Nhạy cảm với thông tin về dòng tiền

Nhạy cảm với thông tin về dòng tiền

(ĐTCK) Với việc tính thêm khoản “Cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng ủy thác cho tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh cổ phiếu” vào Mục “Cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu”, Dự thảo Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước được nhiều chuyên gia nhìn nhận sẽ siết dòng tiền vào TTCK, tác động tiêu cực tới thị trường.&

Mục đích của việc sửa đổi Thông tư 36, theo lý giải của NHNN, là nhằm nâng cao tính an toàn, đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng nói chung và nền kinh tế nói riêng. Có hai điểm mới cơ bản trong bản dự thảo là nâng hệ số rủi ro tín dụng bất động sản từ 150% lên tới 250% và giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40%. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh (BDI), nếu nâng hệ số rủi ro tín dụng bất động sản từ 150% lên 250% sẽ hạn chế dòng tiền cho vay bất động sản, đồng thời hạn chế phần lớn nhu cầu mua nhà ở. Theo đó, đại bộ phận doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản (trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đang niêm yết trên HOSE và HNX) chịu ảnh hưởng bất lợi, dễ kéo theo sự sụt giảm chung của thị trường.

Bên cạnh đó, theo TS. Nghĩa, quy định giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 60% xuống 40% tác động rất rộng đến nền kinh tế. Tính toán của NHNN, tỷ lệ này ở các NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần lần lượt là 33,36% và 36,9% vào cuối năm 2015. Cũng theo thông tin của NHNN thì tỷ lệ này đang tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2016, do đó, nếu tỷ lệ này được giảm xuống 40% từ 60% như trong dự thảo thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn, đặc biệt là những doanh nghiệp cần nhiều vốn vay trung và dài hạn như công nghệ cao, ngành sản xuất thiết bị, vật liệu hay ngành công nghệ thông tin, bán lẻ…

“Tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn hiện đã gần lấp đầy giới hạn 40%. Nếu tỷ lệ này được siết lại như Dự thảo, một bộ phận DN niêm yết sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trong ngắn hạn”, ông Đỗ Bảo Ngọc, chuyên gia phân tích CTCK MB (MBS) nhận định. 

Ngoài hai nội dung trên, đáng chú ý, bản Dự thảo còn đưa ra điểm mới, đó là tính thêm khoản “Cho vay và chiết khấu giấy tờ có giá để khách hàng ủy thác cho tổ chức, cá nhân đầu tư, kinh doanh cổ phiếu” vào mục “Cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu” (đã giới hạn còn 5% so với 20% theo quy định trước kia). Quy định này, theo CTCK Ngân hàng Vietcombank (VCBS), đồng nghĩa với việc siết lại dòng vốn tín dụng vào TTCK.

Nhìn lại lịch sử của TTCK, có thể thấy, thị trường luôn phản ứng rất mạnh với chính sách tiền tệ. Còn nhớ, năm 2008, TTCK chứng kiến một giai đoạn phát triển khá “nóng” khi chỉ số VN-Index liên tục lập đỉnh, với thanh khoản ào ạt đổ vào thị trường. Tuy nhiên, ngay sau đó, động thái công bố siết chặt chính sách tiền tệ đối với bất động sản, chứng khoán, khiến cho cả 2 thị trường này lao dốc không phanh. Chỉ số VN-Index đã rơi xuống mức 234 điểm vào giữa năm 2009.

Sau đó, NHNN hạ lãi suất cơ bản từ 8,5%/năm xuống 7%/năm cùng lúc Chính phủ tung ra gói kích cầu hỗ trợ lãi suất 4% đã kéo TTCK bật mạnh trở lại. Hàng loạt cổ phiếu tăng giá gấp 3 - 4 lần chỉ trong một thời gian ngắn. Tâm lý hứng khởi khiến thời kỳ tăng trưởng này kéo dài liên tiếp 2 quý (quý II và III/2009).

Bất ngờ, cuối tháng 11/2009, Ngân hàng Nhà nước lại điều chỉnh công bố tăng lãi suất cơ bản từ 7%/năm lên 8%/năm. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng, TTCK lại mất trên 30% giá trị.

Sau hơn 4 năm trầm lắng, đến khoảng giữa năm 2013, TTCK bắt đầu khởi sắc trở lại. Chủ trương đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng từ phía NHNN đã kích thích một lượng tiền không nhỏ chảy vào TTCK, giúp chỉ số VN-Index bật mạnh, thanh khoản cải thiện, thậm chí vượt qua cả giai đoạn đỉnh được của thị trường những năm trước đó.

Khi NHNN ban hành Thông tư 36/2014 quy định hạn chế tổng dư nợ cấp tín dụng của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với tất cả khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Chỉ một vài tháng sau, VN-Index đã mất gần 100 điểm.

Trở lại với thị trường tiền tệ, theo nguồn tin của phóng viên ĐTCK, dù những quy định trên mới ở dạng dự thảo, nhưng đến nay một số ngân hàng đã ra thông báo dừng cấp tín dụng theo hình thức này để cho vay margin từ các CTCK.

Trao đổi với ĐTCK, một vị chuyên gia nhận định, các cơ quản lý cần phải hiểu một thực tế, việc không nới lỏng chính sách tiền tệ kích thích TTCK phát triển sẽ đặt ra bài toán hóc búa về vốn cho doanh nghiệp khi lãi suất là “con dao hai lưỡi” lên xuống rất thất thường. Trong khi đó, nếu huy động được vốn từ TTCK, lợi ích mà các doanh nghiệp nhận được không chỉ là nguồn vốn giá rẻ, mà còn là lợi thế kinh doanh, mở rộng thị trường nhờ các hợp tác với các tổ chức trong và ngoài nước... Cách điều hành chính sách kiểu “giật cục” này cũng gây thiệt hại cho nhà đầu tư và quan trọng hơn cả là làm mai một niềm tin của nhà đầu tư - mới được nỗ lực xây dựng lại sau nhiều cú sốc của thị trường.

Thị trường dường như không thích những câu chuyện khó dự đoán kiểu như sửa Thông tư 36. Kết thúc phiên giao dịch 29/3, VN-Index đã giảm sâu 7,44 điểm, xuống còn 568,2 điểm; HNX giảm 0,8%, còn 79,79 điểm. Nhạy cảm với thông tin về dòng tiền là đặc trưng cơ bản của nhà đầu tư.     

Tin bài liên quan