Câu chuyện pháp lý trong thu hút vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt Nam luôn được Nhóm công tác thị trường vốn nêu lên tại Diễn đàn doanh nghiệp

Câu chuyện pháp lý trong thu hút vốn ngoại vào doanh nghiệp Việt Nam luôn được Nhóm công tác thị trường vốn nêu lên tại Diễn đàn doanh nghiệp

Nhận diện những nút thắt khiến thị trường chứng khoán Việt Nam hụt nâng hạng năm 2017

(ĐTCK) Những ngày gần đây, câu chuyện TTCK Việt Nam không được MSCI nâng hạng từ mức thị trường cận biên lên thị trường mới nổi trên bảng xếp hạng TTCK năm 2017 nhận được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong và ngoài nước. Nếu TTCK nước ta được nâng hạng lần này, Việt Nam có cơ hội thu hút thêm nhiều triệu USD vốn ngoại, nhưng cơ hội đã không đến, buộc Việt Nam phải cố gắng trong các lần sau.

Nhận diện những nút thắt

Trong một so sánh tương quan, TTCK Pakistan đã MSCI đưa vào danh sách tiềm năng xem xét nâng hạng vào năm 2016 và năm 2017 chính thức được nâng hạng, còn TTCK Việt Nam chưa có tên trong danh sách tiềm năng để xem xét nâng hạng trong lần xem xét năm nay. Đây là một thực tế cần phải được đánh giá thấu đáo để thị trường cổ phiếu, mà bản chất là các doanh nghiệp (DN) nội địa, không bỏ lỡ cơ hội lần tới.

Ở góc nhìn của cơ quan trực tiếp quản lý TTCK, ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho rằng, quá trình nâng hạng chính là quá trình cải cách, bản chất là mình phải cải cách để hoàn thiện và thu hút được những nguồn lực mới cho phát triển đất nước.

Tuy nhiên, xem xét các tiêu chí và cách thức MSCI đánh giá để phân loại TTCK thế giới, ông Dũng cho rằng, nếu chỉ riêng một ngành chứng khoán cố gắng thì không thể làm được.

“Việc nâng hạng TTCK Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều chủ thể, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư..., sự ủng hộ của Chính phủ cũng như của các thành viên thị trường”, ông Dũng nói.

Thực tế, các tiêu chí định lượng không phải trở ngại lớn với Việt Nam vì trên thị trường đã có đủ số lượng cổ phiếu đại diện và dự kiến sẽ có thêm nhiều cổ phiếu đạt yêu cầu trong thời gian tới. Tuy nhiên, nhóm tiêu chí định tính mới là những rào cản chính trong quá trình nâng hạng của Việt Nam.

Ngoài ra, việc đánh giá của MSCI hoàn toàn dựa trên ý kiến của nhà đầu tư nước ngoài, phần lớn các tiêu chí là định tính, nên các DN cũng cần có nhiều cải thiện, mới mong nhận những đánh giá tích cực, góp sức cho câu chuyện nâng hạng TTCK Việt Nam.

Những tháng đầu năm 2017, thống kê của UBCK cho biết, dòng vốn đầu tư ngoại tiếp tục chảy vào TTCK, đạt giá trị vốn hóa trên 22 tỷ USD - mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, nhìn tổng quan, sự tham gia của dòng vốn ngoại vào TTCK và nền kinh tế nói chung vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng cũng như so với khả năng và nhu cầu thực tế của nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các quỹ đầu tư lớn.

Việc nâng hạng TTCK Việt Nam cần có sự chung tay của nhiều chủ thể, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư..., sự ủng hộ của Chính phủ cũng như của các thành viên thị trường

- Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng
Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK

Nút thắt lớn nhất khiến vốn ngoại khó chọn chảy vào DN Việt Nam, theo ông Dominic Scriven - Tổng giám đốc Dragon Capital, vẫn nằm ở pháp lý.

Gần 10 năm nay, không một năm nào câu chuyện pháp lý trong thu hút vốn ngoại vào DN Việt Nam không được Nhóm công tác thị trường vốn nêu lên tại Diễn đàn doanh nghiệp - nơi gặp gỡ của các nhà lãnh đạo Chính phủ, bộ, ngành với các nhà đầu tư quốc tế.

Những kiến nghị từ thực tế cũng đã thúc đẩy nhiều cải cách pháp lý tại Việt Nam, chẳng hạn, từ việc hạn chế tỷ lệ đầu tư nước ngoài vào DN Việt ở mức 30%, đã mở lên 49% và sau đó đến năm 2015, Nghị định 60/NĐ-CP ra đời đã cho phép vốn ngoại được mua đến 100% vốn của DN nội địa trong nhiều ngành nghề không bị hạn chế đầu tư.

Tuy nhiên, triển khai trong thực tế, quy định này vẫn có vướng mắc lớn, mà lớn nhất như mô tả của ông Dominic là ở tư cách pháp nhân của DN: “lúc là Tây (khi vốn ngoại bằng hoặc vượt 51%), lúc là ta (nếu vốn ngoại thấp hơn 51%)”. 

 Hiện mới có khoảng 2% số doanh nghiệp niêm yết trên 2 sàn công bố thông tin bằng tiếng Anh

Cùng với đó, không gian cho vốn ngoại chảy vào khu vực doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhất là các đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng cũng không dễ tiếp cận, khi tỷ lệ bán thường nhỏ, thông tin DN kém minh bạch và phương pháp bán lạc hậu…

Thực tế này khiến không ít nhà đầu tư nước ngoài sốt ruột khi mà thông điệp từ Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đưa ra từ năm 2015 khi thực hiện xúc tiến đầu tư tại Mỹ rằng, Việt Nam thực hiện cổ phần hóa nhiều DNNN với lượng cổ phần chào bán khoảng 25 tỷ USD, hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài vào mua, nhưng mãi chưa thành hiện thực.

Kỳ vọng Luật Chứng khoán và sự cải tổ từ chính Doanh nghiệp

Trở về sau chuyến đi cùng Đoàn công tác của Chính phủ xúc tiến đầu tư tại Mỹ và Nhật Bản mới đây, ông DonLam, Tổng giám đốc VinaCapital - đơn vị đang quản lý khoảng 2 tỷ USD đầu tư gián tiếp vào Việt Nam chia sẻ, nhiều nhà đầu tư lớn rất muốn đầu tư vào cổ phiếu Việt Nam, nhưng việc tiếp cận thị trường chưa thuận lợi như mong đợi. Bên cạnh vướng mắc pháp lý, các DN Việt Nam, kể cả các DN quy mô lớn, hầu như không có báo cáo tài chính bằng tiếng Anh, khiến dòng vốn ngoại rất khó tiếp cận và chọn lựa.

Chia sẻ của ông DonLam cũng có thể kiểm chứng từ những đánh giá và thực tế đầu tư của nhiều quỹ lớn vào Việt Nam. Tỷ phú thế giới Wilbur L. Ross vào năm 2015 đã dành thời gian tìm hiểu cơ hội đầu tư vào Việt Nam và công khai phát biểu trước các nhà đầu tư quốc tế rằng, Việt Nam là cơ hội không thể bỏ lỡ.

Cũng trong năm này,  Quỹ Vangurd, Quỹ Merrion Financial Group cùng nhiều nhà đầu tư lớn quốc tế công khai đánh giá “Việt Nam đang có những cơ hội đầu tư tuyệt vời”. Tuy nhiên, nguồn vốn cả trăm tỷ USD mà các quỹ đầu tư quốc tế quản lý dường như vẫn chỉ “ngó nhìn” DN Việt.

Giá trị danh mục đầu tư vốn ngoại vào Việt Nam hiện nay có tăng khoảng 20% so với năm 2015, nhưng chủ yếu là do hiệu ứng giá nhiều cổ phiếu nội địa tăng, còn thực lực vốn chảy vào TTCK, vào DN vẫn chủ yếu dựa vào 2 quỹ ETF và sự nỗ lực gọi vốn của các quỹ ngoại đã “đóng đô” ở Việt Nam hàng thập kỷ, như VinaCapital, Dragon Capital…

Điểm vướng về tỷ lệ đầu tư cũng như tư cách pháp nhân của DN nhận vốn ngoại, đang được trông chờ dự án Luật Chứng khoán mới (Quốc hội xem xét vào năm 2018) gỡ được. Những hạn chế trong câu chuyện các DNNN muốn bán lượng vốn lớn ra công chúng, cũng đang chờ Nghị định mới quy định về cổ phần hóa để tháo gỡ.

Trong khi việc cải cách nền tảng pháp lý là việc của Nhà nước thì nỗ lực từ phía các DN cũng là điểm không thể xem nhẹ. Để hút được vốn ngoại vào DN, giúp DN có thêm nguồn lực tài chính để phát triển và đóng góp cho tăng trưởng chung của nền kinh tế, chính các DN phải chuẩn mực và biết cách “bật sáng” chính mình.

Hiện Việt Nam có 1.300 DN đại chúng có cổ phiếu giao dịch trên sàn chứng khoán (750 DN niêm yết và 550 DN trên UPCoM). Tuy nhiên, khối DN được coi là minh bạch nhất này vẫn còn khoảng cách khá xa về quy chuẩn minh bạch quốc tế cũng như việc tuân thủ các chuẩn mực quản trị.

Thống kê từ hai Sở Giao dịch chứng khoán cho thấy, toàn TTCK có khoảng 2% số DN niêm yết công bố thông tin bằng tiếng Anh, khoảng 40% DN niêm yết có thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập.

Trong nỗ lực thúc các DN cải cách chính mình, ở tầm nhìn quốc gia, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 71/2017/NĐ-CP, có hiệu lực từ 1/8/2017, quy định về quản trị công ty đại chúng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có văn bản cấp nghị định, điều tiết và định hướng công tác quản trị của các DN đại chúng với nhiều tiêu chuẩn tiệm cận dần với chuẩn mực quốc tế.

Chẳng hạn, DN đại chúng bắt buộc phải có thành viên HĐQT độc lập (DN chưa niêm yết tỷ lệ là 1/5, DN niêm yết tỷ lệ là 1/3 số thành viên HĐQT) hay Chủ tịch HĐQT không được kiêm nhiệm chức danh Tổng giám đốc (sau 3 năm kể từ ngày Nghị định 71 có hiệu lực), các DN quy mô lớn phải hướng dần đến việc công bố thông tin bằng tiếng Anh…

Thực thi những quy chuẩn mới là những thách thức mới, nhưng là những thách thức phải vượt qua nếu DN có khát vọng phát triển dài hạn, vươn lên góp sức cho phát triển đất nước.

Nguồn lực từ bên kia biên giới luôn rộng mở, nhưng nếu không cải cách, từ nền tảng pháp lý và nội lực doanh nghiệp, sẽ khó thể mong “mở được cánh cửa” đón vốn lớn vào DN Việt Nam.

Nâng hạng, cần sự hợp tác và nguồn lực của toàn hệ thống

Ông Vũ Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, UBCK

Gần 2 năm kể từ khi Chính phủ chính thức ban hành Nghị định 60 cho phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài lên 100%, số lượng cổ phiếu chính thức nới room vẫn khiêm tốn. Do đó, sân chơi của nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn hẹp và cần có thêm thời gian để nhìn thấy và đánh giá được tác động thực tế của quy định này.

Để được nâng hạng, một tiêu chí được xem xét là vấn đề tự do hóa thị trường ngoại hối. Đây cũng là một vấn đề khá nhạy cảm với Việt Nam. Thị trường ngoại hối vẫn đang được kiểm soát chặt chẽ để bảo vệ giá trị tiền đồng.

Cải thiện điều kiện này cần sự hợp tác và nỗ lực của toàn hệ thống. Chúng tôi đã và đang tích cực phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan để tháo gỡ cho dòng vốn cho các nhà đầu tư vào được. 

Tin bài liên quan