Ngành ngân hàng đang đứng trước triển vọng kinh doanh tích cực sau giai đoạn tái cấu trúc và nền kinh tế tăng trưởng tốt. Nhóm cổ phiếu ngành này sau một thời gian dài “ngủ yên” đã thu hút mạnh dòng tiền trên thị trường chứng khoán từ đầu năm 2017.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng niêm yết đã tăng giá rất mạnh, đóng góp tích cực cho đà tăng của chỉ số chứng khoán chung.
Đặc biệt, thời gian qua đã chứng kiến hiệu ứng tăng giá mạnh của các cổ phiếu ngân hàng mới lên niêm yết. Cụ thể, cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng đã tăng gần 50% sau 6 tháng lên niêm yết (8/2017), từ mức 39.000 đồng/cổ phiếu lên 55.000 đồng/cổ phiếu.
Hay cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) tăng hơn 12% trong vòng hơn một tháng qua, kể từ mức 39.000 đồng/cổ phiếu trong phiên chào sàn ngày 5/1/2018 lên 44.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 23/1/2018. Có thời điểm, cổ phiếu này được giao dịch ở mức 47.000 đồng/cổ phiếu. Sự góp mặt của VPB và HDB đã thổi luồng gió mới vào nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Sức nóng của nhóm cổ phiếu ngân hàng trên sàn lan sang cả một số cổ phiếu ngân hàng tư nhân đang được giao dịch trên thị trường chứng khoán phi tập trung (OTC) nhằm đón sóng tăng khi lên sàn. Một trong những cổ phiếu được săn đón hàng đầu là TCB của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank). Hiện TCB đang được giao dịch với mức giá lên tới gần 80.000 đồng/cổ phiếu.
TCB thuộc Top 5 ngân hàng có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng năm 2017, là 1 trong 3 ngân hàng có tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) cao, trong khi tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) thấp nhất hệ thống.
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, TCB cũng là ngân hàng có cơ cấu nguồn thu đa dạng nhất trong các ngân hàng thương mại.
Trong đó, thu nhập lãi thuần (từ hoạt động cho vay) chiếm khoảng 60% và nguồn thu từ phí dịch vụ, đầu tư chứng khoán, nợ và vốn và hoạt động khác chiếm khoảng 40%. Với kế hoạch dự kiến niêm yết trong năm 2018, cổ phiếu TCB kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, một chuyên gia chứng khoán cảnh báo, nhà đầu tư cần thận trọng khi mua đuổi giá cao cổ phiếu TCB. Theo vị này, rủi ro của TCB nằm ở dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản có tỷ lệ khá cao trong cơ cấu tín dụng của Ngân hàng, hiện chiếm khoảng 16% tổng dư nợ.
Việc giải ngân lớn vào lĩnh vực bất động sản từng gây hậu quả nặng nề cho TCB trong giai đoạn trước. Bên cạnh đó, về giới hạn đảm bảo tỷ lệ an toàn của các tổ chức tín dụng, hiện tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động LDR của TCB đã gần chạm mức 80%.
Chưa kể, mức giá đang giao dịch của TCB đã vượt khá xa mức giá mục tiêu mà chuyên gia của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam dự phóng, là 72.000 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh TCB, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cũng đang được giới đầu tư săn đón. Hiện cổ phiếu này đang được giao dịch trên OTC ở mức giá 25.000 đồng/cổ phiếu, khá sát với mức định giá 26.930 đồng/cổ phiếu mà MBS đưa ra.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MBS, sau nhiều năm xử lý những khoản lỗ lũy kế năm 2011, TPBank hiện đang là một trong những ngân hàng nổi bật trong nhóm ngân hàng vừa và nhỏ với chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin thông qua mở rộng các điểm bán LiveBank và thay đổi nhận diện thương hiệu.
Cơ cấu cổ đông đa dạng là một trong những điểm cộng lớn cho TPBank, CTCP Tập đoàn FPT đang sở hữu 7,55% vốn TP Bank, CTCP Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji chiếm 6,61% vốn điều lệ. Theo MBS, sự tham gia của hai đối tác này sẽ giúp TPBank trong việc mở rộng mảng ngân hàng số, kinh doanh vàng và cho vay với các đối tác chiến lược của Doji.
Trong khi đó, IFC và Quỹ PYN Elite Fund sẽ góp phần tích cực trong việc tư vấn quản trị rủi ro cho ngân hàng sau giai đoạn tái cấu trúc. Tính từ thời điểm 2012 đến cuối tháng 9/2017, TPBank đã tăng trưởng tổng tài sản lên 8 lần, nợ xấu được kiểm soát tốt dưới 3%, bao gồm cả nợ bán cho VAMC.
Tuy nhiên, cũng theo MBS, trong thời điểm này, các giao dịch tại hệ thống LiveBank chưa có các giao dịch cho vay, mà chỉ tập trung ở huy động nên đóng góp của mảng này cho tăng trưởng tín dụng cho 2018 là không đáng kể.
Cổ phiếu ngân hàng đang khởi sắc, nhưng đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng phải chấp nhận một thực tế là khó có thể “ăn bằng lần” như nhiều cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Tuy nhiên, bên lề một hội thảo về triển vọng thị trường chứng khoán gần đây, lãnh đạo một công ty chứng khoán top đầu chia sẻ, danh mục đầu tư của ông có đến hơn 50% là cổ phiếu ngân hàng.
Vị này chia sẻ, ông tin tưởng vào triển vọng của nền kinh tế, của ngành ngân hàng và quan điểm đầu tư của ông là hướng tới tầm nhìn dài hạn. Vị này cũng lấy ví dụ, Ngân hàng Standard and Chartered Bank mới đây đã thoái vốn tại Ngân hàng Á Châu (ACB) sau 10 năm đầu tư khi ACB lột xác mạnh mẽ và điều này đã phản ánh vào mức giá cổ phiếu khi tăng tới hơn 100% trong năm 2017.