Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2018 đến nay, có 16 doanh nghiệp niêm yết trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE), trong đó 7 doanh nghiệp niêm yết mới, với nhiều cái tên đáng chú ý như Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (mã HDB), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (mã TPB), CTCP Dịch vụ hàng không Taseco (mã AST), CTCP Vinhomes (mã VHM)…
Cùng với đó, thị trường còn ghi nhận nhiều phiên phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) thành công như phiên IPO của Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR), CTCP Điện lực dầu khí Việt Nam (mã POW), Tổng công ty Dầu Việt Nam (mã OIL), Tổng công ty Thanh Lễ (mã TLP)…
Nếu như năm 2017, hầu như cổ phiếu mới lên sàn chứng khoán là tăng giá và duy trì được đà tăng giá dài hạn, thì sang năm 2018, hiệu ứng này đã “chuyển hướng”. Nhiều nhà đầu tư đuổi theo các con sóng niêm yết đang phải chấp nhận những khoản lỗ không nhỏ, theo đà rơi của thị trường.
Ngày 5/1, 980 triệu cổ phiếu HDB chào sàn HOSE với giá 33.000 đồng/cổ phiếu và sau khoảng 3 tháng niêm yết, mã này có thời điểm đã tăng lên 51.000 đồng/cổ phiếu, tức tăng gần 55%. Ở thời điểm đó, những nhà đầu tư thực hiện chốt lời và dừng lại đã kiếm bộn tiền, song việc họ bán ra đồng nghĩa với việc có một lực lượng nhà đầu tư tương xứng mua cổ phiếu của doanh nghiệp này ở vùng giá 51.000 đồng/cổ phiếu.
Từ đỉnh này, mã HDB đã giảm mạnh trở lại, về lại mức 32.800 đồng/cổ phiếu (giá chốt ngày 28/5), tức thấp hơn cả mức giá ngày chào sàn.
Nhà đầu tư Phạm Anh Thái chia sẻ, ông từng kiếm tốt trong năm 2017 khi mua đón sóng cổ phiếu VJC của CTCP Hàng không Vietjet sau ngày chào sàn. Cổ phiếu này có 3 phiên tăng trần liên tiếp với lượng dư mua lớn sau khi chào sàn với mức giá 90.000 đồng/cổ phiếu vào ngày 28/2/2017.
Đà tăng của VJC nối dài và kết thúc ở mức 199.000 đồng/cổ phiếu vào cuối năm 2017. Với diễn biến này, cổ phiếu VJC trở thành một trong những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trên sàn niêm yết trong năm 2017, mang lại lợi nhuận cho nhiều nhà đầu tư may mắn.
Tuy nhiên, mua vào cổ phiếu HDB thì lại lỗ. Ông Thái chọn mã này khi giá cổ phiếu xác lập đà tăng, “vào hàng” ở giá 45.000 đồng/cổ phiếu. Dù biết so với nhiều mã ngân hàng khác, giá 45.000 đồng/cổ phiếu HDB là cao, nhưng ông vẫn tin vào khả năng giữ giá của cổ phiếu sau chào sàn. Cho đến hiện tại, ông chia sẻ, ông đang phải chịu khoản lỗ trên 30%.
Một mã khác là AST niêm yết cùng thời điểm với HDB (ngày 4/1), sau khi tăng từ mức giá 45.000 đồng/cổ phiếu ngày chào sàn lên gần 85.000 đồng/cổ phiếu (ngày 9/3), cũng đã giảm giá mạnh trở lại. Đóng cửa phiên 28/5, cổ phiếu AST đứng ở mức 63.000 đồng/cổ phiếu. Những nhà đầu tư “vào hàng” ở quanh vùng đỉnh giá này cũng phải chịu lỗ đau.
Mã giảm mạnh nhất sau chào sàn là cổ phiếu TPB. Mã này đóng cửa phiên 28/5 ở mức 27.100 đồng/ cổ phiếu, giảm gần 16% so với mức giá ngày chào sàn (19/4) là 32.000 đồng/cổ phiếu. Biến động giá của mã này cho thấy, tất cả các nhà đầu tư mua trên sàn đều lỗ, tính đến thời điểm hiện nay.
Trên thị trường UPCoM, những cổ phiếu được kỳ vọng như BSR, POW, OIL… cũng giảm giá mạnh, bất chấp sự phục hồi của giá dầu và kết quả kinh doanh tăng trưởng. Thực tế này khiến các nhà đầu tư mua cổ phiếu từ đợt IPO đến nay đã phải chịu lỗ.
Bài học từ thực tế khiến nhiều nhà đầu tư chia sẻ, họ không còn quá “phấn khích” trước cơ hội từ những thương vụ niêm yết mới. Khi mua cổ phiếu mới, thực ra, nhà đầu tư chỉ hiểu và tin doanh nghiệp một phần, phần lớn còn lại là tin vào khả năng “đỡ giá” trong thời gian dài của nhóm các cổ đông lớn.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải doanh nghiệp nào lên sàn cũng được giữ vững giá, dù bản thân lãnh đạo doanh nghiệp rất muốn duy trì giá trị cổ phiếu, cũng như vốn hóa thị trường của doanh nghiệp.
Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh TTCK đang liên tiếp giảm mạnh như hiện tại, nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến đầu tư giá trị, chứ không nên đầu tư theo trào lưu. Theo đó, mức giá chào sàn chỉ là một yếu tố cần xem xét, nếu không đủ “rẻ” thì không nên tin vào sóng “lên sàn”.