NVL dự kiến bàn giao 11 dự án
Trong lĩnh vực bất động sản, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (NVL) lên kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu 21.780 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.200 tỷ đồng, lần lượt tăng 87% và 55% so với năm 2017. Đâu là cơ sở để NVL đặt mục tiêu kinh doanh ấn tượng này?
Đại diện NVL cho biết, trong năm 2018, Công ty dự kiến bàn giao 11 dự án với 6.500 sản phẩm. Tất cả các dự án dự kiến bàn giao đều tọa lạc tại tại các vị trí đắc địa trong khu vực quận 2, quận 7, quận Bình Thạnh, quận Phú Nhuận, quận Tân Bình, quận Tân Phú, huyện Nhà Bè ở TP.HCM, với tỷ lệ khách hàng lựa chọn trung bình trên 90%, thậm chí 99%.
Thực tế, tiến độ xây dựng và bàn giao của NVL ở các dự án trước đa phần nhanh hơn 3 - 6 tháng, nên Công ty tự tin với kế hoạch bàn giao 11 dự án trong năm nay. Các dự án bất động sản khi bàn giao thì Công ty mới được hạch toán doanh thu và lợi nhuận. Hiện tổng doanh số bán hàng đang nằm ở khoản khách hàng trả tiền trước và sẽ trở thành doanh thu trong năm 2018 và 2019. Ước tính, năm 2018, Công ty sẽ hạch toán doanh số 950 triệu USD, năm 2019 là 1.115 triệu USD.
... Nhiều doanh nghiệp bất động sản khác tự tin với kế hoạch tăng trưởng
Năm 2018, Công ty cổ phần Đầu tư Căn nhà Mơ Ước (DRH) lên kế hoạch đạt doanh thu 1.100 tỷ đồng, tăng 750% và lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng tăng 130% so với năm 2017, nhờ bàn giao các dự án trọng điểm như D-Vela, Central Garden, Metro Valley.
Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Đất Xanh (DXG) đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay tăng hơn 42% so với năm ngoái, đạt 1.068 tỷ đồng, nhờ bàn giao các dự án như Opal Riverside, Opal Garden, Luxcity - Officetel, Lux Garden.
Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Phát Đạt (DPR) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 800 tỷ đồng, tăng hơn 45% so với kết quả của năm trước. Lợi nhuận dự kiến sẽ đến từ Dự án The EverRich Infinity tại quận 5, TP.HCM đã được bàn giao; Dự án The Millennium tại Bến Vân Đồn, quận 4, TP.HCM có tiến độ bán hàng đạt trên 87%, dự kiến bàn giao cho khách hàng từ tháng 6/2018…
Công ty cổ phần Licogi16 (LCG) đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất 2.501 tỷ đồng (chưa bao gồm doanh thu tài chính và doanh thu khác), lợi nhuận hợp nhất cổ đông công ty mẹ 123 tỷ đồng, tăng lần lượt 65% và 58% so với thực hiện năm 2017; cổ tức 10%.
Theo ông Tăng Quốc Thuộc, Tổng giám đốc LCG, kế hoạch trên dựa vào những hợp đồng sẵn có đến thời điểm hiện tại. Cụ thể, giá trị các hợp đồng xây lắp mà LCG đã ký hiện nay khoảng 4.900 tỷ đồng, trong đó năm 2018 dự kiến thực hiện khoảng 2.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, LCG còn khoản thu từ bất động sản và các hợp đồng mới ký kết/đang đàm phán có giá trị hàng nghìn tỷ đồng. Điểm cải thiện đáng kể nhất của Công ty trong năm nay chính là nền tảng tài chính vững vàng. Cuối tháng 1/2018, LCG có tiền mặt gần 600 tỷ đồng, điều chưa từng xảy ra trong 10 năm hoạt động của Công ty.
DGW kỳ vọng vào mảng điện thoại
Công ty cổ phần Thế giới số (DGW), một trong những đơn vị cung cấp dịch vụ phát triển thị trường (MES) chuyên nghiệp và đầy đủ, đặt kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu 4.700 tỷ đồng, tăng 23%; lợi nhuận sau thuế 101 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2017.
Kết thúc quý I/2018, DGW công bố doanh thu đạt mức kỷ lục 1.265 tỷ đồng, tăng 66%; lợi nhuận đạt 19,5 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo DGW, quý I năm nay, mảng điện thoại tăng 372% do ghi nhận thêm doanh thu từ thương hiệu Xiaomi và Sharp; nhóm ngành thiết bị văn phòng tăng 54% nhờ mở rộng nhiều nhãn hàng mới; nhóm hàng tiêu dùng phát sinh doanh thu 22 tỷ đồng (35% đến từ nhóm chăm sóc sức khỏe); riêng nhóm máy tính và máy tính bảng giảm nhẹ là xu hướng chung của thị trường.
Kết quả tăng trưởng của DGW đã được dự báo từ trước khi Công ty đẩy mạnh dịch vụ giá trị gia tăng MES cho các nhà sản xuất và mở rộng mảng phân phối sang lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cũng như tiêu dùng nhanh (FMCG), là các mảng có dư dịa tăng trưởng và biên lợi nhuận cao.
Đặc biệt, việc cung cấp dịch vụ MES cho Xiaomi đã mang lại kết quả tích cực cho cả Xiaomi và DGW. Cụ thể, DGW đảm trách việc phân phối độc quyền, mở rộng thị trường và cung cấp dịch vụ bảo hành chính hãng quốc tế cho tất cả các dòng sản phẩm công nghệ của Xiaomi tại Việt Nam. Theo số liệu được Công ty nghiên cứu thị trường Gfk công bố, tính đến tháng 1/2018, thị phần của Xiaomi là 5%, chỉ đứng sau Samsung, Apple và Oppo.
Công ty Chứng khoán Bản Việt dự báo, năm 2018, DGW có thể đạt 4.700 tỷ đồng doanh thu và 91 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và 15% so với năm 2017 nhờ sự hợp tác với Xiaomi và các mảng hoạt động đóng góp vào kết quả kinh doanh nhiều hơn.
STK: Thị trường sợi có diễn biến tích cực
Từng gặp khó khăn vì ảnh hưởng bởi thị trường xuất khẩu lớn là Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng năm 2018, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (STK) đặt kế hoạch đạt doanh thu 2.354 tỷ đồng, tăng 18,4%; lợi nhuận sau thuế 125,8 tỷ đồng, tăng 26,3% so với năm 2017; lợi nhuận trên mỗi cổ phần (EPS) dự kiến gần 1.970 đồng.
Cơ sở để STK đặt kế hoạch này là thị trường chung có diễn biến tích cực, Công ty cũng đã nhanh chóng tìm kiếm được thị trường thay thế và thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn như sợi recycle. Riêng trong quý I/2018, sản lượng sợi recycle đạt 1.324 tấn, dự kiến sẽ tăng mạnh trong quý III và IV/2018.
Ngoài ra, STK tiếp tục phát triển sợi co giãn sang thị trường Nhật Bản và Thái Lan; các loại sợi màu, sợi bright recycle đang trong quá trình thử mẫu cho khách hàng Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam; riêng sợi CD và sợi soft package, Công ty hiện bán cho các khách hàng hiện hữu.
Kết thúc quý I/2018, sản lượng bán hàng của STK đạt khoảng 14.451 tấn, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2017. Nhờ thị trường đang trên đà tăng trưởng nên giá bán tăng 14% so với cùng kỳ và tăng 4,1% so với quý IV/2017. Theo đó, doanh thu bán hàng đạt 589 tỷ đồng, tăng 31,6% so với cùng kỳ và tăng 5,3% so với quý IV/2017. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 40 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ. Trong 3 tháng đầu năm, STK có thêm 14 khách hàng mới, trong đó có 1 khách hàng đến từ Thái Lan, 4 khách hàng đến từ Pakistan và 9 khách hàng đến từ thị trường nội địa, đóng góp 1% doanh thu trong kỳ.
KDC: Kỳ vọng sản phẩm mới và công ty con, liên doanh
Sau khi bán đi mảng bánh kẹo, Công ty cổ phần Tập đoàn KIDO (KDC) đã thực hiện được lời hứa với cổ đông là trong vòng 3 năm, KDC sẽ quay lại con số lợi nhuận 600 tỷ đồng. Năm 2018, KDC đặt kế hoạch kinh doanh tăng vọt với doanh thu hợp nhất 12.000 tỷ đồng, tăng gần 5.000 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với năm 2017; cổ tức 16% bằng tiền.
Trong kế hoạch doanh thu năm 2018 của KDC, dự kiến mức đóng góp từ Dầu thực vật Tường An là 5.600 tỷ đồng
Trong kế hoạch doanh thu năm 2018 của KDC, dự kiến mức đóng góp từ Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An (TAC) là 5.600 tỷ đồng, từ Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam - CTCP (VOC) là 4.400 tỷ đồng, từ Công ty cổ phần Thực phẩm đông lạnh KIDO (KDF) là 1.800 tỷ đồng và liên doanh giữa KIDO với Dabaco Food khoảng 300 tỷ đồng.
Ngoài ra, KDC có thể ghi nhận thêm 2.500 tỷ đồng doanh thu từ các sản phẩm mới dự kiến sẽ được tung ra thị trường trong năm nay. Vì vậy, lãnh đạo KDC chia sẻ, Công ty tự tin với kế hoạch doanh thu, lợi nhuận năm 2018.
Tuy nhiên, kết quả quý I đầu năm, KDC khiến nhà đầu tư bất ngờ khi ghi nhận lỗ 11,7 tỷ đồng. Theo giải trình của Công ty, trong báo cáo hợp nhất, doanh thu thuần tăng 33% do hợp nhất doanh thu từ VOC, còn lợi nhuận trước thuế giảm 49% chủ yếu do phát sinh chi phí phân bổ lợi thế thương mại khi hợp nhất VOC.
Nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán cho biết, các kế hoạch lớn của KDC vẫn đang thực hiện thông suốt. Việc mua lại 51% vốn của đối tác nước ngoài tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè đang đi đến những thủ tục cuối cùng.
Thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) này được kỳ vọng sẽ đạt hiệu quả lớn, giúp lợi nhuận của doanh nghiệp được M&A cao hơn nhiều so với trước. Golden Hope Nhà Bè dự kiến sẽ đóng góp doanh thu 1.600 tỷ đồng cho KDC trong năm 2018.