Ngành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Không gian tăng trưởng rộng

Ngành nguyên liệu thức ăn chăn nuôi: Không gian tăng trưởng rộng

(ĐTCK) Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, sản xuất công nghiệp 10 tháng đầu năm tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, là một trong những điểm sáng của nền kinh tế. Trong đó, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, mặc dù đang gặp nhiều thử thách, vẫn đạt kết quả tăng trưởng tích cực.

Tăng trưởng ngoài dự đoán

Ngành thức ăn chăn nuôi 10 tháng đầu năm nay tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm 2016. Con số này vượt dự báo của các tổ chức chuyên môn, chẳng hạn, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) ước tính, trong năm 2017, tổng nhu cầu thức ăn chăn nuôi (TACN) của Việt Nam vào khoảng 29,1 triệu tấn, giảm khoảng 15% so với năm 2016. Trong khi con số mà Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam đưa ra là 24,73 triệu tấn.

Diễn biến của thị trường cho thấy, nhu cầu về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao, đặc biệt là các sản phẩm ngô, lúa mỳ, bột cá (FM)… Lượng nhập khẩu nguyên liệu tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử, khối lượng bột đậu tương nhập khẩu năm 2017 ước đạt 5,8 triệu tấn, tăng 200.000 tấn; ngô 5,7 triệu tấn, lúa mỳ 2,6 triệu tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Tăng mạnh nhất trong cơ cấu các loại thức ăn chăn nuôi là thức ăn thủy sản, ước hơn 400.000 tấn.

Với định hướng tập trung mạnh cho ngành nuôi trồng thủy sản của Chính phủ được thể hiện tại Hội nghị thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực đồng bằng sông Cửu Long gần đây, ngành thức ăn thủy sản đang có cơ hội tăng trưởng lớn, nhất là tại các lĩnh vực sản xuất thức ăn cho tôm như bột cá, chế phẩm vi sinh...

Phân hóa mạnh

Báo cáo của Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết, hiện cả nước có 218 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, tổng sản lượng đạt hơn 23 triệu tấn, trong đó các doanh nghiệp trong nước chiếm 40% thị phần, còn lại là các doanh nghiệp FDI. Các cam kết hội nhập thương mại khiến cho việc nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đang ngày một dễ dàng hơn, đặc biệt là việc nhập khẩu nguyên liệu. Do đó, mức độ cạnh tranh trong ngành ngày một quyết liệt.

Bên cạnh đó, một chuyển biến đáng chú ý là sự phân hóa đang diễn ra mạnh mẽ giữa các doanh nghiệp, khi nhóm dẫn đầu bất chấp khó khăn chung đạt mức tăng trưởng 2 con số, gấp nhiều lần so với mức tăng trưởng bình quân của ngành.

Rộ trào lưu ra nước ngoài thuê đất trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi

Đơn cử, Công ty cổ phần Dabaco, doanh nghiệp nội có tên tuổi trong ngành thức ăn cho lợn, gia cầm cho biết, năm 2016, sản lượng thức ăn chăn nuôi tiêu thụ đạt 115% kế hoạch năm và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2017, Công ty đặt mục tiêu sản xuất 510.000 tấn.

Thậm chí, Dabaco còn có kế hoạch đầu tư xây dựng thêm 2 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi công suất 45 tấn/giờ/nhà máy tại Hà Tĩnh và Phú Thọ với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng, với mục tiêu đến năm 2019, tổng công suất các nhà máy đạt 1,5 triệu tấn/năm.

Tương tự, doanh nghiệp đầu ngành về lĩnh vực bột cá là Công ty cổ phần Kiên Hùng ghi nhận lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2017 ở riêng mảng nguyên liệu bột cá đạt 24,3 tỷ đồng, tăng trưởng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện nhà máy bột cá của Công ty Kiên Hùng có công suất thiết kế lớn nhất tại Việt Nam đạt 33.000 tấn/năm, doanh thu từ bột cá khoảng 500 tỷ đồng/năm. Hai nhà máy bột cá nằm ở hai vùng nguyên liệu khác nhau, có vị trí địa lý gần cảng khai thác nên chi phí vận chuyển thấp và chất lượng cá tốt, giúp đảm bảo nguồn cung ổn định cho nhà máy.

Không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước, Kiên Hùng còn sớm tính đến chuyện đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế nên đã đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại, xây dựng quy trình đảm bảo, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, với cơ cấu sản phẩm đa dạng gồm các loại đạm 55%, 60%, 65%, 67%.

Nhờ vậy, khách hàng nội địa của Công ty hiện chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam (Tong Wei, Cargill, Greenfeed). Đồng thời, Công ty có thể xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Hàn Quốc, Bangladesh...

Đề cập đến tầm quan trọng của thức ăn chăn nuôi đối với ngành tôm, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Phú cho biết, sản phẩm của các doanh nghiệp lớn, có uy tín sẽ ngày càng có ưu thế. Bởi ngành tôm thời gian qua từng thấm nỗi đau, một số nhà máy sản xuất thức ăn tôm thay đạm động vật (bột cá) bằng đạm thực vật như bột sắn (khoai mì), bột ngô, bột đậu nành…

Loại thức ăn này khó tiêu hoá, làm yếu hệ tiêu hoá của tôm và làm tôm dễ chết, dẫn đến thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Đây là bài học cho các công ty trong việc lựa chọn đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi.

Tin bài liên quan