Về việc NĐT tổ chức hầu như vắng bóng, một lãnh đạo HNX cho rằng, nguyên nhân khách quan là thị trường cơ sở tính từ thời điểm TTCK phái sinh mở cửa tháng 8/2017 đến nay liên tục tăng điểm, đồng thời các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam đều lành mạnh, dự báo nền kinh tế và TTCK tiếp tục tăng nên nhu cầu sử dụng công cụ phòng ngừa rủi ro của các NĐT tổ chức chưa xuất hiện.
Cái khó của Nhà đầu tư nội
Ở khía cạnh chủ quan, với khối công ty chứng khoán (CTCK), số lượng công ty được phép tham gia TTCK phái sinh chưa nhiều và chủ yếu tập trung vào việc cung cấp dịch vụ, hoạt động tự doanh vẫn trong tình trạng thăm dò.
Trong khi đó, với các quỹ đầu tư nội, lãnh đạo một công ty quản lý quỹ phản ánh, các quỹ hiện chưa thể tham gia TTCK phái sinh do ngân hàng giám sát chưa tạo điều kiện đối soát dữ liệu tài sản ký quỹ với CTCK nơi công ty quản lý quỹ mở tài khoản giao dịch. Các công ty quản lý quỹ đang trông đợi cơ quan quản lý đưa ra hướng dẫn mang tính kỹ thuật để thúc đẩy ngân hàng giám sát định hình cơ chế đối soát dữ liệu với CTCK về tài sản ký quỹ của công ty quản lý quỹ, qua đó mở đường cho quỹ đầu tư tham gia TTCK phái sinh.
Với khối công ty bảo hiểm, do cổ phiếu chiếm tỷ trọng nhỏ trong danh mục đầu tư nên chưa có nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro. Mặt khác, các công ty quản lý quỹ là công ty con của công ty bảo hiểm đang gặp vướng mắc trong việc tham gia TTCK phái sinh như khối công ty quản lý quỹ.
Khối ngân hàng thương mại cũng chưa có nhu cầu sử dụng công cụ phái sinh để phòng ngừa rủi ro do danh mục cổ phiếu hiện tại là không đáng kể. Trong khi đó, do có một số vướng mắc nên hiện chưa có ngân hàng thương mại nào được Ngân hàng Nhà nước cấp phép tham gia TTCK phái sinh.
Nhà đầu tư ngoại cũng kẹt
Giống như các quỹ đầu tư nội, vướng mắc nằm ở sự phối hợp giữa CTCK là thành viên bù trừ và ngân hàng lưu ký. Bên cạnh đó, NĐT ngoại chưa yên tâm vì chưa kiểm soát được rủi ro, giám sát được sự biến động của luồng tiền từ ngân hàng lưu ký chuyển sang CTCK khi chưa định hình một cơ chế khả thi.