Lãi nhờ hoàn nhập có thể không giúp tăng dòng tiền thực tế của CTCK

Lãi nhờ hoàn nhập có thể không giúp tăng dòng tiền thực tế của CTCK

Nghi vấn lãi đột biến của nhiều công ty chứng khoán

(ĐTCK) Nếu các CTCK lớn ghi nhận kết quả kinh doanh trong quý IV/2014 khả quan không gây bất ngờ, thì hàng loạt CTCK nhỏ, trong đó, nhiều công ty vốn thua lỗ triền miên có lợi nhuận tăng đột biến lại đang gây chú ý.

Bất ngờ lãi cao

Nhiều CTCK “chiếu dưới” đã ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận đột biến trong quý IV/2014, nhưng xét về giá trị tuyệt đối, thì mức lãi này lại rất… hẻo.

Liên tiếp thua lỗ trong quý II và III/2014, nhưng CTCK Đại Việt (DVSC) bất ngờ ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế gần 11 tỷ đồng trong quý IV/2014, tăng tới 779% so với cùng kỳ năm 2013. Một trường hợp khác ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận khủng hơn DVSC là CTCK Việt Nam, khi quý IV/2014, Công ty lãi hơn 2,1 tỷ đồng, tăng tới hơn 907% so cùng kỳ năm 2013.

Ngoài ra, một loạt CTCK nhỏ khác như: Tầm Nhìn, Navibank, Đại Nam… cũng có lợi nhuận quý cuối năm 2014 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, với nhiều CTCK, lợi nhuận đột biến là do có sự đóng góp lớn của khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán. Trong văn bản giải trình lợi nhuận tăng mạnh trong quý IV/2014 gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và các sở GDCK, DVSC cho biết, một trong những nguyên nhân chính do Công ty được hoàn nhập dự phòng khoản đầu tư cổ phiếu... Tương tự, nhờ hoàn nhập dự phòng mà CTCK Việt Nam cũng lãi lớn trong quý IV/2014.

Chuyện CTCK lãi nhờ hoàn nhập dự phòng không có gì bất thường, nhưng điều không bình thường ở chỗ, mức hoàn nhập tại nhiều CTCK tăng rất mạnh. Điều này có thể xuất phát từ một quy định mới tại Thông tư 146/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với CTCK, công ty quản lý quỹ, đó là: trường hợp chứng khoán chưa niêm yết (OTC) không có giao dịch thực tế phát sinh, thì không thực hiện trích lập dự phòng. Quy định lần đầu tiên được áp dụng với năm tài chính 2014 này có thể dẫn đến những trường hợp chẳng hạn CTCK có danh mục chứng khoán OTC gồm 10 mã chứng khoán.

Khi chưa áp dụng Thông tư 146/2014, CTCK đều trích lập dự phòng giảm giá cho toàn bộ danh mục này, nhưng nay áp dụng quy định mới, có thể chỉ phải trích lập cho 5 cổ phiếu, số cổ phiếu còn lại không cần trích lập, nên CTCK phải hoàn nhập dự phòng số đã trích lập. Việc này dẫn đến làm tăng lợi nhuận trên sổ sách, mặc dù cổ phiếu OTC không thanh khoản và chưa có xu hướng tăng giá trên thị trường.

Ở một khía cạnh khác, với những CTCK vì lý do nào đó, chẳng hạn như muốn “né” thuế, nên tìm cách giấu lãi bằng cách xin báo giá thấp hơn thị giá tại thời điểm hạch toán, để làm tăng khoản trích lập dự phòng, thì theo Tổng giám đốc một CTCK đang niêm yết, việc áp dụng Thông tư 146/2014 sẽ khó làm như vậy.

Lý do là bởi, nếu như trước đây, các CTCK dễ dãi xác nhận báo giá cho nhau bằng cách đóng dấu treo, thì kể từ năm tài chính 2014, theo chỉ đạo của Vụ Quản lý kinh doanh, UBCK, thực hiện Thông tư 146/2014, các CTCK khi lấy báo giá chứng khoán OTC của các CTCK khác để làm căn cứ trích lập dự phòng giảm giá, thì báo giá phải có chữ ký của người có trách nhiệm và đóng dấu xác nhận của CTCK... Điều này khiến các CTCK cung cấp báo giá chứng khoán không còn tùy tiện, dễ dãi trong xác nhận giá chứng khoán như trước.

Việc cung cấp và xác nhận báo giá chứng khoán phản ánh sát hơn diễn biến giá của thị trường, bởi nếu việc báo giá không chính xác, dẫn đến các sai sót, thậm chí bị nhìn nhận là tiếp tay cho CTCK khác trốn thuế, thì người ký tên và đóng dấu xác nhận báo giá phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, có thể đối mặt với nguy cơ hầu tòa.

Điều này buộc các CTCK phải hạch toán trung thực, chính xác hơn các khoản hoàn nhập dự phòng, vốn lâu nay bị một số CTCK tìm cách ẩn đi. Đây có thể là một nguyên nhân nữa khiến lợi nhuận của nhiều CTCK tăng đột biến. 

Lãi cao trên giấy?

Vì tính chất “tạo lãi” từ hoàn nhập dự phòng như vậy, nên theo tiết lộ của người trong nghề, với không ít trường hợp, mức lãi này có thể chỉ là lãi trên báo cáo, là lãi do kỹ thuật hạch toán, chứ thực tế không dễ phát sinh tiền thật, vì việc CTCK có thực sự “nhốt” tiền khi trích lập hay không thì chỉ họ mới biết.

Thông tư 146/2014 quy định: trường hợp chứng khoán OTC không có giao dịch thực tế phát sinh, thì không thực hiện trích lập dự phòng... CTCK có thể lợi dụng quy định này tạo ra các giao dịch không thật, để có cơ sở trích lập dự phòng. Điều này sẽ phản ánh “méo mó” bức tranh tài chính tại CTCK, tiềm ẩn rủi ro cho cổ đông, NĐT.

Tin bài liên quan