Nhiều doanh nghiệp quyết mở “room” năm 2018

Nhiều doanh nghiệp quyết mở “room” năm 2018

(ĐTCK) Mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) năm nay, nhiều doanh nghiệp thể hiện quyết tâm mở cánh cửa chào đón nhà đầu tư nước ngoài và đã có một doanh nghiệp được cổ đông ngoại nắm tỷ lệ sở hữu chi phối.

VIS - Cổ đông ngoại nâng sở hữu lên 65%

Gần 2 tháng sau khi kế hoạch nới tỷ lệ sở hữu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài được ĐHCĐ 2018 thông qua, Công ty cổ phần Thép Việt Ý (VIS) đã hoàn thành thủ tục nới room. Ngay lập tức, cổ đông lớn Kyoei Steel Ltd (Nhật Bản) đăng ký mua vào 45% cổ phần VIS.

VIS tiền thân là Nhà máy Thép Việt Ý thuộc Sông Đà 12 - Tổng công ty Sông Đà (SJG), thương hiệu của VIS gắn liền với không ít công trình lớn mà SJG thực hiện.

Tháng 11/2015, trong lộ trình tái cấu trúc, SJG đã thoái toàn bộ 53,4% vốn tại VIS. Năm 2015, VIS thua lỗ hơn 51 tỷ đồng, nhưng năm 2016 đạt lợi nhuận trước thuế 75,1 tỷ đồng và năm 2017 đạt 55,3 tỷ đồng.

Ngày 12/3/2018, ĐHCĐ VIS đã thông qua kế hoạch lãi trước thuế 90,4 tỷ đồng và rút một số ngành nghề kinh doanh để nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên 100%. Theo đó, VIS rút đăng ký các ngành vận tải hàng hóa bằng đường bộ, đường sắt, vận tải ven biển và viễn dương. Đồng thời, cho phép nhà đầu tư chuyển nhượng cổ phần VIS dẫn đến việc sở hữu từ 25% trở lên cổ phần có quyền biểu quyết mà không cần chào mua công khai.

Sau khi mở room, ngày 8/5, Kyoei - cổ đông lớn thứ hai tại VIS đang sở hữu 20% đã đăng ký mua vào 33,2 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ 45%. Trong khi đó, ngày 7/5, cổ đông lớn nhất, Công ty cổ phần Thương mại Thái Hưng (đang sở hữu 65%) đăng ký bán 45% cổ phiếu VIS. Ngày 10/5, thị trường ghi nhận giao dịch thỏa thuận 33,2 triệu cổ phiếu VIS tại mức giá 34.500 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị 1.146 tỷ đồng.

Như vậy, nhiều khả năng giao dịch giữa Kyoei và Thương mại Thái Hưng đã diễn ra. Với 20% vốn đang sở hữu, sau khi mua thành công, Kyoei nâng sở hữu lên 65%, giữ vị thế chi phối tại VIS. Trước đó, tháng 11/2017, Thương mại Thái Hưng đã chuyển nhượng 20% cổ phần cho Kyoei, sau một thời gian Kyoei liên tục chào mua trên thị trường.

Thị trường đang chờ đợi những định hướng mới trong quản lý, điều hành tại VIS nhằm thích ứng với nhiều khó khăn mà ngành thép phải đối mặt trong năm 2018, từ biến động giá nguyên liệu, chi phí sản xuất đến cạnh tranh trong nước và xuất khẩu. Quý I/2018, doanh thu của VIS giảm 12,8% so với cùng kỳ năm 2017; lợi nhuận trước thuế giảm 95,7%, đạt vỏn vẹn 2,3 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu là giá vốn tăng cao khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh.

DPM, DHG - Mở đường thoái vốn nhà nước

ĐHCĐ ngày 26/4 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đã thông qua phương án điều chỉnh tỷ lệ room từ 49% lên “không hạn chế”, tức tối đa 100%. Để điều chỉnh room, đại hội đã thông qua việc rút 3 ngành kinh doanh và điều chỉnh 1 ngành khác.

Một ngày sau đó, DPM có công văn gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM về việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh và room.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hiện là cổ đông lớn nhất tại DPM, với tỷ lệ sở hữu 59,58%. Theo Văn bản số 1182/TTg-ĐMDN phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thuộc PVN thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, DPM nằm trong danh sách PVN sẽ giảm sở hữu xuống 51% đến cuối năm 2018, sau đó sẽ thoái xuống dưới 51%.

Tính đến ngày 9/5/2018, khối ngoại sở hữu khoảng 22% vốn tại DPM, dư địa còn lại trước nới room vào khoảng 27%, sau nới room tăng lên 78%. Việc mở room lên 100% dù dư địa room còn nhiều được đánh giá là bước đi đón đầu, nhằm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu DPM trong mắt các nhà đầu tư chiến lược, nhất là nhà đầu tư nước ngoài, chuẩn bị cho lộ trình thoái vốn của PVN.

DPM một 1 trong 4 doanh nghiệp sản xuất phân bón urê có công suất lớn nhất cả nước. Trong năm 2017, Tổng công ty đã sản xuất hơn 798.700 tấn urê, đạt doanh thu 8.177,7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 852,9 tỷ đồng, vượt kế hoạch.

Năm 2018, DPM đặt kế hoạch doanh thu 8.577 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 442 tỷ đồng. Ban lãnh đạo DPM chia sẻ, kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm là do Tổng công ty đưa vào hoạt động 2 dự án sản xuất NPK, NH3, các chi phí giai đoạn đầu ở mức cao, đặc biệt là khấu hao.

Tuy nhiên, kết thúc quý I/2018, báo cáo tài chính của DPM cho thấy, doanh nghiệp đạt kết quả tích cực với doanh thu 2.085,8 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 219,3 tỷ đồng, lần lượt bằng 24,3% và 49,6% mục tiêu doanh thu và lợi nhuận cả năm.

Tại Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG), kế hoạch nới room lên 100% đã được thông qua tại ĐHCĐ bất thường ngày 28/7/2017. Tuy nhiên, do vướng một số ngành nghề kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực phân phối, khiến việc mở room của DHG đến nay chưa hoàn thành.

Tại ĐHCĐ năm 2018, DHG quyết định bỏ mảng phân phối dược phẩm cho các đối tác nước ngoài, không bán hàng do Công ty gia công hoặc hàng bao bì. Đồng thời, thông qua kế hoạch sáp nhập Công ty TNHH MTV Bao bì DHG 1 và Công ty TNHH MTV Dược phẩm DHG vào DHG nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho việc nới room.

Ngày 19/4, DHG công bố giấy xác nhận thay đổi ngành nghề kinh doanh đăng ký của doanh nghiệp theo nghị quyết ĐHCĐ. Với việc đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu, nhà đầu tư đang kỳ vọng việc mở room của DHG sẽ sớm hoàn tất.

Hiện Taisho Pharmaceutial (Nhật Bản) đang là cổ đông lớn thứ hai tại DHG với tỷ lệ sở hữu 24,4%, sau Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) với tỷ lệ sở hữu 43,31%. Taiso có thành viên trong Hội đồng quản trị và Ban điều hành DHG, đã và đang hỗ trợ Công ty về kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, nâng cấp dây chuyền sản xuất.

Theo Quyết định số 1001/QĐ-TTg tháng 7/2017 phê duyệt phương án sắp xếp, phân loại doanh nghiệp của SCIC đến năm 2020, DHG nằm trong nhóm các doanh nghiệp SCIC bán vốn giai đoạn 2017 - 2020. Như vậy, việc nới room sẽ mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua cổ phần DHG khi SCIC thoái vốn. Nhiều ý kiến cho rằng, Taiso đang là ứng viên lớn nhất có thể tăng sở hữu tại DHG khi SCIC thoái vốn.

Năm 2017, DHG đạt doanh thu 8.101 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 852,8 tỷ đồng. Năm 2018, DHG đặt mục tiêu đạt doanh thu 4.017 tỷ đồng, giảm 1,1%; lợi nhuận trước thuế 768 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2017. Quý I/2018, báo cáo tài chính của DHG cho biết, Công ty đạt 1.031 tỷ đồng doanh thu, 170,8 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành lần lượt 25,7% kế hoạch doanh thu và 22,2% kế hoạch lợi nhuận năm.

KDC, VCI - Kỳ vọng tăng sức bật từ vốn ngoại

Công ty cổ phần Tập đoàn KiDo (KDC) đã thông qua kế hoạch nới room lên 100% tại ĐHCĐ tháng 6/2017, nhằm đem lại cơ hội phát triển cũng như gia tăng giá trị cho cổ đông. Tuy nhiên, vì một số lý do, trong đó có ngành nghề kinh doanh thuộc nhóm có điều kiện nên chưa thực hiện được.

Cụ thể, trong các ngành nghề kinh doanh theo đăng ký của KDC có mảng bất động sản, là lĩnh vực bị giới hạn sở hữu nước ngoài ở mức 49%. Như vậy, để mở room, trước mắt, KDC sẽ phải điều chỉnh rút khỏi lĩnh vực này. Theo báo cáo tài chính, tại ngày 31/3/2018, KDC là liên doanh đồng kiểm soát (50%) tại Công ty cổ phần Lavennue, kinh doanh bất động sản.

Tại ĐHCĐ năm 2018, nhằm triển khai nới room lên 100%, Hội đồng quản trị KDC đã được đại hội ủy quyền thực hiện các thủ tục cần thiết bao gồm việc điều chỉnh ngành nghề kinh doanh nếu các ngành nghề này bị hạn chế sở hữu nước ngoài.

Một doanh nghiệp khác, Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCI) đã thông qua kế hoạch mở room lên 100% trong năm 2018. Đây là thông tin khá bất ngờ với cổ đông VCI khi tờ trình mở room không được công bố trước đó, mà được bổ sung ngay tại đại hội ngày 17/4/2018. Với ngành nghề kinh doanh không thuộc nhóm hạn chế, sau khi được ĐHCĐ thông qua, việc mở room của VCI dự báo sẽ sớm hoàn tất.

Trước VCI, một số công ty chứng khoán đã mở room cho nhà đầu tư nước ngoài như HCM trong năm 2017, SSI trong năm 2016.

VCI đứng thứ ba về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM năm 2017, với tỷ lệ 8,5%. Trong quý I/2018, Công ty đạt lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đông, tăng 200% so với cùng kỳ năm 2017 và hoàn thành 40% kế hoạch năm. Từ đầu năm 2018 đến nay, cổ phiếu VCI tăng giá 32% và hiện là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong nhóm chứng khoán niêm yết.

Tin bài liên quan