Ảnh Internet

Ảnh Internet

Nhật ký chuyện khóc, cười mùa đại hội

(ĐTCK) Đến hẹn lại lên, quý II là thời điểm diễn ra hàng loạt cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên của doanh nghiệp đại chúng. Nhiều cuộc họp diễn ra trong những tràng pháo tay liên tiếp, nhưng cũng tại không ít doanh nghiệp, 3 - 4 giờ họp lại là khoảng thời gian đầy căng thẳng và kịch tính.

Cổ đông đề xuất… phong bì

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của một doanh nghiệp ngành nhựa diễn ra trong tháng 4 vừa qua, trong phần phát biểu của các cổ đông, bên cạnh những ý kiến khen ngợi Ban lãnh đạo doanh nghiệp vì thành tích tăng trưởng ấn tượng trong mấy năm gần đây, có một ý kiến khiến nhiều người phải bật cười.

“Tôi đề nghị với các anh là, các anh làm tốt, lãi lớn rồi, thì cũng phải nghĩ đến cổ đông. Chúng tôi đi đến đây họp là phải tốn chi phí, mất thời gian, trời nắng nóng như thế này. Lẽ ra các anh phải có chút tiền cho chúng tôi ăn trưa”, một cổ đông có tuổi phát biểu.

Ngồi cạnh người viết, lãnh đạo một công ty chứng khoán cười trừ. Hơn 15 năm làm trong lĩnh vực chứng khoán, ông biết có doanh nghiệp ngành dầu khí, số lượng cổ đông đến đăng ký luôn rất lớn, vì doanh nghiệp này luôn có phong bì rất hậu hĩnh cho cổ đông. Chưa kể, nhân viên một số công ty chứng khoán cũng kéo đến ồ ạt, mỗi người mua chút cổ phiếu đến họp lấy phong bì rồi... về.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông 2014 của một ngân hàng tại Hà Nội, trưởng phòng môi giới một công ty chứng khoán cầm trong tay hơn chục giấy ủy quyền họp của các cổ đông, mỗi người nắm giữ 5 - 10 cổ phiếu, hầu như là cổ phiếu lẻ. Những ai quan tâm đến ngân hàng này (khi đó đang trong giai đoạn tái cơ cấu), nhưng không phải là cổ đông, muốn vào dự họp, đều được vị này đứng sẵn ở khu vực đăng ký và cho mượn ủy quyền, kèm theo điều kiện… trả lại phong bì!

Chính vì tình trạng đi họp để lấy phong bì, nên dần dà, nhiều doanh nghiệp đã giảm chi phí này xuống, thậm chí là bỏ hẳn, để tránh cổ đông đến vì mục tiêu khác.

Doanh nghiệp than khổ vì chọn nhầm cổ đông

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông của một tổng công ty khác tại Hà Nội, câu chuyện còn thú vị hơn, khi suốt 1 giờ đồng hồ, một cổ đông liên tục đứng lên phát biểu, đặt câu hỏi với ban lãnh đạo doanh nghiệp, nhận trả lời và tiếp tục đặt câu hỏi hỏi về vấn đề chia cổ tức. Lý do là cổ đông này muốn được chia cổ tức tỷ lệ cao hơn (là 20% vốn điều lệ), thay vì tỷ lệ mà Hội đồng quản trị đề xuất (10%). Chuyện đề xuất cứ kéo dài mãi, nên phải đến tận giờ chiều, cuộc họp mới có thể kết thúc.

Nhưng, câu chuyện thời gian kéo dài này có lẽ còn nhẹ nhàng hơn tại một doanh nghiệp khác, cũng xoay quanh vấn đề cổ tức.

Từ cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, doanh nghiệp này đã công bố trong 5 năm tới, sẽ không chia cổ tức bằng tiền. Năm 2017, giữa lúc Chủ tịch Hội đồng quản trị doanh nghiệp hào hứng chia sẻ với cổ đông chiến lược kinh doanh, với hy vọng nhà đầu tư nắm rõ hơn giá trị doanh nghiệp mà mình đầu tư khi ra quyết định mua bán, thì một cổ đông đứng lên ngắt lời không muốn nghe, vì cho rằng không cần biết công ty làm ăn như thế nào, không chia cổ tức là không được.

Chương trình họp vì thế bị cắt ngang, bởi những tiếng than phiền lớn của cổ đông, bất kể chủ tọa cuộc họp nói gì. Sau đó, phần hỏi đáp rơi vào vòng xoay của một số nhà báo là cổ đông, phục vụ nhu cầu viết bài, thay vì những thông tin cập nhật tình hình kinh doanh.

Ngồi cạnh người viết khi đó là Tổng giám đốc một công ty quản lý quỹ tỏ ra tiếc nuối, bởi thứ mà vị này muốn nghe là chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp thì Ban lãnh đạo không kịp nói chi tiết tại cuộc họp. Vị Chủ tịch Hội đồng quản trị sau đó có nói một câu đầy cảm thán: “Để giá cổ phiếu giảm như ngày hôm nay, một phần do chúng tôi đã sai lầm khi lựa chọn cổ đông”.

Theo ông, nếu cổ đông của Công ty chủ yếu là các nhà đầu tư chiến lược ngành, thì có lẽ, họ sẽ hiểu và ủng hộ chiến lược của Công ty, còn hiện tại, nhà đầu tư cá nhân thì khó trách, vì họ cần lợi nhuận và cổ tức, chứ khó lòng theo đuổi chiến lược xây dựng giá trị doanh nghiệp theo cách mà Công ty đang làm.

Và những chuyện nghiêm trọng hơn

Tiền, cổ tức, hay thậm chí chiến lược kinh doanh… dù lớn, nhưng đôi khi chưa hẳn đã nghiêm trọng. Tại những doanh nghiệp từng xảy ra khuất tất, có những vấn đề liên quan đến pháp luật đã được cổ đông mổ xẻ, khi có sự thay mới ban lãnh đạo.

Ngay trước kỳ nghỉ lễ, cuộc họp đại hội đồng cổ đông của một doanh nghiệp đã diễn ra trong bình lặng cho đến khi vấn đề nợ xấu được đề cập. Trả lời chất vấn của cổ đông về nợ xấu, Ban lãnh đạo Công ty đã nhắc đến vấn đề sai phạm nghiêm trọng của Tổng giám đốc cũ, liên quan đến giao dịch bất thường của vị này khi đương nhiệm, làm thiệt hại lớn cho Công ty.

Cũng từ đây, nhà đầu tư giật mình bởi sai phạm cũ và những vấn đề liên quan đến nghi vấn rút ruột được đưa ra và yêu cầu đưa ra cơ quan pháp luật để thu hồi. Nhà đầu tư tự nhủ, nếu không có sự thay đổi ban lãnh đạo, liệu những sai phạm kia có được đưa ra ánh sáng?     

Tin bài liên quan