Trường hợp có sự nghi ngờ, các cổ đông có thể cùng với luật sư 
hoặc kế toán và kiểm toán viên trực tiếp xem xét báo cáo tài chính

Trường hợp có sự nghi ngờ, các cổ đông có thể cùng với luật sư hoặc kế toán và kiểm toán viên trực tiếp xem xét báo cáo tài chính

Nghi ngờ báo cáo tài chính, cổ đông có thể làm gì?

(ĐTCK) Không ít trường hợp nhóm cổ đông lớn phủ quyết báo cáo tài chính bởi bất đồng về điều hành doanh nghiệp với Ban lãnh đạo công ty và nghi ngờ có những khuất tất. Vậy khi báo cáo tài chính năm bị phủ quyết, nhóm cổ đông phủ quyết và nhóm cổ đông đang nắm quyền lãnh đạo công ty có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi cũng như quan điểm của họ? Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với luật sư Nguyễn Vĩnh Ban, Công ty Luật DNAS. 

Vừa qua, có một số trường hợp công ty cổ phần không thông qua được báo cáo tài chính đã kiểm toán do cổ đông phủ quyết. Việc cổ đông phủ quyết có nhiều lý do, trong đó có nghi ngờ về sự khuất tất của Ban điều hành doanh nghiệp. Việc không thông qua được báo cáo tài chính sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp ra sao, theo ông?

Theo quy định tại Điều 171, Luật Doanh nghiệp, công ty cổ phần phải gửi báo cáo tài chính hằng năm đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của luật về kế toán và pháp luật có liên quan.

Điều 31, Luật Kế toán quy định, đơn vị kế toán phải nộp báo cáo tài chính năm cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm.

Do đó, việc không thông qua được báo cáo tài chính năm sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với chính doanh nghiệp. Một là, việc Đại hội đồng cổ đông không thông qua báo cáo tài chính đã được kiểm toán có thể khiến cho việc nộp báo cáo tài chính đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền bị chậm trễ và doanh nghiệp có thể bị xử phạt do chậm nộp báo cáo tài chính theo Nghị định 105/2013/NĐ-CP. Hai là sự bất đồng trong quan hệ nội bộ dẫn đến không thông qua được báo cáo tài chính của công ty có thể ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của công ty cũng như ảnh hưởng đến niềm tin ở cổ đông và các nhà đầu tư, cũng như các đối tác kinh doanh.

Luật sư Nguyễn Vĩnh Ban 

Theo ông, đối với nhóm cổ đông nắm quyền lãnh đạo, điều hành doanh nghiệp - những người muốn bảo vệ báo cáo tài chính do họ lập ra, Ban điều hành có quyền và nghĩa vụ ra sao?

Theo tôi, đối với Ban điều hành, người đã khai sinh ra bản báo cáo tài chính hiểu rõ những gì đã trình bày trên cơ sở thực tế tình hình tài chính của công ty. Do đó, trước những thông tin phản đối, hoặc có những ý kiến chưa hài lòng của các cổ đông thì điều đầu tiên là Ban điều hành phải làm rõ những vấn đề mà các cổ đông, nhóm cổ đông đang thắc mắc; tổng hợp và phân tích rõ quan điểm dựa trên những chứng từ, sổ sách kế toán thực tế của công ty mà Ban điều hành đã xây dựng và lập nên bản báo cáo tài chính đó.

Để tránh sự nghi ngờ, cũng như để chứng minh báo cáo tài chính trung thực thì Ban điều hành có thể mời thêm đơn vị kiểm toán độc lập trao đổi với sự tham gia của tất cả cổ đông.

Ngược lại, với nhóm cổ đông đã phủ quyết báo cáo tài chính do nghi ngờ Ban điều hành không làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn, vì quyền lợi chung của công ty thì họ có thể vận dụng quy định pháp luật ra sao?

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 114, Luật Doanh nghiệp về quyền của cổ đông, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 6 tháng hoặc tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ công ty có quyền xem xét và trích lục sổ biên bản, báo cáo tài chính giữa năm và hằng năm theo mẫu của hệ thống kế toán Việt Nam và các báo cáo của Ban kiểm soát.

Ngoài ra, Khoản 4, Điều 170, Luật Doanh nghiệp quy đinh, cổ đông sở hữu cổ phần của công ty liên tục ít nhất 1 năm có quyền tự mình hoặc cùng với luật sư hoặc kế toán và kiểm toán viên có chứng chỉ hành nghề trực tiếp xem xét báo cáo tài chính năm trong thời gian hợp lý.

Do vậy, trường hợp có sự nghi ngờ Ban điều hành không làm đúng nhiệm vụ, quyền hạn thì vì lợi ích công ty, cổ đông hoặc nhóm cổ đông nêu trên có thể tự mình hoặc cùng với luật sư hoặc kế toán và kiểm toán viên trực tiếp xem xét báo cáo tài chính, hoặc yêu cầu Ban kiểm soát kiểm tra tính hợp lý, trung thực của công tác kế toán, tính hệ thống thống kê, lập báo cáo tài chính của công ty để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Trong trường hợp báo cáo tài chính có sai sót thì liệu công ty kiểm toán có trách nhiệm gì không? Thực tế, trên thị trường đã từng xảy ra các vụ việc, ví dụ Gỗ Trường Thành thiếu hàng tồn kho gần nghìn tỷ đồng.

Trong trường hợp báo cáo tài chính có sai sót, để có thể đánh giá chính xác phạm vi trách nhiệm của công ty kiểm toán, theo tôi phải dựa trên nhiều yếu tố, cụ thể có thể xem xét trên khía cạnh quyền, nghĩa vụ của cả hai bên.

Phải xác định phạm vi công việc trong hợp đồng kiểm toán giữa bên được kiểm toán và đơn vị kiểm toán; căn cứ vào việc cung cấp tài liệu của đơn vị được kiểm toán đã đầy đủ, chính xác hay chưa và có hay không có sự thông đồng giữa Ban điều hành công ty và đơn vị kiểm toán; hoặc trong trường hợp không xem xét những cảnh báo, những đề nghị mà đơn vị kiểm toán đã đưa ra khi phát hiện ra sai sót.

Trên cơ sở tất cả những căn cứ đó mới có thể xác định được có hay không trách nhiệm của công ty kiểm toán liên quan đến việc báo cáo tài chính sai sót và mức độ, phạm vi trách nhiệm của đơn vị kiểm toán.

Trường hợp việc báo cáo tài chính sai sót có liên quan đến trách nhiệm của đơn vị kiểm toán thì tùy thuộc vào mức độ vi phạm mà đơn vị kiểm toán, cá nhân liên quan có thể bị xử lý: cảnh cáo; phạt tiền; có thể bị thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, đình chỉ đăng ký hành nghề hoặc cấm tham gia hoạt động kiểm toán độc lập; bồi thường thiệt hại (nếu có) và có thể bị xử lý hình sự theo quy định pháp luật.

Trong tình hình doanh nghiệp tồn tại hai nhóm cổ đông đối trọng và không thương lượng được với nhau thì doanh nghiệp sẽ bị tác động tiêu cực đến đâu? Theo ông, giải pháp tốt nhất cho sự phát triển doanh nghiệp và cho lợi ích chung của cổ đông là gì?

Với tình hình mâu thuẫn, bất đồng giữa các cổ đông không thể thương lượng sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với doanh nghiệp. Như đã đề cập ở trên, việc mâu thuẫn nội bộ dẫn đến công tác quản lý, điều hành công ty không hiệu quả; uy tín công ty giảm sút; các cổ đông, nhà đầu tư, đối tác mất niềm tin… Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn, đó là tổ chức lại doanh nghiệp, giải thể doanh nghiệp.

Do đó, theo tôi, giải pháp tốt nhất là sử dụng biện pháp mềm dẻo, hai bên cố gắng dàn xếp, phân tích, đánh giá và mời công ty kiểm toán độc lập khác thẩm định một cách khách quan để có căn cứ xây dựng lại báo cáo tài chính hợp lý theo quy định pháp luật, đảm bảo cho sự phát triển và vì lợi ích chung của công ty.

Tin bài liên quan