Nhiều thành viên thị trường quan tâm đến cách thức mở cửa TTCK phái sinh

Nhiều thành viên thị trường quan tâm đến cách thức mở cửa TTCK phái sinh

(ĐTCK) Rất nhiều thành viên thị trường tham dự Hội thảo vận hành TTCK phái sinh tại Việt Nam, cho thấy sự quan tâm lớn của họ đến cách thức mở cửa TTCK phái sinh, để chủ động lên phương án tham gia khi thị trường vận hành này vào quý III-IV/2016 như yêu cầu của Bộ Tài chính.

“Sự phát triển về lượng của thị trường trong một thời gian dài tất yếu đòi hỏi những thay đổi về chất, mà sự ra đời của TTCK phái sinh là một giải pháp tất yếu…”, ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nói tại Hội thảo vận hành TTCK phái sinh, do Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) phối hợp với BIDV và Viện nghiên cứu cao cấp về toán, tổ chức sáng nay (24/8).

Cũng theo ông Phương, từ những sản phẩm cơ bản với cấu trúc đơn giản, các nhà đầu tư đang có nhu cầu ngày càng lớn về công cụ phòng ngừa rủi ro, cũng như mong muốn đa dạng hóa danh mục đầu tư với nhiều sản phẩm khác nhau…

Để vận hành TTCK phái sinh hiệu quả thời gian tới, cả cơ quan quản lý, cũng như các thành viên thị trường cần tiếp tục khẩn trương hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống giao dịch, đào tạo nhà đầu tư…

“TTCK phái sinh là công cụ phòng ngừa rủi ro, nhưng ranh giới giữa phòng ngừa rủi ro và đầu cơ rất mong manh, nên trong định hướng triển khai TTCK phái sinh tại Việt Nam đang được thúc đẩy theo hướng phát huy tối đa những mặt tích cực của các sản phẩm phái sinh, đồng thời đặc biệt coi trọng quản trị rủi ro nhằm giảm thiểu tác động không mong muốn của các sản phẩm này…”, Phó Chủ tịch UBCK Nguyễn Thành Long nói.

Ông Long cho biết thêm, ngoài ý nghĩa giúp nhà đầu tư trên TTCK phòng ngừa rủi ro, TTCK phái sinh còn giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phòng vệ rủi ro trong quá trình sản xuất, kinh doanh, đầu tư các loại hàng hóa như: cà phê, khai khoáng…

Liên quan đến việc thiết kế một trong hai sản phẩm đầu tiên sẽ triển khai ngay khi mở cửa TTCK phái sinh vào năm tới, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc Nghiên cứu phát triển, Sở GDCK Hà Nội (HNX), đơn vị được giao nhiệm vụ làm đầu mối tổ chức niêm yết, giao dịch chứng khoán phái sinh cho biết, tài sản cơ sở của Hợp đồng tương lai trái phiếu chính phủ là trái phiếu chính phủ do Kho bạc Nhà nước phát hành có kỳ hạn 5 năm, lãi suất coupon 7%/năm, trả lãi định kỳ cuối kỳ 12 tháng/lần, trả gốc một lần khi đến hạn…

Để chủ động lên phương án tham gia TTCK phái sinh, Trung tâm lưu ký (VSD) khuyến nghị ngoài cần tập trung xây dựng hệ thống phục vụ hoạt động bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh tương thích với hệ thống của VSD, các thành viên thị trường cần chú trọng triển khai đào tạo nhân sự để đảm bảo có đầy đủ kiến thức, cũng như nhận thức được các rủi ro liên quan đến chứng khoán phái sinh.

Các thành viên thị trường cũng cần chuẩn bị hợp đồng ủy thác thanh toán bù trừ với thành viên không bù trừ; hợp đồng thanh toán bù trừ với VSD…

Tin bài liên quan