Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có bước phát triển cao trong phương thức sản xuất

Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có bước phát triển cao trong phương thức sản xuất

Ngóng doanh nghiệp dệt may lên sàn

(ĐTCK) Hiện có 11 doanh nghiệp dệt may niêm yết, nhưng thông tin các doanh nghiệp dệt may như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè, Đức Giang, Hòa Thọ có kế hoạch đưa cổ phiếu lên sàn khiến nhiều NĐT háo hức chờ đón.

Trong năm 2015, TTCK đón thêm 2 doanh nghiệp ngành dệt may lên sàn là CTCP Sợi Thế kỷ (STK) và CTCP Đầu tư Dệt may G.Home (G20), nâng tổng số doanh nghiệp ngành này niêm yết lên con số 11. Cơ hội đầu tư cổ phiếu dệt may trong thời gian tới sẽ nhiều hơn khi một số doanh nghiệp khác trong ngành đã lên kế hoạch niêm yết.

Thực tế cho thấy, ngành dệt may Việt Nam những năm gần đây hoạt động khá hiệu quả, tốc độ tăng trưởng 17 - 18%/năm. 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 19,19 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 10 đạt khoảng 2,2 tỷ USD, tăng 13,6% so với tháng 10/2014. Không ít doanh nghiệp đã có đơn hàng sản xuất đến hết năm 2015, thậm chí cho cả quý I/2016.

Hầu hết doanh nghiệp dệt may đang niêm yết đạt kết quả kinh doanh khả quan trong 9 tháng đầu năm 2015 như: TCM đạt gần 132 tỷ đồng lợi nhuận trên vốn điều lệ 491 tỷ đồng; GIL đạt gần 50,4 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 82,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận của EVE, TNG, GMC... cũng tăng trưởng cao.

Xu hướng có thể nhìn thấy rõ ở các doanh nghiệp dệt may trong vài năm trở lại đây chính là mở rộng nhà máy, mở rộng đầu tư. Do vậy, việc các doanh nghiệp gấp rút có kế hoạch lên sàn cũng dễ hiểu

Về các doanh nghiệp đang có kế hoạch niêm yết, Tổng công ty May Việt Tiến (Việt Tiến) dự kiến sẽ hoàn tất thủ tục niêm yết trong tháng 12 này và chào sàn vào đầu năm tới. Quý III/2015, Việt Tiến đạt doanh thu 1.788,6 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 174 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ hơn 85,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Việt Tiến đạt doanh thu 4.737 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 536 tỷ đồng, lãi sau thuế công ty mẹ 243 tỷ đồng. Tại thời điểm cuối tháng 9, vốn điều lệ của Công ty ở mức 280 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1.046 tỷ đồng.

Với Tổng công ty May Nhà Bè (NBC), 6 tháng đầu năm 2015, NBC đạt doanh thu hơn 1.763 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 318 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 46,4 tỷ đồng. Tại ngày 30/6/2015, NBC có vốn điều lệ 182 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 300 tỷ đồng. Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nắm giữ 27,69%, CTCP 4M nắm giữ 9,78% cổ phần NBC.

Mặc dù đa số các doanh nghiệp dệt may đang có kế hoạch niêm yết chủ yếu thực hiện gia công cho nước ngoài, nhưng những tên tuổi kể trên đã có bước phát triển cao trong phương thức sản xuất như FOB (tự chủ nguyên phụ liệu), ODM (tự thiết kế, sản xuất), OBM (làm tất cả các khâu sản xuất ra thành phẩm và tự phân phối) - tức gia công có mức giá trị gia tăng cao hơn so với cắt may đơn thuần.

Xu hướng có thể nhìn thấy rõ ở các doanh nghiệp dệt may trong vài năm trở lại đây chính là mở rộng nhà máy, mở rộng đầu tư. Do vậy, việc các doanh nghiệp gấp rút có kế hoạch lên sàn cũng dễ hiểu, đó là huy động vốn thông qua TTCK nhằm lớn mạnh hơn, đón cơ hội kinh doanh từ các hiệp định thương mại tự do, nhất là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhiều chuyên gia chứng khoán và chuyên gia trong ngành nhận định, mỗi doanh nghiệp đều có vai trò riêng trong chuỗi dệt may toàn cầu. Với khả năng và nỗ lực của từng doanh nghiệp, doanh nghiệp nào mạnh vốn thì đầu tư sản xuất từ sợi, dệt nhuộm trở đi, doanh nghiệp nào ít vốn hơn thì mở rộng chuyền may và nâng cấp sản xuất theo phương thức OBM, ODM.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang tập trung tăng năng lực tài chính, cải thiện hoạt động, mở rộng sản xuất…, nhưng để có được kết quả rõ nét, NĐT cần phải chờ thêm thời gian.

Tin bài liên quan