ĐHCĐ là cơ quan quyết định cao nhất tại công ty cổ phần

ĐHCĐ là cơ quan quyết định cao nhất tại công ty cổ phần

Nhiều vi phạm trong quản trị công ty đại chúng

(ĐTCK) Rất nhiều nguyên tắc trong quản trị công ty đại chúng được đặt ra và bị… vi phạm. Vấn đề là cách nào, chế tài nào để buộc các công ty phải thực hiện đúng các nghĩa vụ đã được quy định?

Nguyên tắc quan trọng nhất trong công ty cổ phần là nguyên tắc đối vốn. Quyền lực của nhà đầu tư phụ thuộc vào tỷ lệ vốn đầu tư. Nhưng trong một loại hình DN mà quyền sở hữu và cơ chế quản lý tách biệt, nếu chỉ tồn tại duy nhất nguyên tắc đối vốn thì chẳng ai muốn tham gia đầu tư bởi rủi ro quá lớn. Cũng vì quyền sở hữu và cơ chế quản lý tách biệt nên loại hình công ty cổ phần cần hàng loạt các nguyên tắc về quản trị khác nhằm đảm bảo DN hoạt động hiệu quả, quyền lợi của các chủ sở hữu được đảm bảo.

Từ năm 2005, khi Luật Doanh nghiệp được ban hành và đến 2014, Luật Doanh nghiệp được sửa đổi toàn diện và có hiệu lực từ 1/7/2015, hàng loạt các nguyên tắc quản trị đối với công ty cổ phần đã được ghi nhận, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tình hình thực tiễn.

Các quy định này đều hướng tới việc đảm bảo hoạt động của công ty cổ phần minh bạch, công khai với các cổ đông và sau đó là với thị trường. Các quy định này trải dài từ ĐHCĐ - cơ quan quyền lực cao nhất trong công ty cổ phần đến Hội đồng quản trị, Ban điều hành, Ban kiểm soát, các vấn đề về bên có liên quan… Nó buộc các bên phải thực hiện hàng loạt nghĩa vụ, chỉ riêng việc tổ chức ĐHCĐ cũng có nhiều yêu cầu, từ việc mời tham dự đại hội, các tài liệu phải gửi cho cổ đông, nội dung thảo luận, yêu cầu bổ sung nội dung thảo luận và thông qua…

Tuy nhiên, những quy định này thường xuyên bị vi phạm ở rất nhiều công ty cổ phần, đặc biệt là nhóm công ty đại chúng - những DN ngoài việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp, còn phải tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực chứng khoán.

Đơn cử như vi phạm quanh việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản. Nhìn chung, có nhiều chủ trương thuộc thẩm quyền của ĐHCĐ như tăng vốn điều lệ, sửa đổi, bổ sung điều lệ công ty, quyết định mua lại trên 10% tổng số cổ phần, quyết định bán hoặc đầu tư tài sản trị giá từ 35% giá trị tài sản công ty trở lên nếu Điều lệ công ty không có quy định khác…

Nếu những nội dung này cần gấp và không thể chờ đến ĐHCĐ thường niên thì việc xin ý kiến cổ đông bằng văn bản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN: chủ trương được thông qua nhanh gọn kịp thời và đỡ tốn kém chi phí. Quyết định thông qua từ việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản có giá trị như quyết định được thông qua tại cuộc họp ĐHCĐ.

Nhưng việc lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản lại thường bị vi phạm. Phổ biến nhất là việc các DN tìm cách “chế biến” Nghị quyết bằng cách coi tất cả cổ đông không gửi phiếu biểu quyết tới công ty là “đồng ý”. Việc này, có công ty ngang nhiên thực hiện, ghi rõ trong phiếu biểu quyết: nếu cổ đông không gửi phiếu biểu quyết, công ty sẽ coi là cổ đông biểu quyết đồng ý.

Do Luật Doanh nghiệp 2005 không quy định cụ thể nên suốt một thời gian dài, nhiều công ty cố tình hiểu nhầm luật và áp dụng bài này nhất là đối với các vấn đề “nhạy cảm”, khó giải trình hoặc khó được sự đồng thuận của cổ đông.

Từng có năm CTCP Nhựa Y tế (Mediplast) không thể thông qua được lương thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát… tại Đại hội đồng cổ đông. Sau đó, Công ty lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và kèm thêm quy định, không gửi tức là đồng ý. Tuy nhiên, việc này vẫn bị cổ đông khiếu nại lên cơ quan quản lý dẫn đến Công ty phải hủy bỏ Nghị quyết.

Hay như trường hợp CTCP PVI  năm 2012 đã xin ý kiến cổ đông bằng văn bản để bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản và thay đổi Điều lệ công ty kèm theo điều kiện ấn ép: nếu quá thời hạn Công ty không nhận được phiếu biểu quyết thì xem như cổ đông tán thành với các nội dung lấy ý kiến.

Rất nhiều lần các cơ quan quản lý có liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trả lời rõ ràng rằng: “phiếu không gửi về tức là không tham gia biểu quyết”. Thế nhưng, nhiều DN cố tình lờ đi. Đến Luật Doanh nghiệp 2015, Điều 145 về thể thức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản đã quy định rõ, phiếu lấy ý kiến không được gửi về được coi là phiếu không tham gia biểu quyết.

Dù vậy, vẫn có DN vi phạm. Vào năm 2015, CTCP Vận chuyển Sài Gòn Tourist (mã CK: STT) lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và coi 366 cổ đông, bao gồm những người đã đồng ý, không có ý kiến, không gửi phiếu biểu quyết về là đã đồng ý với những nội dung đưa ra (tương đương 58,9%). Vì việc này, ngày 10/7/2015, Sở GDCK TP. HCM đã có văn bản yêu cầu Công ty xem lại tính pháp lý, bởi việc làm này trái với quy định pháp luật.

(Còn nữa)

Tin bài liên quan