Hôm qua, 9/1, VIB đã đưa  hơn 564,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM

Hôm qua, 9/1, VIB đã đưa hơn 564,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM

Ngân hàng “phân vân” giữa sàn UPCoM và niêm yết

(ĐTCK) Dưới áp lực tuân thủ Thông tư 180/2015 của Bộ Tài chính, nhiều nhà băng đã đưa cổ phần lưu ký trên Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) và dự kiến trình cổ đông cả phương án đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM và sàn niêm yết chính thức trong mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) tới đây.

Khó từ chối UPCoM

Theo Thông  tư số 180/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống giao dịch cho chứng khoán chưa niêm yết, các công ty đại chúng có cổ phần chưa được niêm yết  trên sở giao dịch chứng khoán phải thực hiện đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM không muộn hơn ngày 31/12/2016.

Ngày 9/1, VIB đã đưa hơn 564,4 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCoM với giá tham chiếu 17.000 đồng/CP. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu VIB đạt 18.500 đồng/CP. Đây là cổ phiếu ngân hàng đầu tiên lên sàn theo “sóng” Thông tư 180.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, nhiều nhà băng cho biết, việc đăng ký giao dịch chứng khoán trên hệ thống UPCoM sẽ sớm được triển khai sau khi trình Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua trong kỳ họp 2017 diễn ra trong quý I, II năm nay.

Kienlongbank đã chốt danh sách cổ đông làm thủ tục đăng ký chứng khoán tại VSD và đăng ký giao dịch trên UPCoM và đã được chấp thuận vào cuối tháng 11/2016.

Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank cho biết, việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM là bắt buộc, còn đối với niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE, HNX sẽ giúp nâng cao hình ảnh minh bạch của Ngân hàng cũng như tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu của cổ đông. Tuy nhiên, việc niêm yết trên sàn niêm yết chính thức phải chọn thời điểm thích hợp để đem lại lợi ích tối đa cho cổ đông. Tại ĐHĐCĐ thường niên 2017 tới đây, HĐQT Kienlongbank sẽ trình cổ đông về vấn đề này.

Trong khi đó, VietA Bank cho biết, Ngân hàng đang xúc tiến các thủ tục để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM.

Hiện vẫn còn nhiều nhà băng như Nam A Bank, SCB, HDBank, TPBank, Viet Capital Bank, VietBank, SaigonBank… chưa có thông tin chính thức về việc đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM, cho dù trước đó một số ngân hàng đã rầm rộ công bố lên sàn.

Theo ông Andy Ho, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, việc đưa cổ phiếu lên sàn giúp các ngân hàng nâng cao tính minh bạch cũng như tạo sự cạnh tranh, tuy nhiên, vẫn được tiến hành chậm chạp. Ngoài nguyên nhân thị trường chưa thuận lợi, còn xuất phát từ… tâm lý e ngại của các nhà băng. 

Nhưng “chưa phải thời điểm niêm yết”

Theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tất cả các ngân hàng, không phân biệt là công ty đại chúng hay không, đều phải đăng ký giao dịch trên UPCoM, chứ không bắt buộc sàn chứng khoán chính thức, nhằm nâng cao tính minh bạch trong các giao dịch mua bán cổ phiếu cũng như hoạt động. Tuy nhiên, một số nhà băng thay vì lên UPCoM đã xin ý kiến cổ đông thông qua việc sớm niêm yết trên HOSE hoặc HNX.

Chủ tịch HĐQT OCB, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết, Hội đồng quản trị Ngân hàng đang chuẩn bị các thủ tục để lên niêm yết trên sàn HOSE, sẵn sàng trình cổ đông vào thời điểm phù hợp. Theo ông Tuấn, việc niêm yết sẽ tạo thanh khoản tốt hơn cho cổ phiếu.

Với VPBank, cuối tháng 12/2016, ĐHĐCĐ Ngân hàng đã chấp thuận tờ trình của Hội đồng quản trị việc đăng ký cổ phiếu tại VSD; đồng thời chấp thuận việc đăng ký giao dịch cổ phiếu VPBank trên UPCoM hoặc niêm yết cổ phiếu trên HOSE, HNX.

Theo lý giải của VPBank, việc đưa cổ phiếu VPBank lên niêm yết sẽ có nhiều ưu điểm hơn so với đăng ký giao dịch UPCoM, mặc dù việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Do đó, VPBank đã trình cổ đông phương án đăng ký giao dịch trên UPCoM để có thể đăng ký giao dịch trước khi hoàn tất các thủ tục để niêm yết…

Đánh giá được đưa ra từ TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường đại học Mở TP.HCM, việc một số nhà băng có kế hoạch niêm yết trên sàn chính thức, bỏ qua UPCoM là động thái tốt cho cổ phiếu ngân hàng. Tuy nhiên, thời gian thực hiện của các ngân hàng vẫn phụ thuộc vào thị trường.

Lãnh đạo nhiều nhà băng cũng cho rằng, việc niêm yết cần có thời điểm thích hợp mới có thể nâng cao thanh khoản cổ phiếu. Hiện có 9 mã cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên HOSE và HNX (VCB, CTG, BID, ACB, EIB, STB, MB, SHB, NCB), nhưng thực tế chỉ với cổ phiếu các nhà băng lớn mới hấp dẫn.

Giá cổ phiếu ngân hàng khó bật tăng, nhất là ở các nhà băng nhỏ đang phải đối mặt dự phòng cao và không loại trừ làn sóng M&A khi ngành đẩy mạnh tái cấu trúc. Cổ phiếu của nhiều nhà băng nhỏ chủ yếu đang giao dịch trên sàn OTC ở mức dưới mệnh giá.  

Tin bài liên quan