HSBC Việt Nam đang “thoái lui” việc cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát cho các đối tác hoạt động ở quy mô nhỏ

HSBC Việt Nam đang “thoái lui” việc cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát cho các đối tác hoạt động ở quy mô nhỏ

Nhiều quỹ bất ngờ thay ngân hàng giám sát, do đâu?

(ĐTCK) Một động thái đang gây chú ý trên thị trường là nhiều quỹ đầu tư vừa bất ngờ thay ngân hàng giám sát từ HSBC Việt Nam sang Standard Chartered Việt Nam. Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, nguyên nhân của động thái này xuất phát từ cả hai phía.

Vừa tiện, vừa lợi

Đó là phản hồi của các công ty quản lý quỹ, khi tiết lộ lý do vừa bất ngờ thay đổi ngân hàng giám sát đối với hàng loạt quỹ đầu tư.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa có quyết định chấp thuận cho CTCP Quản lý quỹ Đầu tư Việt Nam (VFM) thay đổi ngân hàng giám sát từ HSBC Việt Nam sang Standard Chartered Việt Nam đối với 3 quỹ: Quỹ Đầu tư năng động Việt Nam (VFA), Quỹ Đầu tư trái phiếu Việt Nam (VFB) và Quỹ Đầu tư DN hàng đầu Việt Nam (VF4).

“Để tăng tính thanh khoản và tạo thuận lợi hơn cho NĐT, các quỹ do VFM quản lý đã chuyển sang giao dịch hàng ngày thay vì hàng tuần như trước đây. Việc này làm cho tần suất giao dịch tăng lên, nên khi đàm phán lại mức phí cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát thì mức phí mà HSBC đưa ra không cạnh tranh so với một số đối tác khác, nên VFM chọn Standard Chartered Việt Nam…”, ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc VFM nói.

Cũng theo ông Lynh, theo thông lệ quốc tế, cũng như nhu cầu thực tế từ thị trường, trong quá trình đầu tư vào các quỹ, NĐT có nhu cầu linh hoạt hơn trong hoán đổi chứng chỉ quỹ đầu tư, để dễ dàng dịch chuyển vốn đầu tư giữa các quỹ. Điều này đặt ra yêu cầu ngân hàng giám sát phải sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của NĐT. Trong khi một số ngân hàng giám sát hiện chưa đáp ứng nhu cầu này, thì Standard Chartered Việt Nam sẵn sàng cung cấp dịch vụ hoán đổi chứng chỉ quỹ, nên VFM quyết định chọn đối tác này làm ngân hàng giám sát.

“Việc các quỹ của VFM chỉ đồng thời chọn một ngân hàng giám sát, không chỉ giảm chi phí do ‘mua sỉ’ dịch vụ ngân hàng giám sát, mà còn giúp cho các nhu cầu phát sinh từ phía các quỹ đầu tư do VFM quản lý, cũng như NĐT trong quá trình hoạt động được dễ dàng đáp ứng…”, ông Lynh nói.

Không chỉ các quỹ của VFM, mới đây UBCK đã chấp thuận cho phép CTCP Quản lý quỹ đầu tư MB thay đổi ngân hàng giám sát đối với Quỹ đầu tư trái phiếu MB Capital Việt Nam (MBBF) cũng từ HSBC Việt Nam sang Standard Chartered Việt. Trước đó, Quỹ đầu tư giá trị MB Capital đã chọn Standard Chartered Việt làm ngân hàng giám sát. Vậy là cùng với VFM, MB Capital cũng quy về một mối khi chọn đối tác này làm ngân hàng giám sát.

HSBC rút lui?

Việc thay đổi ngân hàng giám sát, ngoài lý do từ các quỹ đầu tư, thì cũng có nguyên nhân từ phía nhà cung cấp dịch vụ. Theo một số thông tin thì HSBC Việt Nam đang “thoái lui” việc cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát cho các đối tác hoạt động ở quy mô nhỏ, vì khoản phí thu được không bù đắp được cho khoản đầu tư bỏ ra, mà chỉ cung cấp dịch vụ cho các đơn vị lớn.

Động thái trên được nhìn nhận là không tích cực, nhất là trong bối cảnh đang có những quan ngại về dịch vụ ngân hàng giám sát tại Việt Nam hiện quá mỏng, ít nhà cung cấp. Điều này một mặt vừa khó tăng chất lượng dịch vụ ngân hàng giám sát, đồng thời làm giảm sự cạnh tranh về mức phí theo hướng có lợi cho các khách hàng sử dụng dịch vụ là các công ty quản lý quỹ.

Được biết, để đáp ứng yêu cầu cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát, HSBC Việt Nam đã phải đầu tư không ít tiền của cho hệ thống. Bởi vậy, việc thoái lui của đối tác này, ở một khía cạnh nào đó cho thấy dịch vụ ngân hàng giám sát cho các quỹ đầu tư tại Việt Nam thay vì “nảy nở” theo thời gian, thì có dấu hiệu co hẹp lại.

Có hay không việc thiếu “đất” sống cho nhà cung cấp dịch vụ ngân hàng giám sát? Nếu có thì thêm một minh chứng nữa cho thấy hoạt động của ngành quản lý quỹ Việt Nam hiện vẫn còn nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc áp dụng một số chính sách tiếp sức cho ngành này như kiến nghị của các thành viên thị trường lâu nay như: ưu đãi về phí, thuế, triển khai quỹ hưu trí bổ sung… cần sớm được áp dụng, để không chỉ góp phần thúc đẩy ngành quỹ phát triển, mà còn giúp các dịch vụ có liên quan, trong đó có dịch vụ ngân hàng giám sát phát triển thay vì “teo” đi như hiện tại.

Tin bài liên quan