩ nhiên, nhận định có phần “lạc quan” này của MSBS đã hoàn toàn sai so với kết quả thực tế.

Bước sang phiên giao dịch cuối tuần 19/9, nhà đầu tư trở nên khá thận trọng sau phiên giảm sâu trước đó. Cả bên bán và bên mua đều dè dặt. Nhưng cũng như các phiên trước, VN-Index vẫn có được sắc xanh nhạt khi mở cửa nhờ 2 mã trụ GAS và MSN đã tăng ngay từ đầu phiên, trong khi HNX-Index giữ sắc đỏ bởi các mã dầu khí, chứng khoán cùng giảm điểm. Áp lực chốt lời vẫn diễn ra mạnh ở nhóm dầu khí, thủy sản, săm lốp, trong khi nhóm chứng khoán đã trở lại thế cân bằng.

Dòng tiền những phút đầu thận trọng cũng đã bắt đầu mạnh dạn giải ngân, nhưng mức giá mua không quá cao, trong khi áp lực bán tháo chưa xuất hiện, nên các chỉ số giằng co mạnh quanh tham chiếu và chưa xác định rõ hướng đi của mình.

Dần về cuối phiên sáng, lực mua hỗ trợ ở một số mã lớn đã kéo thị trường quay đầu đi lên và lan tỏa sự hứng khởi sang các mã khác, giúp 2 sàn đóng cửa trong sắc xanh. Nhưng không vì thế mà giao dịch sôi động như 4 phiên gần đây khi nhà đầu tư lo sợ sẽ dính bẫy kéo xả.

Trong buổi giao dịch chiều, mọi sự chú ý đều tập trung vào động thái của các quỹ ETFs khi đây là phiên giao dịch cuối cùng của kỳ cơ cấu danh mục trong tháng 9/2014. Như thường lệ, “trò cũ” của ETFs đã diễn ra đợt khớp lệnh ATC vẫn khiến thị trường trở nên náo loạn.

Các quỹ này chất đống lệnh, dư mua dư bán “khủng” cả chục triệu đơn vị, thanh khoản thị trường theo đó tăng vọt. Hầu hết các mã cổ phiếu có trong danh mục cơ cấu đều có giao dịch tăng đột biến. Đáng chú nhất chính là FLC, một trong 2 mã được thêm vào rổ (là mã IJC), đã khớp lệnh tới 48,79 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại mua vào tới 37,76 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, số lượng các mã phải giảm tỷ trọng chiếm đa số và đều giảm điểm, nên VN-Index đóng cửa chưa thể thể về đến mốc tham chiếu, trong khi HNX-Idex lại tăng điểm do ít chịu ảnh hưởng từ việc tái cơ cấu của ETFs.

Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường phiên này lên tới 6.400 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ sàn HOSE với 5.015,62 tỷ đồng.

Về phía các Dự, VCSC đã có nhận định chưa thật chính xác trong phiên giao dịch cuối tuần này.

Chúng tôi cho rằng áp lực bán có thể tiếp tục gia tăng mạnh trong đầu phiên giao dịch và chỉ số VN-Index có thể kiểm định mức hỗ trợ 610 trong phiên ngày mai. Đồng thời, chỉ báo xung lượng ngắn hạn của chỉ số VN-Index giảm mạnh về gần vùng quá bán cho thấy khả năng chỉ số này có thể sẽ có nhịp hồi phục kỹ thuật khi tiến về mức hỗ trợ 610 cho nên các nhà đầu tư cần hạn chế bán tháo trong đầu phiên giao dịch ngày 19/9.

Ngoài ra, theo hệ thống chỉ báo xu hướng của chúng tôi vẫn duy trì mức giảm xu hướng ngắn hạn trên hai chỉ số và các điểm mua ngắn hạn hoặc các tín hiệu đảo chiều vẫn chưa xuất hiện cho thấy vị thế mua mới vẫn còn rủi ro cao”.

Ngược lại, MSBS cho rằng: Chỉ số VN-Index hình thành một cây nến đỏ kết thúc phiên tại mốc điểm thấp nhất ngày và phá vỡ đường MA20 là dấu hiệu cho thấy xu hướng tăng đã bị phá vỡ. Phiên giao dịch ngày 19/9, VN-Index vẫn sẽ giảm điểm. Mốc hỗ trợ tiếp theo của chỉ số VN-Index sẽ là vùng 605 điểm - 608 điểm”.

Trong khi đó, với kết quả 2 chỉ số có phiên thứ 3 trong tuần đóng cửa trái chiều cho thấy các Dự chọn phương án trung lập là “an toàn” trong bối cảnh hiện tại.

Tổng kết tuần giao dịch 15/89 đến 19/9, trị trường tiếp tục giao dịch rất sôi động, đặc biệt là trong phiên cuối tuần với giao dịch bùng nổ đến các quỹ ETFs. Dòng tiền vẫn chảy mạnh và luân chuyển qua nhiều nhóm cổ phiếu.

Tuần này, VN-Index lại mất khá nhiều điểm khi giảm cả 5 phiên, trong khi HNX-Index mất ít điểm hơn với 3 phiên tăng nhẹ. Tổng cộng, VN-Index giảm 17,23 điểm (+3,08%) xuống 613,29 điểm, còn HNX-Index giảm 0,6 điểm (+0,64%) xuống 88,89điểm.

Đối với các Dự, MSBS là Dự xuất sắc nhất tuần này khi có tới 3 phiên nhận định trúng. Tiếp đến là VCSC và BSC với cùng 2 phiên trúng, còn lại là IVS trúng 1 phiên.

Ở phía ngược lại, trật nhiều nhất là MSBS khi có 2 phiên, trong khi IVS, MBS và VCSC cùng bị 1 phiên trật.

Với “còi vàng”, tuần này đã trở nên đông đúc hơn nhiều khi có tới 7 Dự góp mặt là KIS, SHS, BVSC, SSI, MBKE, FPTS, VDSC “cạnh tranh” nhau với cả 5 phiên nhận định trung lập. Đứng ngay sau là MBS với 4 phiên trung lập.

TRÚNG

TRUNG LẬP

TRẬT

T2/15/9

HOSE(-2,16/0,34/630,34)

HNX(-0,08/0,09%/89,41)

BSC, VCSC

MBKE, BVSC, SHS,

IVS, FPTS, KIS, MBS, VDSC, SSI

MSBS

T3/16/9

HOSE(-2,68/0,43%/627,66)

HNX(+0,74/0,83%/90,15)

VCSC, MSBS, BSC

FPTS, BVSC, MBKE, KIS, SHS, SSI, VDSC

IVS, MBS

T4/17/9

HOSE(-2,00/0,32%/625,66)

HNX(+0,01/0,01%/90,16)

IVS, MSBS

KIS, MBS, SHS, BSC, FPTS, BVSC, VCSC, VDSC, SSI, MBKE

T5/28/8

HOSE(-9,86/1,58%/615,8)

HNX(-2,08/2,31%/88,07)

IVS, FPTS, KIS, MBS, BVSC, VCSC, VDSC,

BSC, SSI, MBKE, SHS

MSBS

T6/29/8

HOSE(-2,51/0,41%/613,29)

HNX(+0,81/0,92%/88,89)

MSBS

FPTS, IVS, KIS, SHS, BVSC, MBS, BSC, SSI, MBKE, VDSC

VCSC

Tin bài liên quan