Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Nhiều ngân hàng đang lên kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư “nhòm ngó” ngân hàng sắp niêm yết

(ĐTCK) Hoạt động kinh doanh tích cực, thị trường chứng khoán khởi sắc... là những yếu tố chính giúp giá cổ phiếu ngân hàng có sự cải thiện rõ nét từ đầu năm đến nay, qua đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư ngoại. Trong khi đó, nhiều ngân hàng cũng cho biết sẽ có cổ đông ngoại mới trước khi niêm yết trong thời gian tới.

Ngân hàng đua hút vốn ngoại

Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital vừa thông báo sẽ đầu tư khoảng 11 triệu USD vào OCB để sở hữu gần 5% cổ phần tại ngân hàng này. Trước đó, ngày 12/10/2017, OCB đã tiến hành lấy ý kiến của cổ đông về việc ủy quyền cho HĐQT quyết tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB, nhưng không vượt quá 30% vốn điều lệ Ngân hàng hoặc một tỷ lệ khác theo quy định của pháp luật.

Hiện thông tin chi tiết về thương vụ này chưa được OCB tiết lộ. VOF là quỹ đầu tư được VinaCapital thành lập vào năm 2003 với số vốn ban đầu là 10 triệu USD, đến nay đã tăng lên hơn 20 triệu USD.

Trong cơ cấu cổ đông hiện tại, OCB đã có 1 cổ đông ngoại là Tập đoàn BNP Paribas (Pháp) đang sở hữu 17,8% vốn, còn lại là các cổ đông trong nước, bao gồm Tổng công ty Bến Thành sở hữu 7,2% vốn, Vietcombank nắm 4,5% và Chủ tịch HĐQT Trịnh Văn Tuấn giữ 3,6%. Được biết, Vietcombank sẽ thoái toàn bộ số vốn này trong thời gian tới theo quy định của Thông tư 36/2014/TT-NHNN.

Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, ngành tài chính-ngân hàng Việt vẫn được xem là lĩnh vực rất tiềm năng và luôn tìm cơ hội để rót vốn, nhất là những ngân hàng còn nguyên room ngoại.

HDBank dự kiến sẽ bán 20% cổ phần cho nhà đầu tư ngoại và thu về 300 triệu USD trước khi đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE vào đầu năm 2018. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, số cổ phần nói trên sẽ được bán cho một số nhà đầu tư ngoại, mỗi nhà đầu tư không quá 5%. Về đối tác chiến lược, theo bà Thảo, một số nhà đầu tư tiềm năng đến từ Hồng Kông, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tỏ ý quan tâm.

SCB cũng là một trong số ngân hàng được đánh giá sẽ thu hút được vốn ngoại nhờ lợi thế được chấp thuận về nguyên tắc bán cho nhà đầu tư nước ngoài trên 50% vốn. SCB đang trong quá trình tái cơ cấu và việc gọi thêm vốn nước ngoài để đẩy mạnh tái cấu trúc là cần thiết. Trong khi đó, đối với cổ đông ngoại khi tham gia vào những ngân hàng đang trong quá trình tái cấu trúc, điều mà họ mong muốn là nắm quyền chi phối ngân hàng. Đó cũng chính là lý do SCB xin chấp thuận bán hơn 50% vốn.

SCB cho biết, Ngân hàng đang trong quá trình đàm phán với một số đối tác ngoại và đặt mục tiêu thu hút được tối thiểu 700 triệu USD. Lãnh đạo SCB cho hay, Ngân hàng sẽ bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài trước khi đưa cổ phiếu lên sàn chứng khoán và sẽ niêm yết sau khi hoàn tất quá trình tái cấu trúc.

VPBank cũng dự kiến chào bán riêng lẻ tối đa 5% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành tại thời điểm chuyển đổi cho Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) theo Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông ngày 1/8/2017, nhằm thực hiện quyền chuyển đổi khoản vay thương mại thành vốn cổ phần. Tại Bản cáo bạch công bố trước khi niêm yết trên HOSE, VPBank cho biết, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 25%.

Trước đó, IFC đã đầu tư vào nhiều ngân hàng khác như ACB, Techcombank, Sacombank, Eximbank… Hiện FFC đang sở hữu 10% vốn tại ABBank (góp 24,5 triệu USD), 8,02% vốn tại VietinBank (góp 182 triệu USD) và 5% tại TPBank (góp 18 triệu USD), bên cạnh việc duy trì các khoản vay khác, gồm 16 triệu USD trái phiếu thường của ABBank, 125 triệu USD khoản vay thứ cấp và 120 triệu USD tài trợ thương mại cho VietinBank; 30 triệu USD tài trợ thương mại cho TPBank.

Cổ phiếu “vua” sẽ trở lại “thời hoàng kim”?

Thị trường chứng khoán khởi sắc, hoạt động kinh doanh tích cực hay những thông tin về cổ đông ngoại... được cho là những yếu tố tác động tích cực lên giá cổ phiếu ngân hàng thời gian qua.

Mới đây, HDBank thông báo con số lãi trước thuế hơn 1.900 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, cao gấp 3,5 lần cùng kỳ 2016. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ HDBank lãi trước thuế trên 1.700 tỷ đồng, gấp 1,5 lần kết quả cả năm 2016 và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay.

HDBank dự kiến lợi nhuận trước thuế cả năm 2017 sẽ đạt 2.400 tỷ đồng, năm 2018 sẽ tăng lên 3.900 tỷ đồng. Tổng tài sản bình quân dự kiến tăng hơn 25% mỗi năm, so với mức ước đoán là 180.000 tỷ đồng của năm 2017. Cổ tức chia cho cổ đông dự kiến năm 2018 sẽ cao hơn năm 2017. Tại ĐHCĐ thường niên 2017, cổ đông Ngân hàng đã thông qua việc chia cổ tức và cổ phiếu thưởng tỷ lệ 9% để tăng vốn điều lệ.

Hiện tại, trên sàn OTC, cổ phiếu HDBank đang được săn đón quanh mức giá 30.000 đồng/cổ phiếu. Nếu kế hoạch bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài được triển khai thành công và cổ phiếu chính thức niêm yết trên HOSE, giới phân tích cho rằng, cổ phiếu HDBank sẽ còn tăng cao hơn nữa. 

Nhận định được đưa ra từ TS. Lê Anh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu, Kinh tế trưởng Dragon Capital, cổ phiếu ngành ngân hàng có dấu hiệu hồi phục nên nhà đầu tư ngoại cũng quan tâm nhiều hơn. Dù vậy, hiện tại, sự chú ý của các nhà đầu tư này chỉ tập trung tại một số cổ phiếu của ngân hàng quy mô, hoạt động kinh doanh khả quan, khả năng xử lý nợ xấu tốt và đã niêm yết như VCB, ACB, MBB...

Mặt khác, theo ông Tuấn, giá cổ phiếu ngân hàng tăng một phần do được yếu tố chính sách hỗ trợ. Nếu một chính sách nào đó bị siết lại sẽ tác động trực tiếp lên hoạt động của các ngân hàng và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận, từ đó ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Giới phân tích chứng khoán cho rằng, để thị trường chứng khoán thu hút được vốn ngoại, việc nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là không thể không thực hiện. Trong đó, cơ quan quản lý cần xem xét sớm nới tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng cao hơn mức tối thiểu 30% như hiện nay.

Theo nhận định của CTCK TP.HCM (HSC), cuối quý IV/2017 và quý II/2018 sẽ là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư xem xét rót vốn vào cổ phiếu “vua”, bởi đây là thời điểm các yếu tố quan trọng tác động đến giá cổ phiếu ngân hàng như kết quả lợi nhuận và tiến độ xử lý nợ xấu của từng ngân hàng, cũng như của toàn hệ thống tổ chức tín dụng trở nên rõ nét hơn sau khi Nghị quyết 42/2017/QH-14 thí điểm về xử lý nợ xấu phát huy tác dụng.

Tin bài liên quan